Cơ sở pháp lý:

- Công ước Vienna 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế

- Luật thương mại năm 2005

1. Nghĩa vụ giao hàng hóa của bên bán

Theo Công ước Vienna 1980 (CISG), bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua. Trong trường hợp bên bán giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, điều này đồng nghĩa với việc bên bán đã vi phạm nghĩa vụ của mình, bên mua có quyền áp dụng các biện pháp bảo hộ pháp lý cần thiết.

Công ước Vienna 1980 đã quy định về tính phù hợp của hàng hóa tại Điều 35 và là cơ sở để bên mua có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi bên bán đã không giao hàng hóa phù hợp, kể cả việc hủy hợp đồng theo Điều 49(1) nếu hàng hóa không phù hợp đó cấu thành một vi phạm cơ bản theo Điều 25 CISG.

Việc xác định sự phù hợp của hàng hóa là đặc biệt quan trọng để xác định liệu người bán đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của mình hay chưa hoặc là cơ sở để người mua bảo vệ quyền lợi của mình. Vấn đề đặt ra là như thế nào là sự phù hợp của hàng hóa?

Có thể thấy, các bên trong hợp đồng hoàn toàn có thể thỏa thuận về tính chất, đặc điểm hàng hóa của mình trong hợp đồng. Khi có tranh chấp xảy ra, cơ quan giải quyết tranh chấp có thể căn cứ vào hợp đồng để xem xét tính phù hợp của hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào các bên cũng quy định những điều khoản này thật chi tiết, thậm chí cho rằng sự phù hợp hàng hóa đó là nghiễm nhiên nên đã không thỏa thuận sự phù hợp của hàng hóa trong hợp đồng. Trong trường hợp này, Điều 35 Công ước Vienna 1980 sẽ cho chúng ta hướng giải đáp. Việc giải đáp đó sẽ được xác định thông qua hai nội dung chính sau đây: Một là, xác định tính phù hợp của hàng hóa theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng; Hai là, xác định tính phù hợp của hàng hóa trong trường hợp các bên trong hợp đồng chưa có thỏa thuận.

2. Bên bán có hành vi giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Đầu tiên, Điều 35 (1) CISG quy định “Người bán giao hàng đúng số lượng, phẩm chất và mô tả như quy định trong hợp đồng, và đúng bao bì hay đóng gói như hợp đồng yêu cầu”. Như vậy, bên bán có hành vi giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng sẽ được xác định dựa trên bốn yếu tố đó là: không đúng số lượng, phẩm chất, mô tả và bao bì hay đóng gói như hợp đồng yêu cầu.

2.1. Bên bán giao hàng hóa không phù hợp về số lượng

Bên bán có nghĩa vụ giao đúng, chính xác số lượng như thỏa thuận trong hợp đồng cho bên mua. Trong mọi trường hợp, hàng hóa được mô tả thường sử dụng các giá trị định lượng khác nhau. Có thể là chỉ định một sản phẩm cụ thể duy nhất, liệt kê một con số chính xác hoặc sử dụng một cụm từ có định nghĩa rộng hơn như là “toàn bộ vụ thu hoạch”. Bất kỳ chênh lệch nào về số lượng lớn hơn hoặc ít hơn số lượng đã thỏa thuận, cho thấy sự thiếu phù hợp với mục đích của Điều 35 (1) của CISG và người mua phải thông báo về sự không phù hợp này.

Vấn đề này đã được minh họa trong vụ tranh chấp Textile case số 2762/1989 tại Tòa án huyện Dordrecht (Hà Lan), hợp đồng ký kết mua bán hàng dệt may giữa bên bán có quốc tịch Pháp và bên mua có quốc tịch Hà Lan. Bên bán đã giao hàng vượt quá mức hợp đồng quy định. Tòa án kết luận rằng có tồn tại hành vi vi phạm hợp đồng (bên bán) giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, cụ thể là số lượng lớn hơn so với thỏa thuận trong hợp đồng. Tòa án yêu cầu bên bán phải bồi thường thiệt hại những khoản mà bên mua phải trả cho số lượng hàng hóa vượt quá hợp đồng đó, cụ thể là chi phí kho bãi, bảo quản hàng hóa.

Từ thực tiễn áp dụng Công ước Vienna 1980 cho thấy, nếu hợp đồng ghi nhận số lượng hàng hóa trong một khoảng trung bình: “nhiều hơn hoặc ít hơn trong khoảng…”, “khoảng…”, “giao hàng không ít hơn… (hay nhiều hơn…)…” thì việc thực hiện nghĩa vụ giao một lượng hàng hóa dao động (nhiều hơn hay ít hơn) phù hợp không bị xem là vi phạm hợp đồng,[8] ví dụ như khi các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng một điều khoản dung sai.

2.2. Bên bán giao hàng hóa không phù hợp về chất lượng

Theo Điều 35(1) CISG, bên cạnh số lượng, chất lượng cũng là một điều kiện quan trọng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Bên bán giao hàng hóa không đúng chất lượng như đã thỏa thuận dẫn đến việc không đáp ứng được mong đợi của bên mua khi tiến hành ký kết hợp đồng. Đồng thời, hành vi vi phạm này còn có thể tạo ra những tổn thất khác nếu bên mua sử dụng hàng hóa đó để giao dịch với bên thứ ba. Thuật ngữ “chất lượng” phải được hiểu theo nghĩa rộng, có nghĩa là sẽ không hợp lý nếu sự phù hợp của hàng hóa theo Điều 35(1) liên quan đến khả năng sử dụng và giá trị của hàng hóa được xác định chỉ lệ thuộc vào tính chất tự nhiên và độ bền của chúng. Theo các nhà nghiên cứu về CISG, sự phù hợp về chất lượng của hàng hóa đầu tiên sẽ xem xét những tính chất tự nhiên của nó, bao gồm các tính năng vật lý của hàng hóa. Bên cạnh đó, chất lượng theo nghĩa của Điều 35 cũng bao gồm các thuộc tính phi vật lý của hàng hóa, tức là các tình huống thực tế và pháp lý ảnh hưởng đến hàng hóa và môi trường xung quanh. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, có thể là các quy định về pháp luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn nhất định trong quá trình sản xuất hay là xuất xứ của hàng hóa.

Thực tiễn trong vụ tranh chấp Eyroflam S.A. v. P.C.C. Rotterdam B.V. liên quan đến việc mua bán “sơn chịu lửa” đã được Tòa án Rotterdam (Hà Lan) giải thích việc áp dụng Điều 35(1) như sau: “Trước hết là trong việc áp dụng Điều 35 CISG, bất kỳ tiêu chuẩn nào được áp dụng bởi Nước của người mua và của Nước người bán cũng cần phải được xem xét. Hơn nữa, nếu các tiêu chuẩn trong nước của người mua cao hơn so với nước của người bán, người mua phải đặc biệt chú ý vấn đề này. Nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu về luật công cộng được áp dụng ở nước của người mua chỉ có thể được tuân thủ nếu người bán biết hoặc có thể nhận thức được sự tồn tại của các yêu cầu đó”. Như vậy, trong vụ việc này, rõ ràng Tòa án đã không chỉ căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng để xác định chất lượng của hàng hóa mà còn nhắc đến các quy định về pháp luật của Nước bên mua và bên bán để xác định chất lượng hàng hóa của hợp đồng.

2.3. Bên bán giao hàng hóa không phù hợp với mô tả trong hợp đồng

Yếu tố quyết định để xác định xem hàng hóa phù hợp với hợp đồng hay không là xem xét hàng hóa được giao có phù hợp với mô tả hàng hóa hợp đồng hay không. Các mô tả trong hợp đồng được xem xét dưới hình thức mô tả bằng ngôn ngữ trên hợp đồng hoặc mô tả hàng hóa bằng phương pháp sử dụng hàng hóa chỉ định. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng ngôn ngữ ghi nhận những mô tả về đặc điểm, tính chất, kiểu dáng… của hàng hóa.

Ví dụ, bên mua đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, cụ thể là tác phẩm nghệ thuật (tranh vẽ) The Old Guitarist (1903 – 1904) của họa sĩ Picasso, bên bán đồng ý ký kết hợp đồng. Đến thời hạn giao hàng, bên bán vì lý do nào đó không giao loại mặt hàng đã được chỉ định là tác phẩm The Old Guitarist của Picasso, thay vào đó, bên bán giao cho bên mua một tác phẩm tranh khác của danh họa này. Điều này có thể dẫn đến việc các cơ quan tài phán yêu cầu bên bán bồi thường những khoản thiệt hại mà bên mua phải gánh chịu phát sinh từ hành vi giao hàng hóa không phù hợp với mô tả trong hợp đồng của bên bán.

Vấn đề đặt ra là việc giao hàng hóa khác biệt hoàn toàn so với mô tả của hợp đồng có được xem là vi phạm Điều 35(1) hay không? Theo các nhà nghiên cứu, trường hợp phân phối hàng hóa hoàn toàn khác nhau vẫn nên được xem như là một sai lệch so với “mô tả” của hàng hoá trong hợp đồng.

2.4. Bên bán giao hàng hóa không phù hợp với thỏa thuận về bao bì hoặc đóng gói

Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về cách thức đóng gói hay bao bì cụ thể thì bên bán có hành vi vi phạm giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng khi không đáp ứng thỏa thuận này. Ví dụ, những sản phẩm như nước hoa hay mỹ phẩm thường được thỏa thuận trong hợp đồng về thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm sao cho bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. Điều này không loại trừ việc bên bán phải thực hiện đóng gói, bao bì nhằm bảo quản hàng hóa trước khi chuyển giao cho bên mua.

So với pháp luật Việt Nam, khoản 1 Điều 34 Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định tương tự với Điều 35(1) CISG. Cụ thể là bên bán phải giao hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng. Tuy nhiên, có thể thấy, khoản 1 Điều 34 Luật Thương mại năm 2005 không hề nhắc đến “mô tả” của hàng hóa trong hợp đồng, mà thay vào đó là thỏa thuận về bảo quản và quy định mở cho các quy định khác trong hợp đồng. Có thể nói, khoản 1 Điều 34 Luật Thương mại năm 2005 là một bước tiến nhằm mở rộng tính bao quát các khả năng mà hàng hóa không phù hợp hợp đồng so với khoản 1 Điều 60 Luật Thương mại năm 1997. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, phân tích các bản án và các quyết định trọng tài cho thấy nhiều vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến căn cứ xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng là các quan điểm xét xử của cơ quan giải quyết tranh chấp. Có thể nhận thấy sự ảnh hưởng nhất định từ các quan điểm xét xử của tòa án hoặc trọng tài đối với việc áp dụng pháp luật thương mại Việt Nam về xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.

3. Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Công ước Vienna 1980 ghi nhận quy định về trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng tại Điều 35 (2), nhằm mục đích bổ sung cho việc thỏa thuận giữa các bên hoặc giải quyết những vấn đề tranh chấp về áp dụng bồi thường thiệt hại có thể xảy ra nếu các bên không có thỏa thuận theo Điều 35 (1). Điều 35 (2) được xem như là những quy định “ẩn” về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Trường hợp có tồn tại sự mâu thuẫn giữa hai khoản này, khoản 1 luôn được ưu tiên áp dụng dựa trên nguyên tắc favor – contractus – tôn trọng sự thiện chí, thỏa thuận trong hợp đồng, cho dù các bên không có thỏa thuận vô hiệu hóa Điều 35 (2).

Điều 35 (2) bao gồm bốn điểm; trong đó điểm a và d được áp dụng cho mọi hợp đồng, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, điểm b và c chỉ được áp dụng trong một số hợp đồng cụ thể có nhắc tới nội dung này.

3.1. Hàng hóa không thích hợp cho mục đích sử dụng thông thường

Điều 35 (2) điểm a nhắc đến mục đích sử dụng thông thường, tuy nhiên thế nào là mục đích thông thường lại không được giải thích cụ thể. Từ thực tiễn tài phán cho thấy, mục đích thông thường được hiểu dựa trên từng vụ việc xác định, trên cơ sở tham khảo ý định, nhu cầu của bên bán và bên mua trong các giao dịch tương tự. Bên cạnh đó, loại hàng hóa cũng là một yếu tố mà các cơ quan tài phán thường sử dụng để đánh giá sự phù hợp với mục đích thông thường. Giao hàng hóa không có chất lượng trung bình, chất lượng theo thị trường hoặc chất lượng hợp lý của loại hàng hóa đó hay hàng hóa không sử dụng được như những hàng hóa cùng loại hoặc tương tự khác (tính truyền thống) được xác định là hành vi giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Mục đích sử dụng thông thường không đồng nghĩa với việc hàng hóa phải hoàn hảo hay không có khuyết điểm, trừ trường hợp sự hoàn hảo là cần thiết để đáp ứng mục đích sử dụng thông thường.

Cụ thể, trong vụ tranh chấp Wine case, Tòa án tối cao Pháp đưa ra phán quyết có sự vi phạm nghĩa vụ bởi bên bán giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Bên bán đã giao cho bên mua rượu có chứa đường. Vì loại hàng hóa là rượu nên việc có chứa đường dẫn đến kết quả hàng hóa không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường theo quy định tại Điều 35 (2) điểm a. Tòa án kết luận bên bán phải bồi thường thiệt hại cho bên mua do đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa.

Tuy nhiên, vấn đề còn gây tranh cãi là mục đích sử dụng thông thường có thể được hiểu khác nhau, phụ thuộc vào nhiều khía cạnh khác nhau tại các quốc gia. Như vậy, bên bán có phải có nghĩa vụ nắm bắt tất cả những tiêu chuẩn, quy chuẩn để xác lập mục đích sử dụng thông thường tại quốc gia của bên mua hay không?

Tranh chấp Mussels case cho chúng ta lời giải đáp: Tranh chấp về hàng hóa là những con sò, bên bán giao cho bên mua sản phẩm có hàm lượng cadmium cao hơn so với pháp luật quy định về sức khỏe của quốc gia bên mua. Tòa án đưa ra phán quyết rằng, ở đây không tồn tại hành vi vi phạm giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng theo Điều 35 (1) và Điều 35 (2) điểm a. Bên bán không nhất thiết phải tìm hiểu hết tất cả quy định trong pháp luật chuyên ngành của quốc gia bên mua về yêu cầu đặc biệt đối với hàng hóa. Ngược lại, bên mua có trách nhiệm biết và nên biết những kiến thức chuyên môn này để thông báo cho bên bán. Hành vi vi phạm giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng xảy ra trong trường hợp quốc gia bên bán cũng có những quy định đặc biệt tương ứng với pháp luật của quốc gia bên mua.

3.2. Hàng hóa không thích hợp cho mục đích cụ thể

Một mục đích sử dụng cụ thể được các cơ quan tài phán định nghĩa là mục đích xác định rõ ràng mà bên mua mong muốn từ hàng hóa của bên bán, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Thông thường, bên mua nêu ra mục đích sử dụng cụ thể đối với hàng hóa trong hợp đồng; dựa vào đó, bên bán quyết định việc có giao kết hợp đồng hay không.

Thực tế vẫn tồn tại những dạng mục đích sử dụng cụ thể mà bên mua thể hiện gián tiếp, ẩn ý, không được thể hiện bằng ngôn từ trong hợp đồng, không được thỏa thuận giữa bên mua và bên bán trong quá trình giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu bên mua dựa vào sự đánh giá và lựa chọn của bên bán, bên bán phải chịu trách nhiệm khi giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Ví dụ, bên mua thông báo cho bên bán về việc mua thức ăn cho loài chim quý hiếm mình đang nuôi. Tòa án kết luận bên bán có hành vi vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng khi bên bán giao loại thức ăn có hại cho loại chim quý hiếm của bên mua, mặc dù nó không có hại đối với những loài khác.

Tuy nhiên, khi xem xét câu chữ tại Điều 35(2) điểm b thì quy định này có hai trường hợp cần phải xem xét đến. Thứ nhất, quy định này chỉ được áp dụng khi người mua đã cho người bán biết về mục đích cụ thể của việc sử dụng hàng hóa. Thứ hai là trong trường hợp người mua đã không thông báo mục đích sử dụng hàng hóa cho người bán vì người mua không thể tin tưởng hoặc không hợp lý để người mua tin tưởng vào kỹ năng hoặc phán đoán của người bán về việc lựa chọn hàng hóa phù hợp với yêu cầu thì sự phù hợp của hàng hóa sẽ không được xem xét bởi điều khoản này.

3.3. Hàng hóa không có tính chất của hàng mẫu mà người bán đã giao

Bên mua, thay vì thể hiện nhu cầu của mình về hàng hóa thông qua mô tả bằng ngôn ngữ trong hợp đồng, có thể dựa trên hàng mẫu để giao kết hợp đồng với bên bán. Hành vi giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng có thể xảy ra khi bên bán giao hàng không có tính chất của hàng mẫu do bên mua cung cấp. Có thể nói, việc giao mẫu hoặc mô hình là một cách cụ thể lời đề nghị của người bán. Nếu so sánh giữa việc mua bán dựa theo mẫu, mô hình và mua bán dựa theo mô tả thì rõ ràng việc giao mẫu, mô hình là một mô tả thực tế cho hợp đồng để xác định chất lượng của hàng hóa mà người mua sẽ được nhận. Như vậy, để xác định hàng hóa có tính chất của hàng mẫu hay không, bên mua cần thiết lập sự kiểm tra, giám định phù hợp trước khi đi đến kết luận sự không phù hợp của hàng hóa nhằm đưa ra yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại. Đồng thời, hàng mẫu cũng có thể được đưa ra bởi bên bán để bên mua lựa chọn.

Trong tranh chấp Delchi v. Rotorex 6 December 1995 U.S. Circuit Court of Appeals về hợp đồng mua bán máy nén khí, bên bán Rotorex đã cung cấp cho bên mua Delchi hàng mẫu và bảng thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng và sử dụng máy nén khí đó để làm máy điều hòa không khí Ariele, Delchi phát hiện rằng 93% số máy nén khí không phù hợp với hàng mẫu, do khả năng làm lạnh thấp hơn và năng lượng tiêu thụ nhiều hơn. Tòa án kết luận có sự vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng của bên bán. Bên bán phải bồi thường những khoản thiệt hại mà bên mua phải gánh chịu.

3.4. Hàng hóa không được đóng gói phù hợp

Điều 35 (2) điểm d quy định “Hàng không được đóng gói theo cách thông thường cho những hàng cùng loại hoặc, nếu không có cách thông thường, thì bằng cách thích hợp để giữ gìn và bảo vệ hàng hoá đó” nhằm bổ sung cho Điều 35 (1) bảo vệ quyền lợi của bên mua trong trường hợp hợp đồng được giao kết không có điều khoản thỏa thuận về đóng gói hàng hóa hoặc có liên quan đến tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa của quốc gia bên bán. Bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa phù hợp khi không thực hiện việc đóng gói theo cách thông thường và đóng gói bảo quản hàng hóa. Đóng gói theo cách thông thường được hiểu theo cách hiểu của hàng hóa tương tự hoặc cùng loại trong những giao dịch tương tự và dựa trên thực tiễn thương mại. Bên cạnh đó, đóng gói bảo quản hàng hóa theo Điều 35(2) điểm d là nghĩa vụ của bên bán khi các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận về việc đóng gói hàng hóa. Dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bên bán quyết định việc đóng gói nhằm bảo vệ hàng hóa khỏi sự hư hỏng, hao mòn. Cụ thể, bên bán phải cân nhắc đến loại hàng hóa, khí hậu, khoảng cách vận chuyển, tình trạng của hàng hóa…

Trong vụ tranh chấp Conservas La Costeña S.A. de C.V. v. Lanín San Luis S.A. & Agroindustrial Santa Adela S.A.(Mexico), Trọng tài đã tuyên bên bán có hành vi giao hàng hóa là trái cây đóng hộp không được đóng gói đúng quy cách tối thiểu nên trên đường vận chuyển bằng xe tải, hàng hóa đã bị hư hỏng, bên bán phải bồi thường thiệt hại cho sự vi phạm nghĩa vụ của mình.

Cần lưu ý là ngay Điều 35(3) Công ước Vienna 1980 cũng quy định trường hợp bên bán có thể được miễn trách do giao hàng hóa không phù hợp: “Người bán không chịu trách nhiệm về việc giao hàng không đúng hợp đồng như đã nêu trong các điểm từ a đến d của khoản trên nếu như người mua đã biết hoặc không thể không biết về việc hàng không phù hợp vào lúc ký kết hợp đồng”. Như vậy, để bên bán được miễn trách trong trường hợp này, cần hội đủ hai yếu tố: thứ nhất là chỉ những trường hợp được nêu ra từ điểm a đến d của khoản 2 Điều 35 mới thuộc phạm vi được miễn trách; thứ hai là bên mua đã biết hoặc không thể không biết về việc hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.

4. Pháp luật Việt Nam về sự phù hợp của hàng hóa

Pháp luật thương mại Việt Nam cũng quy định điều khoản tương tự với Điều 35(2) Công ước Vienna 1980 tại khoản 1 Điều 39 Luật Thương mại năm 2005:

“1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hóa được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hóa đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;

b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;

d) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường”.

Quy định điều khoản miễn trách tương tự Điều 35(3) tại khoản 1 Điều 30 Luật thương mại năm 2005. Có thể thấy, những quy định tại Luật Thương mại năm 2005 và Công ước Vienna 1980 là tương đồng về vấn đề này.

Qua phân tích trên, có thể thấy, tuy khác biệt nhau về câu chữ nhưng cả Công ước Vienna 1980 và Luật Thương mại năm 2005 đều quy định giống nhau về tính phù hợp của hàng hóa trong hợp đồng. Đầu tiên, cần phải tôn trọng thỏa thuận giữa các bên về tính phù hợp hàng hóa, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đầy đủ thì cả Công ước Vienna 1980 và Luật Thương mại năm 2005 đều xem xét bốn yếu tố bổ sung nhằm xác định tính phù hợp của hàng hóa, đó là: mục đích sử dụng thông thường; mục đích sử dụng cụ thể; phù hợp với hàng mẫu; đóng gói bảo quản. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, những yếu tố này sẽ không được sử dụng một cách cứng nhắc mà sẽ được áp dụng linh hoạt bởi cơ quan giải quyết tranh chấp, có thể là Tòa án hay trọng tài theo từng vụ việc cụ thể.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập