Mục lục bài viết
1.Tài sản của công ty hợp danh
Tài sản của công ty hợp danh bao gồm:
Một là: Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyên quyền sở hữu cho công ty
Như đã phân tích, cá nhân, tổ chức khi trở thành thành viên công ty hợp danh phải góp vốn vào công ty. Khi góp vốn, thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của thành viên cho công ty không phải nộp lệ phí trước bạ, nhưng phải thực hiện để đảm bảo công ty có tài sản độc lập với các thành viên. Thành viên có thể góp vốn bằng tiền, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi, giá trị quyền sử dụng đất, máy móc, thiết bị, tài sản hiện vật... Mặc dù công ty hợp danh, các thành viên liên kết với nhau bởi nhân thân, nhưng vì tài sản góp vốn chỉ trở thành tài sản của công ty khi đã được thành viên chuyển quyền sở hữu cho công ty. Do vậy, có thể hiểu rằng, chỉ những tài sản hữu hình mới trở thành tài sản góp vốn của thành viên; còn những tài sản vô hình như kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, uy tín, danh tiếng... của thành viên khó có thể trở thành tài sản góp vốn vào công ty.
Toàn bộ phần vốn góp của thành viên hình thành vốn điều lệ cùa công ty. Vốn điều lệ là phần quan trọng nhất trong tài sản của công ty, là vốn thuộc quyền sở hữu của công ty. Đây là vốn do thành viên đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định. Nếu thành viên góp đủ, vốn điều lệ là toàn bộ phần vốn thành viên đã góp; còn nếu có thành viên không góp hoặc không góp đủ khi hết thời hạn cam kết, vốn điều lệ sẽ bị giảm tương ứng với số vốn không góp đủ hoặc không góp của thành viên, nếu các thành viên khác không góp để bù vào phần thiếu đó.
Hai là: Tài sản tạo lập được mang tên công ty
Công ty hợp danh trong quá trình kinh doanh có thể mua sắm được những tài sản phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của công ty.
Tài sản này được mua bằng tiền của công ty để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của công ty. Do vậy, tài sản này được xác định là tài sản của công ty, được tạo lập mang tên công ty.
Ba là: Tài sản thu được từ hoạt động lành doanh do các thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ các hoạt động kinh doanh của công ty do các thành viên hợp danh nhân danh cả nhãn thực hiện
Tài sản của công ty hợp danh còn bao gồm các tài sản do các thành viên hợp danh thu được từ hoạt động kinh doanh của mình. Hoạt động kinh doanh mà thành viên hợp danh thực hiện có thể nhân danh công ty hoặc nhân danh cá nhân, nhưng phải vì lợi ích của công ty. Khi phát sinh lợi nhuận, lợi nhuận này thuộc tài sản của công ty mà không thuộc tài sản của thành viên hợp danh. Quy định này đã được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, đến Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã được giữ nguyên khẳng định sự linh hoạt trong hoạt động của thành viên hợp danh và sự đa dạng về tài sản của công ty hợp danh
Bốn là: Các tài sản khác theo quy định của pháp luật
Trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh có thể được tặng cho, được tài trợ, được nhận phần thừa kế của thành viên khi thành viên không có người thừa kế... Tất cả những tài sản đó đều là tài sản của công ty, công ty có quyền dùng để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh cũng như chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình.
2. Chuyển nhượng vốn và huy động vốn trong công ty hợp danh
2.1 Chuyển nhượng vốn trong công ty hợp danh
Thành viên công ty hợp danh có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác, khi họ muốn chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của mình. Việc chuyển nhượng phần vốn góp chia thành hai trường hợp:
- Chuyển nhượng cho các thành viên còn lại trong công ty: thành viên hợp danh, thành viên góp vốn được tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên hợp danh, thành viên góp vốn còn lại. Việc chuyển nhượng này không làm phát sinh tư cách thành viên mới cho người nhận chuyển nhượng, cũng không làm thay đổi vốn điều lệ của công ty;
- Chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty: thành viên hợp danh chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người không phải là thành viên công ty khi được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận. Như vậy, việc chuyển nhượng vốn cho người ngoài công ty khá chặt chẽ, vì làm phát sinh tư cách thành viên công ty cho người nhận chuyển nhượng, do đó có thể phá vỡ tính chất liên kết về nhân thân của công ty hợp danh.
2.2 Huy động vốn trong công ty hợp danh
Công ty hợp danh không được phát hành bất ki loại chứng khoán nào để công khai huy động vốn trong công chúng, do vậy, khi có nhu cầu về vốn, công ty hợp danh có thể huy động vốn bằng cách sau:
+ Vay tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước;
+ Vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng;
+ Liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức khác;
+ Nhận viện trợ;
+ Các hình thức tín dụng đặc biệt. Các hình thức huy động vốn này làm tăng vốn hoạt động của công ty, có thể giúp công ty giải quyết những khó khăn về vốn trong kinh doanh, nhưng không làm tăng vốn điều lệ của công ty. So với Công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên, khả năng huy động vốn của công ty hợp danh thấp hơn. Do vậy, công ty hợp danh không thích hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi vốn lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng mà chỉ thích hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi sự liên kết chủ yếu dựa vào nhân thân, vốn góp của thành viên không lớn và không phải là yếu tố quyết định.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập từ các nguồn trên internet)