Mục lục bài viết
Về nguyên tắc tự do kinh doanh, nhà đầu tư được tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh, phương thức kinh doanh; chủ động mở rộng quy mô kinh doanh; tự do lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn hợp lý. Vì vậy, công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân có quyền tự do thực hiện hoạt động kinh doanh theo chiến lược của công ty, công ty mẹ được thành lập và tham gia góp vốn chi phối công ty con. Pháp luật doanh nghiệp không quy định bắt buộc các công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân phải đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh chính hoặc ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ.
1. Thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân
Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân không phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh như một loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ Nghị định số 139/2007/NĐ-CP đến Nghị định số 102/2010/NĐ-CP đều tạo điều kiện cho công ty mẹ sử dụng cụm từ “tập đoàn” trong thành tố cấu thành tên riêng của công ty mẹ.
Ví dụ: công ty mẹ của tập đoàn Hoà Phát có tên là “công ty cổ phần tập đoàn Hoà phát” và tên giao dịch là Tập đoàn Hoà Phát; công ty mẹ của Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji là “công ty cổ phần tập đoàn vàng bạc đá quý Doji” và tên giao dịch là Tập đoàn Doji.
2. Quản lý điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Pháp luật về doanh nghiệp không quy định về mô hình quản trị tập đoàn, tổng công ty, mà trên cơ sở được tôn trọng quyền tự do xây dựng cơ cấu tổ chức tập đoàn kinh tế, tổng công ty của nhà đầu tư. Tùy thuộc vào nhu cầu quản lý, tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân tự xây dựng mô hình quản trị cho phù hợp. Công ty mẹ trong tập đoàn thành lập thêm một số cơ quan để thực hiện việc điều hành, hỗ trợ, kiểm tra, giấm sát hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty con. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân có thể thành lập văn phòng tập đoàn. Văn phòng tập đoàn là cơ quan độc lập không thuộc cơ cấu của công ty mẹ, thực hiện chức năng chủ yếu điều hoà các hoạt động kinh doanh giữa công ty mẹ và công ty con; kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của công ty con và lập báo cáo trình công ty mẹ. Mô hình văn phòng tập đoàn nhằm giảm thiểu trách nhiệm quản lý cho công ty mẹ, tách bạch chức năng quản lý và chức năng điều hành của công ty mẹ đối với công ty con. Văn phòng tập đoàn có trụ sở, có người quản lý, có người lao động nhưng không tham gia vào các quan hệ pháp luật trên thực tế.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)