Mục lục bài viết
- 1. Điều kiện về chủ sở hữu
- 2. Điều kiện về ngành nghề khi đăng ký
- 3. Điều kiện về đặt tên doanh nghiệp
- 4. Điều kiện về trụ sở của doanh nghiệp
- 5. Điều kiện về vốn
- 6. Điều kiện về cổ phần
- 6.1. Cổ phần
- 6.2. Điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại
- 7. Điều kiện về con dấu
- 8. Điều kiện về thành viên
1. Điều kiện về chủ sở hữu
Theo quy định của pháp luật, việc thành lập, đăng ký doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam là quyền của các cá nhân, tổ chức và được nhà nước bảo hộ. Luật nghiêm cấm các cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà cho người thành lập doanh nghiệp.
Những trường hợp ngoại lệ không được đăng ký thành lập doanh nghiệp nói chung và công ty cổ phần nói riêng:
Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
2. Điều kiện về ngành nghề khi đăng ký
Theo quy định hiện hành, pháp luật cũng quy định rõ ràng những ngành nghề kinh doanh bị cấm và phải đáp ứng những điều kiện để kinh doanh.
Thứ nhất, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Như vậy, khi thành lập công ty, các chủ thể đầu tư có thể tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế, thế mạnh của mình, miễn là không thuộc các trường hợp ngành nghề thuộc danh mục cấm của pháp luật. Những ngành nghề mà pháp luật nước ta cấm kinh doanh là các hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.
Thứ hai, đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định. Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.
Theo quy định tại Điều 6, Luật Đầu tư 2020, những ngành nghề sau đây sẽ bị cấm kinh doanh:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ Lục 4, Luật Đầu tư 2020.
Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị cấm kinh doanh các ngành nghề trên.
Nếu kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần xin các Giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề đó, để việc kinh doanh được thuận lợi, đúng pháp luật.
3. Điều kiện về đặt tên doanh nghiệp
Đặt tên doanh nghiệp là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sau này của doanh nghiệp, các điều kiện:
Tên doanh nghiệp là hình ảnh thu hút khách hàng và là đặc trưng để phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác;
Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng;
Loại hình doanh nghiệp: được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu;
Tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp;
Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:
Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp;
Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
4. Điều kiện về trụ sở của doanh nghiệp
Địa chỉ công ty là nơi tiến hành hoạt động kinh doanh. Địa chỉ kinh doanh của công ty còn quyết định đến việc cơ quan thuế nào sẽ trực tiếp quản lý. Do vậy việc chọn địa chỉ công ty vô cùng quan trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Địa chỉ đó là nơi giao dịch, nơi làm việc của cán bộ, công nhân viên trong công ty.
Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định cụ thể về địa chỉ công ty như sau:
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có);
Theo Điều 3, Điều 6 Luật nhà ở năm 2014 và Công văn số 2544/BXD-QLN của Bộ xây dựng về việc quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành ngày 19/11/2009 thì doanh nghiệp không được đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể.
5. Điều kiện về vốn
Khi thành lập công ty cần có một hợp đồng góp vốn đối với các cá nhân, tổ chức. Việc góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập
Vốn của doanh nghiệp nói chung là giá trị được tính bằng tiền của những tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, được sử dụng trong kinh doanh. Cũng như các chủ thể kinh doanh khác, để tiến hành các hoạt động kinh doanh, CTCP phải có vốn. Là loại hình công ty đối vốn điển hình nên vấn đề vốn của CTCP là hết sức phức tạp, được tiếp cận dưới nhiều góc độ, dựa trên những tiêu chí khác nhau. Căn cứ vào nguồn gốc hình thành, vốn của CTCP được chia thành: vốn chủ sở hữu (vốn tự có) và vốn tín dụng (vốn vay).
Vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn thuộc sở hữu của công ty, được hình thành từ nguồn đóng góp của cổ đông và vốn do CTCP tự bổ sung từ lợi nhuận của công ty;
Vốn tín dụng: là nguồn vốn hình thành từ việc đi vay dưới các hình thức khác nhau: vay ngân hàng, vay của các tổ chức, cá nhân khác hoặc vay bằng cách phát hành trái phiếu.
CTCP cần có tỉ lệ vốn hợp lí phương thức huy động vốn thích hợp, phương pháp kinh doanh đúng đắn để sử dụng vốn hiệu quả, tạo niềm tin cho đối tác của mình. Pháp luật về huy động vốn của công ty cổ phần: Các chủ thể kinh doanh thường mong muốn có nguồn vốn lớn để mở rộng và phát triển quy mô sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp thường có hai cách để huy động vốn, đó là: tăng vốn chủ sở hữu và tăng vốn vay. Theo Luật doanh nghiệp 2020 so với các loại hình doanh nghiệp khác như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn,… thì CTCP khẳng định sự thuận lợi hơn trong mô hình kinh doanh của mình bằng quyền phát hành chứng khoán. Trong các loại chứng khoán đó, cổ phiếu là công cụ riêng của CTCP, nó đem đến ưu thế rất lớn nhờ khả năng thu hút vốn dễ dàng: có thể huy động được một nguồn vốn lớn do mở rộng đối tượng huy động; và cũng có thể giảm chi phí huy động vốn do được tiếp cận trực tiếp với người đầu tư.
Việc xác định vốn điều lệ còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà công ty dự định hoạt động. Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định và ký quỹ thì vốn điều lệ của công ty phái đáp ứng điều kiện của pháp luật. Cụ thể:
Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định
Vốn pháp định là số vốn tối thiểu để công ty được thành lâp theo quy định của nhà nước. Chỉ một số ngành nghề cụ thể nhà nước quy định vốn pháp định mới phải áp dụng.
Khi công ty đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì vốn điều lệ của công ty không được thấp hơn mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh đó. Nhà nước không quy định mức vốn điều lệ tối đa.
Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu ký quỹ
Kỹ quỹ là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp nhằm đảm bảo giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh.
Theo đó, khi kinh doanh những ngành nghề yêu cầu ký quỹ thì công ty phải có tài liệu chứng minh đã ký quỹ số tiền mà pháp luật quy định. Nhà nước quy định mức ký quỹ cụ thể đối với từng ngành nghề tại các văn bản pháp luật.
Ngoài ra, trong CTCP dưới góc độ pháp lí cần quan tâm đến khái niệm vốn quy định tại điều 112 Luật doanh nghiệp 2020:
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.
Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.
Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần các loại chưa được đăng ký mua.
Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
a) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
b) Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này;
c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật này.
Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây;
a) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
b) Công ty mua lại cổ phần đã phát hành quy định tại Điều 129 và Điều 130 của Luật này;
c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 112 của Luật này.
Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp cổ phần:
1. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.
2. Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định tại khoản 1 Điều này, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
3. Nếu sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
c) Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
d) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều này.
6. Điều kiện về cổ phần
6.1. Cổ phần
Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.
Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;
b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.
Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.
Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Cổ đông phổ thông có quyền sau đây:
Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;
Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;
Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:
Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;
Quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều này có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;
Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông quy định tại khoản 3 Điều này phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu triệu tập họp phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thực hiện như sau:
Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;
Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.
Quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
6.2. Điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại
Công ty chỉ được thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật doanh nghiệp nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Cổ phần được mua lại theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật doanh nghiệp được coi là cổ phần chưa bán theo quy định tại khoản 4 Điều 112 của Luật doanh nghiệp này. Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu.
Sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần được mua lại.
7. Điều kiện về con dấu
Con dấu rất quan trọng với doanh nghiệp. Nó thể hiện ý chí của công ty trong mọi giao dịch. Do vậy, pháp luật hiện hành cũng quy định rất chặt chẽ, quy đinh về kích thước, kiểu dáng sao cho đồng nhất, phù hợp. Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu, thì: “Con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước.”
Về kích thước, hình dạng con dấu, được pháp luật quy định tại Thông tư 21/2012/TT-BCA như sau:
Đường kính: 36mm;
Vành ngoài phía trên con dấu: Mã số doanh nghiệp, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số giấy phép thành lập, hoạt động, số giấy chứng nhận đầu tư, sau dãy số thực là loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
Vành ngoài phía dưới con dấu: Tên cấp huyện kèm theo tên cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính;
Giữa con dấu: Tên tổ chức dùng dấu.
8. Điều kiện về thành viên
Thành viên công ty cổ phần (còn gọi là cổ đông) có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Công ty cổ phần phải gồm tối thiểu ba cổ đông, không hạn chế số lượng tối đa các thành viên. Công ty có thể hoạt động với số thành viên ít hơn số thành viên tối thiểu trong vòng 06 tháng, (trong trường hợp công ty không còn đủ 3 thành viên trong vòng 6 tháng liên tục, và trong thời hạn 6 tháng đó công ty không tuyển thêm thành viên, cũng không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp).
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Luật sư ư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6162 để được giải đáp. Xem thêm: Đặc điểm và điều kiện thủ tục thành lập công ty cổ phần?. Trân trọng./.