Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900 6162

Cơ sở pháp lý: 

- Luật bảo vệ môi trường 2020

- Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường 2020

1. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

1.1. Điều kiện về bảo vệ môi trường đối với cơ sở nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

Điều 43 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn về đối tượng, điều kiện về bảo vệ môi trường đối với cơ sở nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối tượng được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ được thực hiện theo quy định của Chính phủ về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Thứ hai, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đó là:

a) Có khu vực và thiết bị phá dỡ tàu biển chuyên dụng phù hợp với từng chủng loại và tải trọng tàu, bảo đảm không để rò rỉ, phát tán các chất thải chưa qua xử lý, quản lý ra bên ngoài khu vực phá dỡ gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí;

b) Có khu vực lưu giữ vật liệu, thiết bị sau khi phá dỡ có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng vật liệu, thiết bị cao nhất theo tính toán. Trường hợp sử dụng bãi lưu giữ phải có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Có khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong quá trình phá dỡ tàu biển bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

Thứ ba, có biện pháp quản lý chất thải và phế liệu trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng như sau:

a) Thu gom nhiên liệu, dầu, nước đáy tàu, nước dằn tàu, chất lỏng khác và các vật liệu có khả năng gây cháy, nổ. Tiến hành các biện pháp thông gió, cấp đủ dưỡng khí cho các không gian kín trên tàu (như khoang chứa hàng, đáy đôi, bồn két chứa) để bảo đảm điều kiện làm việc an toàn. Hoạt động này phải được thực hiện trong toàn bộ quá trình phá dỡ;

b) Bóc tách amiăng và PCBs: Trước khi cắt con tàu thành các phần, phải bóc tách, thu gom, vận chuyển amiăng, PCBs khỏi vị trí cắt. Sau khi các phần của con tàu được đưa lên bờ, phải tiếp tục thu gom toàn bộ phần amiăng và PCBs còn lại khi đã dễ dàng tiếp cận hơn. Khu vực bóc tách và thu gom amiăng phải được quây kín để giảm phát tán các sợi amiăng ra môi trường xung quanh, người không phận sự miễn vào. Amiăng phải được làm ẩm trước và trong suốt quá trình bóc tách. Phải bố trí tối thiểu 02 lao động được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động để loại bỏ amiăng, trong đó 01 người chịu trách nhiệm làm ẩm và 01 người bóc tách amiăng. Khu vực bóc tách amiăng trên bờ phải được bố trí ở khu vực riêng biệt với quy trình tương tự;

c) Amiăng sau khi bóc tách phải được đựng trong các bao bì chuyên dụng kín, có ít nhất 02 lớp, sau đó vận chuyển về kho lưu giữ chất thải nguy hại và chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;

d) Chất thải lỏng có chứa PCBs phải được lưu chứa trong các bao bì cứng hoặc thiết bị lưu chứa đặt trên các tấm nâng và không cho phép xếp chồng lên nhau. Khu vực lưu giữ chất thải chứa PCBs (dạng rắn và dạng lỏng) phải được cách ly với các chất thải khác và bảo đảm an toàn trước khi chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;

đ) Dầu và nhiên liệu phải được bơm về các bồn hoặc thùng chứa riêng (không trộn lẫn) trước khi chuyển về khu vực lưu giữ và chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;

e) Đối với vật liệu phi kim được bóc tách ra từ kim loại phải được phân định, phân loại và xử lý theo quy định về quản lý chất thải;

g) Chất thải phóng xạ phát sinh từ quá trình phá dỡ phải được thu gom, lưu giữ, xử lý và quản lý theo đúng quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử;

h) Sau khi hoàn thành việc phá dỡ con tàu, trong thời hạn không quá 45 ngày, cơ sở phải chuyển giao toàn bộ chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải xử lý cho đơn vị có chức năng theo quy định.

Thứ tư, cơ sở hoạt động phá dỡ tàu biển phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận.

1.2. Điều kiện về bảo vệ môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ

Tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 44 Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Cụ thể đó là:

Thứ nhất, tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải đáp ứng yêu cầu về chủng loại được phép nhập khẩu theo quy định của Chính phủ về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Thứ hai, tàu biển nhập khẩu để phá dỡ phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Bảo đảm chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ không vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử;

b) Phải được thu hồi toàn bộ khí C.F.C trong các thiết bị trước khi nhập khẩu vào Việt Nam;

c) Nước dằn tàu không được chứa loài ngoại lai xâm hại hoặc loài có nguy cơ xâm hại thuộc danh mục do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;

d) Không chứa vũ khí, đạn dược và chất gây nổ;

đ) Đã loại bỏ toàn bộ các hàng hóa lưu giữ trên tàu.

Thứ ba, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ. Việc chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ được thực hiện bởi tổ chức chứng nhận sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

Yêu cầu về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất được quy định tại Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:

Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho dự án đầu tư, cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường. Một số yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường cụ thể được quy định như sau:

Thứ nhất, có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.

Thứ hai, có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.

Thứ ba, điều kiện về kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:

a) Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu:

Có hệ thống thu gom nước mưa riêng; có hệ thống thu gom và xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;

Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;

Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy; có mái che nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong;

b) Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:

Có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;

Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;

Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu.

Thứ tư, có giấy phép môi trường, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường, trừ trường hợp quy định tại khoản 18 Điều 168 Nghị định này và trường hợp nhập khẩu phế liệu phát sinh từ hoạt động của khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

Thứ năm, ký quỹ bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa khẩu nhập hoặc cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu; được lựa chọn địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu hoặc tại cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu. Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa (E-Manifest) có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu nhập khẩu;

b) Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên E-Manifest có Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với phế liệu ghi trên E-Manifest theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 46 Nghị định này.

Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra các thông tin quy định tại điểm a và b khoản này trước khi cho phép dỡ phế liệu xuống cảng.

Thứ bảy, đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

a) Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật; tổ chức giám định nước ngoài được thừa nhận theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường được cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam sau khi đã đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp và các quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.

Thứ tám, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất khai thông tin, nộp hồ sơ chứng từ điện tử và làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan. Ngoài những hồ sơ theo quy định của pháp luật về hải quan, hồ sơ phế liệu nhập khẩu phải có các tài liệu sau đây:

a) Chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả phế liệu;

b) Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu);

c) Chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu;

d) Văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định này.

Thứ chín, tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm như sau:

a) Nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu quy định trong giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần;

b) Sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Nghị định này;

c) Phân định, phân loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý chất thải phù hợp;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; phối hợp với hiệp hội ngành nghề thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định; thanh toán toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm.

3. Mẫu bản cam kết tái xuất hoặc xử lý phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường

>>> Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ

(1)
-------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

Số: …..

Địa danh, ngày ... tháng ... năm….

 

BẢN CAM KẾT

Về tái xuất hoặc xử lý phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường

Kính gửi: Cơ quan hải quan.

I. Thông tin chung:

1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu:     

2. Địa chỉ trụ sở chính:........................... ; Điện thoại:    ;................................................ Fax:............... ; Email: ....

3. Tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu:   

II. Thông tin về phế liệu dự kiến nhập khẩu:

TT

Loại phế liệu nhập khẩu

Khối lượng dự kiến của lô hàng phế liệu nhập khẩu (tấn)

Tên phế liệu

Mã HS

 

1

 

 

2

 

 

....

 

 

 

III. Nội dung cam kết:

1. Chúng tôi cam kết chỉ nhập khẩu phế liệu khi biết rõ xuất xứ, thành phần và hàm lượng tạp chất đi kèm với phế liệu đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về môi trường quy định.

2. Chúng tôi cam kết trong hợp đồng mua bán hoặc thỏa thuận giao dịch với bên xuất khẩu có điều khoản yêu cầu bên xuất khẩu phải nhận lại hàng nếu phế liệu không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và quy định hiện hành của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

3. Chúng tôi cam kết lưu giữ, vận chuyển phế liệu bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.

4. Chúng tôi cam kết phế liệu nhập khẩu chỉ sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở sản xuất của mình.

5. Nếu để xảy ra vi phạm về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, chúng tôi cam kết tái xuất toàn bộ lô hàng phế liệu nhập khẩu và chịu toàn bộ chi phí tài chính để khắc phục các hậu quả vi phạm.

Trường hợp không thể tái xuất được, chúng tôi chịu trách nhiệm xử lý lô hàng phế liệu nhập khẩu với các nội dung cụ thể như sau:

- Thực hiện đúng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu.

- Lập phương án chi tiết xử lý lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm pháp luật trình cơ quan quản lý về môi trường xem xét, quyết định.

- Chịu toàn bộ chi phí cho hoạt động xử lý lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường không tái xuất được.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- …;
 

...(1)…
(Ký, ghi rõ họ tên; chức vụ và đóng dấu (nếu có))

Ghi chú: (1) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê