Mục lục bài viết
- 1. Thế nào là hành vi trốn thuế?
- 2. Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế
- 2.1. Điều kiện về khoản tiền trốn thuế
- 2.2. Đáp ứng các yếu tố cấu thành tội trốn thuế
- 3. Biện pháp xử phạt áp dụng đối với hành vi trốn thuế
- 3.1. Biện pháp xử phạt hành chính
- 3.2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
* Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định trốn thuế là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để không phải đóng thuế hoặc đóng thuế ít hơn phần thuế lẽ ra phải đóng.
* Hành vi trốn thuế thể hiện qua một trong các hành vi sau đây:
+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau chín mươi ngày kể từ ngày hết thồi hạn nộp hồ sơ khai thuê theo quy định của pháp luật.
+ Không ghi chép trong sổ kê toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
+ Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.
+ Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuê được miễn, số tiền thuê được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn.
+ Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn.
+ Khai sai với thực tê' hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan trong thời gian sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
+ Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
+ Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.
+ sử dụng hàng hóa được miễn thuế không đúng với mục đích quy định mà không khai thuế.
- Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế:
+ Trốn thuế với số tiền 100 triệu đồng trở lên;
+ Hoặc dưới 100 triệu đồng thì đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193,194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309, 311 Bộ luật hình sự năm 2015 chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định này như sau:
1. Thế nào là hành vi trốn thuế?
Trốn thuế được hiểu là hành vi của cá nhân, tổ chức pháp nhân thực hiện các hành vi, các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số tiền thuế phải nộp theo quy định của đơn vị kinh doanh hoặc trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế. Ví dụ như buôn bán hàng hóa nhưng không xuất hóa đơn để giảm doanh thu hoặc tạo hóa đơn giả nhằm tạo tăng chi phí mua bán và mức khấu trừ thuế, ...
Theo khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, các hành vi được xem là hành vi trốn thuế như sau:
- Đối tượng bị vi phạm là hồ sơ thuế:
+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật.
+ Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
- Đối tượng bị vi phạm là hóa đơn bán hàng
+ Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
+ Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
+ Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
Như vậy, ngoài hành vi không nộp thuế thì hành vi mua bán trái phép hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong việc khai thuế thì đều là hành vi trốn thuế.
2. Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế
Để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trốn thuế, người tiếp nhận vụ việc cần xác minh trên một số điều kiện như sau:
2.1. Điều kiện về khoản tiền trốn thuế
Có hai mức độ về khoản tiền để người thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
- Thực hiện một trong những hành vi trốn thuế nêu trên với số tiền trốn thuế từ 100.000.000 đồng trở lên.
- Thực hiện hành vi trốn thuế với số tiền trốn thuế dưới 100.000.000 đồng nhưng người vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự hiện hành mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng cấu thành tội trốn thuế và phải chịu trách nhiệm hình sự.
2.2. Đáp ứng các yếu tố cấu thành tội trốn thuế
- Thứ nhất, về chủ thể của tội phạm
Chủ thể tội phạm của tội trốn thuế có thể là một trong hai đối tượng sau:
+ Cá nhân đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự;
+ Pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật quản lý thuế năm 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2019, những đối tượng phải đóng thuế bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật; Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế.
Do đó chủ thể của tội trốn thuế thông thường là các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh, buôn bán nhằm mục đích sinh lời, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, là những người có trách nhiệm,có quyền hạn trong doanh nghiệp. Những người ở các cơ quan liên quan như Hải quan, cơ quan giám định tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế cũng có thể là chủ thể của tội này.
- Thứ hai, về khách thể của tội phạm
Khách thể là các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và cũng là các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại. Khách thể của tội phạm có thể hiểu là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm và là đối tượng bị tội phạm xâm hại. Bất cứ một tội phạm nào thì cũng đều xâm hại một hoặc một vài quan hệ xã hội nhất định được Bộ luật Hình sự bảo vệ.
Hành vi trốn thuế của các chủ thể đã xâm phạm đến các quy định, các chế độ quản lý thuế của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể là xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước thông qua hoạt động thu ngân sách nhà nước dẫn đến thất thu ngân sách, gây thiệt hại tiền thuế cho Nhà nước.
- Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi trốn thuế với lỗi cố ý, mục đích là để không phải nộp thuế hoặc giảm số tiền thuế phải nộp xuống thấp hơn.
- Thứ tư, về mặt khách quan của tội phạm
Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho Nhà nước khi có các điều kiện nhất định. Đóng thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm bắt buộc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Hiện nay ở nước ta có các loại thuế sau đây:
+ Thuế gián thu như: thuế giá trị gia tăng; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt; ...
+ Thuế trực thu như: thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế chuyển quyền sử dụng đất; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế nhà đất (nhà ở, đất ở); thuế môn bài; thuế tài nguyên; ...
Trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, sử dụng các thủ đoạn gian dối để không phải nộp tiền thuế hoặc để nộp tiền thuế ít hơn mức thuế phải nộp. Thủ đoạn trốn thuế được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: không làm sổ sách ghi chép đầy đủ, không kê khai đúng số lượng hàng, tiền để làm cơ sở tính thuế, sửa chữa, làm sai lệch sổ sách, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả để trốn thuế, đăng ký kê khai gian dối…Cụ thể, hành vi trốn thuế là thực hiện một trong các hành vi đã được nêu ở phần phân tích trên.
Về mức độ khoản tiền trốn thuế phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế là:
+ Từ 100.000.000 đồng trở lên
+ Dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 như: tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; ... mà chưa được xóa án tích và còn tiếp tục vi phạm. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội trốn thuế.
3. Biện pháp xử phạt áp dụng đối với hành vi trốn thuế
3.1. Biện pháp xử phạt hành chính
Trường hợp cá nhân hoặc pháp nhân có hành vi trốn thuế nhưng chưa đáp ứng các điều kiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ sẽ bị áp dụng biện pháp khác, đó là phạt hành chính được căn cứ vào Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể như sau:
- Phạt tiền 1 lần số thuế (bằng số tiền thuế) trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu ở mục phân tích trên.
- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
- Phạt tiền 02 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có một tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 2,5 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có hai tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 03 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn;
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
3.2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Khi mức độ của hành vi trốn thuế đáp ứng các điều kiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cá nhân, pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm đó sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố về Tội trốn thuế. Căn cứ vào Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý như sau:
- Bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người thực hiện hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm đối với một trong các tội được nêu tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu người phạm tội thuộc vào một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trốn thuế; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong trường hợp người phạm tội là pháp nhân thương mại thực hiện hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý như sau:
- Bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng khi pháp nhân thương mại đó thực hiện một trong các hành vi trốn thuế quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng khi pháp nhân thương mại phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; phạm tội 02 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm;
- Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
- Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.