Quyền sử dụng đất hợp pháp của hộ gia đình cũng là tài sản chung của hộ gia đình. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung của hộ không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ, thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.

 

1. Tài sản và trách nhiệm dân sự của hộ gia đình

1.1 Tài sản của hộ gia đình

Tài sản thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình rất đa dạng và được hình thành từ nhiều căn cứ khác nhau. Các nguồn hình thành nên tài sản của hộ gia đình có thể kể đến như: các thành viên hộ gia đình đóng góp; các thành viên cùng tạo lập ra từ hoạt động sản xuất - kinh doanh họp pháp của cả hộ; tài sản do hộ gia đình được tặng cho chung; tài sản do được thừa kế chung; tài sản hình thành từ những căn cứ khác theo quy định của pháp luật. Các thành viên hộ gia đình được xác định là đồng chủ sở hữu đối với những tài sản này. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình được thực hiện theo sự thỏa thuận của các thành viên. Đối với những tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký, hoặc những tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì việc định đoạt cần được sự thỏa thuận và đồng ý của tất cả các thành viên hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trong trường hợp không có sự thỏa thuận giữa các thành viên về việc thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản chung thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản này được thực hiện theo quy định pháp luật về tài sản thuộc hình thức sở hữu chung theo phần.

 

1.2 Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình

Khi các thành viên hộ gia đình tham gia xác lập giao dịch dân sự, hoặc việc xác lập được thực hiện thông qua hành vi của người đại diện theo ủy quyền của các thành viên, thì quyền và nghĩa vụ từ các giao dịch đó sẽ phát sinh cho các thành viên của hộ. Trường hợp phát sinh trách nhiệm do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, trách nhiệm này sẽ được thực hiện bằng tài sản chung của hộ gia đình. Thành viên hộ gia đình sẽ có thể phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản thuộc sở hữu riêng của mình nếu tài sản chung này không đủ để thực hiện các nghĩa vụ phát sinh, về nguyên tắc, trách nhiệm này được xác định là trách nhiệm liên đới và việc thực hiện trách nhiệm được xác định theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của các thành viên trong khối tài sản chung, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp thành viên hộ gia đình không có quyền đại diện cho các thành viên khác nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì giao dịch này có thể bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm điều kiện về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân xác lập giao dịch. Lập luận này cũng có thể được áp dụng trong trường hợp thành viên hộ gia đình đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi được ủy quyền đã được xác định trước.

 

2. Tư cách pháp lý của hộ gia đình khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự

Nghiên cứu lịch sử phát triển các quy định pháp luật về hộ gia đình cho thấy, Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 đều ghi nhận hộ gia đình là một chủ thể có tư cách độc lập tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Theo đó, chủ hộ gia đình là người đại diện theo pháp luật cho hộ gia đình tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ, và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ cho cả hộ. Tư duy pháp lý này được áp dụng và triển khai trong khoảng thời gian tương đối dài, nhưng đã gặp phải những “rắc rối” - cần thiết được tháo gỡ để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận hơn với pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia trên thế giới.

Một trong những vấn đề pháp lý phát sinh khi ghi nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình tham gia quan hệ pháp luật dân sự là vấn đề xác định tư cách thành viên hộ gia đình. Tại thời điểm người đại diện theo pháp luật của hộ gia đình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự thì những thành viên nào của hộ gia đình được xác lập quyền cũng như gánh chịu những nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó? Thực tiễn cho thấy công việc này gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn. Dưới góc độ quản lý hành chính, việc xác định thành viên hộ gia đình (trong thời gian trước đây, cũng như hiện tại) đều căn cứ vào sổ hộ khẩu. Tại Việt Nam, sổ hộ khẩu được xác định là một hình thức quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình. Đây là công cụ được hình thành nhằm mục đích kiểm soát trật tự xã hội, giúp Nhà nước quản lý việc di chuyển, sinh sống của công dân. sổ hộ khẩu thể hiện nơi cư trú của cá nhân thường xuyên sinh sống. Trong một vài trường hợp, nếu không xác định được nơi ở thì sổ hộ khẩu chính là bằng chứng ghi nơi cư trú người đó đang sinh sống. Rất nhiều thủ tục hành chính được thiết lập liên quan đến sổ hộ khẩu như thủ tục nhập khẩu, tách khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu... Việc xác định thành viên hộ gia đình tham gia quan hệ pháp luật dân sự căn cứ vào số thành viên trong sổ hộ khẩu dẫn đến những bất cập trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự trong thực tiễn. Đơn cử một trường hợp sau đây:

Tháng 08/2014, do vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng vay tiền giữa ông Nguyễn Văn T và Nguyễn Xuân V, cơ quan thi hành án dân sự đã tiến hành xử lý bán đấu giá tài sản của ông T theo quy định pháp luật. Chấp hành viên đã xác minh và cho thông tin: ông T đang đứng tên đại diện hộ gia đình trên diện tích sử dụng đất khoảng 5.000 m2.

Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2003), trong hộ ông T có 4 thành viên gồm ông T và 3 người con là Nguyễn Ngọc H, sinh 1989; Nguyễn Văn N, sinh năm 1991; Nguyễn Ngọc D, sinh năm 1999. Trong quá trình thi hành án, chấp hành viên đã căn cứ vào Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 để xác định: tại thời điểm hộ ông T được cấp quyền sử dụng đất, các con ông đều còn nhỏ, sống phụ thuộc vào bố mẹ, do đó không có công sức đóng góp trong hoạt động kinh tế gia đình đối với quyền sử dụng đất mà hộ ông T được cấp. Ngoài ra, tại thời điểm xử lý bán đấu giá tài sản, chị H đã có gia đình vào năm 2012 và đã nhập hộ khẩu chung với gia đình chồng, không có làm kinh tế chung với ông T; anh N đang theo học một trường đại học trên thành phố; và chị D thì chỉ mới 15 tuổi.

Do vậy, không có cơ sở để chứng minh những người này có cùng đóng góp công sức trong hoạt động kinh tế chung của gia đình để tạo lập tài sản chung của cả hộ. Sau khi cơ quan thi hành án bán 5.000 m2 đất cấp cho hộ ông T, các con của ông T đã liên tục khiếu nại đối với thủ tục xử lý tài sản của cơ quan thi hành án, đồng thời không đồng ý giao tài sản bán đấu giá cho người mua trúng đấu giá. Đến năm 2016, các con của ông T đã khởi kiện yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của hộ gia đình và yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá của cơ quan thi hành án dân sự. Tòa án đã xét xử và tuyên án với nội dung chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị H, anh N, xác định chia diện tích sử dụng đất thành 04 phần; đồng thời hủy kết quả bán đấu giá của Cơ quan thi hành án dân sự với nhận định: căn cứ vào khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2003, các con của ông T có quan hệ huyết thống và đang sống chung hộ nên có quyền sử dụng đất chung đối với diện tích sử dụng đất này. Rõ ràng, khi xem xét tư cách thành viên hộ gia đình, chấp hành viên đã căn cứ vào thông tin thành viên trong sổ hộ khẩu để xác định chủ thể có quyền đối với diện tích quyền sử dụng được cấp.

Nhận định này không thống nhất với nhận định của cơ quan thi hành án, dẫn đến những cách hiểu khác nhau về việc xác định thành viên hộ gia đình. Đây rõ ràng là một khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ việc thực tiễn liên quan đến quan hệ pháp luật có sự tham gia của hộ gia đình.

Với những giá trị truyền thống tốt đẹp đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ, hộ gia đình vẫn luôn là một hình thái xã hội “thu nhỏ” tồn tại một cách khách quan. Việc ghi nhận cho hộ gia đình có quyền tham gia vào các quan hệ pháp luật nói chung cũng như những quan hệ pháp luật dân sự nói riêng là một vấn đề tất yếu. Pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành ghi nhận hộ gia đình có quyền tham gia quan hệ pháp luật dân sự thông qua hành vi của cá nhân là thành viên của hộ. Trường hợp hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện quan hệ đó; hoặc có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện quan hệ. Nói cách khác, tư cách chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình được “quy chiếu” và xác định theo tư cách của cá nhân thành viên. Tất cả thành viên của hộ gia đình sẽ đều có tư cách tham gia quan hệ pháp luật, hoặc hộ gia đình tham gia xác lập giao dịch dân sự thông qua cơ chế ủy quyền cho một cá nhân là thành viên của hộ gia đình đại diện tham gia. Trường hợp thành viên của hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó được xác định là chủ thể của quan hệ pháp luật do mình xác lập, thực hiện. Có thể hiểu rằng, hộ gia đình hiện nay không còn tư cách là chủ thể độc lập tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua hành vi của người đại diện theo pháp luật - chủ hộ gia đình nữa. Tư duy pháp lý này giúp tháo gỡ được những vướng mắc và hạn chế đã tồn tại trong thời gian dài, tạo ra cơ chế minh bạch và công khai hơn trong việc xác định tư cách chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự, qua đó xác định chính xác quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)