Luật sư trả lời:

1. Quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với tiền công, tiền lương.

- Thuế thu nhập cá nhân được hiểu là một loại thuế trực thu, được đánh vào một số cá nhân có thu nhập nhất định nào đó phải chịu loại thuế này. Tức là thuế thu nhập cá nhân áp dụng với chính cá nhân có thu nhập đến ngưỡng chịu thuế sau khi đã trừ đi các khoản giảm trừ theo quy định của pháp luật.

- Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 bao gồm các đối tượng như sau:

+ Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định của luật phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định của luật phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. 

+ Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

++ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

++ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

+ Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng các điều kiện của cá nhân cư trú.

- Đối với người lao động thì thu nhập chịu thuế phát sinh từ tiền công, tiền lương bao gồm:

+ Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

+ Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.

- Như vậy đối với người lao động thì thu nhập từ tiền công, tiền lương là một trong các loại thu nhập chịu thuế. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.

- Cá nhân muốn biết mình phải thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhận hay không thì phải xem xét hai yếu tố là thu nhập chịu thế và thu nhập tính thuế, trong đó:

+ Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - (Các khoản miễn thuế + Các khoản không chịu thuế)

+ Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Các khoản bảo hiểm + Các khoản giảm trừ)

Nếu giả sử một người cá nhân cư trú không có các khoản giảm trừ thì mức thu nhập tối thiểu để tính thuế được xác định như đối với đối tượng nộp thuế mức giảm trừ là 11 triệu đồng/tháng (tức là 108 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng). Như vậy, nếu thu nhập của một cá nhân thì cá nhân đó phải có thu nhập tối thiểu là trên 11 triệu đồng/tháng. 

 

2. Thuế thu nhập cá nhân đối với lao động thuê ngoài, làm theo thời vụ được tính thế nào?

- Theo quy định của pháp luật hiện hành cũng không giải thích rõ lao động thời vụ là gì nhưng theo quy định của bộ luật lao động cũ có thể hiểu đơn giản lao động thời vụ là một trong những hình thức lao động. Trong lao động này vẫn ghi nhận mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện một công việc mang tính mùa vụ, không thường xuyên, có thời hạn dưới 03 tháng. Nếu theo cơ sở này có thể xác định lao động thời vụ là lao động xác định có thời hạn dưới 03 tháng. Nhưng theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 thì hiện nay chỉ còn hai loại là hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Còn đối với lao động thuê ngoài được hiểu là lao động ký kết hợp đồng lao động với nhân viên và sau đó cử những nhân viên này sang làm việc cho khách hàng với tư cách là một phần của lực lượng lao động của khách hàng trong một thời gian nhất định.

* Thuế thu nhập cá nhân đối với lao động thuê ngoài, làm theo thời vụ sẽ căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:

- Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu thập trước khi trả cho cá nhân.

- Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

- Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

Lưu ý: Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

- Như vậy thuế thu nhập cá nhân tính với người lao động thuê ngoài, làm theo thời vụ là:

+ Nếu trả thu nhập thấp hơn 2.000.000 đồng/lần thì không phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

+ Nếu trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần mà không làm hoặc không đủ điều kiện làm cam kết thu nhập thì phải khấu trừ 10% trên tổng thu nhập.

+ Điều kiện để thực hiện cam kết thu nhập:

  1. Ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng;
  2. Ước tính tổng thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế.
  3. Cam kết 02/CK-TNCN (theo Thông tư 92/2015/TT-BTC) chỉ làm khi cá nhân đó đã có mã số thuế (tại thời điểm làm cam kết).

+ Cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết thu nhập theo mẫu trên rồi gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

- Trường hợp hợp đồng thời vụ có thời hạn từ 03 tháng trở lên thì thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến từng phần.

- Trường hợp phát sinh thu nhập nhiều lần trong tháng hoặc trong năm:

+ Trường hợp người sử dụng lao động ký hợp đồng theo mùa vụ với người lao động dưới 03 tháng, thành toán lương theo tuần với mức chi trả dưới 2.000.000 đồng/lần thì vào mỗi lần chi trả thấp hơn 2.000.000 đồng/lần thì công ty không phải khấu trừ thuế trước khi chi trả cho người lao động, nhưng đến cuối tháng công ty tổng hợp thu nhập đã chi trả cho từng cá nhân  trong tháng, tính và kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có tổng thu nhập từ 2.000.000 đồng trở lên.

+ Trường hợp công ty ký hợp đồng theo mùa vụ với người lao động dưới 03 tháng nhưng trong năm tài chính công ty ký nhiều lần không liên tục thì cả năm cá nhân đó có tổng thời gian lao động tại đơn vị từ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì công ty thực hiện tạm khấu trừ thuế của cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần tính trên thu nhập tháng. Người lao động thực hiện đăng ký người phụ thuộc, giảm trừ gia cảnh theo quy định.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật thuế về thuế thu nhập cá nhân trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Xin chân thành cảm ơn!