Khách hàng: Kính thưa luật sư Minh Khuê, Luật sư hãy giúp tôi phân tích về thẩm quyền giải quyết các loại khiếu kiện hành chính của Tòa án các cấp?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Mở đầu vấn đề

Khái niệm khiếu kiện hành chính là việc người khiếu nại khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính đến Tòa án hay gọi là khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính được gọi là khiếu kiện hành chính.

Theo đó:

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định của pháp luật thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, quá thời hạn trên, nếu không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành. Trong trường hợp này, họ có thể khiếu kiện cả quyết định cưỡng chế lẫn hành vi thực hiện việc cưỡng chế.

+ Khái niệm “quyết định hành chính” được Luật Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định (định nghĩa) như sau tại khoản 1 Điều 3 “Giải thích từ ngữ”: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.

+ Khái niệm hành vi hành chính được quy định (giải thích) như sau tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015: “hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.

- Trước đây, khi loại việc này được quy định ghép vào loại việc xử phạt vi phạm chính, có ý kiến cho rằng, nếu người bị xử phạt không phản đối quyết định xử phạt thì sau đó không được khiếu kiện quyết định hoặc hành vi cưỡng chế thi hành. Quan điểm này là hợp lý nhưng sẽ tốt hơn cho cá nhân, tô chức khi trao cho họ nhiều khả năng lựa chọn thời điểm và cách thức bảo vệ quyền lợi của mình. Như vậy, dù đã không khiếu nại, khiếu nại không được giải quyết hoặc không thể khiếu nại... thì khi bị cưỡng chế thi hành, cá nhân, tổ chức đều có thể khiếu kiện trước Toà án. Do đó cần phân biệt quyết định xử phạt vi phạm hành chính với quyết định hoặc hành vi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, về khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính chính thức yêu cầu tòa án thụ lý án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, công chức bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc… Khởi kiện vụ án hành chính được thể hiện dưới hình thức văn bản gọi là đơn kiện gửi đến Tòa án có thẩm quyền.

2. Thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của Tòa án các cấp theo pháp lệnh số 29/2006

Theo Điều 11, Pháp lệnh số 29/2006/PL-UBTVQH11 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với 22 loại khiếu kiện được liệt kê cụ thể.

- Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm khiếu kiện hành chính đối vối các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nưốc, cán bộ công chức nhà nước thuộc cơ quan nhà nước từ cấp huyện trỏ xuôhg có cùng lãnh thổ vởi Tòa án nhân dân cấp huyện.

Tòa hành chính Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc xét xử sơ thẩm khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính cuả các cơ quan trung ương hoặc cán bộ, công chức thuộc các cơ quan cấp trung ương nơi người khỏi kiện cư trú, làm việc hoặc có trụ sở, hoặc xét xử sơ thẩm các khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh đó mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cuả Tòa án cấp huyện bị kháng nghị.

Tòa hành chính Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cuả Tòa án cấp tỉnh bị kháng nghị.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cuả các Tòa phúc thẩm, Tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân tối cao bị kháng nghị.

3. Cơ sở pháp lý thẩm quyền giải quyết các loại khiếu kiện hành chính của Tòa án hiện nay

- Cơ sở pháp lý: Điều 31 và điều 32 của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Theo đó, điều 31 quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và Điều 32 quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.

Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về hai loại thẩm quyền này.

4. Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện theo pháp luật hiện hành

Theo Điều 31 của Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện như sau:

"Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

- Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án."

5. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh theo pháp luật hiện hành

Theo Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh như sau:

"Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

- Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

- Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật này."

6. Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án

Theo Điều 127 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định như sau về việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án:

- Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử theo đúng thời hạn quy định của Luật này.

- Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ; trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn).