Về ngành nghề kinh doanh :
Anh muốn thành lập công ty với ngành nghề kinh doanh là cung cấp máy chủ ảo, domain, hosting… Theo Quyết định 10/2007/QĐ–TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế ở Việt Nam thì ngành anh muốn đăng ký sẽ có tên là :”hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính có mã ngành cấp 4 là 6209”. Do đó anh có thể thành lập công ty để kinh doanh ngành nghề này. Tuy nhiên, đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại nghị định 25/2011/NĐ-CP và thông tư 30/2011/TT- BTTTT thì anh phải có giấy chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Trình tự, thủ tục về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy anh có thể xem chi tiết tại Chương II và Chương III của Thông tư 30/2011/TT-BTTTT quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Về vốn pháp định:
Theo quy định tại Nghị định 25/2011/NĐ-CP Nghị Định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông quy định:
“Điều 19. Vốn pháp định và mức cam kết đầu tư để thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư như sau:
a) Thiết lập mạng trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Vốn pháp định: 5 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 15 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép;
b) Thiết lập mạng trong phạm vi khu vực (từ 2 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Vốn pháp định: 30 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 100 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép;
c) Thiết lập mạng trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Vốn pháp định: 100 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 300 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép.
2. Doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư như sau:
a) Thiết lập mạng trong phạm vi khu vực (từ 15 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Vốn pháp định: 100 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 300 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép.
b) Thiết lập mạng trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Vốn pháp định: 300 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 1.000 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên và ít nhất 3.000 tỷ đồng Việt Nam trong 15 năm để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép”.
Từ điều luật trên, anh căn cứ vào phạm vi hoạt động mà công ty mình dự định thành lập để đăng ký vốn pháp định cho phù hợp.
Về mô hình công ty:
Do anh cùng với hai người bạn nữa muốn thành lập công ty. Theo chúng tôi, công ty anh nên lựa chọn và thành lập theo mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Bởi các lý do sau:
Thứ nhất: Do mô hình công ty TNHH hai thành viên, pháp luật quy định số thành viên tối thiểu là hai thành viên, số thành viên tối đa là 50. Do đó anh sẽ dể dàng quản lý công ty của mình hơn so với công ty cổ phần. Vì công ty cổ phần pháp luật chỉ quy định số thành viên tối thiểu là 3 mà không quy định số thành viên tối đa, nên quản lý các thành viên của công ty cổ phần là một bài toán rất khó.
Thứ hai: Công ty cổ phần thì vấn đề huy động vốn rất dể dàng vì được quyền phát hành trái phiếu và cổ phiếu. Bên cạnh đấy việc tự do chuyển nhượng cổ phần cũng chỉ bị hạn chế bởi hai loại cổ phần là cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần của cổ đông sáng lập trong vòng ba năm.
Còn đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, anh cũng được phép phát hành trái phiếu nhưng không được phép phát hành cổ phiếu do đó việc huy động vốn hơi khó khăn so với công ty cổ phần. Tuy nhiên việc chuyển nhượng vốn góp lại được pháp luật quy định chặt chẽ hơn và điều đó giúp cho nội bộ công ty được ổn định vì có một thành viên của công ty muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình hay rút vốn ra khỏi công ty thì thành viên trong công ty được ưu tiên mua trước nếu thành viên trong công ty mua hoặc mua không hết thì mới được chuyển nhượng cho người ngoài (điều 44 Luật doanh nghiệp 2005 được thay thế bởi Luật doanh nghiệp năm 2014 (hiện nay áp dụng Luật doanh nghiệp năm 2020)).
Như vậy, từ các phân tích trên, anh có thể xem xét và lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp để đảm bảo mang lại cho anh hiệu quả kinh tế cao nhất. về trình tự, thủ tục thành lập công ty, anh có thể tham khảo thêm tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.