1. Khuyến mại được hiểu như thế nào?

Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Các hoạt động khuyến mại được quy định thao Nghị định 81/2018/NĐ-CP và Luật thương mại.

Khuyến mại được coi là một biện pháp với mục đích khuyến khích việc bán hàng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy khách hàng mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Đây chính là dấu hiệu phân biệt hành vi khuyến mại với các hành vi xúc tiến thương mại khác.

Đặc điểm của khuyến mại

Với tính chất là hoạt động thương mại do thương nhân thực hiện, khuyến mại có các đặc điểm cơ bản sau đây:

- Chủ thể thực hiện hành vi khuyến mại là thương nhân. Để tăng cường cơ hội thương mại, thương nhân được phép tự mình tổ chức thực hiện các chương tình khuyến mại, bên cạnh đó cũng có thể lựa chọn dịch vụ khuyến mại cho thương nhân khác để kinh doanh. Quan hệ dịch vụ này được hình thành trên cơ sở hợp đồng dịch vụ khuyến mãi giữa thương nhân có nhu cầu khuyến mại và thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại.

- Cách thức xúc tiến thương mại: dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Tùy thuộc vào mục tiêu của đợt khuyến mại, tùy thuộc vào điều kiện kinh phí dành cho khuyến mại, tùy thuộc vào trạng thái cạnh tranh với các đối thủ khác mà lợi ích thương nhân dành cho khách hàng là khác nhau.

- Mục đích của khuyến mại: xúc tiến việc bán hàng và cung ứng dịch vụ. Để thực hiện được mục đích này, các đợt khuyến mại có thể hướng tói mục tiêu lôi kéo hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng, giới thiệu một sản phẩm mới, kích thích trung gian phân phối chú ý hơn nữa đến hàng hóa của doanh nghiệp, tăng lượng hàng đặt mua ... thông qua đó tăng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Các hình thức khuyến mại phổ biến hiện nay:

  • Hàng mẫu: Thương nhân đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử mà không phải trả tiền. Đó có thể là hàng đang bán hoặc sẽ được bán trên thị trường;
  • Quà tặng: tặng quà thường được thực hiện đối với khách hàng có hành vi mua sắm hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ của thương nhâ. Hàng hóa, dịch vụ dùng làm quà tặng có thể là hàng hóa, dịch vụ mà thương nhân đang kinh doanh hoặc là hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác. Việc tặng quà không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ, mà còn có cơ hội để thương nhân quảng cáo, giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ của mình;
  • Giảm giá: là hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn giá bán, giá cung ứng dịch vụ bình thường trước đó. Được sử dụng trong thời gian khuyến mại mà thương nhân đã đăng ký hoặc hoặc thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Khi thực hiện khuyến mại theo cách này, để đảm bảo mội trường cạnh tranh lành mạnh, chống hành vi bán phá giá. luật pháp thường có quy định giới hạn mức đội giảm giá (hạn mức giảm giá, hạn mức khuyến mại), mức độ giảm giá cụ thể do pháp luật hiện hành quy định;
  •  Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi. Với mỗi phương thức thì khách hàng có thể được hưởng những lợi ích khác nhau: Phiếu mua hàng thường có ý nghĩa giảm giá hoặc có mệnh giá nhất định để thanh toán cho những lần mua sau trong hệ thống bán hàng của thương nhân; Phiếu sử dụng dịch vụ có thể cho phép sử dụng miễn phí theo điều kiện nhà cung ứng đưa ra. Khác với điều này, phiếu dự thi có thể mang lại giải thưởng hoặc không mang lại lợi ích gì cho khách hàng, phụ thuộc vào kết quả dự thi của họ;
  • Tổ chức các sự kiện để thu hút khách hàng. Được coi là các sự kiện được tổ chức gắn liền hoặc tách rời với việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của khách hàng. Như việc sử dụng các chương tình mang tính may rủi (bốc thăm trúng thưởng, cào số, vé số dự thưởng...). Ngoài ra thương nhân còn có thể tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí... mang đến những lợi ích phi vất chất, lợi ích về tinh thần mà thương nhân dành cho khách hàng, cũng có thể nhằm hướng tới khách hàng mục tiêu của thương nhân.

Ngoài ra, pháp luật không cấm thương nhân sử dụng các hình thức khuyến mại khác nhưng khi thực hiện phải tuân thủ các quy định về thủ tục thực hiện, ví dụ như phải được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận...

Các hoạt động khuyến mại bị cấm theo quy định của pháp luật hiện nay:

  • Khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng;
  • Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép lưu  thông;
  • Khuyến mại hoặc sử dụng rượu bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi;
  • Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn  từ 30 độ trở lên để khuyến mại cho mọi hình thức;
  • Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
  • Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm hại đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích công cộng;
  • Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
  • Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
  • Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyên mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại nghị định 81/2018/NĐ-CP.

 

2. Khi nào doanh nghiệp được phép thực hiện đăng ký khuyến mại

Căn cứ vào Luật Thương mại 2005, thương nhân Việt Nam, chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngaofi tại Việt Nam có quyền tự tổ chức khuyên mại hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại của mình.

Doanh nghiệp thực hiện khuyến mại là thương nhân thuộc các trường hợp sau đây:

  • doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện khuyến mại hoặc thực hiện khuyến mại thông qua các thương nhân phân phối (bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và các thương nhân phân phối khác theo quy định của pháp luật);
  • doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hành hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó. Quan hệ giữa thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại và thương nhân khác được thiết lập trên cơ sở hợp đồng và phải được thiết lập trên cơ sở hợp đồng và phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có gía trị pháp lý tương đương.

Theo đó, pháp luật về thương mại không có quy định khi nào thì doanh nghiệp được phép thực hiện chương trình khuyến mại. Trên cơ sở nắm bắt thị trường và căn cứ vào điều kiện kinh doanh, nhu cầu tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp sẽ có quyết định về tổ chức khuyến mại phù hợp với mục đích của mình.

Thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại

Để tiến hành thuận lợi các chương trình khuyến mại, doanh nghiệp cần phải tiến hành thực hiện các thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại. Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các chương trình khuyến mại đến môi trường kinh doanh, đến lợi ích khách hàng, pháp luật quy định các thủ tục khác nhau để thực hiện khuyến mại. Có 03 thủ tục chính được xếp theo mức độ tăng dần về tính phức tạp của thủ tục khuyến mại, đó là:

  1.  Thủ tục thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại;
  2.  Thủ tục đăng ký thực hiện hoạt động khuyến mại;
  3.  Thủ tục xin phép thực hiện hoạt động khuyến mại.

- Thủ tục thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại. Thủ tục này được áp dụng với hầu hết các hình thức khuyến mại như hàng mẫu, quà tặng, giảm giá và bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ. Theo thủ tục này, doanh nghiệp thực hiện khuyến mại chỉ cần gửi thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại đến cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nơi tổ chức khuyến mại (Sở Công thương) trước khi thực hiện khuyến mại, không cần chờ đợi sự cho phép hay chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thủ tục đăng ký thực hiện hoạt động khuyến mại. Đối với thủ tục này, doanh nghiệp thực hiện khuyến mại phải tiến hành đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại tại cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền và chỉ được thực hiện chương trình khuyến mại khi nhận được văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các trường hợp bắt buộc phải tiến hành đăng ký khuyến mại, bao gồm: thuewcj hiện các hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương tình mang tính may rủi phải đăng ký thực hiện hoạt động khuyến mại.

Đối với việc thực hiện chương tình khuyến mại trên địa bàn 01 tỉnh thì doanh nghiệp cần nộp hồ sơ tại Sở Công thương. Đối với trường hợp thực hiện chương trình khuyến mại trên địa bàn nhiều tỉnh, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục đăng ký thực hiện khuyến mại tại Bộ Công thương.

Lưu ý: khi hết thời hạn trao giải thưởng của chương trình khuyến mại, doanh nghiệp thực hiện chương tình khuyến mại phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền về kết quả chương trình khuyên mại và thông báo công khai về kết quả trúng thưởng.

- Thủ tục xin phép thực hiện hoạt động khuyến mại. Thủ tục này cũng đòi hỏi phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Tuy nhiên, thủ tục này chỉ áp dụng với những hoạt động khuyến mại được thực hiện theo sự sáng tạo của doanh nghiệp và pháp luật chưa có quy định cụ thể. Hiện tại, Bộ Công thương là cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận đối với trường hợp này.

Hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại bao gồm:

  • Bản đăng ký thực hiện chương trình khuyến mai;
  • Bản thể lệ chương tình khuyến mại;
  • Mẫu vé số sự thưởng (nếu doanh nghiệp thực hiện chương tình có phát hành vé số dự thưởng;
  • Hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại;
  • Mẫu bằng chứng trúng thưởng (nếu có);
  • Bản sao giấy xác nhận chất lượng của hàng hóa dùng khuyến mại, theo quy định của pháp luật (nếu có);
  • Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu (đối với hàng hóa nhập khẩu);
  • Danh sách các địa điểm sẽ tiến hành hoạt động khuyến mại;
  • Giấy ủy quyền làm dịch vụ khuyến mại (nếu thuê đơn vị thứ ba làm dịch vụ khuyến mại).

Lưu ý: nếu doanh nghiệp đnăg ký thực hiện chương tình khuyến mại theo hình thức đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phảu trả tiền thì doanh nghiệp phải nộp thêm Thông báo thực hiện khuyến mại theo mẫu số 01 phụ lục ban hành kèm theo nghị định số 81/2018/ NĐ-CP.

 

3. Quyền lợi của doanh nghiệp khi đăng ký khuyến mại

Quyền của doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký khuyến mại là điều mà pháp luật ghi nhận và cho phép doanh nghiệp xử sự khi thực hiện hoạt động khuyến mại. Khi tiến hành đăng ký khuyến mại, doanh nghiệp sẽ có được những quyền lợi sau đây:

- Quyền được lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.

Việc được tự do lựa chọn các nội dung về chương trình khuyến mại tạo cho doanh nghiệp những điều kiện thuận lợi để chủ động sáng tạo, mở rộng ý tượng trong giới hạn luật định. Đồng thời góp phần đưa ra các phương án phù hợp với hoạt động kinh doanh, chiến lược kinh doanh, dễ dàng tiếp cận khách hàng và thu hút sự quan tâm, chú ý.

Hình thức khuyến mại được quy định cụ thể theo quy định của pháp luật, do đó các doanh nghiệp cần chú ý lựa chọn các hình thức khuyến mại phù hợp với mục đích tổ chức và hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể lựa chọn các hình thức khác nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Phụ thuộc vào đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp muốn tiếp cận mà lựa chọn ra thời gian với địa điểm phù hợp để tiến hành các chương trình khuyến mại. Ví dụ như giảm giá mua máy tính trong thời gian nhập học của sinh viên; giảm giá các mặt hàng bánh kẹo, quà tặng trong thời gian cuối năm ...

Việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại cũng được tự do lựa chọn nhưng phải đảm bảo nguyên tắc "hàng hóa, dịch vụ kinh doanh hợp pháp", các mặt hàng được phép tự do lưu thông.

- Quyền được quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại được quy định tại Nghị định 81/2018/ NĐ-CP.

Nội dung về hạn mức tối đa, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại được Chính phủ quy định tại Nghị định 81/2018/ NĐ-CP, bao gồm:

+ Hạn mức tối đa về hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại:

  • Hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50 % giá trị của đơn vị hàng hóa, dịch vụ trong thời gian khuyến mại;
  • Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp dùng để khuyến mại được thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50 % tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại;
  • Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Ngoài ra hạn mức tối đa 100% này cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng chính phủ quyết định.

+ Mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại:

  • Mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50 % giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại;
  • Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung thì áp dụng mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100 %. Đồng thời đây cũng là mức giảm tối đa đối với các hoạt động khuyến mại trong chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quy định;
  • Không áp dụng hạn mức giản giá tối đa khi thực hiện khuyên mại giảm giá cho: hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; Hàng hoá thực phẩm tươi sống; Hàng hóa dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Thực tế, mặc dù đây là những quyền lợi, lợi ích cụ thể mà daonh nghiệp được hưởng khi tiến hành đăng ký các chương trình khuyến mãi, tuy nhiên nó cũng được coi là nghĩa vụ tương đối của doanh nghiệp đó. Việc quy định rõ ràng về hạn mức tối đa và mức giảm tối đa các loại hàng hóa, dịch vụ là một cách để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cũng là đảm đảo cho chính doanh nghiệp thực hiện khuyến mại.

- Quyền được thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình.

Trong trường hợp, nếu doanh nghiêp không thể tự mình thực hiện các hoạt động khuyến mại với một lý do nào đó (như, không có kinh nghiệm, kỹ năng, không có thời gian tự mình thực hiện), thì họ hoàn toàn có quyền thuê các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khuyến mại để thực hiện các chương trình khuyến mại mà doanh nghiệp đề ra đạt được kết quả tối ưu nhất. Điều này cũng thể hiện quyền tụ do ký kết hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp.

- Quyền được tổ chức thực hiện các hình thức khuyến mại được quy định tại điều 92 của Luật thương mại, đó là:

  • Đưa hàng hóa mẫu, cung ứn dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
  • Tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền;
  • Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý gái thì việc khuyến mại tho hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ;
  • Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lượi ích nhất định;
  • Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố;
  • Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chuơng trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua bán hàng hóa , dịch vụ và việc trúng thưởng thường dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố;
  • Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác;
  • Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại;
  • Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.

Như vậy, có nhiều cách thức khác nhau để doanh nghiệp có thể tiến hành các chương trình khuyến mại, mang đến những lợi ích nhất định cho khách hàng của mình. Lợi ích mà khách hàng được hưởng có thể là vật chất (tiền, hàng hóa) và cũng có thể là phi vật chất (cung ứng các dịch vụ miễn phí). Mỗi hình thức khuyến mại sẽ có các nội dung, cách thức tổ chức khác nhau, buộc doanh nghiệp phải đánh giá chi tiết tình hình thực tế và điều kiện kinh doanh để đưa ra các phương án khuyến mại phù hợp và hiệu quả nhất.

Trên đây là bài viết tham khảo của Công ty Luật Minh Khuê về những quyền lợi mà doanh nghiệp có được khi thực hiện đăng ký khuyến mại tại các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không rõ về vấn đề này, hay bất cứ vấn đề pháp lý liên quan khác vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn miễn phí của công ty chúng tôi 1900.6162 để nhận được sự giải đáp. 

Trong trường hợp cần yêu cầu báo giá dịch vụ đăng ký khuyến mại trên phạm vi toàn quốc hoặc các tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước hãy gửi yêu cầu báo giá dịch vụ qua email: lienhe@luatminhkhue.vn. Xin chân thành cảm ơn!