1. Quyền được phát triển năng khiếu của trẻ em

Theo Điều 8 Luật BV, CS & GD trẻ em, trẻ em có quyền được phát triển năng khiếu và được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển năng khiếu.

Bổ sung nội dung Điều 8, Điều 30 Luật BV, CS & GD trẻ em quy định gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ em. Điều này cũng nêu rõ, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ em.

2.Quyền sở hữu tài sản của trẻ em

Điều 19 Luật BV, CS & GD trẻ em khẳng định trẻ em được sở hữu và thừa kế tài sản theo quy định của pháp luật.

Bổ sung nội dung Điều 19, Điều 31 Luật này nêu rõ, cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự, giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em.

3. Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội của trẻ em

Tương ứng với nội dung các Điều 12, 13, 14, 15, 17 CRC, Điều 20 Luật BV, CS & GD trẻ em quy định, trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với sự phát triển của trẻ, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm cũng như được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với nhu cầu và năng lực của mình.

Bổ sung nội dung Điều 20, Điều 32 Luật này xác định trách nhiệm bảo đảm quyền trên cũng thuộc về gia đình, Nhà nước và xã hội. Điều 7 Luật này nghiêm cấm việc lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Điều 7 Nghị định số 36/2005/NĐ-CP xác định những hành vi bị cấm bao gồm: (i) Dùng quan hệ tình cảm, uy tín, sự phụ thuộc của trẻ em, nói dối, gian lận để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, thuê, mượn, sử dụng văn hoá phẩm hoặc sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; (ii) Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, thuê, mượn, sử dụng văn hoá phẩm hoặc sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; (iii) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để ép buộc trẻ em mua, bán, thuê, mượn, sử dụng văn hoá phẩm hoặc sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; (iv) Viết, dịch, sao chép, sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; (v) Sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, nhập khẩu đồ chơi, trò chơi kích động bạo lực, đồi trụy, nguy hiểm, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

4. Quyền của những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

 Tương ứng với nội dung các Điều 19, 20, 21, 23 CRC, Luật BV, CS & GD trẻ em dành hẳn một chương (Chương IV) quy định về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chương này xác định các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và quy định cụ thể việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục với từng nhóm, có thể khái quát như sau:

- Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi: Theo Điều 51, nhóm trẻ em này được UBND địa phương giúp đỡ để có gia đình thay thế hoặc được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp trẻ em công lập, ngoài công lập. Điều này cũng khuyến khích gia đình, cá nhân nhận nuôi con nuôi; cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, đồng thời quy định nhà nước có chính sách trợ giúp gia đình, cá nhân hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi.

- Trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học: Theo Điều 52, nhóm trẻ em này được gia đình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ, chăm sóc, tạo điều kiện để sớm phát hiện bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và được nhận vào các lớp học hoà nhập, lớp học dành cho trẻ em khuyết tật hay được giúp đỡ học văn hoá, học nghề và tham gia hoạt động xã hội.

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS: Theo Điều 53, nhóm trẻ em này không bị phân biệt đối xử và được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để được chữa bệnh, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc tại cơ sở trợ giúp trẻ em.

- Trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại, trẻ em phải làm việc xa gia đình: Theo Điều 54, nhóm trẻ em này được UBND các cấp tạo điều kiện học nghề, làm công việc phù hợp với sức khoẻ, lứa tuổi trong phạm vi địa phương. Điều này cũng quy định trách nhiệm của UBND các cấp nơi có trẻ em phải làm việc xa gia đình phải tạo điều kiện để nh ững trẻ em này được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc sức khoẻ, h ọc văn hoá, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất; cũng như trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ trong việc giữ liên hệ thường xuyên với trẻ em phải làm việc xa gia đình để giúp đỡ, giáo dục trẻ.

- Trẻ em lang thang: Theo Điều 55, nhóm trẻ em này được UBND các cấp giúp đỡ đưa trở về với gia đình; những em không còn nơi nương tựa thì được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; những em thuộc gia đình nghèo thì được ưu tiên, giúp đỡ để xoá đói, giảm nghèo. Điều này cũng quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc tạo điều kiện để trẻ em lang thang được sống trong môi trường an toàn, không rơi vào tệ nạn xã hội; cũng như trong việc tạo điều kiện cho các gia đình đi lang thang có trẻ em đi kèm định cư, ổn định cuộc sống, qua đó bảo đảm cho trẻ em được hưởng các quyền của mình.

- Trẻ em bị xâm hại tình dục: Theo Điều 56, nhóm trẻ em này được gia đình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ bằng các biện pháp tư vấn, phục hồi sức khoẻ, tinh thần và tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.

- Trẻ em nghiện ma túy: Theo Điều 57, nhóm trẻ em này được các cơ quan, tổ chức có liên quan giúp đỡ cai nghiện tại gia đình hoặc tại cơ sở cai nghiện cho trẻ em nghiện ma tuý. Điều này cũng quy định các cơ sở cai nghiện ma tuý có trách nhiệm tạo điều kiện cho trẻ em cai nghiện được tham gia những hoạt động lành mạnh, có ích, được bố trí ở khu vực riêng; đồng thời nêu rõ, trẻ em cai nghiện ma tuý tại những cơ sở cai nghiện bắt buộc không bị coi là trẻ em bị xử lý vi phạm hành chính.

- Trẻ em vi phạm pháp luật: Theo Điều 58, nhóm trẻ em này được gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục, giúp đỡ để sửa chữa sai lầm. Điều này cũng quy định trẻ em vi phạm pháp luật đã bị xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự cách ly khỏi cộng đồng trong một thời gian nhất định, khi trở về gia đình được UBND cấp xã phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện, giúp đỡ tiếp tục học văn hoá, học nghề và hỗ trợ tìm việc làm. Trường hợp trẻ em đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt mà không có nơi nương tựa thì được UBND cấp tỉnh đưa vào cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện để được học nghề và có việc làm.

5. Quyền trẻ em trong luật quốc tế 

Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận sự yêu thương và chăm sóc của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển. Bao gồm quyền được bảo vệvà chăm sóc đặc biệt mà mọi người, mọi gia đình dành cho trẻ em và cả quyền được cha mẹ ruột yêu thương, cũng như những nhu cầu căn bản: được ăn uống, được giáo dục phổ quát do nhà nước trả tiền, được chăm sóc sức khoẻ và các điều luật hình sự thích hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ em.Những cách giải thích về quyền trẻ em thay đổi từ cho phép trẻ em khả năng tự quyết về hành động tới đảm bảo cho trẻ em tự do về thân thể, tinh thần và tình cảm không bị lạm dụng, dù cái bị gọi là "lạm dụng" đang là một vấn đề gây tranh cãi. Các định nghĩa khác gồm quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng.

"Trẻ em là một người có độ tuổi dưới 18, trừ khi luật pháp ở từng nước cụ thể quy định tuổi thành niên. Luật pháp Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi."Theo Đại học Cornell, một đứa trẻ là một con người, và cha mẹ có quyền lợi và tính sở hữu tuyệt đối với đứa trẻ đó, nhưng đây là một quan điểm hoàn toàn theo kiểu Mỹ. Thuật ngữ "trẻ em" không cần thiết phải có nghĩa là một đứa trẻ mà có thể gồm cả trẻ em trưởng thành cũng như trẻ em trưởng thành không phụ thuộc.Không có các định nghĩa về các thuật ngữ khác được sử dụng để miêu tả người còn trẻ như "thanh niên", "vị thành niên," hay "thiếu niên" trong luật pháp quốc tế.

Cơ sở pháp lý về quyền trẻ em 

Được định nghĩa là trẻ em theo pháp luật, đứa trẻ không có quyền tự chủ hay quyền tự đưa ra quyết định về chính mình theo bất kỳ một hệ thống pháp lý từng biết trên thế giới. Thay vào đó, những người lớn giám hộ, gồm cha mẹ, nhân viên xã hội, giáo viên, và những người khác được trao quyền đó, tuỳ thuộc theo từng hoàn cảnh.[8] Một số người tin rằng việc này khiến trẻ em không có đủ sự giám sát với cuộc đời của chính chúng và khiến chúng trở nên dễ bị nguy hiểm.Louis Althusser đã đi xa tới mức miêu tả hệ thống pháp luật này, khi nó được áp dụng cho trẻ em, là "cơ cấu đàn áp".

Các cấu trúc như chính sách chính phủ đã được một số nhà bình luận coi là cách thức che giấu những cách người lớn lạm dụng và khai thác trẻ em, dẫn tới tình trạng nghèo của trẻ em, thiếu các cơ hội giáo dục và lao động trẻ em. Theo quan điểm này, trẻ em bị coi là một nhóm thiểu số mà xã hội cần phải xem xét lại cách đối xử của mình với nó. Tuy nhiên, không có bằng chứng rằng những quan điểm như thế được chia sẻ rộng rãi trong xã hội.

Các nhà nghiên cứu đã xác định trẻ em cần thiết phải được công nhận như những thành viên tham gia vào xã hội mà quyền và trách nhiệm của nó phải được công nhận ở mọi lứa tuổi.

Luật Minh Khuê ( sưu tầm và biên tập)