Mục lục bài viết
1. Giới thiệu tác giả, tập thể tác giả
Sách "Luật Bảo vệ môi trường 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành" do Quí Lâm và Kim Phượng hệ thống.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Sách Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và văn bản hướng dẫn thi hành
Tác giả: Quí Lâm và Kim Phượng hệ thống
Nhà xuất bản Hồng Đức
3. Tổng quan nội dung sách
Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống còn của toàn nhân loại. Ngày nay do vấn nạn môi trường tự nhiên ngày càng bị suy thoái, dẫn đến biến đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực cũng như thiên tai, dịch bệnh gia tăng gây ra những hậu quả nặng nề. Thì công cuộc bảo vệ môi trường tự nhiên càng trở nên cấp thiết và được đặt lên trở thành nhiệm vụ hàng đầu không chỉ của Nhà nước mà còn cần đến sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân và tất cả người dân. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường đầy đủ, hoàn thiện và hiệu lực, hiệu quả.
Bảo vệ tài nguyên (BVMT) là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác BVMT với phương châm không đánh đổi môi trường bằng sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trước mắt và đã có nhiều biện pháp, chính sách cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mọi công dân cũng người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản cuốn sách: "Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và văn bản hướng dẫn thi hành" do Quí Lâm và Kim Phượng hệ thống.
Nội dung của cuốn sách bao gồm những phần chính sau:
Phần I. LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG và quy định mới nhất hướng dẫn thi hành
1. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (trình bày toàn văn Luật)
2. Nghị định 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường (Trình bày toàn văn Nghị định)
3. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (Trình bày toàn văn Thông tư)
Phần II. Quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường và kỹ thuật quan trắc chất lượng môi trường
4. Nghị định 54/2021/NĐ-CP Quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường
5. Thông tư 10/2021/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường
Phần III. Quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
6. Thông tư 15/2021/TT-BTNMT Quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Phần IV. Quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
7. Thông tư số 02/2022/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép môi trường do cơ quan trung ương thực hiện
Phần V. QUY ĐỊNH MỚI sửa đổi, bổ sung về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
8. Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Dưới đây Luật Minh Khuê chia sẻ tới bạn đọc một số điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 và một số quy định trong Luật này để bạn đọc tham khảo:
- Thứ nhất, không phân loại rác thải có thể từ chối thu gom (khoản 2 Điều 77).
Cụ thể, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định.
(Trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo điểm c khoản 1 Điều 75).
- Thứ hai, tính giá thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng/thể tích (khoản 1 Điều 79).
Theo đó, một trong những căn cứ để tính toán giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân là dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
- Thứ ba, bổ sung đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 29)
Cụ thể, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án đầu tư nhóm I.
Trong đó, dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao được quy định tại khoản 3 Điều 28.
- Thứ tư, quy định về Giấy phép bảo vệ môi trường
Theo Luật mới, nội dung về Giấy phép môi trường được quy định từ Điều 39 đến Điều 49. Cụ thể, có 03 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường.
Ngoài ra, còn các vấn đề về: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường…
Một số quy định về giấy phép môi trường
Điều 39. Đối tượng phải có giấy phép môi trường
1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.
Điều 41. Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:
a) Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này:
a) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại Điều 39 của Luật này;
b) Dự án đầu tư nhóm III quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
c) Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép môi trường đối với đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 47. Quyền, nghĩa vụ của chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường
1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có quyền sau đây:
a) Được thực hiện các nội dung cấp phép môi trường quy định trong giấy phép môi trường;
b) Đề nghị cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường;
c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong giấy phép môi trường. Trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép xem xét, giải quyết;
b) Nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường;
c) Thực hiện đúng quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
d) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;
đ) Công khai giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
e) Cung cấp các thông tin có liên quan theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm tra, thanh tra;
g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Đánh giá bạn đọc
Luật bảo vệ môi trường được ban hành từ năm 2020, đến 01/01/2022 có hiệu lực thi hành, trong thời gian đó các văn bản hướng dẫn thi hành cũng lần lượt được ban hành để có hành lang pháp lý hoàn thiện nhất để triển khai trong nhân dân. Và tất cả những quy định mới đó đã được các tác giả tập hợp và trình bày đầy đủ trong cuốn sách "Sách Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và văn bản hướng dẫn thi hành". Nội dung cuốn sách cùng một lúc cung cấp tới bạn đọc nhiều văn bản pháp luật về môi trường mới nhất, đây được coi như là cẩm nang pháp lý dành cho những doanh nghiệp hoạt động có liên quan tới môi trường và bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực này nói chung.
Kết luận: Cuốn sách "Sách Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và văn bản hướng dẫn thi hành" có giá trị thực tiễn đối với bạn đọc, giúp bạn đọc tra cứu, tìm hiểu thuận tiện hơn và phổ biến pháp luật môi trường mới của nước ta sâu rộng trong nhân dân hơn.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!
Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.6162 của Luật Minh Khuê, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!