1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách "Hướng dẫn thi hành Luật Giáo Dục và chính sách mới đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, sinh viên" do các tác giả Vũ Tươi và Thiên Kim hệ thống.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Hướng dẫn thi hành Luật Giáo Dục và chính sách mới đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, sinh viên

Hướng dẫn thi hành Luật Giáo Dục và chính sách mới đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, sinh viên

Tác giả: Vũ Tươi - Thiên Kim

Nhà xuất bản Lao Động

3. Tổng quan nội dung sách

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều văn bản mới về hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, lựa chọn sách giáo khoa, điều lệ trường học, chính sách hỗ trợ dành cho giáo viên, học sinh, sinh viên,… Cụ thể như:

- Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-09-2020 Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm;

- Nghị định số 110/2020/NĐ-CP ngày 15-09-2020 Quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế;

- Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26-05-2020 Ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;

- Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-08-2020 Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;

- Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04-09-2020 Ban hành Điều lệ trường tiểu học;

- Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-09-2020 Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; -

- Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27-07-2020 Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học;

- Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01-10-2020 Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập;

- Thông tư số 36/2020/TT-BGDĐT ngày 05-10-2020 Quy định chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm;

- Thông tư số 21/2020/TT-BGDĐT ngày 31-07-2020 Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục;

- Thông tư số 45/2020/TT-BGDĐT ngày 11-11-2020 Ban hành Quy chế xét tặng giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học;…

Nhằm giúp cho Hiệu trưởng các trường học, cán bộ lãnh đạo giáo dục và bạn đọc quan tâm đến các quy định mới nêu trên, Nhà xuất bản Lao Động xuất bản cuốn sách: Hướng dẫn thi hành Luật Giáo Dục và chính sách mới đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Nội dung cuốn sách bao gồm các phần chính như sau:

Phần thứ nhất. Luật Giáo dục – Luật Giáo dục đại học – Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành

Phần thứ hai. Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học

Phần thứ ba. Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục

Phần thứ tư. Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học

Phần thứ năm. Chế độ chính sách dành cho giáo viên, học sinh, sinh viên

Phần thứ sáu. Công tác thi đua, khen thưởng dành cho học sinh, sinh viên, giảng viên và cán bộ ngành Giáo dục

4. Đánh giá bạn đọc

Với cấu trúc 5 phần chính, tác giả đã hệ thống trong mỗi phần các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn từng mảng hoạt động trong hoạt động giáo dục, trường học đồng thời cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành để phục vụ nhu cầu tra cứu, giúp bạn đọc kịp thời cập nhật, tìm hiểu, và triển khai thực hiện trên thực tiễn.

Cùng một lúc cung cấp tới bạn đọc nội dung của rất nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn công tác quản lý trong giáo dục, cuốn sách có giá trị thực tiễn, như một cuốn cẩm nang pháp lý phục vụ hiệu quả cho lãnh đạo nhà trường.

Cuốn sách hoàn toàn là trình bày nội dung các văn bản pháp luật không có nội dung phân tích, đánh giá và bình luận.

Với ưu điểm hệ thống nhiều văn bản pháp luật, thuận tiện cho bạn đọc tra cứu, song theo thời gian, khi các văn bản pháp luật đã hệ thống bị sửa đổi, thay thế thì giá trị tra cứu của cuốn sách cũng sẽ giảm đi. Đây cũng chính là nhược điểm của những cuốn sách hệ thống pháp luật nói chung. Do đó, khi sử dụng cuốn sách để tra cứu, bạn đọc cần lưu cần kiểm tra lại hiệu lực của văn bản để đảm bảo lựa chọn và áp dụng đúng quy định còn hiệu lực thi hành, tránh sai sót trong công tác quản lý, triển khai.

5. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Hướng dẫn thi hành Luật Giáo Dục và chính sách mới đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, sinh viên".

Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.6162 của Luật Minh Khuê, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!

Câu hỏi 1: Việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông do ai lựa chọn?

Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-08-2020 Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, việc lựa chọn sách giáo khoa do Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thực hiện.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi môn học của một cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng, số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 (mười lăm) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.

Nhiệm vụ của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm:

- Lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này và các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

- Đề xuất danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Câu hỏi 2: Việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông phải theo quy trình như thế nào?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-08-2020 Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông phải được thực hiện theo quy trình như sau:

Bước 1: Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa:

- Tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn;

- Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn. Danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn có chữ ký của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ trưởng tổ chuyên môn.

Bước 2: Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.

Bước 3: Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.

Bước 4: Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa:

a) Chủ tịch Hội đồng giao cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 07 (bảy) ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng;

b) Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách giáo khoa nào đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn;

c) Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của các thành viên Hội đồng dự họp, chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bước 5: Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Bước 6: Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.