1. Khái niệm tài sản công

Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 theo đó thuật ngữ tài sản Nhà nước được sử dụng, khái niệm này được định nghĩa như sau “Tài sản nhà nước là Tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc do pháp luật quy định thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước, bao gồm: trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc; tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Nhà nước và các tài sản khác do pháp luật quy định”, tuy nhiên tài sản Nhà nước trong thực tiễn có phạm vi rất rộng, đồng thời khái niệm này chưa tách bạch được nhiệm vụ quản lý về tài sản nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, vì vậy Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã thay khái niệm “Tài sản nhà nước” bằng khái niệm “Tài sản công”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 về giải thích từ ngữ 

“Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.”

Như vậy việc đưa ra khái niệm tài sản công cụ thể để nhằm phân biệt với các loại tài sản khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc Quản lý, sử dụng tài sản công trong thực tiễn.

2. Phân loại tài sản công

Tài sản công được phân chia thành 07 nhóm bao gồm:

Nhóm 1: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, trừ tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước (gọi là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị).

Nhóm 2: Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với các công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng).

Nhóm 3: Tài sản công tại doanh nghiệp.

Nhóm 4: Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước.

Nhóm 5: Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật bao gồm: Tài sản bị tịch thu; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế và tài sản khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án;

Nhóm 6: Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước.

Nhóm 7: Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Nội dung quản lý Nhà nước về tài sản công

Ngày 01/01/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 chính thức có hiệu lực. Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác. Điều 12 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có quy định nội dung quản lý nhà nước về tài sản công gồm:

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Quản lý việc giao tài sản công; đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

3. Quản lý việc sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

4. Quản lý việc thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản công.

5. Kiểm kê, báo cáo tài sản công.

6. Xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

7. Hợp tác quốc tế về tài sản công.

8. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

9. Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

10. Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quản lý, sử dụng tài sản công.

11. Quản lý hoạt động dịch vụ về tài sản công.

12. Nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Nguyên tắc quản lý và sử dụng tài sản công

Tài sản công thuộc sở hữu toàn dân nhưng lại do Nhà nước đại diện sở hữu đồng quản lý, việc quản lý tài sản công bằng cách Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp cho nhiều loại tài sản khác nhau nhằm bảo vệ chúng tránh khỏi những tác động xấu, đồng thời để mỗi tài sản công đều được sử dụng đúng mục đích đặt ra. Để quản lý và sử dụng tài sản công một cách có hiệu quả pháp luật đã đề ra các nguyên tắc buộc các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng phải tuân theo. 

Theo Điều 6 Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 quy định có 7 nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công sau đây:

Nguyên tắc 1. Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Nguyên tắc 2. Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật.

+ Công cụ tài chính quản lý rủi ro đối với tài sản công: Phòng ngừa, hạn chế rủi ro thông qua việc sử dụng nguồn lực tài chính để xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai và các tình huống bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

+ Bảo hiểm tài sản công: Các tài sản công có giá trị lớn và có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng khác gây ra được mua bảo hiểm để chủ động đối phó có hiệu quả và chuyển giao rủi ro theo quy định, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và pháp luật có liên quan.

Nguyên tắc 3. Tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.

Nguyên tắc 4. Tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc 5. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Nguyên tắc 6. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

Nguyên tắc 7. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

5. Những điểm mới của pháp luật về công tác quản lý tài sản công

          Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật: Luật quản lý, sử dụng TSNN năm 2008 chỉ điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng TSNN khu vực hành chính sự nghiệp, chưa bao quát hết các loại tài sản công cần quản lý, dẫn tới chưa nắm được tổng thể nguồn lực từ tài sản công để có kế hoạch, biện pháp quản lý, khai thác phù hợp, thì Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã điều chỉnh tới tất cả các loại tài sản công được quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bao gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

          Thứ hai, ngoài việc xác định vai trò của tài sản công là để phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, thì Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó quy định các hình thức, phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công bao gồm: Giao quyền sử dụng tài sản; cấp quyền khai thác tài sản; cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản; góp vốn, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước; bán, thanh lý tài sản; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.

          Thứ tư, bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.

          Thứ năm, giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (hiện nay thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.

Thứ sáu, bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức PPP, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại ĐVSNCL; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng; thuê quản lý vận hành tài sản công.

          Thứ bảy, điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan nhà nước theo Luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác như ĐVSNCL tự chủ, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản.

          Thứ tám, đối với tài sản kết cấu hạ tầng: Tất cả các tài sản kết cấu hạ tầng đều phải được giao cho đối tượng quản lý để xác định chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong quản lý đối với loại tài sản này; mọi tài sản kết cấu hạ tầng phải được bảo trì theo quy định, nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và an toàn khi sử dụng. Quy định các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; chế độ quản lý, sử dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hình thức PPP về các nội dung: Bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng để thực hiện dự án PPP, chế độ báo cáo, chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng theo hợp đồng PPP cho Nhà nước.

Thứ chín, quy định một số nội dung quản lý đối với tài sản công do Nhà nước giao cho DN quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại DN để rõ quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tránh sử dụng lãng phí, thất thoát tài sản, cũng như có cơ chế để quản lý, sử dụng, phát triển nhóm tài sản này.

          Thứ mười, quy định việc tổ chức xử lý tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước được thực theo nguyên tắc tập trung để bảo đảm việc xử lý kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả. Quy định các nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; cụ thể hóa các hình thức, phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên (với vị trí là một loại tài sản công quan trọng). Quy định việc hình thành hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, trong đó có hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản công trực tuyến...

Với những điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ đưa công tác quản lý tài sản nhà nước đi vào thực chất, giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận.