1. Các loại thành viên hợp tác xã

Thành viên hợp tác xã là cá nhân là những người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên (không hạn chế độ tuổi tối đa), có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có đóng góp vốn cổ phần, có đủ sức khỏe và nhận thức tốt để có thể hoàn thành các quyền và nghĩa vụ của một thành viên hợp tác xã, sẵn sàng tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tập thể hoặc có nguyện vọng sử dụng các dịch vụ của hợp tác xã.

Thành viên hợp tác xã là hộ gia đình là các hộ gia đình đáp ứng những tiêu chí do Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định (Các Điều 101, 102,103,104,212, 288 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong hộ gia đình, các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh doanh chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định. Khi hộ gia đình tham gia vào hợp tác xã, chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch kinh tế với hợp tác xã vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Giao dịch kinh tế do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.

Thành viên hợp tác xã là các pháp nhân thể hiện một trong những điểm mới trong tư tưởng và chính sách, pháp luật về hợp tác xã ở Việt Nam. Điều này cũng thể hiện rõ nét quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. Các thành viên này có đủ bốn yếu tố cấu thành tư cách pháp nhân theo quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, có người đại diện theo pháp luật, có đóng góp vốn, tài sản vào hợp tác xã, có nguyện vọng tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tập thể hoặc sử dụng dịch vụ của hợp tác xã - những dịch vụ mà hợp tác xã làm thì tốt hơn là mỗi pháp nhân đó làm.

Trong quá trình nước ta “đổi mới”, “mở cửa” và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, hiện nay có hàng trăm nghìn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Họ có tiềm năng dồi dào về sức lao động, vốn liếng, trình độ và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ... Nếu họ có cơ hội và điều kiện gia nhập các hợp tác xã thì sẽ góp phần thiết thực và có hiệu quả vào sự phát triển mọi mặt của các hợp tác xã. Việc cho phép người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng cổ thể trở thành thành viên của các hợp tác xã ở Việt Nam đã thể hiện sự đổi mới tư duy và chính sách về hợp tác xã của Nhà nước Việt Nam trong thời kì mới. Nêu người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, sẵn sàng đóng góp vốn, có nguyện vọng sử dụng các dịch vụ của hợp tác xã thì đều có thể được hợp tác xã kết nạp làm thành viên hợp tác xã.

Trường hợp người nước ngoài tham gia hợp tác xã tạo việc làm thì phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài (ví dụ như cần có giấy phép lao động, giấy chứng nhận sức khỏe, văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu:., theo đúng quy định của pháp luật). Khi đã là thành viên chính thức của hợp tác xã, người nước ngoài cũng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các thành viên hợp tác xã là công dân Việt Nam.

 

2. Hình thành, chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã

2.1 Hình thành tư cách thành viên hợp tác xã

Việc hình thành, chấm dứt tư cách thành viên của hợp tác xã được các nhà làm luật rất coi trọng và có nhiều quy định cụ thể, chi tiết. Để có thể được hợp tác xã kết nạp làm thành viên, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân phải cần đáp ứng đủ các điều kiện như sau:

  1. Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam. Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;
  2. Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
  3. Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;
  4. Góp vốn theo quy định tại Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã;
  5. Các điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

Để phát huy tối đa năng lực, khả năng, nguồn vốn, sự năng động, sáng kiến... của các cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân, pháp luật cho phép họ có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã, trừ trường hợp điều lệ hợp tác xã có quy định khác.

Đối với các pháp nhân Việt Nam, pháp luật quy định điều kiện để các tổ chức này trở thành thành viên của hợp tác xã như sau:

  1. Pháp nhân Việt Nam theo quy định của Bộ luật Dân sự có nhu cầu hợp tác với các thành viên khác và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.
  2. Pháp nhân Việt Nam muốn gia nhập hợp tác xã phải cổ đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã. Người ký đơn phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó.
  3. Người đại diện của pháp nhân tại hợp tác xã là người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) của pháp nhân đó.
  4. Góp vốn theo quy định tại Luật Hợp tác xã và điều lệ của hợp tác xã.

Ngoài ra, điều lệ của hợp tác xã còn có thể quy định thêm các điều kiện khác phù hợp với tình hình, hoàn cảnh tại từng địa phương.

Đối với các cá nhân là người nước ngoài muốn tham gia vào hợp tác xã ở Việt Nam, ngoài việc họ cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012, họ còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Trường hợp tham gia hợp tác xã tạo việc làm thì phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài.
  • Đối với hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh hạn chế về tỉ lệ sở hữu vốn của người nước ngoài thì việc tham gia của người nước ngoài vào hợp tác xã phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư liên quan tới ngành nghề đó.
  • Các điều kiện khác do điều lệ của hợp tác xã cụ thể quy định.

 

2.2 Chấm dứt tư cách thành viên của hợp tác xã

Tư cách thành viên của hợp tác xã bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

  1. Thành viên là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;
  2. Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản;
  3. Hợp tác xã bị giải thể, phá sản;
  4. Thành viên của hợp tác xã tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
  5. Thành viên hợp tác xã bị khai trừ theo quy định của điều lệ;
  6. Thành viên của hợp tác xã không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều, lệ nhưng không quá 02 năm;
  7. Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã không góp vốn hoặc góp vốn thấp hon vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;
  8. Các trường hợp khác do điều lệ của hợp tác xã quy định.

Về thẩm quyền quyết định việc chấm dứt tư cách thành viên của hợp tác xã, pháp luật về hợp tác xã quy định:

  1. Đối với trường hợp quy định tại Điều 16, điểm a, b, c, d và e khoản 1, Luật Hợp tác xã năm 2012, thi Hội đồng quản trị quyết định và báo cáo Đại hội thành viên gần nhất;
  2. Đối với trường hợp quy định tại Điều 16, điểm đ, g và h khoản 1, thì Hội đồng quản trị trình Đại hội thành viên quyết định sau khi có ý kiến của Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên.

Việc giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ đoi với thành viên của hợp tác xã trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xẵ được thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và điều lệ của hợp tác xã.

 

3. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của thành viên hợp tác xã

Các quyền và các nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã gắn bó chặt chẽ với nhau. Các thành viên hợp tác xã được hưởng nhiều quyền chính đáng do pháp luật và điều lệ hợp tác xã quy định, nhưng họ đồng thời cũng phải thực hiện những nghĩa vụ cần thiết. Việc thực hiện các nghĩa vụ là cơ sở cho việc được hưởng các quyền của các thành viên hợp tác xã. Các quyền do Luật Hợp tác xã năm 2012 và điều lệ của hợp tác xã quy định tạo điều kiện cho các xã viên phát huy năng lực, khả năng, trình độ, sáng kiến, kinh nghiệm... của họ trong việc tham gia vào sản xuất, kinh doanh tập thể trong hợp tác xã. Quyền cụ thể của thành viên hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012.

Bên cạnh việc được hưởng nhiều quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp, các thành viên hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng đắn các nghĩa vụ theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập từ các nguồn trên internet)