Mục lục bài viết
1. Thi hành án dân sự ở Trung Quốc
Đại đa số các vụ việc được cơ quan thi hành án thi hành là các vụ án dân sự, trung bình chiếm 81,2% tổng số vụ việc thi hành án. Việc thi hành các bản án dân sự và bản án của Toà án hàng hải được điều chỉnh bởi Luật Tố tụng dân sự 1991, được sửa đổi năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Toà án có thẩm quyền thi hành án các bản án hoặc quyết định dân sự hay phần có liên quan đến tài sản trong bản án hình sự là tòa án nơi có tài sản hoặc nơi người phải thi hành án cư trú.
Khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người nộp đơn phải cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của tài sản cần thi hành án. Điều 2 của Quy tắc của TANDTC về một số vấn đề trong công tác thi hành án của Toà án nhân dân năm 2000 đã đưa ra định nghĩa về các tài liệu có thể được thi hành bao gồm: Quyết định và bản án hành chính và dân sự, thoả thuận hòa giải thành, quyết định về chế tài dân sự; lệnh thanh toán tiền; bản án, lệnh và thoả thuận hòa giải về các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự do toà án tiến hành; quyết định của toà án nhân dân về việc áp dụng các chế tài hành chính; phán quyết trọng tài và thoả thuận hòa giải của cơ quan trọng tài; quyết định của toà án về việc bảo quản tài sản và chứng cứ theo Luật Trọng tài của nước CHND Trung Hoa; các tài liệu được công chứng về nợ và thu hồi tài sản thuộc loại được cưỡng chế thi hành; các bản án của toà án và cơ quan trọng tài nước ngoài được toà án nhân dân công nhận và các văn bản pháp lý khác có thể được thi hành theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tài sản nằm ngoài lãnh thổ tài phán của toà án có thẩm quyền thi hành án thì tòa án đó có thể ủy thác cho tòa án nơi có tài sản thực hiện việc thi hành án. Nếu trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thư uỷ thác mà toà án đó không tiến hành thi hành án thì toà án ủy thác có thể đề nghị toà án cấp trên thực hiện việc thi hành án. Nếu bản án đã thi hành mà bị hủy bỏ do có “sai lầm nghiêm trọng” thì tòa thi hành án sẽ lệnh cho bên đương sự đã nhận tài sản từ việc thi hành án phải trả lại tài sản đó. Thời hiệu bắt đầu thủ tục thi hành án là 02 năm kể từ ngày một bên có quyền thi hành án. Toà án sẽ gửi thông báo yêu cầu thực hiện bản án cho bên phải thi hành án. Nếu trong thời hạn được xác định mà bên phải thi hành án không thi hành án thì toà án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án mà toà án không tiến hành thi hành án thì người nộp đơn có thể yêu cầu toà án cấp trên thi hành án.
Toà án cấp trên có thể tự mình thi hành án hoặc chỉ đạo toà án cấp dưới phải thi hành án trong một thời hạn nhất định. Việc thi hành án sẽ do cán bộ thi hành án tiến hành. Người phải thi hành án phải cung cấp một bản kê khai tài sản. Nếu người đó không cung cấp thì toà án có quyền điều tra, phong toả và chuyển giao số tiền bị phong toả trong tài khoản vào ngân hàng, tổ chức tín dụng hay một tổ chức nhận tiền gửi khác. Toà án có thể ra quyết định khấu trừ thu nhập để thi hành án, nhưng phải để lại cho người phải thi hành án đủ thu nhập để sinh sống hàng ngày và chu cấp cho người phụ thuộc. Toà án cũng có thể phong toả, kê biên và bán đấu giá một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phải thi hành án. Trong trường hợp bên phải thi hành án che giấu tài sản, toà án có thể ra lệnh khám xét hoặc triệu tập đương sự và buộc phải nộp cho toà các giấy tờ có giá hoặc các tài sản khác có thể được chuyển giao bằng giấy tờ. Sau khi gửi thông báo theo quy định, toà án có thể buộc một người rời khỏi nhà hoặc khu đất. Người nào chậm trễ thanh toán tiền hoặc chuyển giao tài sản có thể bị buộc phải trả gấp đôi tiền lãi trên số nợ hoặc bị phạt tiền do chậm thực hiện thanh toán. Đối với người không chịu chấp hành biện pháp cưỡng chế thì toà án có thể thông báo với các cơ quan hữu quan để hạn chế quyền ra nước ngoài của người đó, nêu thông tin về người đó trong hệ thống tín dụng hoặc công bố việc người đó không chấp hành biện pháp cưỡng chế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Toà án có quyền cưỡng chế trong việc triệu tập người phải thi hành án hoặc đại diện của người đó nếu người đó không ra trình diện trước toà sau 02 lần triệu tập. Thời hạn thẩm vấn theo giấy triệu tập không được quá 24 giờ. Đối với những hành vi cản trở thi hành án nghiêm trọng, chẳng hạn như hủy hoại tài sản, dùng vũ lực cản trở việc thi hành án, hoặc dùng vũ lực hay đe dọa đối với toà án hay các bên đương sự khác, toà án có thể phạt tiền (đến 10.000 nhân dân tệ (NDT) đối với cá nhân và từ 10.000 - 300.000 NDT đối với tổ chức), tạm giam người đó đến 15 ngày, hoặc chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra khi có dấu hiệu tội phạm. Mặc dù toà án có quyền cưỡng chế như trên, các học giả đã có nhiều tài liệu cho thấy toà án rất miễn cưỡng trong việc sử dụng đầy đủ các quyền này của mình. Toà án cũng có quyền tài phán đối với những quyết định bảo quản tài sản trước khi có phán quyết cuối cùng về tranh chấp dân sự hay phân xử trọng tài.
Toà án nước ngoài có thể yêu cầu tương trợ tư pháp đối với việc tống đạt giấy tờ, điều tra và thu thập chứng cứ trên cơ sở có đi có lại, theo các hiệp định song phương hoặc đa phương, chẳng hạn như Công ước La Haye về công nhận và thi hành các bản án dân sự và thương mại, hoặc qua con đường ngoại giao. Việc nộp đơn đề nghị công nhận và thi hành các bản án và quyết định của nước ngoài có thể được tiến hành trên cơ sở có đi có lại. Trung Quốc chưa gia nhập Công ước La Haye, vì vậy việc tương trợ tư pháp và công nhận và thi hành các bản án nước ngoài trong thực tiễn chỉ có thể được tiến hành trên cơ sở các hiệp định song phương.
2. Thi hành án Hành chính
Hành chính Toà án có quyền tài phán theo Luật Tố tụng hành chính năm 1989 (Luật TTHC) sẽ thụ lý và xét xử khiếu nại về quyết định cá biệt của một cơ quan hành chính là bất hợp pháp. Năm 1987, TANDTC ban hành chỉ thị yêu cầu các tòa án thành lập phân tòa hành chính chuyên trách tại tòa án để xem xét, giải quyết các khiếu nại đối với các quyết định hành chính. Việc thành lập các phân tòa hành chính này được đẩy nhanh sau khi Luật TTHC có hiệu lực vào năm 1990. Đến nay thì hầu như tất cả các tòa án trên toàn quốc đều có phân tòa hành chính. Toà án không có quyền tài phán đối với những khiếu nại về các quyết định và quy tắc hành chính nằm ngoài phạm vi những vấn đề đã được liệt kê trong Luật TTHC. Toà án có thể quyết định giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, chuyển vụ việc cho cơ quan ra quyết định để ra quyết định mới, yêu cầu cơ quan hành chính thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc, nếu chế tài hành chính rõ ràng là không hợp lý, thay đổi chế tài hành chính. Điều 65 Luật TTHC quy định rằng nguyên đơn và bị đơn hành chính phải thi hành bản án và cho toà án tiến hành biện pháp cưỡng chế nếu họ không tự thi hành bản án. Trong trường hợp một cá nhân hoặc tổ chức không thi hành bản án hoặc quyết định của toà án thì cơ quan hành chính có thể yêu cầu thi hành bản án. Toà án sẽ viện dẫn các quy định về thi hành án của Luật TTDS để thi hành án. Trong trường hợp cơ quan hành chính không thi hành bản án hoặc lệnh của toà án, toà án có thể tiến hành các biện pháp sau: yêu cầu ngân hàng chuyển số tiền phạt hoặc bồi thường thiệt hại từ tài khoản của cơ quan hành chính; phạt tiền đối với cán bộ và các bên có trách nhiệm 50 - 100 NDT mỗi ngày chậm thi hành bản án hay lệnh, đề xuất của tòa án với cơ quan hành chính cấp trên của cơ quan phải thi hành án, hoặc, trong trường hợp tình tiết từ chối thi hành lệnh của tòa án khá nghiêm trọng đến mức cấu thành tội phạm hình sự thì tiến hành điều tra hình sự. Khi toà án cấp trên giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm theo quy định của Văn bản của TANDTC về một số vấn đề về thẩm quyền tài phán đối với các vụ án hành chính (2008) thì toà án đó cũng chịu trách nhiệm thi hành án. Toà sơ thẩm có quyền yêu cầu toà phúc thẩm (trong trường hợp có kháng cáo) thi hành bản án, tuy toà phúc thẩm có thể đồng ý thi hành án hoặc trả vụ việc lại cho toà sơ thẩm để thi hành.
Mặc dù quyền thi hành án của toà án về lý thuyết là rất lớn, trong thực tiễn, toà án rất miễn cưỡng khi phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các cơ quan hành chính. Một trong những lý do là vì ngân sách hoạt động chủ yếu của toà án là do chính quyền địa phương cấp. Do vậy, toà án cần duy trì quan hệ tốt với chính quyền địa phương và các cơ quan trực thuộc. Một lý do khác là cảnh sát có quyền điều tra các hành vi tội phạm và có thể không muốn tiếp nhận các vụ việc do toà án chuyển giao, đặc biệt là những khiếu nại đối với chính lực lượng cảnh sát. Toà án có quyền thi hành các quyết định hành chính theo chỉ thị của cơ quan ra quyết định. Trong trường hợp cơ quan hành chính ra một quyết định bắt buộc thi hành hoặc xác định một khoản bồi thường hoặc quyết định về một thoả thuận bồi thường mà bên có nghĩa vụ thi hành không chịu thi hành trong thời gian xác định thì cơ quan hành chính có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành theo Luật TTHC. Cơ quan hành chính có thể khởi kiện nếu bản thân cơ quan này không có khả năng tự thi hành quyết định của mình (hoặc có khả năng tự thi hành nhưng luật cũng cho phép cơ quan này nộp đơn yêu cầu toà thi hành án). Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án đối với một hành vi hành chính cụ thể, phân tòa hành chính của toà án trước hết sẽ xác định xem hành vi hành chính đó có hợp pháp hay không. Nếu có thì chuyển giao vụ việc cho đơn vị thi hành án để thi hành. Loại vụ việc này, được gọi là các vụ việc phi tố tụng hành chính, là loại vụ việc phổ biến đứng hàng thứ hai do đơn vị thi hành án giải quyết, trung bình chiếm khoảng 12,9% tổng số vụ việc thi hành án. Đương sự là tư nhân phải bắt đầu việc thi hành án trong vòng một năm và cơ quan hành chính phải tiến hành thi hành án trong vòng 180 ngày kể từ ngày quyết định thi hành án có hiệu lực.
3. Thi hành án lao động ở Trung Quốc
Các tranh chấp liên quan đến vấn đề lao động sẽ do các cơ quan giải quyết tranh chấp lao động chuyên trách tiến hành. Việc giải quyết tranh chấp này tách rời với việc giải quyết các tranh chấp dân sự theo Luật TTDS, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Hệ thống giải quyết tranh chấp lao động chịu sự điều chỉnh của Luật trọng tài và hòa giải tranh chấp lao động 2007 (Luật TTHGTCLĐ). Trừ trường hợp khiếu nại về thanh lý tiền lương chưa trả, tranh chấp lao động trước hết phải được đưa ra hòa giải hoặc trọng tài để giải quyết. Nếu một bên đương sự không đồng ý với quyết định của ban hòa giải, họ có thể nộp đơn đề nghị giải quyết theo thủ tục trọng tài tại Ban Trọng tài lao động. Nếu không đồng ý với phán quyết trọng tài, họ có thể kháng cáo ra trước toà. Trong trường hợp khiếu nại liên quan đến tiền lương chưa trả và không có tranh chấp về số tiền, toà án sơ thẩm sẽ giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp một bên không thi hành thoả thuận hòa giải hoặc phán quyết trọng tài thì bên kia có quyền tiến hành thủ tục thi hành phán quyết/thoả thuận tại toà án nhân dân và toà án này sẽ áp dụng Luật TTDS để thi hành. Cơ quan trọng tài có thể ra lệnh buộc thi hành ngay lập tức việc trả công lao động, chi phí khám chữa bệnh cho người bị tai nạn nghề nghiệp, bồi thường hoặc bồi hoàn kinh tế nếu quyền của các bên đã rõ ràng và việc quyết định chậm trễ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người lao động trong trường hợp cơ quan trọng tài lao động hoặc toà án nhân dân ra phán quyết kê biên tài sản thì phải nộp đơn yêu cầu thi hành phán quyết đó trong vòng 3 tháng kể từ khi phán quyết hoặc quyết định có hiệu lực. Phán quyết trọng tài Phán quyết của cơ quan trọng tài trong nước được thi hành bằng cách áp dụng thủ tục thi hành án dân sự như đã nói trên. Toà án có thể quyết định không chấp nhận phán quyết trọng tài để thi hành nếu người phải thi hành án chứng minh được rằng thỏa thuận trọng tài vô hiệu, vấn đề được xem xét nằm ngoài phạm vi của thỏa thuận phân xử trọng tài, thành phần hội đồng trọng tài hoặc các vấn đề tố tụng khác vi phạm các quy định về trọng tài, chứng cứ chủ yếu để đưa ra quyết định không đầy đủ, có sai lầm rõ ràng trong việc áp dụng pháp luật, các trọng tài viên đã tham ô hoặc nhận hối lộ hoặc có hành vi sai trái để mưu lợi cá nhân, hoặc phán quyết trọng tài đi ngược lại lợi ích của xã hội và cộng đồng. Đối với phán quyết trọng tài của cơ quan trọng tài tại nước CHND Trung Hoa liên quan đến một bên đương sự nước ngoài, một bên đương sự có thể đề nghị tiến hành thủ tục thi hành phán quyết tại một toà án nhân dân cấp cao nơi cư trú hoặc có trụ sở của bên không thi hành phán quyết trọng tài hoặc nơi có tài sản của bên đó.
Hội đồng xét xử của toà án nhân dân sẽ từ chối thi hành phán quyết trọng tài nếu nhận thấy thoả thuận trọng tài vô hiệu; có vi phạm thủ tục trọng tài, bao gồm cả việc không thông báo cho các bên để chỉ định trọng tài viên, không thông báo việc bắt đầu tố tụng trọng tài, hoặc không thông báo các bên về quyền tự bảo vệ của mình; thành phần hội đồng trọng tài không phù hợp với quy tắc trọng tài, hoặc việc phân xử trọng tài nằm ngoài phạm vi thoả thuận trọng tài. Phán quyết của trọng tài nước ngoài Trung Quốc là một quốc gia thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài 1958 (Công ước New York). Công ước này quy định việc công nhận và thi hành lẫn nhau các phán quyết trọng tài của các cơ quan trọng tài tại các quốc gia thành viên. Đương sự có thể trực tiếp nộp đơn lên toà án nhân dân cấp trung tại địa phương nơi bên có nghĩa vụ thi hành đang cư trú hoặc có tài sản. Toà án Trung Quốc không được từ chối công nhận một phán quyết của trọng tài nước ngoài trừ trường hợp phán quyết này được TANDTC xem xét lại (Thông báo của TANDTC liên quan đến việc giải quyết của các tòa án nhân dân đối với các phán quyết nước ngoài và phán quyết liên quan đến nước ngoài năm 1995). Giấy nợ có công chứng Thẩm quyền tài phán của toà án trong việc thi hành các “giấy tờ pháp lý khác” được đề cập trong Điều 201 Bộ luật TTHS bao gồm quyền thi hành các tài liệu công chứng chứng minh một khoản nợ.
4. Cưỡng chế thi hành án
Một khía cạnh quan trọng của cuộc cải cách tổ chức và hoạt động của bộ phận thi hành án là tăng cường mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác có liên quan trong quá trình thi hành án. Trong quá trình cưỡng chế thi hành bản án hình sự và dân sự đòi hỏi chuyển giao tài sản, toà án có thể yêu cầu các cơ quan chính quyền khác hỗ trợ để ra các văn bản cần thiết về chuyển giao tài sản bằng cách gửi các giấy tờ sở hữu cho toà án. Toà án cũng có thể ra thông báo cho cơ quan có trách nhiệm đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, quyền tác giả không cho người phải thi hành án chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp của mình. Toà án cũng có thể thực hiện quyền phong toả, cấm chuyển dịch hoặc bán tài sản hoặc nhận cổ tức hoặc việc thanh toán liên quan đến tài sản và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Năm 2000 TANDTC và Ngân hàng Trung Quốc ban hành Thông báo về tiêu chuẩn hoá việc thi hành án của Toà án nhân dân và việc hỗ trợ thi hành án của các tổ chức tài chính nhằm điều chỉnh và tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính với tòa án trong công tác thi hành án. Nếu một tổ chức tài chính chuyển giao một cách không hợp lệ một khoản tiền đã bị toà án phong toả thì tổ chức tài chính đó phải cố gắng thu hồi khoản tiền đó. Nếu không thể thu hồi thì tổ chức tài chính đó phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền đã chuyển không hợp lệ. Tiền gửi và thanh toán của tổ chức tài chính và cơ quan, tổ chức cho người phải thi hành án nếu vi phạm quyết định kê biên hoặc quyết định thanh toán khác thì phải bị thu hồi. Nếu không thể thu hồi thì cơ quan, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm trả khoản tiền đó cho bên được thi hành án. Nếu một cơ quan hành chính không thực hiện bản án hoặc lệnh của toà án theo Luật TTHC thì toà án có quyền thông báo cho ngân hàng chuyển số tiền trong phán quyết từ tài khoản của cơ quan hành chính đó. Cũng giống như TANDTC, năm 2004, Bộ Đất đai và Tài nguyên và Bộ Xây dựng đã ban hành Thông báo về một số vấn đề thi hành án của Toà án nhân dân và việc hỗ trợ thi hành án của cơ quan quản lý tài nguyên đất đai và bất động sản trong đó quy định cơ chế hợp tác cụ thể trong công tác thi hành án giữa toà án và các cơ quan hành chính cũng như quy định chế tài đối với trường hợp mua bán đất trái với các biện pháp cưỡng chế trong quá trình thi hành án.
5. Khó khăn trong việc thi hành án ở Trung Quốc
Một trong những vấn đề đã được nêu ra từ lâu liên quan đến khó khăn trong việc thi hành án là các cán bộ chính quyền địa phương không hợp tác, thậm chí có hành vi ngăn cản việc thi hành án đối với các doanh nghiệp địa phương. Do công tác của chính quyền và các cán bộ địa phương hiện nay tại Trung Quốc được đánh giá theo GDP và kết quả hoạt động tài chính của địa phương, cán bộ địa phương có động cơ rất lớn trong việc ngăn cản việc thi hành án đối với tài sản của doanh nghiệp địa phương, đặc biệt khi các doanh nghiệp này có tài sản hạn chế và hoạt động kinh doanh hàng ngày phụ thuộc vào nguồn tiền từ ngân hàng.
Về quy trình thi hành án dân sự: Điều 7 Quy tắc của TADNTC về một số vấn đề trong công tác thi hành án của toà án nhân dân quy định rằng cơ quan thi hành án phải được cung cấp các phương tiện giao thông, liên lạc, nghe nhìn cần thiết và vũ khí của cảnh sát để bảo đảm các nhiệm vụ của cơ quan thi hành án được thực hiện một cách có hiệu quả và nhanh chóng. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ thi hành án phải xuất trình giấy chứng minh công vụ, giấy phép chính thức và có thể được cảnh sát tư pháp tháp tùng nếu cần thiết.
Bộ phận thi hành án của toà án nhân dân cũng gặp phải những khó khăn tương tự như các toà án địa phương, liên quan đến vấn đề phân bổ ngân sách từ chính quyền địa phương. Cảnh sát tư pháp của toà án cũng đóng vai trò nhất định trong việc thi hành án. Do cảnh sát tư pháp cũng là cảnh sát theo định nghĩa rộng tại Điều 2 Luật Cảnh sát nhân dân, họ có quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Điều 3 Quy định tạm thời về cảnh sát tư pháp của toà án nhân dân năm 1997 yêu cầu cảnh sát tư pháp phải ngăn ngừa và trừng trị những hành vi trái pháp luật và hành vi cản trở hoạt động xét xử. Điều 7 cho phép họ tham gia vào việc niêm phong, tạm giữ, phong toả và tịch thu tài sản của đối tượng thi hành án. Khi nhận được văn bản cho phép của thẩm phán chịu trách nhiệm thi hành án, cảnh sát tư pháp có thể tiến hành điều tra tài sản, bảo vệ khu vực thi hành án và tiến hành các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản. Kiểm tra và giám sát Cơ chế chủ yếu để giám sát nội bộ công tác của bộ phận thi hành án của các toà án nhân dân cấp dưới do toà án nhân dân cấp trên thực hiện. Điều 6 Quy tắc của TANDTC về một số vấn đề trong công tác thi hành án của toà án nhân dân quy định rằng, bộ phận thi hành án của toà án nhân dân cấp trên thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của bộ phận thi hành án của toà án nhân dân cấp dưới.
Cùng với việc tăng cường giám sát nội bộ, toà án phải đáp ứng tốt hơn sự giám sát của nhân dân thông qua việc thực hiện tốt chính sách minh bạch trong việc ra quyết định và tăng cường công tác giải quyết đơn thư và kiểm tra liên quan đến việc thi hành án. Phòng “đơn thư và kiểm tra” chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại về công tác thi hành án của toà án. Hoạt động giám sát cũng được thực hiện đối với toàn bộ hoạt động của toà án, thông qua công tác giám sát hiến định của Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương thực hiện giám sát thông qua công tác kiểm tra đặc biệt đối với hoạt động thi hành pháp luật và thông qua việc giám sát những vụ án cụ thể. VKS cũng thực hiện quyền giám sát. Để tăng cường công tác của bộ phận giám sát của toà án, tháng 2/2009, Toà án NDTC đã ban hành Các biện pháp thí điểm thi hành việc bố trí các cán bộ giám sát trung thực, trong sạch vào các Vụ thi hành pháp luật và xét xử của toà án nhân dân, trong đó cho phép bổ nhiệm một thẩm phán là giám sát viên độc lập vào bộ phận thi hành án. Giám sát viên này vừa hoạt động dưới sự chỉ đạo của Vụ giám sát của toà án, vừa dưới quyền của Trưởng bộ phận thi hành án. Giám sát viên chịu trách nhiệm hỗ trợ Trưởng bộ phận thi hành án kiểm tra và phòng ngừa tham nhũng, bảo đảm các thẩm phán trong bộ phận thi hành án tuân thủ pháp luật và kỷ luật, hỗ trợ Vụ giám sát thực hiện chức năng giám sát theo yêu cầu và hỗ trợ việc phát hiện các vụ vi phạm kỷ luật ngay từ khi mới manh nha.
Bài viết tham khảo:
1. Một số nét cơ bản về thi hành án dân sự, hành chính tại Trung Quốc; Ths. Nguyễn Xuân Tùng; Chánh Văn phòng Tổng cục THADS; Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn”;
2. Bộ Tư pháp: Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp của một số quốc gia, năm 2011.
Căn cứ pháp lý áp dụng trong bài viết:
- Công ước của Liên hợp quốc về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài 1958;
- Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc năm 1991, được sửa đổi năm 2007;
- Luật Tố tụng hành chính Trung Quốc năm 1989;
- Luật trọng tài và hòa giải tranh chấp lao động Trung Quốc 2007.