1. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn

1.1 Căn cứ pháp lý hợp đồng vay không kỳ hạn

Khi xác lập hợp đồng cho vay tài sản, các bên có thể thỏa thuận về kỳ hạn cho vay hoặc không. Tùy vào hợp đồng cho vay có kỳ hạn hay không mà cách thức thực hiện hợp đồng của các chủ thể không giống nhau. Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn như sau:

  • Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý.

 

1.2 Nội dung hợp đồng vay không kỳ hạn

Kỳ hạn vay là một khoảng thời gian nhất định do các bên thỏa thuận, khi hết thời hạn đó bên vay có nghĩa vụ trả lại tài sản cho bên cho vay. Kỳ hạn vay là một trong các nội dung quan trọng của hợp đồng vay tài sản. Kỳ hạn vay là cơ sở để xác định thời điểm mà bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, là căn cứ để tính lãi suất trong hạn đối với hợp đồng cho vay có lãi suất và lãi suất đối với nợ gốc chậm trả. Trong hợp đồng cho vay không kỳ hạn các bên có thể thỏa thuận về lãi suất hoặc không. Theo đó, dựa trên tính chất có đền bù và không có đền bù của hợp đồng cho vay mà phương thức thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn cũng có sự khác nhau, cụ thể như sau:

1.2.1 Hợp đồng vay không kỳ hạn và không lãi suất

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm tăng thêm của tài sản tính trên số tài sản cho vay theo thỏa thuận của các bên. Khi xác lập hợp đồng cho vay, các bên có thể thoải thuận về lãi suất, theo đó, bên vay ngoài việc phải trả nợ gốc còn phải trả thêm một khoản tiền lãi được xác định dựa trên nợ gốc còn phải thêm một khoản tiền lãi được xác định dựa trên nợ gốc, lãi suất thỏa thuận và thời hạn vay. Tiền lãi được thanh toán cùng lúc khi đến hạn nợ gốc, hoặc được thanh toán theo thời hạn nhất định như ngày, tháng, quý... Đối với hợp đồng cho vay không kỳ hạn và không có lãi suất thì bên cho vay có thể đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ bất kỳ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một khoảng thời gian hợp lý. Đối với hình thức hợp đồng này, quyền và nghĩa vụ của các bên không bị ràng buộc bởi thời hạn hay lãi suất nên có thể tự do thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo bên còn lại có thời gian chuẩn bị điều kiện để tiếp nhận hoặc thực hiện nghĩa vụ thì bên có yêu cầu phải có nghĩa vụ thông báo trước một thời hạn hợp lý cho bên kia biết. Với bên cho vay nếu muốn đòi lại tài sản, thì phải thông bảo để bên vay kịp chuẩn bị trả lại tài sản, bởi nếu đòi trả ngay lập tức thì bên vay khó có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, vì không thỏa thuận về thời hạn nên bên vay không bị ràng buộc bởi thời hạn vay. Với bên vay, nếu muốn trả tài sản cho bên cho vay thì phải thông báo trước cho họ biết, để bên cho vay có thể chuẩn bị tiếp nhận nghĩa vụ. Trên thực tế, bên cho vay có thể không phải lúc nào cũng có mặt để nhận lại tài sản, nếu cứ trực tiếp thực hiện nghĩa vụ mà không thông báo trước thì có thể dẫn đến việc không có ai tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ, điều đó làm lãng phí thời gian, công sức của chính họ. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận khác mà vẫn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

 

1.2.2 Hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi suất

Các bên trong hợp đồng có thể không thỏa thuận về kỳ hạn của hợp đồng nhưng vẫn có thể thỏa thuận về lãi suất. Khi đó việc thực hiện hợp đồng của hai bên được xác định như sau:  

Một là, với bên cho vay. Bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một khoản thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận tài sản. Cũng như đối với hợp đồng không kỳ hạn và không lãi suất, bên cho vay có quyền đòi lại tài sản vào bất kỳ thời điểm nào vì hợp đồng không ràng buộc về thời gian thực hiện. Việc đòi lại tài sản phải thông báo trước một khoảng thời gian thích hợp để bên vay có thể chuẩn bị tài sản để trả cho bên cho vay đầy đủ, đúng với số lượng, chất lượng tài sản đã vay. Vì không có thỏa thuận về kỳ hạn mà lãi suất được tính kể từ thời điểm bên vay nhận tài sản, đến khi bên cho vay nhận lại tài sản đó. Tức thời điểm bên cho vay đòi tài sản không phải là căn cứ tính lãi suất, mà lãi suất được tính đến thời điểm bên cho vay nhận lại tài sản trên thực tế. Vì trước khi bên cho vay nhận được tài sản, thì tài sản đó vẫn do bên vay nắm giữ, mà hợp đồng cho vay là hợp đồng thực tế.

Ví dụ: ngày 01/01/2021, A cho B vay 5 triệu đồng với lãi suất là 1,2%/tháng, hợp đồng không xác định kỳ hạn. Đến ngày 15/06/2021 A cần tiền nên đã thông báo cho B về việc trả nợ cho mình vào ngày 30/06/2021. Trường hợp này, mặc dù A thông báo đòi nợ từ ngày 15/06 nhưng đến ngày 30/06 A mới nhận tài sản trên thực tế, vì vậy, thời hạn để tính lãi được xác định là từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/06/2021.

- Hai là, với bên vay. Bên vay có quyền trả lại tài sản bất kỳ lúc nào và chỉ trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải bảo trước cho bên vay một khoảng thời gian hợp lý. Thông thường, việc trả lãi do các bên thỏa thuận, theo đó, lãi có thể trả khi hết hạn hợp đồng, hoặc trả theo ngày, tháng,... Tuy nhiên, trong trường hợp này pháp luật bắt buộc bên vay chỉ cần trả lãi khi đến thời điểm trả nợ. Bởi trong hợp đồng vay không kỳ hạn, các bên không xác định trước thời hạn vay, vì vậy lãi suất chỉ được thanh toán khi đến thời điểm trả nợ. Trên thực tế, các bên có thể thỏa thuận lãi suất theo tháng, nhưng bên vay có thể trả nợ sớm hơn nên việc xác định trước thời hạn trả lãi là không khả thi. Như ở ví dụ trên, A và B đã thỏa thuận lãi suất là 1,2%/ tháng, nhưng A mới chỉ vay được 10 ngày thì lấy lương nên đã thông báo trả tiền cho B. Hầu như đối với bất kỳ quan hệ nào, nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì khi một bên muốn thực hiện nghĩa vụ đều phải thông báo trước cho bên kia biết. Nghĩa vụ thông báo trước là bắt buộc đối với các quan hệ không xác định. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng của luật dân sự, xuất phát từ nguyên tắc chung khi thực hiện nghĩa vụ được quy định tại khoản 3 Điều 278 BLDS: "Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý." Khoản thời gian hợp lý đó được xác định theo từng trường hợp nhất định, mà các bên cho là đủ để bên kia chuẩn bị. Trên thực tế, các bên cũng có thể thỏa thuận về thời hạn hợp lý này.

 

2. Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn

2.1 Căn cứ pháp lý hợp đồng vay có kỳ hạn

Kỳ hạn cho vay nội dung mà các bên được tự do thỏa thuận. Theo đó, việc hợp đồng cho vay có kỳ hạn hoặc không có kỳ hạn, có ý nghĩa trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Điều 470 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện hợp đồng cho vay có kỳ hạn như sau:

  • Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
  • Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

2.2. Nội dung hợp đồng vay có kỳ hạn

2.2.1 Hợp đồng cho vay có kỳ hạn và không lãi suất

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm tăng thêm của tài sản tính trên số tài sản cho vay theo bên thỏa thuận của các bên. Khi xác lập hợp đồng cho vay, các bên có thể thỏa thuận về lãi suất, theo đó, bên vay ngoài việc phải trả nợ gốc còn phải trả thêm một khoản tiền lãi được xác định dựa trên nợ gốc, lãi suất thỏa thuận và thời hạn vay. Tiền lãi được thanh toán cùng lúc khi đến hạn nợ gốc, hoặc được thanh toán theo thời hạn nhất định như ngày, tháng, quý... Hợp đồng cho vay có kỳ hạn và không lãi suất là hợp đồng mà các bên ấn định thời hạn trả nợ, và không tính lãi đối với khoản vay, theo đó khi đến hạn thì bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đối với hợp đồng này, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định như sau:

Một là, với bên vay. Hầu hết các hợp đồng cho vay các bên đều có thỏa thuận về thời hạn cho vay. Cho vay có kỳ hạn không lãi suất là phương thức bảo vệ lợi ích của bên cho vay, theo đó, kỳ hạn vay giới hạn nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Bên vay bắt buộc phải trả cho bên cho vay tài sản đã vay khi đến hạn. Kỳ hạn này được xác định dựa trên thỏa thuận của các bên, căn cứ vào các yếu tố như chu kỳ kinh doanh, khả năng trả nợ, và kế hoạch sử dụng tài sản vay. Do đó, kỳ hạn vay là khoản thời gian hợp lý để bên vay sử dụng tài sản vay và chuẩn bị trả tài sản, đây là giới hạn tối đa cho việc vay tài sản của bên vay. Nếu quá kỳ hạn này, có thể khả năng trả nợ của bên vay sẽ giảm sút. Chính vì vậy, bên vay chỉ được trả nợ khi đến hạn hoặc trước khi hết hạn. Việc trả nợ trước hạn chứng tỏ tài sản vay được sử dụng hiệu quả, còn nếu quá hạn thì bên vay thanh toán thêm một khoản lãi quá hạn. Như vậy, đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không lãi suất, bên vay có thể trả tài sản trước hạn nhưng phải thông báo cho bên cho vay biết trước một thời gian hợp lý.

Hai là, với bên cho vay. Bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước thời hạn nếu bên vay đồng ý. Trong hợp đồng cho vay, bên vay là bên yếu thế hơn, họ tìm đến bên cho vay để giải quyết khó khăn về tài chính. Mục đích vay có thể hiểu tiêu dùng, kinh doanh, sản xuất,... Dù là nhằm mục đích gì kỳ hạn vay mà các bên đã thỏa thuận chính là thời hạn hợp lý nhất để bên vay sử dụng tài sản vay. Do đó, khi đã thỏa thuận về kỳ hạn vay, thì trừ trường hợp bên vay chủ động và hoặc đồng ý trả nợ trước hạn, bên cho vay chỉ được đòi tài sản khi kỳ hạn trả nợ đến. Quy định nhằm bảo vệ lợi ích của bên vay, tạo điều kiện cho họ chủ động trong việc sử dụng tài sản vay và trả nợ. Việc đòi nợ trước hạn mà không có sự đồng ý của bên vay, có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của họ, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, thậm chí khiến họ không đạt được mục đích khi vay tài sản.

2.2.2 Hợp đồng cho vay có kỳ hạn và có lãi suất

Đây là hợp đồng mà các bên có ấn định thời gian trả nợ và thỏa thuận về việc trả lãi. Lúc này, hợp đồng được thực hiện như sau:

- Một là, với bên vay. Bên vay là bên chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ, do đó, họ có thể trả nợ trước, nhưng lãi thì vẫn được tính theo toàn bộ kỳ hạn. Bởi khi thỏa thuận về kỳ hạn vay có trả lãi, tiền lãi đã được xác định. Việc thực hiện nghĩa vụ trước hạn là ý chí của bên vay, bên cho vay không có ý ép buộc, họ hoàn toàn có thể lựa chọn tiếp tục sử dụng tài sản vay cho đến khi hết kỳ hạn như thỏa thuận. Nếu tiền lãi được trừ đi tương ứng với kỳ hạn mà bên vay thực hiện trước thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của bên cho vay. Hợp đồng cho vay có lãi suất là hợp đồng có đền bù, theo đó việc nhận tiền lãi là lợi ích mà bên cho vay thu được khi tham gia hợp đồng. Theo nguyên tắc chung, thì việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của một bên không được ảnh hưởng đến lợi ích của bên còn lại. Tuy nhiên, trên thực tế, bên vay trả nợ trước thời hạn với mong muốn giảm bớt gánh nặng phải trả lãi, dù sao trong hợp đồng cho vay thì bên vay luôn là bên yếu thế, gặp khó khăn nhiều hơn. Chính vì vậy mà pháp luật cho phép các bên được thỏa thuận về việc nếu bên vay trả nợ trước hạn thì không phải trả tiền lãi trong thời gian còn lại nữa. Hay nói cách khác bên vay chỉ phải trả lãi từ khi nhận tài sản vay đến khi trả lại tài sản vay mà thôi. Và hầu hết, các hợp đồng cho vay trên thực tế để áp dụng thỏa thuận này.

Hai là, với bên cho vay. Đối với hợp đồng cho vay có kỳ hạn và có lãi, pháp luật không cho phép bên cho vay được đòi lại tài sản trước hạn. Bởi nếu cho bên vay được đòi lại tài sản trước hạn thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay. Chiếu theo quy định trên, dù bên vay trả nợ trước hạn thì vẫn phải trả toàn bộ lãi trong kỳ hạn vay. Do đó, nếu bên cho vay đòi lại tài sản trước hạn, bên vay không chỉ buộc phải trả nợ dù chưa đến hạn mà còn phải trả thêm lãi trong thời hạn còn lại dù không được sử dụng tài sản vay. Bên cạnh đó, việc đòi lại tài sản vay trước kỳ hạn bên sẽ không kịp chuẩn bị hoặc không có khả năng trả nợ trước hạn. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của bên vay luôn là bên yếu thế hơn trong hợp đồng vay tài sản. Xem thêm:  Dịch vụ luật sư tư vấn và soạn thảo hợp đồng;

Trên đây là chia sẻ của Luật Minh Khuê về thực hiện hợp đồng cho vay không kỳ hạn và có kỳ hạn. Hi vọng bài viết đã mang tới quý bạn đọc những thông tin cần thiết và hữu ích. Trân trọng cảm ơn!