Mục lục bài viết
- 1. Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về nhiều tội phạm
- 1.1 Đối với hình phạt chính
- 1.2 Đối với hình phạt bổ sung
- 2. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân
- 4.Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
- 5. Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Luật sư tư vấn:
1. Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về nhiều tội phạm
Trong trường hợp này, toà án quyết định hình phạt đối với từng tội theo quy định chung về các căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại đã được đề cập ở phần trên, sau đó tổng hợp hình phạt theo các quy định sau:
1.1 Đối với hình phạt chính
- Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung theo nguyên tắc cộng toàn bộ (điểm a khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017);
- Hình phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác theo nguyên tắc cùng tồn tại các loại hình phạt khác nhau (điểm a khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017);
- Nếu hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó (điểm b khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động có thời hạn không quá 04 năm trong lĩnh vực hoạt động đó (điểm c khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017);
- Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn toàn bộ hoạt động thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 BLHS thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động (điểm d khoản 1 Điêu 86 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017);
- Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp (điểm đ khoản 1 Điều 86 BLHS). Trong trường họp này pháp nhân thương mại phải chấp hành đồng thời tất cả các hình phạt đã tuyên.
1.2 Đối với hình phạt bổ sung
- Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết đinh trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó (điểm a khoản 2 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Quy định nấy là theo nguyên tắc cộng một phần hoặc toàn bộ;
- Nếu hình phạt đã tuyên cùng là hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung theo nguyên tắc cộng toàn bộ (điểm a khoản 2 Điều 86 BLHS);
- Nếu ,các hình phạt đã tuyên là khác loại thì pháp nhân thương mại phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên theo nguyên tắc cùng tồn tại các loại hình phạt khác nhau (điểm b khoản 1 Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
2. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân
Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có thể xảy ra trong hai trường hợp:
- Thứ nhất, pháp nhân thương mại đang phải chấp hành một bản án lại bị xét xử về tội phạm đã xảy ra trước khi có bản án này;
- Thứ hai, pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án lại bị xét xử về tội phạm mới (xảy ra sau khi có bản án này).
Trong trường hợp thứ nhất, toà án quyết định hình phạt đối với tội phạm đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung (trên cơ sở hình phạt của hai bản án) theo quy định của Điều 86 BLHS. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước về đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung (khoản 1 Điểu 87 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Trong trường hợp thứ hai, toà án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới, sau đó quyết định hình phạt chung (trên cơ sở hình phạt của bản án sau và phần còn lại chưa chấp hành của bản án trước) theo quy định của Điều 86 BLHS (khoản 2 Điều 87 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
3.Các tình tiết tăng nặng đối với pháp nhân thương mại
– Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội: Tình tiết phạm tội này cũng tương tự như tình tiết phạm tội có tổ chức đối với người phạm tội, nhưng đối với pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội bao giờ cũng là hành vi có tổ chức nên không cần phải quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hình thức phạm tội có tổ chức của pháp nhân thương mại ở tình tiết tăng nặng được mở rộng hơn, đó là “câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Tình tiết có tính đặc thù chỉ đối với pháp nhân thương mại thương mại mới có.
– Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Phạm tội 02 lần trở lên: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự .
– Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm: Tình tiết phạm tội này có một phần giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm m khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, đó là dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Phần nội dung còn lại của tình tiết tăng nặng nói trên là dùng thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm. Tuy nhiên, nội dung của thủ đoạn “tinh vi” thì cũng giống như thủ đoạn “tinh vi” để phạm tội, chỉ khác ở mục đích việc dùng thủ đoạn tinh vi là nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
4.Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Theo quy định tại Điều 33 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt sau:
– Đối với hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Phạt tiền đối với pháp nhân thương mại: Theo Điều 77 BLHS năm 2015 thì phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
Nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại là hình phạt chính thì không được áp dụng hình phạt này là hình phạt bổ sung nữa. Tuy nhiên, nếu Tòa án áp dụng hình phạt khác (không phải là tiền) là hình phạt chính thì có thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại.
Nếu Tòa án áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại là phạt tiền thì phải căn cứ vào khung hình phạt tiền đối với tội phạm mà pháp nhân thương mại bị kết án để xác định mức tiền phạt cụ thể. Ví dụ: Công ty A bị kết án về tội trốn thuế quy định tại khoản 2 Điều 200 BLHS năm 2015 có khung hình phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại gây ra, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự Tòa án áp dụng hình phạt Công ty A 700.000.000 đồng. Nếu Công ty A có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt dưới 500.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng (mức tiền phạt thấp nhất của khoản 1 Điều 200 BLHS năm 2015) nhưng không được dưới 50.000.000 đồng.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn: Theo quy định tại Điều 78 BLHS năm 2015 thì đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoàn toàn hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Cũng như trường hợp đình chỉ hoạt động có thời hạn, Tòa án chỉ được đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực chứ không được đình chỉ tất cả những lĩnh vực nếu như pháp nhân thương mại chỉ phạm tội có liên quan đến một hoặc một số lĩnh vực. Khi áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực pháp nhân thương mại phạm tội, Tòa án cần căn cứ vào thiệt hại pháp nhân thương mại gây ra hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến các lĩnh vực bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn mà pháp nhân thương mại không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Đối với hình phạt bổ sung bao gồm:
Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định: Cùng với hình phạt chính, Tòa án có thể áp dụng hình phạt bổ sung cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực khi xét thấy, nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Tòa án phải nói rõ trong bản án là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nào, chứ không thể tuyên chung chung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được. Cho dù Tòa án áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn hay đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực thì việc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định cũng chỉ từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, chứ không được cấm vĩnh viễn, vì đây là hình phạt bổ sung.
Cấm huy động vốn: Cấm huy động vốn là hình phạt bổ sung được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; cấm phát hành, chào bán chứng khoán; cấm huy động vốn khách hàng; cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản. Tòa án có thể quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn trên. Tuy nhiên, thời hạn cấm huy động vốn cũng chỉ từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, vì đây là hình phạt bổ sung.
Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính: Khi Tòa án không áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền như: đình chỉ hoạt động có thời hạn hay đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực thì mới được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. Nếu đã áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền thì không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nữa. Mức phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng (tương tự như đối với hình phạt chính). Cũng như đối với người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội thì với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
5. Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Theo quy định tại Điều 88 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Quy định về
miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội khác với trường hợp đối với người phạm tội. Nếu đối với người phạm tội thì căn cứ để miễn hình phạt chính là nội dung của căn cứ miễn trách nhiệm hình sự nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự còn đối với pháp nhân thương mại phạm tội chỉ cần có đủ hai điều kiện, đó là: “đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Ngoài ra, không còn điều kiện nào khác. Cũng không căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê