Chào luật sư, em có câu hỏi cần tư vấn. Em có kí 1 hợp đồng vay tiền với công ty Nhật Bản có chữ kí của bên công ty và chữ kí của em với bên bảo lãnh liên đới (em kí thay luôn). Hợp đồng không có công chứng của cơ quan nhà nước. Vậy hợp đồng này có hiệu lực không ? Nếu cưỡng chế để em phải trả tiền thì cơ quan nào sẽ thực thi?

Em xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực

Theo Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

"Điều 116. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định."

"Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

Hiện tại, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng về loại hợp đồng vay tiền này nên các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng vay tiền sẽ được điều chỉnh trong Bộ luật dân sự năm 2015. Và hợp đồng là một hình thức của giao dịch dân sự, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng cũng đồng thời là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo Điều 117 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản nói riêng và hợp đồng dân sự nói chung có hiệu lực khi đáp ứng đủ bốn điều kiện sau:

- Chủ thể có năng lực hành vi dân sự;

- Ý chí của chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

- Hình thức của hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật

Như vậy, hợp đồng vay tiền có hiệu lực khi đảm bảo các điều kiện về chủ thể có năng lực hành vi dân sự, ý chí của chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích, nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hình thức của hợp đồng dân sự không trái quy định pháp luật.

 

2. Phân tích điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

"Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định."

Thứ nhất, về năng lực hành vi dân sự của chủ thể thực hiện. Điều này được quy định tại các Điều 20;21;22;23;24 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, một người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền tham gia các loại giao dịch dân sự hợp pháp, được tham gia giao kết hợp đồng vay tiền. Đối với tổ chức có tư cách pháp nhân như các loại hình doanh nghiệp theo quy định Luật doanh nghiệp năm 2020 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ là chủ thể thay mặt doanh nghiệp thực hiện các giao dịch dân sự.

Thứ hai, về ý chí của chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự là hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, đe dọa phải thực hiện giao kết hợp đồng vay tiền.

Thứ ba, mục đích và nội dung của hợp đồng vay không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Nội dung cuả hợp đồng được quy định tại Điều 398 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

"Điều 398. Nội dung của hợp đồng

1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp."

Thứ tư, về hình thức của hợp đồng vay tiền. Hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc hợp đồng vay tiền phải được công chứng hay chứng thực. 

Đối với hợp đồng vay tiền nói riêng, hợp đồng vay tài sản nói chung, về hình thức, các bên không buộc phải công chứng hay chứng thực. Hợp đồng vay tiền chỉ cần đáp ứng đủ ba điều kiện nêu trên là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật. Nếu các bên có nhu cầu muốn công chứng hay chứng thực hoặc có người làm chứng cho hợp đồng thì có thể yêu cầu thực hiện.

Tuy nhiên, về hiệu lực pháp luật giữa hợp đồng vay tiền có công chứng, chứng thực, có người làm chứng với hợp đồng vay tiền không có công chứng, không có chứng thực hay không có người làm chứng là như nhau, không hơn kém nhau về hiệu lực pháp lý. Việc công chứng, chứng thực hay có người làm chứng ghi lời chứng, ký chứng nhận vào hợp đồng chỉ giúp các bên trong hoạt động chứng minh trước tòa được đơn giản hơn.

Nếu các bên có nhu cầu công chứng hay chứng thực hợp đồng vay tiền, các bên có thể công chứng tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng nơi gần nhất để thuận tiện. Cơ quan có thẩm quyền chứng thực hiện nay là Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) hoặc ủy ban nhân dân cấp huyện (quận, huyện, thị xã).

Nếu một bên chủ thể giao dịch trong hợp đồng vay tiền là người nước ngoài, người nước ngoài biết tiếng Việt, đọc, viết thành thạo tiếng Việt và có người làm chứng (người làm chứng độc lập với hai bên trong giao dịch, không bị cưỡng ép hay phụ thuộc vào một bên) thì không buộc phải công chứng hay phải dịch thuật. Mẫu hợp đồng vay tiền được áp dụng chung cho tất cả các loại chủ thể. Không có mẫu riêng đối với người nước ngoài. Các bên chỉ cần đảm bảo nêu đầy đủ như nội dung hợp đồng nêu tại Điều 398 Bộ Luật dân sự.

Quý khách có thể tham khảo các mẫu hợp đồng vay tiền trên các trang web nhưng phải lưu ý trong nội dung hợp đồng vay phải đủ các phần trong Điều 398 Bộ Luật Dân sự năm 2015 nêu trên. Các mẫu hợp đồng trên mạng chỉ có tính chất tham khảo do không có quy chuẩn riêng về mẫu hợp đồng vay tiền.

Cơ quan cưỡng chế thi hành án dân sự là Cục thi hành án dân sự cấp huyện nơi Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm.

 

3. Xử lý đơn khởi kiện của Tòa án

Thưa luật sư, xin hỏi tình huống như sau:Hai vợ chồng A và B có con là C (10 tuổi). A đi vay tiền của H hứa 1 năm trả. Trong Hợp đồng giao dịch 1 bên là A, B, C đồng ký tên, 1 bên là H ký. Một năm sau, A không trả tiền cho H, H kiện A ra tòa để đòi lại nợ. Nếu nhận được đơn kiện thì Tòa án sẽ xử như thế nào?

Trả lời:

Nếu nhận được đơn kiện, Tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét vụ việc có thuộc phẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không. Nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Tòa án sẽ thực hiện thủ tục theo đúng quy định Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.

Với những thông tin quý khách cung cấp thì chúng tôi không thể tư vấn chính xác trường hợp này sẽ được giải quyết như thế theo quy định về hợp đồng vay trong Bộ luật dân sự năm 2015. 

 

4. Thế chấp ngân hàng số hồng có bắt buộc phải mua bảo hiểm

Thưa luật sư, Tôi có thể chấp cho ngân hàng sổ hồng vay tiền, khi họ kêu tôi mua bảo hiểm thì tôi nói là không mua, họ nói ngân hàng bắt buộc và cũng là luật nhà nước đưa ra, bắt buộc tôi phải mua bảo hiểm, nếu không mua thì không được, nên tôi đành phải mua theo. Nhưng khi tôi vô đây thấy Luật Sư nói là không bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm, vậy bên ngân hàng có làm sai hay không? Và tôi muốn hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đó có được không? Bắt tôi mua tới 10 năm, mỗi tháng phải đóng 166.000 VNĐ.

Trong khi tôi thấy không cần thiết, xin nhờ Luật Sư tư vấn dùm cho tôi ? Xin chân thành cảm ơn ạ !

 

Trả lời:

Hợp đồng bảo hiểm là một trong những loại hợp đồng dân sự được điều chỉnh trong Bộ Luật Dân sự năm 2015. Như vậy, hợp đồng bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực tại Điều 117 Bộ Luật dân sự năm 2015.

Như vậy, đối chiếu những thông tin quý khách cung cấp thì hợp đồng bảo hiểm giữa quý khách và ngân hàng đã không đảm bảo điều kiện về ý chí tự nguyện giao kết hợp đồng của các chủ thể. Với việc vi phạm điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu theo quy định tại Điều 122 Bộ Luật dân sự năm 2015.

"Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác."

Tại thời điểm giao kết hợp đồng, quý khách đã bị ép buộc giao kết, ý chí của quý khách không hoàn toàn tự nguyện nên quý khách có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng bảo hiểm nêu trên vô hiệu và phải đảm bảo về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu tại Điều 132 Bộ luật dân sự năm 2015.

 

5. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Cơ sở pháp lý: Điều 132 Bộ luật dân sự năm 2015

"Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế."