Mục lục bài viết
- 1. Cưỡng bức lao động là gì?
- 2. Quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về “cưỡng bức lao động”
- 2.1. Luật quốc tế về cưỡng bức lao động
- 2.2. Pháp luật Việt Nam về lao động cưỡng bức
- 3. Cưỡng bức lao động bị xử phạt như thế nào?
- 3.1. Xử phạt hành chính
- 3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức lao động
- 4. Tìm hiểu về tội cưỡng bức trong lao động
- 5. Câu hỏi thường gặp về cưỡng bức lao động
- 5.1 Những hành vi có tính chất cưỡng bức lao động sẽ không bị coi là cưỡng bức lao động khi nào?
- 5.2 Bị cưỡng bức lao động có quyền nghỉ việc không?
- 5.3 Các chế tài xử lý hành vi cưỡng bức lao động là gì?
Thưa luật sư, xin luật sư cho biết lao động cưỡng bức là gì? Pháp luật quốc tế và Việt Nam quy định như thế nào về lao động cưỡng bức? Trách nhiệm hình sự đối với hành vi cưỡng bức lao động được quy định ra sao? Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Đoàn Trang - Thanh Hóa
>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Căn cứ quy định của Bộ luật lao động năm 2019 và Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có thể phân tích chi tiết như sau:
1. Cưỡng bức lao động là gì?
Cưỡng bức lao động là (Người sử dụng lao động) buộc người lao động làm việc vượt quá những yêu cầu, điều kiện mà hai bên đã cam kết thoả thuận trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể.
Cưỡng bức lao động là hành vi vi phạm pháp luật lao động, theo đó, người lao động bị cưỡng bức lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
2. Quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về “cưỡng bức lao động”
2.1. Luật quốc tế về cưỡng bức lao động
Cưỡng bức lao động là một nội dung thuộc tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được ghi nhận trong 2 Công ước: Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc năm 1930, Việt Nam phê chuẩn 5/3/2007; Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1957, Việt Nam phê chuẩn 8/6/2020.
Khoản 1 Điều 2 Công ước số 29 xác định: Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” là chỉ mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó và bản thân người đó không tự nguyện làm.
Để nhận diện các hành vi được xác định là lao động cưỡng bức, tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên thực thi pháp luật, Tổ chức Lao động quốc tế đã ban hành ấn phẩm “Các dấu hiệu nhận biết lao động cưỡng bức” trong Chương trình hành động đặc biệt phòng, chống lao động cưỡng bức. Theo đó, một số dấu hiệu nhận diện được xác định bao gồm: Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; lừa gạt; hạn chế đi lại; bị cô lập; bạo lực thân thể và tình dục; dọa nạt, đe dọa; giữ giấy tờ tùy thân; giữ tiền lương; lệ thuộc vì nợ; điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng; làm thêm giờ quá quy định.
Thêm vào đó, Công ước số 105 năm 1957 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức một lần nữa yêu cầu mọi nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế phê chuẩn Công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó:
(i) Như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập;
(ii) Như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế;
(iii) Như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
(iv) Như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công;
(v) Như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.
2.2. Pháp luật Việt Nam về lao động cưỡng bức
Ở Việt Nam, lao động cưỡng bức đã được ghi nhận khá cụ thể trong Bộ luật Lao động năm 2019. Khoản 10 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 định nghĩa: Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ.
Kế thừa quy định của Bộ luật Lao động cũ năm 2012, khoản 2 Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 khẳng định: Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động là hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật Việt Nam. Mặt khác, cưỡng bức lao động được coi là một trong những căn cứ để người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại điểm c khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019.
Đối với lao động giúp việc gia đình, khoản 1 Điều 165 Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
Lao động cưỡng bức/lao động không tự nguyện/lao động khổ sai là thuật ngữ chung cho tất cả các công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm giấy sự đe dọa bằng bất cứ hình phạt nào mà người đó không tự nguyện hoặc các hậu quả nặng nề cho bản thân hoặc các thành viên trong gia đình của họ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, thuật ngữ lao động cưỡng bức sẽ không bao gồm: Thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc; phải thực hiện nghĩa vụ công dân; theo bản án của tòa án nhân dân; thực hiện công việc trong trường hợp khẩn cấp (như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…) theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Pháp luật lao động Việt Nam cấm hành vi cưỡng bức lao động, nếu vi phạm đều bị xử lý thậm chí chịu trách nhiệm hình sự.
3. Cưỡng bức lao động bị xử phạt như thế nào?
Cưỡng bức lao động là việc người sử dụng lao động buộc người lao động làm việc vượt quá những yêu cầu, điều kiện mà hai bên đã cam kết thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Theo quy định pháp luật hiện hành, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà người có hành vi cưỡng bức lao động sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3.1. Xử phạt hành chính
Theo Khoản 3 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng thì từ ngày 15/4/2020, trường hợp người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Cụ thể: “3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức lao động
Trường hợp hành vi cưỡng bức lao động của người sử dụng lao động đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ theo mức độ mà người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm.
Cụ thể, Điều 297 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội cưỡng bức lao động như sau:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong những trường hợp:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, trong những trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm, trong những trường hợp:
+ Làm chết 02 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Tìm hiểu về tội cưỡng bức trong lao động
Về khách thể: Tội cưỡng bức lao động xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về sử dụng lao động.
Về chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kì ai đạt độ tuổi luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Mặc dù, khi nhắn đến quan hệ lao động, thông thường người lao động bị cưỡng bức bởi chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc lao động. Nhưng điều luật này không bó hẹp phạm vi chỉ người sử dụng lao động mới có thể trở thành chủ thể thực hiện tội cưỡng bức lao động, mà còn có thể là những người khác có liên quan đến quan hệ lao động này ví dụ như người quản lý, người được chủ sử dụng lao động giao thực hiện các công việc tại cơ sở có sử dụng lao động hoặc giữa chính những người lao động với nhau.
Mặt khách quan của tội cưỡng bức lao động: Hành vi thuộc mặt khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội cưỡng bức lao động là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động. Như vậy, hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm 3 dạng hành vi:
- Hành vi dùng vũ lực: Là sử dụng sức mạnh bạo lực thông qua các hành vi như đấm, đá, tát, đánh, đập tác động bằng ngoại lực vào cơ thể của nạn nhân. Hành vi dùng vũ lực có thể thể hiện dưới nhiều động tác khác nhau và mục đích chính khi sử dụng vũ lực là nhằm ép người khác phải lao động. Điều này để phân biệt với hành vi dùng vũ lực trong các tội khác như cố ý gây thương tích, cưỡng dâm, hiếp dâm…
- Hành vi đe dọa dùng vũ lực: Là việc sử dụng bạo lực tinh thần thông qua các hành vi, hành động hoặc dưới hình thức không hành động nhằm làm cho người lao động lo sợ rằng hành vi sử dụng bạo lực sẽ diễn ra, từ đó buộc họ phải thực hiện việc lao động mà người cưỡng bức lao động đã ép buộc họ tiến hành.
- Thủ đoạn khác: Là việc sử dụng các thủ đoạn ngoài dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, ví dụ như các biện pháp ép buộc về tinh thần, ràng buộc về các điều kiện vật chất, công việc khiến cho người lao động phải miễn cưỡng làm việc theo yêu cầu của người cưỡng bức lao động đặt ra.
Hậu quả của tội phạm này không phải là căn cứ duy nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi cưỡng bức lao động. Người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
Về mặt chủ quan của tội cưỡng bức lao động: Lỗi của người phạm tội cưỡng bức lao động là lỗi cố ý. Nghĩa là, người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
5. Câu hỏi thường gặp về cưỡng bức lao động
5.1 Những hành vi có tính chất cưỡng bức lao động sẽ không bị coi là cưỡng bức lao động khi nào?
Thuật ngữ lao động cưỡng bức sẽ không bao gồm: Thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc; phải thực hiện nghĩa vụ công dân; theo bản án của tòa án nhân dân; thực hiện công việc trong trường hợp khẩn cấp (như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…) theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
5.2 Bị cưỡng bức lao động có quyền nghỉ việc không?
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019 thì: khi bị cưỡng bức lao động, người lao động có quyền nghỉ việc ngay mà không cần báo trước.
5.3 Các chế tài xử lý hành vi cưỡng bức lao động là gì?
- Biện pháp xử lý hành chính: phạt tiền
- Chế tài hình sự theo quy định tại Điều 297 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.