1. Tại sao BLTTHS 2015 lại bổ sung thêm biện pháp tạm hoãn xuất cảnh?

Thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 cho thấy, nhiều bị can, bị cáo, đặc biệt là người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố lợi dụng sơ hở, xuất cảnh ra nước ngoài để bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm cũng như quá trình tiến hành tố tụng.

Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp ngăn chặn mới được bổ sung trong Bộ luật TTHS năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu phát hiện và xử lý tội phạm, phù hợp với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Trước đây, cụm từ “tạm hoãn xuất cảnh” đã được đề cập đến trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ là một biện pháp mang tính chất hành chính nên trong trường hợp đối tượng vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc hơn (biện pháp cưỡng chế trong TTHS) nhằm ngăn chặn tội phạm trong nước bỏ trốn ra nước ngoài thông xuất cảnh.

Xuất phát từ yêu cầu “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội” trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, đồng thời xuất phát từ thực tiễn tình hình tội phạm hiện nay, khi nhiều trường hợp sau khi thực hiện hành vi vi phạm, trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã lợi dụng việc xuất cảnh để trốn ra nước ngoài, gây cản trở cho việc xử lý vụ án và thi hành hình phạt, cho nên Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 124.

2. Đối tượng áp dụng

Một là, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Mặc dù đây là những người chưa bị khởi tố hình sự nhưng là người bị người khác tố giác hoặc bị cơ quan, tổ chức kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hình sự mà qua việc kiểm tra, xác minh sự việc bị tố giác, kiến nghị khởi tố đó có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Hai là, bị can, bị cáo. Đây là những đối tượng đã bị khởi tố về hình sự nhưng được tại ngoại điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ thi hành án và họ đang có hành vi chuẩn bị xuất cảnh ra nước ngoài nhằm tránh việc xử lý hành vi phạm tội hoặc trốn tránh việc thi hành án, theo quy định điều luật thì có thể hiểu bị can, bị cáo có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài nếu có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn.

3. Thời gian áp dụng

Thời hạn áp dụng cũng khác nhau đối với hai nhóm chủ thể. Đối với bị can, bị cáo, thời hạn này được quy định giống như thời hạn trong các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú. Còn đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì thời hạn này không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

4. Thẩm quyền áp dụng

Theo khoản 2 Điều 124 BLTTHS 2015: "Những chủ thể quy định tại khoản 1 Điều 113 và Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành."

Tức là, thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thuộc về các chủ thể sau:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử;

- Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa.

5. Một số hạn chế trong quy định của pháp luật

Thứ nhất, quy định về đối tượng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh còn chưa cân xứng, hợp lý, chưa thống nhất với quy định về đối tượng chung bị áp dụng biện pháp ngăn chặn BPNC.

Từ quy định tại khoản 1, Điều 124, có thể hiểu đối tượng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh là những người mà khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn, cụ thể là gồm 2 nhóm: Nhóm 1 gồm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; Nhóm 2 gồm bị can, bị cáo. Có thể thấy được 2 nhóm đối tượng áp dụng nêu trên điều luật quy định chưa cân xứng. Cụ thể là đối tượng áp dụng thuộc nhóm 1 phải kèm theo điều kiện“qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh thuộc nhóm 2 điều luật chỉ quy định là “bị can, bị cáo” có thể hiểu là trường hợp bị can, bị cáo có dấu hiệu xuất cảnh để bỏ trốn. Nhưng trên thực tế cũng có trường hợp bị can, bị cáo xuất cảnh không vì mục đích bỏ trốn mà chỉ để tiêu hủy chứng cứ của vụ án. Vậy, trường hợp bị can, bị cáo có dấu hiệu xuất cảnh nhằm tiêu hủy chứng cứ thì có cần tạm hoãn xuất cảnh hay không thì điều luật chưa đề cập tới.

Quy định chung về đối tượng bị áp dụng BPNC tại khoản 1 Điều 109 chưa bao quát hết nội dung đối tượng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.

Tạm hoãn xuất cảnh là 1 trong 8 BPNC được quy định tại chương VII của Bộ luật TTHS năm 2015. Theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật TTHS năm 2015 xác định đối tượng chung để áp dụng các BPNC là “để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội...”. Bên cạnh đó, điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015 lại quy định: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” mà không có “người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”. Như vậy, trường hợp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã thực hiện xong hành vi phạm tội, thì theo quy định của Điều 109 và Điều 4 thì họ không phải là đối tượng bị áp dụng BPNC. Qua phân tích có thể thấy Điều 124, Điều 109 và Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015 chưa có sự thống nhất.

Thứ hai, về áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố: Tại khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này…”.

Theo quy định tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tối đa để giải quyết nguồn tin về tội phạm (kể cả được gia hạn) là không quá 04 tháng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Hết thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với trường hợp khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, việc áp dụng hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đã được quy định cụ thể, rõ ràng không có vướng mắc. Tuy nhiên, trong trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố thì BLTTHS năm 2015 lại chưa quy định, trong khi đó tại khoản 3 Điều 148 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được thực hiện”.

Do vậy, trong trường hợp này nếu hết thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm thì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh cũng hết (vì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn xác minh nguồn tin tội phạm theo quy định khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015) thì mặc nhiên người đó được xuất cảnh sang nước ngoài, trong khi cơ quan giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tra để chứng minh tội phạm và khi đã đủ chứng cứ chứng minh tội phạm thì người phạm tội đã bỏ trốn sang nước ngoài, do đó gây khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhất là hiện nay việc thực hiện tương trợ tư pháp hình sự về dẫn độ, ủy thác tư pháp… còn nhiều bất cập. Do vậy, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp này không hiệu quả.

Thứ ba, chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn về tạm hoãn xuất cảnh trong TTHS.

Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là BPNC hoàn toàn mới được quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay chưa văn bản pháp lý nào định nghĩa cụ thể về tạm hoãn xuất cảnh trong TTHS. Mặc dù Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 có giải thích về thuật ngữ “tạm hoãn xuất cảnh” nhưng theo cách giải thích này thì đối tượng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh chỉ là người nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời Nghị định số 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có quy định một số trường hợp công dân Việt Nam trong nước “chưa được xuất cảnh”, nhưng quy định này vẫn chưa giải thích rõ được nội hàm của biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong TTHS.

Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định Điều 124 Bộ luật TTHS năm 2015 là người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài. Nhưng theo bình luận của một số nhà nghiên cứu thì trên thực tiễn áp dụng cho thấy biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thường chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo có quốc tịch nước ngoài, đối với bị can bị cáo là công dân Việt Nam nếu thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Qua đó có thể thấy được việc nhận thức về tạm hoãn xuất cảnh hiện nay vẫn chưa thống nhất.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)