1. Khái quát về tình trạng bất khả kháng

Tình trạng bất khả kháng là tình trạng của chủ thể khi gây thiệt hại cho xã hội mà không thể xử sự khác được trong điều kiện khách quan bình thường.

Đây là trường hợp không có lỗi, vì chủ thể không có điều kiện lựa chọn xử sự của mình. Chủ thể trong tình trạng bất khả kháng tuy thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi của mình nhưng họ không thể xử sự khác được vì điều kiện khách quan không cho phép. Ví dụ: Người lái xe đang điều khiển ô tô chạy trên đường đúng luật thì bất ngờ nạn nhân chạy qua đường ngay trước đầu xe nên đã bị cán chết. Cần phân biệt trường hợp không có lỗi này với trường hợp sự kiện bất ngờ cũng là một trường hợp không có lỗi. Trong trường hợp sự kiện bất ngờ, chủ thể không thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi do mình thực hiện vì điều kiện khách quan không cho phép.

Bộ luật hình sự Việt Nam không có quy định riêng về tình trạng bất khả kháng mà chỉ có quy định về sự kiện bất ngờ để phân biệt với trường hợp có lỗi vô ý vì cẩu thả.

 

2. Trường hợp bất khả kháng trong pháp luật dân sự

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bất khả kháng tại Khoản 1 Điều 156. Ta có thể đưa ra khái niệm bất khả kháng như sau:

“Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra ngoài ý chí của con người khiến chúng ta không thể lường trước và khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép”

Từ khái niệm sự kiện bất khả kháng ta có thể xác định một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Thứ nhất, đó là những sự kiện xảy ra một cách khách quan hay gọi là sự kiện khách quan, tức sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng. Ví dụ: sự kiện bão, lũ, động đất, sóng thần...
  2. Thứ hai, hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm
  3. Thứ ba, hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, chỉ khi đáp ứng cả ba điều kiện nêu trên thì một sự kiện mới có thể được xem là bất khả kháng và là căn cứ để miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm.

Ví dụ về các trường hợp bất khả kháng:

- Các hiện tượng thiên nhiên như mưa, lũ, hỏa hoạn, bão, sóng thần, núi lửa phun trào.... Việc coi những hiện tượng thiên tai là sự kiện bất khả kháng được áp dụng thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật

- Các hiện tượng xã hội như: chiến tranh, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ

- Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận những sự kiện như: thiếu nhiên liệu, mất điện, lỗi mạng...là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm khi vi phạm

Pháp luật hiện nay đưa ra khái niệm sự kiện bất khả kháng bằng cách định nghĩa chính vì vậy nó mang tính khái quát nhưng thiếu tính cụ thể dễ tranh chấp. Trên thực tiễn áp dụng các bên thường xuyên tranh chấp liên quan đến việc xác định trường hợp được xem là bất khả kháng. Chính vì điều này nên khi soạn thảo hợp đồng các bên nên có điều khoản về sự kiện bất khả kháng và nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm do sự kiện bất khả kháng.

 

3. Điều kiện của sự kiện bất khả kháng

Hiện nay theo quy định của pháp luật dân sự, một sự kiện được coi là sự kiện bất khả nắng phải thỏa mãn 03 điều kiện. Hay nói cách khác khi thỏa mãn được 03 điều kiện này thì bên có nghĩa vụ mặc dù có hành vi vi phạm xảy ra trên thực tế nhưng không phát sinh nghĩa vụ bồi thời thiệt hại.

Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đây là sự kiện xảy ra khách quan

Sự kiện khách quan ở đây có thể bao gồm:

– Sự kiện tự nhiên là thiên tai (lũ lụt, hạn hán,…); dịch bệnh.

– Sự kiện do con người gây ra: chiến tranh, đảo chính, đình công, cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi chính sách.

– Sự kiện do các bên thỏa thuận: mất điện, lỗi mạng…

Thứ hai, đây là sự kiện không thể lường trước được.

Theo đó, sự kiện này phải xảy ra độc lập không nằm trong ý chí chủ quan của các chủ thể giao kết hợp đồng. Hay nói cách khác, sự kiện bất khả kháng phải không thể lường trước được tại thời điểm ký kết hợp đồng hoặc trong giai đoạn thực hiện hợp đồng cho đến khi xảy ra sự vi phạm hợp đồng.

Thứ ba, chủ thể bị ảnh hưởng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép

Khi chủ thể trong hợp đồng thuộc vào trường hợp bất khả kháng thì với hành vi của chủ thể đó lúc này sẽ không mang tính có lỗi và pháp luật dân sự không đặt ra trách nhiệm bồi thường đối với hành vi này (Khoản 2 Điều 584).

Do đó, khi giao kết hợp đồng các bên cần quy định rõ ràng về điều khoản này để bảo đảm về quyền và lợi ích giữa các bên cũng như tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.

 

4. Bất khả kháng trong pháp luật hình sự

Theo Bộ luật hình sự Việt Nam hiện nay, Bộ luật không có quy định riêng về tình trạng bất khả kháng mà chỉ có quy định về sự kiện bất ngờ để phân biệt với trường hợp có lỗi vô ý vì cẩu thả.

Theo Điều 20 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về sự kiện bất ngờ như sau:

"Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự."

Về việc gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ có những đặc điểm rất giống với một tội phạm cụ thể về mặt khách quan như có hành vi và có gây thiệt hại cho nhà nước, cho cá nhân, cho tổ chức nào đó. Cũng có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Điểm khác biệt quan trọng nhất và cũng là do đặc điểm này mà một người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự đó là người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong sự bất ngờ không có lỗi tức là không có lỗ cố ý, lỗi vô ý bởi vì họ không có cách nào để lựa chọn cách xử sự đối với hành vi của mình.

Những người gây thiệt hại cho người khác trong trường hợp được xác định là sự kiện bất ngờ thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự.

 

Vậy sự kiện bất ngờ là người thực hiện hành vi gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ tức là trong trường hợp này không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây chính là một trong những căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự, điều này có nghĩa là mặc dù có hành vi gây hại cho xã hội và phạm vào các tội mà Bộ Luật Hình sự quy định nhưng sẽ không được coi là tội phạm.

– Sự kiện bất ngờ xảy ra có thể là do hoàn cảnh cụ thể.

– Hoặc do đặc điểm chủ quan của người thực hiện hành vi

 

5. Lỗi trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay

Lỗi là một trong những yếu tố quan trọng để được quan tâm trong các quan hệ pháp luật chẳng hạn quan hệ pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật dân sự. Lỗi là căn cứ để xác định tội danh, định khung hình phạt cũng như xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng, lỗi được chia thành hai loại: Lỗi cố ý và lỗi vô ý.

- Cơ sở pháp lý: Điều 10, Điều 11 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

 

"Điều 10. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều 11. Vô ý phạm tội

Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó."

 

Lỗi được định nghĩa là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức vô ý và cố ý.

Là mặt hình thức của lỗi, quan hệ tâm lý ở đây bao gồm yếu tố lý trí và ý chí. Hai yếu tố này thể hiện năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của con người là yếu tố tâm lý cần thiết của mọi hành vi của con người.

Với lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra;

Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Như vậy, về mặt lý trí cả lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp đều nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, về mặt ý chí, nếu trong trường hợp lỗi cố ý trực tiếp, người thực hiện hành vi mong muốn hậu quả xảy ra thì lỗi cố ý gián tiếp người thực hiện hành vi tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Với lỗi vô ý thì ý chí và lý chí của người phạm tội khác so với người cố ý phạm tội.

Theo đó, có vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thr.

Với vô ý vì quá tự tin là khi người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

Vô ý do cẩu thả là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

 

Trân trọng!