1. Quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Kỷ luật là quy tắc xử sự chung do cơ quan, tổ chức đặt ra và những cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức đó phải tuân thủ, thực hiện theo nhằm tạo ra sự thống nhất để công việc, kết quả học tập…đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Kỷ luật cũng có thể do cá nhân tự đặt ra cho bản thân. Kỷ luật góp phần đào tạo con người tập trung hướng đến mục tiêu, những gì đã đặt ra. Và cơ hội đến với thành công thường rộng mở hơn với những người có tính kỷ luật.

Kỷ luật luôn song hành với mỗi người dù họ sinh sống ở đâu, trong gia đình, ngoài xã hội, trong nhà trường, nơi làm việc…

Kỷ luật có thể có tính pháp lý hoặc không có tính pháp lý

- Đối với các tổ chức tư nhân: Kỷ luật là quy định cho các thành viên trong tổ chức, công ty/doanh nghiệp; các thành viên trong đó phải thực hiện. Nếu làm trái các quy định đó sẽ bị xử lý kỷ luật bằng cái hình thức tại nội quy đã quy định. Tính kỷ luật ở đây không mang tính pháp lý.

- Đối với cơ quan Nhà nước: Kỷ luật là khuôn mẫu mà các cán bộ, công viên chức phải tuân theo, nếu làm trái các quy tắc sẽ bị xử lý kỷ luật. Lúc này, xử lý kỷ luật mang tính pháp lý.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức với nhiều điểm mới đáng chú ý. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020.

Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu cũng là đối tượng có thể xem xét xử lý kỷ luật

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này áp dụng đối với: Cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, công chức, viên chức và cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

2. Các nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định việc xử lý kỷ luật phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.

- Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

+ Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

+ Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

- Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

- Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

- Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.

- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

3. Các tình tiết tăng nặng trong xử lý kỷ luật công chức

Thực tiễn hiện nay pháp luật không có bất kỳ quy định minh thị nào về các tình tiết tăng nặng áp dụng chung trong xử lý công chức. Trong khi Nghị định 112/2020/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật quy định về Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nhưng lại không có một điều khoản riêng biệt quy định về tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trong xử lý kỷ luật công chức và cả cán bộ, viên chức.

Có thể thấy đây vốn là vấn đề mà khó có thể quy định thành những điều khoản cụ thể. Bởi đối tượng được áp dụng là công chức. Mặt khác, khi xem xét hành vi vi phạm của công chức, cần phải xem xét mọi khía cạnh như nguyên nhân, hậu quả, thái độ của công chức, qua đó chủ thể có thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức mới có thể ra quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cho phù hợp.

Như đã nói ở trên, bởi vì không có một quy định chung nhất về tình tiết tăng nặng trong xử lý kỷ luật công chức. Thế nên, những cơ quan hành chính đã ban hành những văn bản, quyết định riêng có quy định về vấn đề này. Cụ thể như, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2799/QĐ-TCHQ quy định về Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan.

Theo Điều 6 Quyết định này, những tình tiết tăng nặng được xem xét khi xử lý kỷ luật công chức Hải quan gồm:

- Không tự giác nhận khuyết điểm, che dấu hành vi vi phạm do mình gây ra.

- Cản trở, cố tình hủy tài liệu, chứng cứ gây khó khăn trong công tác kiểm tra.

- Vi phạm nhiều lần; tái phạm; thực hiện nhiều hành vi vi phạm; vi phạm có tổ chức.

Ngoài ra, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng. Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm cả công chức Quốc phòng. Trong đó, có quy định các tình tiết tăng nặng khi xử lý kỷ luật đối với công chức Quốc phòng như sau:

- Vi phạm kỷ luật nhiều lần hoặc tái phạm;

- Ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất hoặc tinh thần thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm kỷ luật;

- Tiếp tục vi phạm kỷ luật mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đó;

- Sau khi vi phạm kỷ luật đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm kỷ luật.

Nhận thấy các quy định này đã lấp được khoảng trống khi không có một quy định chung về tình tiết tăng nặng khi xử lý kỷ luật công chức. Tuy nhiên, bởi đây là quyết định của 1 cơ quan tổ chức ban hành để áp dụng cho những chủ thể thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Thế nên, các cơ quan tổ chức khác khi xử lý kỷ luật công chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình, không được áp dụng và viện dẫn các quy định trong quyết định này.

Bên cạnh các Quyết định, Thông tư riêng do mỗi cơ quan ban hành, thì có thể xem xét những điều khoản trong Quy định số 102-QĐ/TW do Ban chấp hành Trung Ương ban hành quy định về Xử lý kỷ luật Đảng viên. Như vậy, khi một công chức là Đảng viên có hành vi vi phạm, thì chủ thể có thẩm quyền xử lý sẽ vừa căn cứ vào Quy định số 102-QĐ/TW và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP để xử lý kỷ luật. Trong đó, việc kỷ luật Đảng sẽ căn cứ theo Quy định số 102-QĐ/TW, còn kỷ luật hành chính sẽ căn cứ vào Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.

Một công chức là Đảng viên khi có vi phạm thì vừa phải chịu xử lý kỷ luật với tư cách là một Đảng viên và vừa phải chịu xử lý kỷ luật với tư cách là một công chức, điều này đã thể hiện rõ tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP khi quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức. Theo đó, tại Điều 4 Quy định 102-QĐ/TW đã ghi nhận về các tình tiết tăng nặng mức kỷ luật đối với Đảng viên là công chức có hành vi vi phạm gồm:

- Đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở mà không sửa chữa.

- Quanh co, che giấu hoặc không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm.

- Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc người cung cấp chứng cứ vi phạm.

- Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, lập hồ sơ, chứng cứ giả.

- Đối phó, cản trở, gây khó khăn, trở ngại trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.

- Vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, thực hiện chính sách xã hội và an ninh, quốc phòng.

- Vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả.

- Vi phạm nhiều lần, có hệ thống, bị xử lý kỷ luật nhiều lần.

- Vi phạm có tổ chức; là người chủ mưu, khởi xướng hành vi vi phạm.

- Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm.

- Ép buộc, hướng dẫn hoặc tạo điều kiện cho người khác tạo lập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả; che giấu, sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu.

Như vậy, có thể thấy bởi vì không có quy định chung cho các tình tiết tăng nặng trong xử lý công chức, cho nên chủ thể có thẩm quyền xử lý cần có sự phân hóa cụ thể về tính chất, mức độ, để từ đó quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cho phù hợp. Cũng như phải tuân thủ các nguyên tắc mà pháp luật đã quy định khi xử lý kỷ luật công chức. Như tại khoản 8 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã quy định công chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật. Theo đó, quy định này vừa là nguyên tắc vừa là trường hợp được xác định là tình tiết tăng nặng.

4. Các tình tiết giảm nhẹ trong xử lý kỷ luật công chức

Bên cạnh các tình tiết tăng nặng khi xử lý kỷ luật công chức là những tình tiết giảm nhẹ. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong xử lý kỷ luật công chức được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Theo đó, khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

Tương tự như tình tiết tăng nặng, pháp luật cũng không có bất kì điều khoản rõ ràng nào quy định về vấn đề này. Do đó, để lấp đi khoảng trống này, các cơ quan, tổ chức hành chính có thể tự ban hành những quy định áp dụng riêng cho công chức thuộc ngành quản lý của mình. Cụ thể, tương tư như các tình tiết tăng nặng, nghiên cứu Quyết định 2799/QĐ-TCHQ, tại Điều 6 đã quy định về các tình tiết giảm nhẹ được xem xét khi xử lý kỷ luật công chức Hải quan như sau:

- Người vi phạm đã chủ động báo cáo hành vi vi phạm, tự giác nhận khuyết điểm.

- Chủ động khắc phục hậu quả vi phạm; tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

- Vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động báo cáo.

Cũng cần xác định rõ, các quy định này chỉ áp dụng đối với công chức Hải quan mà không được áp dụng hay viện dẫn khi xử lý kỷ luật đối với công chức thuộc những ngành khác.

Đồng thời, xem xét Thông tư 16/2020/TT-BQP cũng có quy định về các tình tiết giảm nhẹ khi xử lý kỷ luật công chức Quốc phòng:

- Người vi phạm kỷ luật đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

- Người vi phạm kỷ luật đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm kỷ luật;

- Vi phạm kỷ luật do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần; vi phạm trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, khi một công chức đồng thời là một Đảng viên, thì ngoài xử lý kỷ luật hành chính theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, còn bị xử lý kỷ luật Đảng. Theo khoản 1 Điều 4 Quy định 102-QĐ/TW, những tình tiết giảm nhẹ khi xử lý kỷ luật Đảng viên là công chức:

- Chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm trước khi bị phát hiện.

- Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm.

- Chủ động khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.

- Vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động báo cáo với tổ chức.

- Vi phạm do phải thực hiện chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của cấp trên.

Cùng với đó, khi nghiên cứu khoản 4 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, thông qua “thái độ tiếp thu và sửa chữa”, “việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra” cũng được dùng nhằm xác định các tình tiết được xem là tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

Về mặt nguyên tắc, khi xử lý kỷ luật công chức, phải bắt buộc xem xét đến những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Tuy nhiên, bởi vì không có bất kỳ sự quy định minh thị, rõ ràng nào về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ áp dụng chung khi xử lý kỷ luật công chức. Do đó, việc quyết định áp dụng hình thức kỷ luật nào, phụ thuộc rất lớn từ hành vi vi phạm và quyết định của chủ thể có thẩm quyền xử lý. Do đó, trong quá trình xử lý kỷ luật, chủ thể có thẩm quyền không chỉ căn cứ vào hậu quả của hành vi, mà còn phải xác định các yếu tố liên quan đến nhận thức, động cơ, mục đích, nhân thân, hoàn cảnh xảy ra vi phạm… để định lượng chính xác mức độ nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

5. Các hình thức xử lý kỷ luật công chức

Về các hình thức xử lý kỷ luật công chức được quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, theo đó;

1. Áp dụng đối với cán bộ

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Cách chức.

d) Bãi nhiệm.

2. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Hạ bậc lương.

d) Buộc thôi việc.

3. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Giáng chức.

d) Cách chức.

đ) Buộc thôi việc.

Tùy theo mỗi hành vi vi phạm mà công chức đã thực hiện, sẽ có các hình thức phù hợp tương ứng, được quy định từ Điều 8 đến Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.