1. Quyền tiếp cận thông tin là gì?

Quyền tiếp cận thông tin (right to access to information) thường được hiểu là quyền của cá nhân, công dân tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ hoặc thông tin do cơ quan hành chính nắm giữ. Việc tiếp cận các thông tin của tư nhân, doanh nghiệp thì sẽ do luật dân sự điều chỉnh, vì đây là quan hệ dân sự giữa các chủ thể tư.

Tự do thông tin (freedom of information) bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận, tiếp cận, chia sẻ, trao đổi và phổ biến thông tin. Những nội dung của tự do thông tin cũng chính là những thành tố của tự do biểu đạt. Khoản 2 Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) xác định quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến, truyền đạt mọi thông tin và ý kiến (to seek, receive and impart information and ideas of all kinds). Như vậy có thể thấy (quyền) tự do thông tin rộng hơn quyền tiếp cận thông tin. Quyền tiếp cận thông tin đôi khi còn được giải thích với nghĩa hẹp hơn là quyền được biết về tổ chức, hoạt động của một chủ thể nào đó, đặc biệt là của các cơ quan nhà nước (gồm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, ở trung ương và địa phương).

Quyền tiếp cận thông tin (hoặc quyền tự do thông tin) là một trong những quyền cơ bản của con người, được các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận và xếp trong nhóm các quyền dân sự - chính trị. Dưới góc độ pháp lý, khái niệm “quyền tiếp cận thông tin” là quyền rất căn bản mà mọi người ở tất cả các quốc gia đều có quyền được hưởng, đó là quyền được biết thông tin của Nhà nước (thông qua cách thức trực tiếp hay gián tiếp) để thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận.

2. Pháp luật quốc tế về quyền tiếp cận thông tin

    Khái niệm quyền tiếp cận thông tin được chính thức ghi nhận trong hai Công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Đây là hai văn kiện pháp lý quốc tế nền tảng, ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị, mà quyền tiếp cận thông tin được coi là quyền cơ bản nhất trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó. Tiếp đến, quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được ghi nhận trong nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển năm 1992, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường), v.v…

    Ngoài các văn bản quốc tế nêu trên, các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức vì An ninh và Hợp tác của châu Âu (OSCE); Tổ chức các quốc gia châu Mỹ cũng đã tuyên bố quyền tiếp cận thông tin là quyền con

người, đồng thời đưa ra những luận điểm và nguyên tắc chính cho quyền tiếp cận thông tin (Tuyên bố ngày 06-12-2000). Tự do thông tin cũng được đề cập trong các văn kiện pháp lý quốc tế khác như: Hiến chương châu Phi về quyền con người (Điều 9); Hiến chương châu Mỹ về quyền con người (Điều 13). Công ước về tiếp cận các tài liệu chính thức của Hội đồng châu Âu (được thông qua ngày 17-11-2008), cũng đã ghi nhận tính minh bạch của các cơ quan công quyền, coi đây là yếu tố then chốt của quản trị nhà nước, là một biểu hiện của tính dân chủ và là công cụ giúp chống tham nhũng và tăng cường sự tham gia của công dân trong các vấn đề công.

    Trong Nguyên tắc Johannesburg năm 1995 về An ninh quốc gia, Tự do ngôn luận và Tiếp cận thông tin đã ghi nhận quyền tự do ngôn luận; quyền tiếp cận thông tin; thẩm quyền của Chính phủ được

hạn chế quyền tiếp cận thông tin nhưng chỉ trong trường hợp cần thiết và chỉ khi ảnh hưởng tới quyền lợi và an ninh quốc gia một cách hợp pháp. Quyền tiếp cận thông tin cũng được ghi nhận trong nhiều điều ước, hiệp ước quốc tế, kế hoạch hành động…, nhìn chung, các văn bản này đều đưa ra những yêu cầu có tính ràng buộc hoặc khuyến nghị các quốc gia thành viên ban hành văn bản pháp luật ghi nhận quyền được thông tin. 

 2. Cơ sở pháp lý của quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay

Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền TCTT liên tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, Công ước UNECE về TCTT môi trường.

Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể hóa Hiến pháp, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực.

Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền được thông tin của công dân và sửa đổi thành quyền TCTT của công dân: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, TCTT, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 quy định các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền TCTT. Điều 3 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”; khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và để bảo đảm quyền TCTT của công dân, ngày 06/4/2016,  Quốc hội đã thông qua Luật TCTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Luật TCTT quy định về việc thực hiện quyền TCTT của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền TCTT của công dân.

4. Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

Điều 3 của Luật TCTT năm 2016 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền TCTT bao gồm nội dung sau:

Một là: Mọi người đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền TCTT.

Với quy định này, Luật TCTT năm 2016 đã khẳng định tất cả mọi người bao gồm cả công dân và người nước ngoài cư trú trên đất nước Việt Nam đều được tự do tìm kiếm thông tin và phổ biến thông tin hay chính là thực hiện quyền TCTT.

Hai là: Thông tin được cung cấp phải chính xác và đẩy đủ.

Điều này đòi hỏi các chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin phải bảo đảm tính đầy đủ, chính xác của các thông tin đến với người dân. Tránh tình trạng thông tin mập mờ, không rõ ràng, không đầy đủ, dẫn đến hiện tượng hiểu sai và không đúng bản chất của thông tin.

Ba là: Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Nội dung này của nguyên tắc có thể hiểu là quy định về trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin đối với công dân. Theo đó, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp các thông tin do mình tạo ra, trừ những trường hợp thông tin thuộc loại công dân không được tiếp cận như: Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này; hoặc trong trường hợp thông tin được tiếp cận có điều kiện tại Điều 7 của Luật TCTT năm 2016 thì phải đáp ứng các điều kiện mà luật quy định. Việc cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước phải đảm bảo tính kịp thời, tránh hiện tượng trì hoãn thông tin gây khó khăn cho người dân. Những hiện tượng trì hoãn thông tin đến với người dân có thể sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật về TCTT và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Bốn là: Việc hạn chế quyền TCTT phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, về nguyên tắc, việc hạn chế quyền TCTT chỉ đặt ra trong những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng và quan trọng là phải được thể hiện trong các quy định của pháp luật.

Năm là: Việc thực hiện quyền TCTT của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.

Thực tế cho thấy, cần nhận thức được mối quan hệ khăng khít giữa việc bảo đảm quyền TCTT của công dân với việc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội. Trong đó, cần thấy được, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là một nội dung quan trọng, liên quan đến sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ và Nhà nước. Đồng thời, cần phải thấy rằng, việc bảo đảm quyền TCTT của công dân cũng là vấn đề mang tính nguyên tắc đã được Hiến pháp và luật quy định.

Sáu là: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền TCTT.

Bằng việc ghi nhận nội dung trên, Nhà nước bảo đảm tất cả mọi người, trong đó đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người dân sinh sống ở khu việc địa hình hiểm trở tại các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi,… đều có thể thực hiện quyền TCTT của mình.

5. Vai trò của việc tiếp cận thông tin

Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tự do thông tin  mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và từng cá nhân, trong đó bao gồm:

Sự hiểu biết và tham gia dân chủ: Tiếp cận thông tin là yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tham gia của công chúng vào các công việc xã hội. Công chúng chỉ thực sự có khả năng tham gia vào các quá trình dân chủ khi họ có đầy đủ thông tin về những chính sách và hoạt động của chính quyền.

Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp: Tiếp cận thông tin có thể tăng cường khả năng thực thi các quyền khác về chính trị và kinh tế. Người dân sử dụng tự do thông tin nhằm thúc đẩy các quan chức nhà nước có phản ứng và hành động một cách nhanh chóng hơn với các vấn đề tồn tại trong xã hội mà có ảnh hưởng đến các quyền của người dân, ví dụ như sự trì trệ của nền kinh tế, sự xuống cấp của hệ thống giáo dục, y tế, tình trạng tội phạm hay thiếu việc làm, vấn đề tham nhũng… 

Làm cho các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn: Tiếp cận thông tin cũng có khả năng cải thiện cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Nếu như biết rằng một quyết định đưa ra sẽ được công bố công khai và sẽ được người dân giám sát thì khi soạn thảo quyết định đó, các cơ quan nhà nước phải dựa trên những cơ sở và lý do khách quan, xác đáng. Tự do thông tin được coi là một công cụ hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng, bởi việc đấu thầu và mua sắm công  phải được ghi lại bằng văn bản với đầy đủ các lý do, cơ sở và căn cứ thích đáng.

Hàn gắn vết thương trong quá khứ: Tại nhiều quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi sang một nền dân chủ, luật tiếp cận thông tin cho phép các chính phủ chia sẻ thông tin, tài liệu về quá khứ, cho phép xã hội cũng như các nạn nhân, gia đình của họ, những người đã từng bị lạm dụng, thương tổn biết và hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong quá khứ, từ đó hòa giải những xung đột và xóa bỏ những chia rẽ, hận thù trong xã hội.