Mục lục bài viết
1. Hợp đồng thử việc là gì?
Hiện tại chưa có văn bản nào nêu rõ về khái niệm hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về việc thử việc như sau:
"Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về việc thử việc bằng giao kết hợp đồng thử việc."
Vậy ta có thể hiểu như sau: Hợp đồng thử việc là sự thỏa thuận giữa người lao động hoặc người sử dụng lao động về việc làm thử. Trong đó, thời gian thử việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sẽ được quy định tại hợp đồng thử việc.
Theo Điều 25, Bộ luật Lao động có quy định về thời gian thử việc như sau:
- Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và đảm bảo điều kiện sau:
+ Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
+ Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
+ Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ
+ Không quá 60 ngày làm việc đối với công việc khác.
Theo quy định tại Điều 26 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Bên cạnh đó, nếu mỗi bên đều có quyền hủy bỏ hợp đồng không cần báo trước trong trường hợp việc làm không đạt yêu cầu theo thỏa thuận.
2. Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân thu nhập thấp, do đó, khoản thu này sẽ công bằng với mọi đối tượng trong xã hội, góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội.
Có 2 đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân: Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế. Cụ thể:
- Với cá nhân cư trú: Thu nhập chịu thuế là khoản phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam (không phân biệt nơi trả thu nhập)
- Với cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam (không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập).
3. Thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Vì vậy, bất kể là nhân viên thử việc, mùa vụ hay thời vụ dưới 3 tháng đều là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân.
4. Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với hợp đồng thử việc
Về quy định nộp Thuế thu nhập cá nhân đối với hợp đồng thử việc theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
- Thuế thu nhập cá nhân đối với hợp đồng thử việc được tính trên từng lần chi trả
- Đối với hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động dưới 3 tháng:
+ Nếu tổng thu nhập dưới 2 triệu/lần hoặc theo tháng thì không khấu trừ thuế thu nhập cá nhân
+ Nếu có tổng thu nhập từ 2 triệu/lần hoặc theo tháng trở lên thì doanh nghiệp khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân trên tổng thu nhập trước khi chi trả cho người lao động.
Vậy, theo quy định trên, thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức.
Thuế thu nhập cá nhân với hợp đồng thử việc = Tiền lương x 10%
Ví dụ: Vào ngày 21/6/2022, Chị Nguyễn Thị A ký hợp đồng thử việc với Công ty B trong 2 tháng.
Mức lương: 5 triệu đồng/tháng cho 24 ngày công
Tiền phụ cấp ăn uống là 30.000/1 ngày
Trường hợp 1: Trong tháng 6, chị A đi làm 8 ngày công
Tiền lương tháng 6 của chị A là: 5.000.000/24 x 8 =8 x 30 = 1.906.667
Tiền lương của chị Nguyễn Thị A trong tháng 6 chưa vượt quá 2 triệu đồng. Vậy, chị Nguyễn Thị A không bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10%.
Trường hợp 2: Tháng 7 chị A đi làm đầy đủ 24 ngày công
Tiền lương tháng 7 của chị A là: 5.000.000 + 24 x 30.000 = 5.720.000 đồng
Tiền lương của chị Nguyễn Thị A trong tháng 7 vượt quá 2 triệu đồng. Vậy số thuế thu nhập cá nhân của chị Nguyễn Thị A là:
5.720.000 x 10% = 572.000
Số tiền thực lãnh của chị Nguyễn Thị A là: 5.720.000 - 572.000 = 5.148.000 đồng.
5. Điều kiện để không bị trừ thuế thu nhập cá nhân đối với hợp đồng thử việc
Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, nếu ước tính tổng mức thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh chưa đến mức loại thuế thu nhập cá nhân, người lao động có thể làm cam kết gửi doanh nghiệp để làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ 10% thuế.
Người lao động được làm cam kết tạm thời chưa khấu trừ thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng trở lên
- Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng để thử việc
- Chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế (nếu làm ở 02 nơi trở lên không được làm bản cam kết).
- Ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế (ước tính tổng thu nhâp từ 132 triệu đồng/năm trở xuống nếu không có người phụ thuộc).
- Phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
Nếu thỏa mãn các điều kiện trên, người lao động có thể tải và điền Mẫu 02/CK-TNCN rồi gửi cho doanh nghiệp để không bị khấu trừ 10% tiền lương.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2022, mẫu cam kết thuế thu nhập cá nhân này sẽ được thực hiện theo mẫu mới là Mẫu 08/CK-TNCN được ban hành kèm Thông tư 80/2021/TT-BTC.