1. Khái niệm luật nhân quyền quốc tế

Có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau về luật nhân quyền quốc tế (international human rights law), tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, có thể hiểu đây là một hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn và tập quán pháp lý quốc tế xác lập, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản cho mọi thành viên của cộng đồng nhân loại. Về mặt hình thức, luật nhân quyền quốc tế chủ yếu được thể hiện trong hàng trăm văn kiện pháp lý quốc tế về vấn đề này, kể cả những văn kiện mang tính ràng buộc (các công ước, nghị định thư) và các văn kiện không mang tính ràng buộc (các tuyên bố, tuyên ngôn, khuyến nghị, hướng dẫn...), trong đó bao gồm cả các văn kiện có hiệu lực toàn cầu và khu vực. Cần lưu ý là, khái niệm luật nhân quyền quốc tế hẹp hơn khái niệm luật về quyền con người (human rights law). Cụ thể, trong khi luật nhân quyền quốc tế chỉ bao hàm các văn kiện pháp lý quốc tế (toàn cầu và khu vực) thì luật về quyền con người bao hàm cả các văn kiện pháp lý quốc tế và quốc gia (national hoặc domestic law) về quyền con người.

2. Vị trí của luật nhân quyền quốc tế

Luật nhân quyền quốc tế là một ngành luật nằm trong hệ thống luật quốc tế chung (hay còn gọi là công pháp quốc tế - public international law) cùng với các ngành luật quốc tế khác như luật nhân đạo quốc tế, luật hình sự quốc tế, luật biển quốc tế, luật hàng không quốc tế, luật ngoại giao và lãnh sự, luật tổ chức quốc tế… Sở dĩ luật nhân quyền quốc tế có vị trí như trên là bởi hai khía cạnh cơ bản sau đây: Thứ nhất, luật nhân quyền quốc tế mở rộng phạm vi chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật quốc tế. Trước đây, luật quốc tế chỉ điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế, tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự ra đời của luật nhân quyền quốc tế, mặc dù chủ thể chính của luật quốc tế vẫn là các quốc gia và tổ chức quốc tế nhưng trong một số bối cảnh, luật quốc tế còn điều chỉnh cả mối quan hệ giữa các cá nhân và các nhà nước liên quan đến các quyền và tự do cá nhân mà đã được luật quốc tế ghi nhận và bảo đảm. Khác với luật quốc tế truyền thống, trong thế giới ngày nay, các cá nhân có các quyền và nghĩa vụ chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp lý quốc tế trong một số bối cảnh và ở những mức độ khác nhau. Mặc dù đây là một vấn đề vẫn còn đang gây những tranh cãi nhất định, song thực tế cho thấy cá nhân ngày càng được thừa nhận rộng rãi là một chủ thể của luật quốc tế hiện đại.137 Thứ hai, luật nhân quyền quốc tế đang làm thay đổi quan niệm truyền thống về tính bất khả xâm phạm về phương diện đối nội của chủ quyền quốc gia trong luật quốc tế. Trong luật quốc tế trước đây, về phương diện đối nội, chủ quyền quốc gia được hiểu là quyền toàn vẹn và bất khả xâm phạm của các nhà nước được tự do hành động trong đối xử với công dân và xử lý các công việc nội bộ của nước mình. Tuy nhiên, với sự ra đời của luật nhân quyền quốc tế, quan niệm này đã và đang thay đổi. Hiện nay, mặc dù các nhà nước vẫn có vai trò đầu tiên và quan trọng hàng đầu trong việc xử lý các vấn đề nội bộ của nước mình, song trong nhiều bối cảnh, quyền hành động của các nhà nước với công dân của nước mình không còn được coi là quyền tuyệt đối nữa. Nói cách khác, với sự ra đời của luật nhân quyền quốc tế, các nhà nước đã và đang phải chịu những ràng buộc và giới hạn nhất định trong việc đối xử với công dân của nước mình, mà thể hiện ở việc phải tôn trọng những tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người mà mình đã tự nguyện tuân thủ (qua việc tham gia các điều ước quốc tế về vấn đề này) và buộc phải tuân thủ (các tập quán quốc tế về quyền con người). Thực tế cho thấy, không phải chính phủ nào trên thế giới cũng dễ dàng chấp nhận việc bị hạn chế chủ quyền đối nội với công dân của họ. Điều này giải thích tại sao quyền con người đã, đang và sẽ còn là một chủ đề nhạy cảm ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, luật nhân quyền quốc tế là một thực tế khách quan và là một sự phát triển trong lịch sử phát triển của loài người. Nó phản ánh và thúc đẩy tính nhân văn, tính dân chủ của các thể chế xã hội. Vì vậy, cho dù ngành luật này có thể bị phản đối, nó đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển.

3. Quyền của những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới

Người đồng tính có hai dạng: đồng tính nam (gay) và đồng tính nữ (lesbian). Những người này, cùng với người lưỡng tính (bisexual) và người chuyển giới (transgender) thường được gọi chung là LGBT. Quyền của nhóm này (LGBT rights) cũng là một vấn đề hiện gây nhiều tranh cãi trên lĩnh vực quyền con người trong những thập kỷ gần đây. Những người ủng hộ quyền của LGBT đã lập nên hẳn những tổ chức và phát động những phong trào mang tính chất toàn cầu để vận động cho việc thừa nhận và pháp điển hóa các quyền được kết hôn giữa những người đồng giới; quyền của các cặp đồng giới được nhận nuôi con nuôi; và trên hết là quyền của tất cả những người LGBT không bị phân biệt đối xử do xu hướng tình dục và giới tính của họ. Mặc dù trong vụ Toonen kiện Australia (1994), Ủy ban quyền con người – cơ quan giám sát thực hiện ICCPR – đã phán quyết rằng việc tội phạm hoá hành vi tình dục đồng giới cấu thành sự vi phạm luật nhân quyền quốc tế, song tính đến nay, vẫn còn 76 quốc gia coi tình dục đồng giới là tội phạm, trong đó có 5 nước còn quy định hình phạt tử hình với hành vi này. Không chỉ giới hạn trong phạm vi pháp luật quốc gia, phong trào vận động cho các quyền của LGBT còn mở cuộc vận động các tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực. Họ đã thành công trong việc nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu và Tổ chức các nước châu Mỹ. Họ cũng vừa trình lên Liên hợp quốc một dự thảo Tuyên bố của Liên hợp quốc về định hướng tình dục và sự đồng giới (the United Nations Declaration on Sexual Orientation and Gender Identity) vào ngày 18/12/2008. Nội dung của dự thảo Tuyên bố lên án những hành vi bạo lực, quấy rối, phân biệt đối xử, loại trừ, kỳ thị, định kiến, sự giết hại, hành quyết, tra tấn, bắt giữ tùy tiện và tước bỏ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa dựa trên định hướng tình dục và sự đồng giới. Dự thảo Tuyên bố này nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu và được coi là một bước đột phá mới trên lĩnh vực quyền con người trên diễn đàn Liên hợp quốc, tuy nhiên, nó bị phản đối bởi một số quốc gia, trong đó đặc biệt là các nước thuộc khối Ả-rập và Va-ti-căng. Những quốc gia phản đối cho rằng, việc pháp điển hóa hôn nhân và các quan hệ dân sự đồng giới khác có thể làm tổn hại đến đức tin của các tôn giáo cũng như đến các giá trị đạo đức và quan hệ xã hội. Nỗ lực quốc tế mới nhất về quyền của LGBT là việc ngày 17/6/2011, tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (United Nations Human Rights Council - UNHRC ), Nam Phi đưa ra một nghị quyết đề nghị Hội đồng yêu cầu Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc (High Commissioner for Human Rights) soạn thảo một báo cáo về thực trạng của những LGBT trên toàn cầu và đưa ra khuyến nghị về việc thực hiện các quyền của họ theo tinh thần của Tuyên bố Viên và Kế hoạch hành động năm 1993. Nghị quyết này được 23/47 thành viên UNUNHRC bỏ phiếu tán thành, 19/47 thành viên bỏ phiếu chống, 3/47 thành viên (Burkina Faso, Trung Quốc và Zambia) bỏ phiếu trắng. Điều này cho thấy vấn đề quyền của LGBT vẫn tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc trên diễn đàn Liên hợp quốc.

4. Quyền về môi trường

Cùng với tình trạng nóng lên của trái đất, quyền về môi trường (environmental human rights) là một chủ đề ngày càng thu hút sự quan tâm của các học giả và nhà nghiên cứu về quyền con người. Về cơ sở pháp lý, quyền này hiện chưa được nêu cụ thể trong các văn kiện quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc, tuy nhiên đã được khẳng định trong một số văn kiện khu vực, trong đó tiêu biểu là Hiến chương châu Phi về quyền của con người và của các dân tộc ( Điều 21); Nghị định thư San Salvador bổ sung Hiến chương châu Mỹ về quyền con người (Điều 11). Về nội hàm, nhận thức chung cho rằng quyền về môi trường đề cập đến quyền của mọi người trong thế hệ hiện tại và tương lai được sống trong môi trường trong lành, có lợi cho sức khỏe. Về tính pháp lý của quyền về môi trường, hiện có hai luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất coi quyền về môi trường là một quyền con người cụ thể (explicit rights), trong khi quan điểm thứ hai coi đó là một quyền hàm chứa (unenumerated rights) nằm trong nội hàm của một số quyền khác như quyền sống, quyền về sức kh ỏe… Về lý thuyết, quyền về môi trường có thể xung đột với một số quyền con người khác (ví dụ, việc thực hiện các quyền tự do kinh doanh có thể dẫn đến phát triển các hoạt động sản xuất một cách tràn lan, không được kiểm soát và gây ra những thảm họa môi trường…). Về thực tế, quyền về môi trường gắn bó chặt chẽ với vấn đề trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đặc biệt là của các công ty/tập đoàn đa quốc gia trong việc bảo vệ môi trường. Trong khoảng ba thập kỷ vừa qua, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới đã liên tục vận động để pháp luật và cộng đồng quốc tế thừa nhận quyền về môi trường cũng là quyền con người. Mặc dù chưa đạt được kết quả cuối cùng, song cuộc vận động của họ đã và đang tạo ra hiệu quả ngày càng rộng rãi. Gần đây nhất, vào tháng 9/2003, một cuộc Hội nghị quốc tế về quyền môi trường và nhân quyền đã được tổ chức ở Cartagena, Colombia, với sự tham gia của đại diện 250 tổ chức phi chính phủ và phong trào xã hội hoạt động vì môi trường trên thế giới. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Cartagena về về quyền môi trường và nhân quyền.

5. Quyền của loài vật

Cũng liên quan đến những tranh luận về chủ thể của quyền đã nêu ở trên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng không chỉ con người, mà cả loài vật (animals) cũng có quyền. Quyền của động vật (animal rights) ngày càng được nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới ủng hộ và vận động để pháp điển hóa. Ngay từ thế kỷ XVIII, các tác giả như Humphrey Primatt (năm 1776), John Lawrence (năm 1796) ... đã viết các tác phẩm về sự cần thiết phải tôn trọng các quyền của động vật. Những người tham gia phong trào bảo vệ quyền động vật tin tưởng rằng lợi ích căn bản của các con vật cũng cần được quan tâm như lợi ích của loài người. Các loài vật, đặc biệt là các loài linh trưởng, các loài vật nuôi trong nhà…không nên chỉ bị coi là tài sản, dùng làm thức ăn, trang phục, làm đối tượng nghiên cứu hoặc giải trí cho con người, mà chúng cũng cần được coi là một dạng chủ thể pháp lý, cần được đối xử nhân đạo phù hợp với hoàn cảnh và bối cảnh sống của chúng. Hiện tại, đã có khá nhiều nghiên cứu về chủ đề quyền của loài vật, trong đó một số công trình tiêu biểu được công bố gần đây như Introduction to Animal Rights: Your Child or the Dog? của Gary Francione (Philadelphia, Temple University Press, 2000); Animal Rights, Human Rights: Entanglements of Oppression and Liberation của David Nibert (New York, Rowman and Litterfield, 2002); Thanking the Monkey: Rethinking the Way We Treat Animals của Karen Dawn (Harper Collins, 2008); For the Love of Animals: The Rise of the Animal Protection Movement của Kathryn Shevelow (Henry Holt and Company, 2008)1… Trên lĩnh vực này, nhiều nước trên th ế gi ới đã có những quy định cấm hành hạ, ngược đãi và giết hại động vật một cách vô cớ, đặc biệt là những con vật nuôi trong nhà (chó, mèo…). Ngày 25/6/2008, Tây Ban Nha trở thành quốc gia đầu tiên công nhận quyền của loài linh trưởng giống người (ape) bằng việc xác lập một khuôn khổ pháp luật toàn diện để bảo vệ loài vật này, trong đó quy định mọi hành động giết hại (trừ trường hợp để tự vệ), tra tấn, giam giữ loài linh trưởng này đều là bị coi bất hợp pháp2. Trên phạm vi quốc tế, hệ thống các điều ước quốc tế bảo vệ động vật, đa dạng sinh học ngày càng phong phú. Năm 2003, tại Hội nghị Manila về An sinh Động vật (animal welfare), các đại biểu đã đi đến thống nhất rằng cần đảm bảo năm loại tự do cho động vật (tự do khỏi đói, khát; tự do khỏi sự sợ hãi, căng thẳng; tự do khỏi đau đớn, bệnh tật; tự do biểu đạt bằng cách hành vi thông thường). Cho dù vấn đề quyền của động vật hiện vẫn đang gây tranh cãi, song việc bảo vệ và đối xử nhân đạo với động vật ngày càng được xem là một tiêu chí để đánh giá mức độ văn minh của các xã hội.