1. Bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng

Bảo đảm tiền vay là việc thiết lập các điều kiện nhằm xác định khả năng thực có của khách hàng đối với việc hoàn trả vốn vay đúng thời hạn (ví dụ: khách hàng thường phải có một số tài sản nhất định thuộc sở hữu của mình trong phạm vi pháp luật quy định, tối thiểu phải có 20% trong tổng số vốn muốn vay hoặc nếu khách hàng là cá nhân thì đòi hỏi phải có thu nhập thường xuyên).

Thực chất của bảo đảm tiền vay là sử dụng những giá trị của tài sản làm bảo đảm để trả nợ thay cho các khoản vay không có khả năng trả nợ ngân hàng. Vậy, tài sản bảo đảm tiền vay phải có giá trị, bản thân nó phải trở thành hàng hoá, có nghĩa là khi chuyển giao quyền sở hữu thì đồng thời cũng phải đạt được sự chuyển đổi từ hiện vật thành giá trị để trả nợ ngân hàng. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các khoản cho vay có tài sản làm bảo đảm nợ vay là tài sản đó phải là hàng hóa, có giá trị lớn hơn giá trị khoản vay, có thị trường tiêu thụ cho hàng hoá đó để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Hay nói cách khác, để ngân hàng chấp thuận một loại bảo đảm tín dụng nào đó, nó phải thoả mãn các điều kiện sau:

- Phải dễ dàng xác định;

- Phải có giá trị và tuổi thọ tương đối dài;

- Ngân hàng phải có khả năng định giá phù hợp với giá trị của tài sản;

- Phải dễ bán;

- Phải có một thị trường hiện tại của nó.

Trong điều kiện nền kinh tế nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, tín dụng ngân hàng là hình thức tín dụng chủ yếu và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, là công cụ để các TCTD thu vốn tạm thời nhàn rỗi và cho vay số vốn này cho các chủ thể kinh tế cần thiết. Mục đích của việc áp dụng bảo đảm tiền vay là nhằm tạo thêm quyền cho các TCTD đối với khách hàng (ngoài các quyền theo hợp đồng tín dụng), nếu khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.

Bảo đảm tiền vay chỉ trở nên quan trọng sau khi TCTD đã quyết định cho khách hàng vay vốn. Tuy vậy, thông thường khách hàng không thể thấy hết tầm quan trọng và nguyên nhân sâu xa của sự cần thiết phải có bảo đảm tiền vay.

Các tổ chức tín dụng ở nước ta hiện nay chủ yếu cho vay. Các tổ chức này cho vay trên cơ sở nguồn vốn huy động là chủ yếu, tức là không cho vay tiền của bản thân mình mà đi vay để cho vay, chính vì vậy trách nhiệm hàng đầu của các tổ chức tín dụng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Nếu một khoản cho vay nào đó bị thất thoát (không thu hồi được) thì trước tiên TCTD phải sử dụng các nguồn vốn của mình để trả cho người gửi tiền. Nếu không đủ nguồn vốn để trả cho người gửi tiền thì TCTD sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản. Do vậy, bảo đảm tiền vay gián tiếp đóng vai trò bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.

2. Tổ chức tín dụng có thể cho khách hàng vay tối đa bao nhiêu và lãi suất như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 128 Luật Tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:

- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và Khoản 3 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định:

- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa

- Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

Như vây, căn cứ theo quy định trên thì mức cho vay tối đa đối của ngân hàng đối với 01 khách hàng trong trường hợp bình thường là 15% vốn tự có của ngân hàng. Tuy nhiên nếu như khách hàng thuộc trường hợp nêu trên và ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện thì có thể cho 01 khách hàng vay vượt quá mức giới hạn được quy định nhưng không được vượt quá 04 lần vốn tự có của ngân hàng, mức lãi suất cho vay sẽ do sự thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng nếu khách hàng không thuộc các trường hợp Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất vay tối đa.

3. Những điều cần lưu ý khi vay tiêu dùng cá nhân

Đọc kỹ hợp đồng: 

Điều kiện cho vay vốn hiện nay thông thoáng hơn với nhiều ưu đãi hấp dẫn, nhưng vẫn có những điều kiện ràng buộc nhất định. Do vậy, người vay nên đọc kỹ hợp đồng. Cần chú ý đến những điều khoản, đặc biệt thời hạn thay đổi lãi suất. Khách hàng phải yêu cầu chuyên viên quan hệ khách hàng tư vấn thật kỹ, nếu theo các điều khoản trong hợp đồng, lãi suất sẽ lên tới bao nhiêu. Như vậy, ngân hàng và khách hàng xây dựng được mối quan hệ lâu dài, đồng thời cũng tránh rủi ro tiềm ẩn cho 2 bên.

Tìm hiểu về phương thức trả nợ:

Hai phương thức trả nợ phổ biến hiện nay là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Phương thức trả theo dư nợ ban đầu chỉ áp dụng cho hình thức vay tín chấp. Hằng tháng, khách hàng sẽ trả tiền gốc cộng với lãi suất quy định cố định.

Cần tìm hiểu về phương thức trả nợ để dự trù khả năng tài chính của mình. Nếu áp dụng cách tính lãi suất trên dư nợ ban đầu, mức lãi suất công bố có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất vay dựa trên dư nợ thực tế. Nhiều khách hàng không hiểu rõ sẽ lầm tưởng vay theo dư nợ ban đầu phải trả ít tiền lãi hơn. Thực tế sau khi tính toán lại, tổng số tiền lãi khách hàng phải trả cao hơn nhiều so với phương thức trả lãi dựa trên dư nợ thực tế. Người vay tiêu dùng cá nhân cần tìm hiểu về phương thức trả nợ để dự trù khả năng tài chính của mình.

Tận dụng những chương trình ưu đãi: 

Đi vay nghĩa là phải trả nợ cộng với lãi suất. Vì vậy, tận dụng những chương trình cho vay ưu đãi lãi suất hay những đặc quyền được trao để giảm gánh nặng cho bản thân là cần thiết. Tuy nhiên, người vay cũng cần thận trọng trước những khoản cho vay trong thời điểm khuyến mãi

Với ngân hàng hiện nay thì có nhiều hình thức cho vay khá dễ dàng để thu hút người vay vốn như: vay tín chấp lương, vay tiền theo bảo hiểm nhân thọ, vay tiền theo hóa đơn điện….

Những khoản vay có lãi suất rẻ nhất là thời điểm khuyến mãi cuối năm người vay vốn tín chấp cần tỉnh táo trước những điều kiện vay vốn, các loại khoản phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán… Đặc biệt ở mỗi gói lãi suất ưu đãi chỉ có một giai đoạn, sau đó là lãi suất thả nổi.

Vì thế đừng nên quá ham lãi suất ban đầu trong thời gian khuyến mãi mà quên mất việc sau thời gian sẽ áp dụng mức lãi suất bao nhiêu %, người vay vốn cần hỏi thật kỹ càng chi tiết để có kế hoạch trả nợ và trả được nợ.

Không vay quá sức:

 Người vay phải phân tích chi tiết các khoản chi tiêu hằng ngày (tiền ăn, tiền xăng, tiền học cho con, tiền mua sắm các vật dụng, tiền đi du lịch…). Thêm vào đó, người vay phải trả tiền lãi cộng vốn cho ngân hàng, hằng tháng. Sau khi liệt kê hết các khoản, sẽ thấy mình nên vay bao nhiêu là phù hợp với tình hình tài chính.

Thực tế, nhiều khách hàng mức thu nhập khoảng 12-15 triệu đồng một tháng đã khó khăn vì phải trả khoảng hơn 10 triệu đồng tiền gốc và lãi khi mua căn hộ giá quá cao.

Dự trù khả năng trả nợ trong thời gian dài

Khi vay vốn với thời hạn kéo dài, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng, giảm tuỳ theo tình hình thị trường và chính sách của mỗi ngân hàng. Nếu không chuẩn bị kỹ, người vay sẽ bị đặt vào tình thế bị động vì có khả năng lãi suất tăng theo thời gian. Do đó, cần ước lượng kỹ khả năng thanh toán trước khi quyết định vay. Khách hàng nên xem xét các điều kiện về lãi suất và theo dõi biến động lãi suất thị trường để lường trước khoản tiền lớn, nợ gốc mình có thể thanh toán được suốt một thời gian dài hay không.

Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Mức lãi suất cho vay tín chấp của các công ty tài chính ? Quy định về chậm trả lãi suất tiền vay ? của Luật Minh Khuê.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Tổ chức tín dụng có thể cho khách hàng vay tối đa bao nhiêu và lãi suất như thế nào? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!