Mục lục bài viết
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
1. Hợp đồng đại lý là gì ?
Hợp đồng đại lý là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, một bên (bên đại lý) được sự ủy quyền của bên kia (bên giao đại lý) cam kết nhân danh bên giao đại lý thực hiện một hoặc nhiều giao dịch theo sự ủy quyền và vì lợi ích của bên kia để được nhận một khoản tiền thù lao do các bên thỏa thuận.
2. Đặc điểm của hợp đồng đại lý
+ Hợp đồng đại lý thực chất là một loại hợp đồng song vụ, có đền bù, chủ thể của hợp đồng có thể là công dân hoặc tổ chức. Bên đại lý bán hàng hóa hoặc mua hàng cho bên giao đại lý để nhận thù lao. Trong quan hệ hợp đồng đại lý, lợi ích bên đại lý được hưởng là thù lao mà xét dưới khía cạnh pháp lý thì khoản tiền này chính là thù lao dịch vụ mà bên giao đại lý phải thanh toán cho bên đại lý do sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa của bên đại lý. Bên giao đại lý và bên đại lý phải là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp hoặc cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Bên giao đại lý là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua. Đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký kết hợp đồng đại lý sau khi được cơ quan chức năng cho phép. Để hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa có hiệu lực pháp luật thì các bên phải có năng lực chủ thể thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
+ Bên nhận đại lý là bên nhận một hay nhiều giao dịch bằng chi phí và lợi ích của bên kia. Bên giao đại lý là bên công dân hoặc pháp nhân, là bên ủy quyền cho bên kia thực hiện một hay nhiều giao dịch. Trong nhiều trường hợp bên đại lý phải là các tổ chức do pháp luật quy định và hoạt động đại lý phải phù hợp với năng lực pháp luật của tổ chức đó. Pháp luật nước ta thừa nhận môt số hoạt động đại lý của công dân như đại lý xổ số, đại lý sách báo, nhưng có những trường hợp đại lý do Nhà nước độc quyền như đại lý tàu biển. Theo quy định tại khoản 7 Điều 175 Luật Thương mại năm 2005 có quy định: Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó. Như vậy, khi xem xét quyền lợi được giao kết với bên thứ ba của bên đại lý, trước tiên phải xét loại hàng hóa, dịch vụ các bên thỏa thuận có thuộc đối tượng pháp luật quy định chỉ được giao kết với một bên giao đại lý. Các đối tượng này được quy định trong pháp luật chuyên ngành riêng, ví dụ như các hàng hóa như xăng, kinh doanh bảo hiểm, ... Khi các đối tượng hợp đồng đại lý không thuộc đối tượng tại khoản 7 Điều 175 phải xem xét các bên có thỏa thuận điều khoản hạn chế giao kết với bên thứ ba hay không. Nếu trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận về các điều khoản hạn chế giao kết hợp đồng đại lý, bên đại lý có quyền giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý.
+ Trong hợp đồng đại lý, bên nhận đại lý tham gia vào hai quan hệ pháp luật khác nhau. Quan hệ bên trong là quan hệ giữa bên giao đại lý và bên đại lý, quan hệ bên ngoài là quan hệ giữa bên đại lý và bên thứ ba để trao đổi, giao dịch. Vì vậy mọi quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch, ký kết giữa bên đại lý và người thứ ba đều do người đại lý chịu trách nhiệm. Cơ sở để bên đại lý bán hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lý là sự ủy nhiệm quyền mua, bán hàng hóa của bên giao đại lý. Đặc điểm này của hợp đồng đại lý khác hoàn toàn các hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường. Đặc trưng hợp đồng mua bán hàng hóa là sự chuyển quyền sở hữu hàng hóa cũng như chuyển giao rủi ro từ người bán sang cho người mua, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Còn trong quan hệ đại lý mua bán hàng hóa cho bên đại lý thì bên nhận đại lý chỉ chuyển quyền chiếm hữu hàng hóa cho bên đại lý. Bên nhận đại lý chỉ có vai trò là người trung gian giữa bên giao đại lý và khách hàng. Với tư cách là chủ sở hữu của hàng hóa, bên giao đại lý được toàn quyền định đoạt đối với hàng hóa của mình cũng như phải chịu rủi ro đối với hàng hóa cũng như gánh chịu mọi trách nhiệm với khách hàng về chất lượng của hàng hóa, trừ trường hợp hàng hóa hư hỏng do lỗi của bên nhận đại lý.
+ Giao dịch mà người đại lý thực hiện với người thứ ba được áp dụng theo những quy định của các loại hợp đồng cụ thể như: Hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng khoán việc.
+ Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
3. Nội dung và hình thức của hợp đồng đại lý.
* Nội dung của hợp đồng đại lý là phần không thể thiếu trong hợp đồng đại lý bao gồm quyền và nghĩa vụ của bên đại lý và bên giao đại lý, cụ thể như sau:
- Nghĩa vụ của bên đại lý: (căn cứ theo điều 175 luật thương mại năm 2005)
- Quyền của bên đại lý (căn cứ điều 174 Luật Thương mại năm 2005)
- Nghĩa vụ của bên giao đại lý (căn cứ điều 173 Luật Thương mại năm 2005)
- Quyền của bên giao đại lý (căn cứ điều 172 Luật Thương mại năm 2005)
- Quy đinh về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý.
- Quy định về hình thức và phương thức thanh toán
* Hình thức của hợp đồng đại lý (căn cứ theo điều 169 Luật Thương mại năm 2005)
- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
- Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến việc lập hợp đồng đại lý hoặc các vấn đề pháp lý liên quan, Hãy liên hệ trực tiếp với luật sư của Công ty luật Minh Khuê qua số điện thoại tư vấn pháp luật trực tuyến, gọi: 1900.6162 hoặc Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email. Rất mong nhận được phục vụ Quý khách hàng! Trân trọng./.