Mục lục bài viết
- 1.Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương
- 2.Trong thời kỳ ổn định ngân sách
- 3.Xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa NS các cấp năm đầu của thời kỳ ổn định NS
- 4. Xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp CQĐP
- 5.Xác định số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới
1.Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương
Việc phân cấp nguồn thu giữa ngân sách các cấp ở địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật ngân sách nhà nước, Điều 17 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các yêu cầu sau:
a) Gắn với nhiệm vụ và khả năng quản lý của từng cấp, hạn chế việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; khuyến khích các cấp tăng cường quản lý thu, chống thất thu. Nguồn thu gắn liền với vai trò quản lý của cấp chính quyền nào thì phân cấp cho ngân sách cấp chính quyền đó;
b) Hạn chế phân cấp cho nhiều cấp ngân sách đối với các nguồn thu có quy mô nhỏ;
c) Bảo đảm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới không được vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) phân chia theo quy định của cấp trên đối với từng khoản thu được phân chia.
Việc phân cấp nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 39 Luật ngân sách nhà nước và Điều 17 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
2.Trong thời kỳ ổn định ngân sách
a) Không thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách;
b) Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách;
c) Các địa phương được sử dụng nguồn tăng thu hằng năm mà ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp để tăng chi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đối với số tăng thu so với dự toán thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước.
Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định thu về ngân sách cấp trên số tăng thu này và thực hiện bổ sung có mục tiêu một phần cho ngân sách cấp dưới theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40 Luật ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa phương theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào nguồn thu và nhiệm vụ chi được phân cấp, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu và mức bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên, chế độ thu, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách và các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách và chủ động quản lý, điều hành dự toán thu, chi ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định.
3.Xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa NS các cấp năm đầu của thời kỳ ổn định NS
Xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:
a) Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được xác định riêng cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và áp dụng chung đối với tất cả các khoản thu phân chia trên địa bàn;
b) Công thức xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương như sau:
Tổng số chi ngân sách địa phương được xác định căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) cho năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách (sau đây gọi tắt là A);
Tổng số các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% được xác định trên cơ sở khả năng thu, không kể thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu tiền sử dụng đất, số bổ sung từ ngân sách cấp trên, thu kết dư, thu từ đóng góp tự nguyện, thu viện trợ, thu chuyển nguồn từ ngân sách năm trước (sau đây gọi tắt là B);
Tổng số các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được xác định trên cơ sở khả năng thu (sau đây gọi tắt là C);
Trường hợp nếu A - B < C thì tỷ lệ phần trăm (%) phân chia được tính theo công thức:
Tỷ lệ phần trăm (%) = | A - B | x 100% |
C |
Trường hợp nếu A - B ≥ C thì tỷ lệ phần trăm (%) được xác định bằng 100% và phần chênh lệch (nếu có) sẽ được ngân sách trung ương bổ sung để cân đối ngân sách địa phương. Việc xác định số bổ sung cân đối ngân sách cho từng địa phương được quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này.
4. Xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp CQĐP
a) Các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương gồm:
Các khoản thu về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác ngân sách địa phương hưởng 100% theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.
Các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phần ngân sách địa phương được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này;
b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách cấp tỉnh với ngân sách từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và ngân sách từng xã, phường, thị trấn. Việc quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách cấp tỉnh với ngân sách từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và ngân sách từng xã, phường, thị trấn có thể áp dụng cho từng khoản thu cụ thể.
5.Xác định số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới
Số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới:
a) Số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách được xác định theo công thức:
Số bổ sung cân đối = A - (B + C)
Trong đó A, B, C được xác định theo nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Thông tư này; C là các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, phần ngân sách địa phương được hưởng đã mở rộng đến 100%.
b) Số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới ở địa phương được xác định theo nguyên tắc xác định số chênh lệch giữa số chi và số thu ngân sách các cấp dưới, gồm từ các khoản thu được hưởng 100% và phần được hưởng theo tỷ lệ phần trăm (%) từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách chính quyền địa phương;
c) Các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
Số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; khả năng cân đối của ngân sách cấp trên và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương cấp dưới, để hỗ trợ ngân sách cấp dưới trong các trường hợp sau:
a) Thực hiện các chính sách, chế độ mới do cấp trên ban hành chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách; mức hỗ trợ cụ thể được xác định trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách các cấp có liên quan;
b) Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu, chương trình, dự án khác của cấp trên, phần giao cho cấp dưới thực hiện; mức hỗ trợ cụ thể theo dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao;
c) Hỗ trợ chi khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp dưới, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính của địa phương theo quy định nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu;
d) Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, công trình, dự án có ý nghĩa lớn đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nằm trong quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng. Mức hỗ trợ được xác định cụ thể cho từng chương trình, dự án. Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương quy định tại điểm này tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương;
đ) Số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định hàng năm. Việc sử dụng vốn, kinh phí bổ sung có mục tiêu phải theo đúng mục tiêu quy định. Trường hợp ngân sách cấp dưới sử dụng không đúng mục tiêu hoặc sử dụng không hết, phải hoàn trả ngân sách cấp trên.
Nội dung nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước
Theo quy định tại Điều 7 Luật ngân sách nhà nước 2015 hướng dẫn nội dung nguyên tắc cân đối trong hoạt động ngân sách nhà nước như sau:
– Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.
– Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao để chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách; trường hợp đặc biệt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp bội thu ngân sách thì được sử dụng để trả nợ gốc và lãi các khoản vay của ngân sách nhà nước.
– Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
– Bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn sau:
+ Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;
+ Vay ngoài nước từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.
– Bội chi ngân sách địa phương:
+ Chi ngân sách địa phương cấp tỉnh được bội chi; bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
+ Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;
+ Bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước và do Quốc hội quyết định. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện được phép bội chi ngân sách địa phương để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước.
– Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương:
+ Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;
+ Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;
+ Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.’
Theo đó, ta có thể thấy, ngân sách nhà nước được cân đối dựa trên các nguyên tắc trên. Vì vậy, chi đầu tư phát triển là vấn đề được Nhà nước ưu tiên trong xây dựng nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các khoản vay nợ lại được tính vào thu ngân sách địa phương, do vậy nhìn một cách tổng thể thì ngân sách địa phương tôn trọng nguyên tắc phải cân bằng thu chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, song thực chất ngân sách địa phương có bội chi và khoản bội chi này lại không tính vào trong bội chi ngân sách nhà nước.