Mục lục bài viết
1. Khái niệm về thi hành án hình sự
Thi hành án hình sự là hoạt động thi hành các bản án, quyết định hình sự của Tòa án về hình phạt tử hình, hình phạt tù, hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú, các hình phạt tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, trục xuất, phạt tiền, tịch thu tài sản.
Thực hiện những bản án hình sự và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Thẩm quyền của Tòa án
Cũng có một số quan điểm khác nhau về thẩm quyền của Toà án trong thi hành án hình sự. Có quan điểm cho rằng thi hành án hình sự không phải là một công tác chủ yếu của Toà án mà đó chỉ là những việc liên quan đến Toà án; có quan điểm cho rằng thi hành án hình sự là việc chung của nhiều cơ quan tư pháp chứ không phải của riêng Toà án; có quan điểm cho rằng thi hành án hình sự là một trong những công tác chủ yếu của Toà án. Thực tế thì các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cũng không phân định rõ rệt cơ quan tư pháp nào có chức năng "chủ trì" trong thi hành án, do đó mỗi quan điểm trên đều đưa ra những lập luận riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Xét về góc độ thực tiễn thì hiện nay một bản án, quyết định về hình sự có thể do nhiều cơ quan thi hành, nhất là trong trường hợp bản án, quyết định đó có nhiều bị cáo, có nhiều loại hình phạt được áp dụng hoặc có nhiều quyết định về dân sự, về hình phạt bổ sung.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề thẩm quyền của Tòa án trong công tác thi hành án mà không đi sâu về việc phân tích xem các quan điểm nào về việc "chủ trì" thi hành án hình sự là của cơ quan tư pháp nào.
Theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự (sau đây xin viết tắt là BLHS và BLTTHS) thì Toà án có thẩm quyền thực hiện các việc về thi hành án hình sự, đó là:
- Ra quyết định thi hành án hình sự hoặc quyết định uỷ thác thi hành án hình sự.
- Ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù;
- Quyết định giảm thời gian chấp hành hình phạt tù hoặc miễn chấp hành hình phạt tù;
- Quyết định việc giảm thời gian thử thách của án treo;
- Quyết định xoá án tích hoặc cấp giấy chứng nhận xoá án tích;
- Theo dõi việc đưa người bị phạt tù giam vào trại giam để thi hành án hoặc theo dõi việc thi hành án của những người bị kết án mà Toà án đã giao cho chính quyền địa phương nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan tổ chức nơi người bị kết án làm việc.
- Xem xét việc miễn, giảm thi hành án đói với khoản tiền phạt, án phí;
- Tổ chức việc thi hành hình phạt tử hình;
- Tham gia giúp Hội đồng đặc xá trung ương thực hiện việc đặc xá.
Như vậy, từ khi bản án, quyết định hoặc những phần của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành án cho đến khi bản án, quyết định đó được thi hành xong đều là công việc của Toà án, tức là căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự, Toà án phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và chính xác nhằm đảm bảo các bản án, quyết định phải đưa ra thi hành được thực hiện nghiêm chỉnh.
3. Thời hiệu thi hành bản án
- Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó, người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
- Thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định như sau:
a. Năm năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ ba năm trở xuống;
b. Mười năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
c. Mười lăm năm đối với các trường hợp xử phạt tù trên mười lăm năm đến ba mươi năm.
- Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 BLHS là thời hiệu thi hành bản án hình sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
- Thời hiệu thi hành bản án hình sự tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp người bị kết án lại phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 55 BLHS thì thời hiệu được tính lại kể từ ngày họ phạm tội mới.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Toà án phúc thẩm phạt 2 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích" theo bản án số 50/HSPT ngày 10/5/2006 và chưa bị bắt thi hành hình phạt. Ngày 20/3/2007, Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản. Như vậy, thời hiệu thi hành bản án số 50/HSPT ngày 10/5/2006 là năm năm tính từ ngày 21/3/2007. Thời hiệu thi hành bản án đối với tội trộm cắp tài sản tính từ ngày bản án này có hiệu lực pháp luật (nếu như bị cáo không tiếp tục phạm tội mới).
- Trường hợp trong bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều tội thì căn cứ mức hình phạt để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự là hình phạt chung của hình phạt chính nặng nhất.
Ví dụ: Bị cáo A bị Toà án phúc thẩm tuyên phạt về ba tội: giết người, cướp giật tài sản và cho vay nặng lãi và xử phạt 15 năm tù về tội giết người, 3 năm tù về tội cướp giật và 20 triệu đồng về tội cho vay nặng lãi. Tổng hợp hình phạt chung là 18 năm tù và 20 triệu đồng. Thời hiệu thi hành bản án này mười năm (điểm b khoản 2 Điều 55 BLHS).
- Trường hợp trong bản án có nhiều người bị kết án thì căn cứ vào mức hình phạt đối với từng người cụ thể để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự.
- Trong trường hợp bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, thì căn cứ vào mức hình phạt trong mỗi bản án cụ thể để tính thời hiệu thi hành của từng bản án hình sự cụ thể đó mà không phải căn cứ vào mức tổng hợp hình phạt chung.
- Trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh và cơ quan Công an đã cơ quyết định truy nã theo đúng quy định tại Điều 161 BLTTHS, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu thi hành bản án hình sự tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
"Cố tình trốn tránh" là cố tình giấu địa chỉ, ẩn náu, thay đổi họ tên, hình dạng… làm cho cơ quan có thẩm quyền thi hành án không biết họ ở đâu hoặc không phát hiện được.
Trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh, nhưng cơ quan công an không ra quyết định truy nã hoặc có ra quyết định truy nã, nhưng không đúng quy định tại Điều 161 BLTTHS (Trừ những việc không thể thực hiện được, như phải dán ảnh kèm theo nhưng không có ảnh), thì thời gian trốn tránh vẫn được tính để xác định thời hiệu thi hành bản án hình sự.
- Trường hợp người bị kết án phạt tù được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và khi hết thời hạn được hoãn hoặc tạm đình chỉ mà Chánh án Toà án đã ra các quyết định này không ra quyết định thi hành án theo khoản 2 Điều 261 hoặc điểm b khoản 1 Điều 262 BLTTHS hoặc có ra quyết định thi hành hình phạt tù, nhưng người bị kết án không trốn tránh, thì cũng được hưởng thời hiệu thi hành bản án. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính kể từ ngày hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và căn cứ vào mức hình phạt tù còn lại mà người bị kết án chưa chấp hành.
4. Nguyên tắc thi hành án hình sự
Điều 4 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định về các nguyên tắc thi hành án hình sự, cụ thể như sau:
"Điều 4. Nguyên tắc thi hành án hình sự
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.
4. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
5. Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.
6. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.
7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
8. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật".
5. Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định về những trường hợp bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự, cụ thể như sau:
"Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự
1. Phá hủy cơ sở quản lý, giam giữ; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải; đánh tháo phạm nhân, người chấp hành biện pháp tư pháp, người bị áp giải, dẫn giải.
2. Không chấp hành quyết định thi hành án hình sự; cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế về thi hành án hình sự hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
3. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.
4. Không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luật và quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
5. Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong thi hành án hình sự.
6. Tha trái pháp luật người đang bị giam, người bị áp giải thi hành án; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, áp giải thi hành án để người chấp hành án phạt tù, án tử hình hoặc án phạt trục xuất trốn.
7. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách cho người không đủ điều kiện; không đề nghị cho người đủ điều kiện được miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách; đề nghị hoặc không đề nghị chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp, hoãn, đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp; cản trở người, pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các quyền theo quy định của Luật này.
8. Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp.
9. Kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân thương mại chấp hành án.
10. Cấp hoặc từ chối cấp trái quy định của pháp luật quyết định, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc giấy tờ khác về thi hành án hình sự.
11. Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự".