Hiện nay, tôi đang làm thủ tục để sang đoàn tụ với chồng ở nước ngoài thì được cơ quan có thẩm quyền trả lời rằng việc đăng ký kết hôn của vợ, chồng tôi là không hợp pháp. Vậy luật sư cho tôi hỏi là chúng tôi đều là công dân Việt Nam thì đăng ký kết hôn tại xã nơi tôi đang ở có bị coi là sai không? Bây giờ tôi phải làm gì ạ?
Mong luật sư giải đáp giúp ạ.
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về đăng ký kết hôn, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo quy định của điều 37 Luật hộ tịch 2014 quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn như sau:
Điều 37. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Theo quy định trên thì thẩm quyền đăng ký kết hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đang cư trú trong nước đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thì thuộc thẩm quyền đăng ký kết hôn của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 3 điều 3 Luật quốc tịch quy định về người Việt Nam định cư tại nước ngoài là:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam.
2. Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài.
3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
4. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
5. Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam.
Như vậy, vì chồng bạn là công dân Việt Nam nhưng đang cư trú lâu dài ở Mỹ nên trường hợp này khi đăng ký kết hôn hai bạn phải tiến hành đăng ký tại Ủy ban quận, huyện nơi bạn cư trú, do đó, việc cơ quan có thẩm quyền trả lời việc đăng ký kết hôn của bạn là sai là đúng quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp của bạn thì hai vợ chồng bạn phải liên hệ với Ủy ban huyện nơi bạn cư trú để yêu cầu hủy giấy kết hôn trái thẩm quyền và đăng ký kết hôn theo đúng quy định. Cụ thể, việc xử lý đăng ký kết hôn trái thẩm quyền được ghi nhận tại điều 13 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 13. Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền
Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi tới số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê