Mục lục bài viết
- 1. Quyền nuôi con thuộc về vợ hay chồng sau ly hôn?
- 2. Ai có quyền nuôi con hai tuổi rưỡi khi bố mẹ ly hôn?
- 3. Tư vấn về thủ tục ly hôn nhanh chóng và quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi?
- 3.1. Để ly hôn nhanh chóng không cần phải hòa giải thì làm như thế nào?
- 3.2. Con dưới 3 tuổi thì người mẹ được quyền nuôi con vô điều kiện có đúng không?
- 4. Tư vấn về quyền nuôi con khi ly hôn và đang mang bầu?
- 5. Tư vấn tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn?
- 6. Tư vấn quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn?
1. Quyền nuôi con thuộc về vợ hay chồng sau ly hôn?
Thưa Luật sư, hai vợ chồng em ly hôn thì quyền nuôi con sẽ thuộc về ai? Vợ chồng em có hai đứa con, một đứa 2 tuổi và một đứa một tuổi. Xin cảm ơn!
Người gửi: K.B.T
Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua tổng đài: 1900.6162
Trả lời:
Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định về quyền nuôi con sau ly hôn như sau:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Như vậy, con bạn một cháu 2 tuổi và một cháu 1 tuổi, cho nên về nguyên tắc người mẹ sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con. Người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng sẽ do hai vợ chồng tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
>> Xem ngay: Tiền lương thấp khi ly hôn có được giành quyền nuôi con không?
2. Ai có quyền nuôi con hai tuổi rưỡi khi bố mẹ ly hôn?
Chào luật sư! Luật sư cho em hỏi trường hợp của vợ chồng em. Con gái em được 2 tuổi rưỡi rồi, nếu vợ chồng em ly hôn thì ai là người có quyền được nuôi con vậy? Em cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn luật hôn nhân về quyền nuôi con, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, theo đó, về nguyên tắc sau khi ly hôn con dưới 36 tháng tuổi sẽ do người mẹ nuôi dưỡng, trường hợp của quý khách con gái 2 tuổi rưỡi thì người mẹ được quyền nuôi dưỡng con, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
>> Xem ngay: Quyền nuôi con sau ly hôn thuộc về ai? Hướng dẫn giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn?
3. Tư vấn về thủ tục ly hôn nhanh chóng và quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi?
Kính chào Luật Minh Khuê, tôi có một số vấn đề mong các luật sư giải đáp như sau:
1. Xin cho tôi biết tôi muốn ly hôn nhanh chóng không cần hòa giải thì phải làm thế nào?
2. Con dưới 3 tuổi thì người mẹ được quyền nuôi con vô điều kiện có đúng không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: N.T. Hiếu
Trả lời:
3.1. Để ly hôn nhanh chóng không cần phải hòa giải thì làm như thế nào?
- Thứ nhất, để thực hiện thủ tục ly hôn được nhanh chóng:
Hiện nay, pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng như trong pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định về thủ tục giải quyết ly hôn "rút gọn" nhưng để tối thiểu hóa thời gian giải quyết thủ tục ly hôn, chị cần lưu ý như sau:
+ Có 2 thủ tục ly hôn là ly hôn đơn phương và thuận tình ly hôn. Trong đó thủ tục thuận tình ly hôn thường được giải quyết nhanh hơn rất nhiều so với ly hôn đơn phương do có sự đồng thuận và "hợp tác" của cả 2 bên. Vì vậy, để giảm bớt thời gian "hầu tòa", anh chị có thể thỏa thuận ly hôn thuận tình là tốt nhất.
+ Chuẩn bị hồ sơ có đầy đủ giấy tờ cần thiết để gửi lên tòa xin ly hôn: Hồ sơ bắt buộc phải có:
- Đơn xin ly hôn (có thể tham khảo mẫu đơn tại đây)
- Bản sao công chứng (hoặc chứng thực) CMND/Căn cước công dân/Hộ khẩu
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Bản sao công chứng (hoặc chứng thực) giấy khai sinh của con
- Giấy tờ về tài sản chung yêu cầu tòa án phân chia (nếu có).
+ Chi tiết hóa yêu cầu ghi nhận trong đơn xin ly hôn: Tòa án sẽ giải quyết dễ dàng và nhanh chóng thủ tục cho chị nếu các vấn đề được yêu cầu trong đơn chính xác, ngắn gọn, chi tiết và nhanh chóng.
+ Nắm vững quy trình thủ tục giải quyết ly hôn: Cụ thể, đối với việc thuận tình ly hôn đương sự phải qua các bước: nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; nộp tiền tạm ứng án phí (lệ phí); đến tòa để ghi bản tự khai; dự phiên hòa giải; tham gia phiên họp giải quyết công nhận thuận tình ly hôn theo giấy triệu tập của tòa án.
Trong các bước nêu trên, để giản tiện các bên có thể nộp đơn và hồ sơ kèm theo qua đường bưu điện; đóng tiền tạm ứng án phí (lệ phí) một bên đại diện nộp; việc ghi bản tự khai và phiên hòa giải các bên phải có mặt ở tòa.
Riêng việc tham gia phiên họp giải quyết việc thuận tình ly hôn, nếu vì lý do nào đó các bên không thể tham gia phiên họp giải quyết việc thuận tình ly hôn thì phải chủ động làm đơn yêu cầu giải quyết ly hôn vắng mặt (có thể làm ngay sau phiên hòa giải) và nộp cho tòa án.
Việc thực hiện theo đúng các bước trên đây sẽ giảm thời gian tối đa phải đến tòa cho chị nếu như chị quá bận rộn hoặc có lý do chính đáng khác.
- Thứ hai, về vấn đề hòa giải khi ly hôn:
+Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014quy định:
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
+ Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
"Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự."
Như vậy, trước khi chị nộp đơn yêu cầu ly hôn, việc hòa giải cơ sở có thể được tiến hành hoặc không. Hòa giải cơ sở chỉ mang tính chất khuyến khích thực hiện, không có ý nghĩa bắt buộc. Tuy nhiên, sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Khác với hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải tại Tòa án là một thủ tục bắt buộc, kể cả khi hai bên thuận tình ly hôn.
Mặt khác, chị cần lưu ý rằng, việc hòa giải ở Tòa án không chỉ là để giải quyết việc tạo cơ hội cho 2 bên đoàn tụ mà còn để tạo cơ hội cho 2 anh chị thỏa thuận về các vấn đề sau khi ly hôn như chia tài sản chung, quyền nuôi con, vấn đề cấp dưỡng cho con ... Nếu các bên thỏa thuận được, Tòa án sẽ lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn. Sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu các bên vẫn không thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.
Việc hòa giải thuận tình ly hôn sẽ giúp cho thời gian giải quyết ly hôn được nhanh chóng, thuận lợi; các bên sẽ không mất nhiều thời gian tới lui để “hầu” tòa, nếu có tranh chấp về tài sản mà hòa giải thành, các bên chỉ phải mất 50% án phí. Như vậy, ý nghĩa của thủ tục hòa giải của tòa án không chỉ là tạo cơ hội cuối cùng để các bên có thể hàn gắn lại quan hệ vợ chồng mà còn tạo những điều kiện thuận lợi nhất định cho quá trình ly hôn.
3.2. Con dưới 3 tuổi thì người mẹ được quyền nuôi con vô điều kiện có đúng không?
- Căn cứ theo Khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định:
"3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Đối chiếu với quy định trên đây, chị có thể hiểu rằng nếu người mẹ có đủ điều kiện nuôi dưỡng và đảm bảo đầy đủ lợi ích mọi mặt cho con thì con dưới 03 tuổi sẽ được pháp luật ưu tiên giao cho người mẹ nuôi trực tiếp chứ không phải là người mẹ được quyền nuôi con vô điều kiện.
>> Xem thêm nội dung: Quyền nuôi con dưới 1 tuổi khi ly hôn mà hoàn cảnh khó khăn?
4. Tư vấn về quyền nuôi con khi ly hôn và đang mang bầu?
Kính chào Luật Minh Khuê, tôi có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Vợ chồng tôi cưới nhau năm 2007 và đã có với nhau một con trai năm nay 7 tuổi. Bây giờ, tôi đang có thai hơn 05 tháng.
Chồng tôi đi Hàn Quốc khi tôi đang có thai gần 04 tháng, đến bây giờ là đã hơn 6 năm. Khi chồng tôi về nước thì trong thời gian chung sống chúng tôi xảy ra mâu thuẫn và đã được chính quyền địa phương giải quyết tạm thời ly thân để hai bên nhìn nhận lại sự việc.
Trong thời gian đó vợ chồng tôi vẫn qua lại với nhau và bây giờ tôi đang có thai hơn 05 tháng. Vậy cho tôi hỏi là nếu bây giờ tôi xin ly hôn thì tôi có được quyền nuôi cả 2 con không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: T.N
Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua tổng đài: 1900.6162
Trả lời:
Căn cứ theo Khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì:
Trong trường hợp của chị, giữa anh chị có hai con: Một cháu năm nay đã 7 tuổi và đang mang thai một cháu. Như vậy đối chiếu với các quy định nêu trên, trong trường hợp khi anh chị ly hôn, chị sẽ có quyền nuôi cả hai con nếu:
- Chị có đủ điều kiện về thời gian cũng như kinh tế để đảm bảo chăm sóc tốt quyền lợi mọi mặt cho 2 con của chị (như là chăm nom, nuôi dưỡng, giáo dục các con)
- Cháu trai 7 tuổi có nguyện vọng ở với chị sau khi ly hôn (việc cháu chọn chị là có khả năng cao vì chị đã một mình nuôi cháu suốt hơn 6 năm liền);
- Ngoài ra, cháu bé chị đang mang thai khi sinh ra đương nhiên sẽ do chị trực tiếp nuôi, chỉ trừ trường hợp chị không có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu.
Khi đó, đối với chồng của chị nếu không được nuôi con thì cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi là chị và có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con ít nhất cho đến tuổi thành niên.
>> Tham khảo: Thủ tục đơn phương ly hôn và quyền nuôi con?
5. Tư vấn tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn?
Thưa luật sư, tôi đang muốn ly hôn nhưng gặp phải vấn đề tranh chấp về quyền nuôi con. Tôi muốn nhờ công ty tư vấn giúp cho tôi. Vợ chồng tôi lấy nhau được 5 năm và có 1 con trai 4 tuổi. Hiện tại, tôi đang làm tại UBND xã còn chồng tôi ở nhà làm nông nghiệp.
Công việc chồng tôi không ổn định, lại chơi bời, không tu chí làm ăn, không có trách nhiệm với gia đình vợ con. Tôi không muốn con sống trong môi trường không lành mạnh nên đã gửi cháu về bên ngoại để đi học. Sau thời gian chung sống với nhau tôi đã cho chồng rất nhiều cơ hội để thay đổi nhưng chồng tôi vẫn chứng nào tật ấy, mải mê cờ bạc. Đến nay, khi tôi muốn ly hôn thì lại đòi đón con về để có trách nhiệm và sẽ giành quyền nuôi con với tôi bằng mọi giá. Tôi đã viết đơn ly hôn và chồng tôi đã ký. Tôi xin hỏi trường hợp của tôi khi ra tòa có gặp bất lợi gì về quyền nuôi con không? Mong sớm nhận được sự tư vấn của quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: L.N
Luật sư tư vấn trực tiếp về giành quyền nuôi con, gọi 1900.6162
Trả lời
Theo Điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn áp dụng trong trường hợp này, con bạn 4 tuổi, theo quy định của pháp luật, quyền nuôi con sẽ dựa trên cơ sở nguyên tắc thỏa thuận giữa bạn và chồng bạn. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ dựa trên cơ sở thu nhập kinh tế của bạn và chồng. Ai có lợi thế hơn về mặt kinh tế, thu nhập và có thể đảm bảo tốt cho con phát triển về mặt thể chất cũng như tinh thần thì Tòa sẽ ưu tiên quyền nuôi con cho bên đó.
Cũng dựa trên thông tin mà chúng tôi tiếp nhận từ bạn, bạn làm việc ở Ủy ban nhân dân, còn chồng bạn làm nông nghiệp có công việc không ổn định lại chơi bời, không tu chí làm ăn, không có trách nhiệm với gia đình vợ con. Bạn không muốn con sống trong môi trường không lành mạnh. Sau thời gian chung sống với nhau bạn đã cho chồng rất nhiều cơ hội để thay đổi nhưng chồng bạn vẫn chứng nào tật ấy, mải mê cờ bạc. Như vậy, xét về khía cạnh kinh tế hay tinh thần bạn đang có nhiều lợi thế hơn vì vậy, khi chứng minh được sự thuận lợi này trước Tòa bạn sẽ được ưu tiên quyền nuôi con sau ly hôn.
Bạn có thể chứng minh thông qua tin nhắn, đoạn ghi âm, ghi hình, video hay những hình ảnh hoặc thông qua xác nhận của những người làm chứng (có thể là cha, mẹ, người thân của gia đình bạn hoặc bạn bè của bạn) để chứng minh trước Tòa án.
>> Xem thêm: Muốn giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn có được không?
6. Tư vấn quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn?
Kính gửi Luật sư: Hiện tại, tôi và chồng tôi đang ly hôn thuận tình và đang diễn ra phiên hòa giải đầu tiên tại Tòa án nhưng giữa chúng tôi có một bé gái, bé mới 4 tháng. Hiện tôi là mẹ bé là người trực tiếp nuôi bé.
Vì mới sinh nên tôi chưa có công việc ổn định để đi làm, buổi tối tôi có làm thêm cho một quán cà phê nhạc DJ, nhưng chồng tôi nói tôi sống trong môi trường phức tạp, không được nuôi con vì anh không muốn con tôi bị ảnh hưởng. Xin luật sư giúp tôi giải đáp thắc mắc này. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Lan Phương
>> Luật sư tư vấn Luật hôn nhân và gia đình: 1900.6162
Trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại bạn đang làm thủ tục ly hôn và có tranh chấp về quyền nuôi con. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 chia 3 mốc độ tuổi để xác định quyền nuôi con giữa người bố và người mẹ khi có tranh chấp. Vậy con bạn 4 tháng tuổi thuộc vào độ tuổi con dưới 36 tháng tuổi. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 201.
Theo đó, bạn là người mẹ được trực tiếp nuôi con đối với con dưới 36 tháng tuổi trừ 2 trường hợp là: giữa bạn và chồng bạn có thỏa thuận khác về quyền nuôi con hoặc chồng bạn có đủ căn cứ chứng minh bạn không đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con bạn. Lý do chồng bạn đưa ra do bạn là việc trong môi trường phức tại gây ảnh hưởng cho con bạn là chưa đủ căn cứ chứng minh.
Vì vậy, nếu chồng bạn muốn giành quyền nuôi con nhưng chồng bạn không có đủ các căn cứ chứng minh anh ấy đủ điều kiện nuôi con và bạn không đủ khả năng nuôi con theo quy định của pháp luật thì chồng bạn có thể yêu cầu giành quyền nuôi con sau khi ly hôn khi con bạn đủ từ 36 tháng tuổi trở lên bằng đơn yêu cầu gửi ra Tòa án yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ."
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về yêu cầu của bạn.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê