1. Học thuyết "Tách biệt nhưng bình đẳng"

Vào năm 1892, bang Louisiana của Mỹ có một Đạo luật Tách biệt Toa tàu dùng để phân chia toa tàu giữa người da đen và người da trắng trên cơ sở "Tách biệt nhưng bình đẳng". Homer Plessy, một cư dân đa chủng tộc ở New Orleans, đã cố tình vi phạm Đạo luật này bằng cách lên toa tàu dành cho người da trắng. Các luật sư biện hộ của Plessy yêu cầu Thẩm phán John Howard Ferguson loại bỏ truy tố anh với lý do đây là đạo luật vi hiến nhưng không thành công. Sau đó, Plessy đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Vụ kháng cáo được xét xử vào tháng 5 năm 1896. Tòa án Tối cao đã bỏ phiếu với tỉ lệ 7-1 chống lại Plessy và phán quyết rằng Đạo luật không vi phạm Tu chính án thứ 14 Hiến pháp Hoa Kỳ về bảo vệ quyền bình đẳng con người. Mặc dù Tu chính án thứ 14 quy định sự bình đẳng pháp lý của người da trắng và người da đen nhưng "sự phân biệt dựa trên màu sắc" vốn dĩ không bất bình đẳng. Tòa án bác bỏ lập luận của luật sư phía Plessy rằng Đạo luật này ngụ ý rằng người da đen là người kém cỏi. Thẩm phán John Marshall Harlan là người duy nhất phản đối với kết quả bỏ phiếu của Tòa án. Ông lập luận rằng Hiến pháp Hoa Kỳ là "vô sắc" và không dung thứ bất kì sự phân biệt tầng lớp nào giữa các công dân Hoa Kỳ.

Án lệ Plessy được coi là một trong những quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Mặc dù có nhiều tai tiếng, nhưng bản thân quyết định này chưa bao giờ bị bác bỏ một cách rõ ràng. Nhưng một loạt các phán quyết sau đó của Tòa án, khởi nguồn là phán quyết năm 1954 trong Brown kiện Hội đồng Giáo dục đã khiến án lệ Plessy suy yếu nghiêm trọng, đến mức nó được coi là đã được sửa chữa trên thực tế.

2. Vụ Brown kiện Hội đồng giáo dục Topeka

Vài năm sau phán quyết vụ Plessy v Ferguson, học thuyết "Tách biệt nhưng bình đẳng" vẫn được tồn tại và ảnh hưởng đến pháp luật các bang của Hoa Kỳ. 

Năm 1951, hệ thống trường công lập ở Topeka, Kansas đã từ chối nhận con gái của Oliver Brown - một người da đen - vào trường tiểu học gần nhà nhất, thay vào đó lại yêu cầu cô bé phải đi xe buýt đến một trường da đen ở rất xa. Gia đình Brown và 12 gia đình da đen địa phương khác gặp phải tình huống tương tự đã tiến hành một vụ kiện tập thể Hội đồng Giáo dục Topeka lên tòa án liên bang Hoa Kỳ để cáo buộc rằng chính sách phân biệt đối xử của họ là vi hiến. Nhưng dựa trên phán quyết của vụ Plessy v Ferguson, Hội đồng Tòa án gồm ba thẩm phán đã xử thua cho gia đình Browns, với lập luận rằng bản chất sự phân tách dựa trên màu da không vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng của Tu chính án thứ 14. Vụ kiện tiếp tục được kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. 

Vụ kháng cáo nhằm xác định lại liệu Học thuyết "Tách biệt nhưng bình đẳng" có vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng theo Tu chính án thứ 14 Hiến pháp Hoa Kỳ hay không. Tòa án bắt đầu tranh luận xem Tu chính án 14 có nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong giáo dục công hay không nhưng đều dẫn đến kết quả bất phân thắng bại. Tòa án nói rằng câu hỏi đã trở nên phức tạp bởi những thay đổi lớn về xã hội và chính phủ diễn ra vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tòa án lưu ý rằng các trường công không phổ biến ở miền Nam Hoa Kỳ vào cuối những năm 1860 khi Tu chính án thứ 14 được thông qua. Vào thời điểm đó, trẻ em da trắng miền Nam có đủ khả năng đi học thường học ở các trường tư thục, trong khi việc giáo dục trẻ em da đen hầu như không có, đến mức ở một số bang miền Nam, luật pháp cấm giáo dục người da đen. Tòa đối chiếu điều này với tình hình năm 1954: "Ngày nay, giáo dục có lẽ là chức năng quan trọng nhất của chính quyền địa phương và tiểu bang của chúng ta." Tòa án kết luận rằng, khi đưa ra phán quyết của mình, họ sẽ phải "xem xét nền giáo dục công cộng dựa trên sự phát triển đầy đủ của nó và vị trí hiện tại của nó trong cuộc sống của người Mỹ trên toàn quốc.

Trong thời đại phân biệt, các trường da đen thường có ít nguồn lực hơn và cơ sở vật chất nghèo nàn hơn các trường da trắng mặc dù có sự bình đẳng theo yêu cầu của học thuyết "riêng biệt nhưng bình đẳng". Tuy nhiên, Tòa án đã không giải quyết vấn đề này, có thể là do một số trường học cho người dan đen đã tiến hành cải tiến cơ sở vật chất của mình để "cân bằng" chất lượng của họ với chất lượng của các trường da trắng. Điều này đã ngăn Tòa án xem xét yếu tố "sự bất bình đẳng có thể đo lường được " giữa tất cả các trường da trắng và da đen. Thay vào đó, Tòa án xem xét các tác động của chính sự phân biệt đối xử lên trẻ em da đen và da trắng: "Mặc dù trẻ em tại các trường da đen và da trắng đều được đón nhận cơ sở vật chất và các yếu tố "hữu hình" như nhau, nhưng sự phân biệt này có tước đi cơ hội giáo dục bình đẳng của trẻ em thuộc nhóm thiểu số không?"

Kết quả, Tòa án cho rằng sự phân biệt này có thể tạo nên áp lực tâm lí cho trẻ em ngay cả khi chúng được hưởng môi trường giáo dục như nhau. Việc tách những đứa trẻ da đen khỏi những người khác có cùng độ tuổi và trình độ chỉ vì màu da của chúng sẽ làm chúng tự ti về địa vị của mình trong cộng đồng, điều này có thể sẽ khiến chúng chịu những vết thương lòng không thể xóa mờ. Từ đó, Tòa án đưa ra kết luận sự phân biệt trong giáo dục công vốn dĩ không bình đẳng nên nó vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng. 

"Việc phân loại trường học dựa trên chủng tộc đã vi phạm quyền được bảo vệ bình đẳng theo Tu chính án thứ 14 của Hoa Kỳ đối với các học sinh da đen. Mặc dù những cơ sở vật chất của trường có thể công bằng như cơ sở vật chất của các trường dành cho học sinh da trắng nhưng sự công bằng cũng phải được thể hiện trên mọi khía cạnh, kể cả những khía cạnh không thể nhìn thấy được, ví dụ như yếu tố như tâm lý. Việc phân loại trường dựa trên màu da (đặc biệt là sự phân biệt dựa trên sự ủng hộ của pháp luật) sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và động lực học tập của học sinh da đen, từ đó tước đi quyền lợi mà các em có thể được hưởng khi học trong một ngôi trường có cả học sinh da trắng. Do đó, học thuyết “Tách biệt nhưng bình đẳng” trong án lệ Plessy v Ferguson không có chỗ đứng trong giáo dục."

Ngoài ra, Tòa án còn bổ sung: “Trong những ngày này, người ta không chắc rằng một đứa trẻ bị từ chối cơ hội được học hành có thể sẽ thành công trong cuộc sống.” Và “Quyền được học hành là quyền dành cho mọi người xét về mặt bình đẳng.

Tuy nhiên, Tòa án đã không đưa ra bất kì biện pháp nào để giải quyết việc các trường học ở những bang khác nhau của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp dụng chính sách phân biệt trong với hệ thống giáo dục của mình.

3. Án lệ Brown II

Năm 1955, Tòa án Tối cao đã xem xét các lập luận của các trường yêu cầu hỗ trợ liên quan đến nhiệm vụ xóa bỏ sự tách biệt trường học. Tòa án đã giao nhiệm vụ thực hiện việc tách biệt trường học cho các tòa án quận với các lệnh rằng việc sát nhập trường học cần được tiến hành "với sự thận trọng". Những người ủng hộ Tòa án trước đó đã không hài lòng với quyết định này. Cụm từ "với sự thận trọng" bị các nhà phê bình cho là quá mơ hồ để đảm bảo sự nhanh chóng tuân thủ hướng dẫn của tòa án. Nhiều tiểu bang miền Nam đã viện dẫn "Brown II"  để trì hoãn và tránh sự sát nhập trường học đáng kể trong nhiều năm.

4. Án lệ Brown III

Năm 1978, các luật sư của Topeka đã thuyết phục con gái của Brown mở lại vụ kiện này. Họ lo ngại rằng chính sách "tuyển sinh mở" của các trường công Topeka đã dẫn đến và sẽ dẫn đến sự phân biệt hơn nữa. Họ cũng tin rằng với sự lựa chọn ghi danh rộng rãi, các bậc cha mẹ da trắng sẽ chuyển con cái của họ sang các trường "ưu tiên" để tạo ra cả những trường chủ yếu là người Mỹ gốc Phi và những ngôi trường chủ yếu là người Mỹ gốc Âu. 

5. Vụ Griffin kiện Hội đồng trường học Quận Prince Edward

Nhiều năm sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết rằng việc phân tách trường học theo màu da là vi hiến, bang Virginia vẫn tiếp tục thực hiện những chính sách duy trì sự tách biệt này. Vụ kiện Griffin v. County School Board of Prince Edward County (1964) là một trường hợp điển hình cho thấy cách Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xử lý những kế hoạch chống đối đó.

Sau khi chính sách phân tách trường học bị tuyên bố vi hiến, bang Virgnina vẫn có những chính sách để đối phó với phán quyết này, chính sách đó được gọi là đại phản đối. Các nhà giám sát của Hội đồng quận Prince Edward, bang Virginia đã phớt lờ yêu cầu sát nhập các trường học và thay vào đó, đã không trích bất kì khoản tiền nào cho các trường công lập, dẫn đến việc các trường công bị đóng cửa. Các giám sát viên của quận đã lấy quỹ giáo dục của họ và tạo ra các khoản trợ cấp học phí cho tất cả học sinh trường tư thục bất kể chủng tộc. Tuy nhiên, không có trường tư thục nào dành cho người da đen, và hầu như tất cả các trường tư thục khác đều không nhận học sinh da đen.

Năm 1959, Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ Địa hạt 4 ra phán quyết rằng Tòa án Quận liên bang phía Đông Hoa Kỳ yêu cầu các trường mở cửa mà không có sự tách biệt. Sau nhiều vụ kiện tụng, vào năm 1962, Tòa án Quận đã yêu cầu tất cả các trường học ở Quận Prince Edward mở cửa cho tất cả học sinh. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm Địa hạt 4 đã đảo ngược phán quyết của mình, cho rằng lẽ ra Tòa án Quận phải đợi cho đến khi Tòa án Tối cao Virginia ra phán quyết về việc đóng cửa trường học có vi phạm hiến pháp tiểu bang hay không. Quyết định này đã bị kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bởi một nhóm học sinh da đen.

Vụ kiện nhằm giải quyết 2 vấn đề: (i) Tòa Phúc thẩm Địa hạt 4 có đúng khi phán quyết rằng Tòa án Quận cần phải đợi cho đến khi Tòa án Tối cao Virginia ra phán quyết hay không?; và (ii) Việc đóng cửa các trường công lập của quận Prince Edward có vi phạm quyền được bảo vệ bình đẳng của học sinh da đen trong Tu chính án thứ 14 không?

Thẩm phán đã nêu ra rằng tất cả các quận khác của bang đều có các trường công lập, trừ quận Prince Edward, và mọi người nên được đối xử như nhau, và luật của Virginia đã phân biệt đối xử với các học sinh ở quận Prince Edward với các học sinh của các quận khác. Và bất kể lí do nào để ủng hộ phân biệt chủng tộc và phản đối việc hợp nhất trường học, dù trên danh nghĩa là không phân biệt chủng tộc, được dùng để loại bỏ các trường công, đều không được coi là hợp hiến. Việc đóng cửa các trường học gây thiệt thòi cho các học sinh da đen, khi mà chúng chỉ có thể đi tới các trường học mang tính phân biệt chủng tộc. Thẩm phán cho rằng việc đóng cửa các trường công và chỉ vận hành các trường tách biệt được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp bởi quỹ của nhà nước là nhằm duy trì sự phân biệt chủng tộc. Từ đó, Tòa ủng hộ Tòa án Quận rằng hành động của quận Prince Edward đã tước đi quyền được bảo vệ bình đẳng của các nguyên đơn và đã vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng của Tu chính án thứ 14.

Kết quả, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra quyết định có lợi cho nhóm học sinh trong cả hai vấn đề. Tòa phán quyết rằng hành vi từ chối hỗ trợ cho các trường công của các giám sát viên đã vi phạm điều khoản Bảo vệ bình đẳng của Tu chính án thứ 14, và Tòa án cũng phán quyết rằng Tòa án Quận có quyền ra lệnh cho quận thu các loại thuế cần thiết và mở cửa lại các trường công lập.

Tòa án đưa ra biện pháp ngăn chặn sự phân biệt chủng tộc như sau: "Vì những lý do tương tự, Tòa án Quận có thể, nếu cần thiết để ngăn chặn sự phân biệt chủng tộc hơn nữa, yêu cầu các nhà giám sát thực hiện quyền của họ để đánh thuế nhằm gây quỹ đủ để mở lại, vận hành và duy trì mà không có sự phân biệt chủng tộc đối với hệ thống trường công lập ở quận Prince Edward, Virginia." 

Hai thẩm phán của Hội đồng thẩm phán đã cho rằng Tòa án đã can thiệp quá mức vào chức năng của chính quyền địa phương và không đồng ý với biện pháp mà Tòa án đã đưa ra. Tuy nhiên, sự thực là các Tòa án Quận đã từng xem xét mở cửa lại trường công một lần vào năm 1962 và không thành công, vậy nên khi xét xử vụ kiện này, chúng ta cần một biện pháp nhanh chóng và hiệu quả để giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc. Phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ việc này là một sự khẳng định dứt khoát đối với các chiêu trò đối phó với phán quyết trong vụ kiện Brown và bác bỏ nó bằng việc tuyên bố "thời gian thong thả để xóa bỏ phân biệt chủng tộc đã hết" và không còn bất kì bào chữa nào cho việc ngăn cản trẻ em tại các quận Prince Edward hưởng những quyền hiến định của mình, trong đó là quyền hưởng một nền giáo dục bình đẳng.