1. Giới thiệu tác giả

Sách Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam do PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền làm chủ biên.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam

Sách Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam

Tác giả: PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền (chủ biên)

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật

3. Tổng quan nội dung sách

Quyền tiếp cận thông tin là nội dung rất quan trọng, đã được khẳng định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Ngày 01/7/2018, Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam.

Không thể phủ nhận việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin là một bước tiến trong quá trình pháp điển hóa kể từ khi quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận lần đầu tiên tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin” và được quy định rải rác trong nhiều văn bản luật và dưới luật. Tuy nhiên, cũng từ đây, các vấn đề pháp lý được phân tích và bình luận chuyên sâu theo hướng làm rõ: chủ thể của quyền tiếp cận thông tin, đối tượng, phạm vi của thông tin được tiếp cận, cũng như hình thức tiếp cận thông tin và vấn đề trách nhiệm bảo đảm thực thi quyền tiếp cận thông tin, kể cả tiếp cận thông tin ở “khu vực công” và “khu vực tư”

Trước hết, đặt trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, tiếp cận thông tin trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải bảo đảm mục tiêu là “vì dân”, tức là dựa trên lợi ích chung của toàn dân. Song, cũng cần phải đặt thêm vấn đề “ai là chủ sở hữu của thông tin cần tiếp cận”. Đặt trong mối quan hệ toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân thì thông tin ấy phải chăng là thông tin của người dân. Thực tế, các cơ quan, cán bộ có thẩm quyền là những chủ thể được trao quyền nắm giữ thông tin nhằm bảo đảm trật tự chung của xã hội. Nếu trên quan điểm đó, việc tiếp cận thông tin không đặt trong mối quan hệ xin - cho mà đặt trong mối quan hệ thực hiện quyền của chủ sở hữu thông tin và trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nắm giữ thông tin trước Nhà nước và Nhân dân.

Hơn nữa, pháp luật về tiếp cận thông tin có mối liên hệ chặt chẽ với pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, là cơ sở để thực hiện quyền giám sát của công dân, là tiền đề để thực hiện công khai, minh bạch, góp phần phòng chống lãng phí, tham nhũng, quan liêu, là động lực để xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trong từng lĩnh vực cụ thể, quyền tiếp cận thông tin giữ vai trò quyết định việc thực hiện nền hành chính kiến tạo, phục vụ mà trước hết được thực hiện trong quá trình ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Trong lĩnh vực đất đai – Lĩnh vực có số lượng khiếu nại và khiếu kiện nhiều nhất ở Việt Nam – việc xây dựng hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin là yêu cầu bức thiết hiện nay, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân từ khâu quy hoạch, khâu định giá đất đến khâu thực hiện trình tự, thủ tục cũng như khâu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…

Không dừng lại ở đó bảo đảm quyền tiếp cận thông tin còn góp phần thực thi hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thực thi quyền tác giả và tác động tích cực đến giải quyết vụ án hành chính, dân sự, thương mại, và hình sự ở Việt Nam. Liên quan đến vấn đề tiếp cận thông tin ở “ khu vực tư”, vấn đề quan trọng đặt ra là xác định phạm vi quyền tiếp cận thông tin; đâu là ranh giới của quyền tiếp cận thông tin và đâu là phạm vi của bảo vệ bí mật đời tư.

Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thời ký cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin vượt xa những nội dung, hình thức, đối tượng, phạm vi trong khuôn khổ truyền thống. Việc này một mặt đòi hỏi việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin phải được ghi nhận và thực thi một cách thực chất hơn; Mặt khác, lại đặt ra trách nhiệm rất lơn cho cơ quan, cán bộ nhà nước có thẩm quyền và mỗi công dân trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của mỗi cá nhân và quản lý việc công khai thông tin một cách dân chủ, minh bạch và hiệu quả.

Nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu quy định pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam, Luật Minh Khuê trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung cuốn sách "Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam”  do PGS.TS.GVCC Phan Trung Hiền làm chủ biên.

Nội dung cuốn được trình bày thành 2 phần với các bài viết của từng tác giả như sau:

Phần 1. Quyền tiếp cận thông tin và pháp luật về quyền tiếp cận thông tin

- Đối tượng và phạm vi của quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam: Hạn chế đề xuất - TS. Nguyễn Lan Hương Khoa Luật, Trưởng Đại học Cần Thơ

- Quyền tiếp cận thông tin và hoạt động giám sát của nhân dẫn - ThS. Đinh Thanh Phương Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

- Pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam - PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ ThS. Nguyễn Đắc Thắng

- Quyền được tiếp cận thông tin và quyền bất khả xâm phạm về cuộc sống riêng tư - Đâu là điểm dung hòa? PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học hai ngoại (Pháp), Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen

- Công khai, minh bạch nhìn từ góc độ quyền tiếp cận thông tin - ThS. Nguyễn Võ Linh Giang Khoa Luật, Trường đại học Cần Thơ

- Hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính quyền địa phương - PGS.TS.GVCC Phan Trung Hiền , Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ và ThS Huỳnh Tuấn Kiệt

Phần 2. Quyền tiếp cận thông tin trong một số lĩnh vực

- Công bố bản án, quyết định trên trang thông tin điện tử của Tòa án - Khó khăn và giải pháp đề xuất - ThS. Trần Hồng Ca; ThS. Võ Thị Phương Uyên - KHoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

- Bảo đảm tính minh bạch của pháp luật về giải thích pháp luật thành văn - ThS. Huỳnh Thị Sinh Hiền - Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

- Quyền tiếp cận thông tin trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ - TS. Cao VŨ Minh - Trường Đại học luật Thành phố Hồ Chí Minh

- Quyền tiếp cận thông tin của người nộp thuế thu nhập cá nhân - ThS. Lê HUỳnh Phương Chính - Khoa Luật , trường Đại học Cần Thơ và TS. Lê Thanh Hòa, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ

- Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin thống kê việc giải quyết vụ án hình sự ở Việt Nam - ThS. Nguyễn Chí Hiếu và ThS. Nguyễn Văn Tròn, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

- Sự công khai, minh bạch  và trách nhiệm giải trình của cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự - ThS. Võ Minh Kỳ và Nguyễn Xuân Lộc, Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiểu, Thành phố Cần Thơ

- Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan và quyền tiếp cận thông tin của công chúng - ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Khoa luật, Trường Đại học Cần Thơ

- Cân bằng lợi ích thông qua phạm vi công bố thông tin đối với sáng chế và chỉ dân địa lý - ThS. Trần Thị Cẩm Nhung, Khoa luật, Trường đại học Cần Thơ

- Một số quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ - Ths. Đoàn Nguyễn Minh Thuận Khoa Luật trường Đại học Cần Thơ

- Quyền được thông tin của người tiêu dùng đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung  - ThS. Tăng Thanh Phương Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

- Công khai, minh bạch của cơ sở giáo dục đại học - ThS. Diệp Thành Nguyên Khoa Luật, Trường đại học Cần Thơ

- Pháp luật về công khai thông tin và quyền tiếp cận thông tin môi trường - PGS.TS.GVCC Phan Trung Hiền , Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ và ThS. Đinh Tấn Đồng

- Công khai thông tin trong xác định giá đất tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng - Ths. Châu Hoàng Thân, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

- Pháp luật về tiếp cận thông tin trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư -  PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền, Khoa Luật, Trưởng Đại học Cần Thơ

- Xây dựng hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người sử dụng đất - ThS. Trần Thụy Quốc Thái Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

- Quyền tiếp cận thông tin của người khiếu nại trong lĩnh vực đất đai - TS. Cao Vũ Minh ThS. Võ Tấn Đào - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

- Một số vấn đề về lấy ý kiến người dân trong quá trình lập quy hoạch xây dựng đô thị - ThS. Trần Vang Phủ.ThS. Nguyễn Võ Linh Giang Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ.

4. Đánh giá bạn đọc

Cuốn sách là kết quả của Hội thảo khoa học  “Pháp luật vê quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam” do nhóm tác giả mà chủ biên là PQS.TS.GVCC Phan Trung Hiền của Khoa Luật, trường Đại học Cần Thơ biên soạn.

Cuốn sách giới thiệu và làm rõ hơn những quy định về quyền tiếp cận thông tin trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam và những ảnh hưởng tích cực hoặc còn bất cập đến những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Luật. Đây thực sự là một vấn đề đang được đông đảo người dân Việt Nam quan tâm, tìm hiểu để việc thực thi quyền tiếp cận thông tin được toàn vẹn hơn.

5. Kết luận

Quyền tiếp cận thông tin là quyền công dân được ghi nhận lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 1992 của nước ta. Do đó, về khía cạnh pháp lý vẫn còn nhiều vấn đề mới mẻ với bạn đọc. Cuốn sách là tập hợp các bài nghiên cứu chuyên sâu của các tác giả sẽ giúp bạn đọc tiếp cận được đa chiều hơn về nội dung này.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!