1. Kinh doanh quốc tế 

1.1. Khái niệm kinh doanh, kinh doanh quốc tế  

Kinh doanh (business) theo cách hiểu thông thường là việc thực hiện các hoạt động sản  xuất, mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi. Theo Luật doanh  nghiệp Việt Nam số 60/2005/QH11, kinh doanh được định nghĩa là “việc thực hiện liên tục  một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm  hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi„. Qua định nghĩa trên, ta có thể  thấy kinh doanh cơ bản là hoạt động đầu tư nhằm thu được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư đó.  Hoạt động kinh doanh cũng có thể là những hoạt động kinh doanh đơn giản, nhỏ lẻ như một  quán nước, một quán phở bên đường và cũng có thể là những hoạt động kinh doanh quy mô  lớn như một nhà máy sản xuất thép cán, một nhà máy lọc dầu hay một hệ thống siêu thị...  

Kinh doanh quốc tế (international business), hiểu đơn giản, là việc thực hiện hoạt động  đầu tư vào sản xuất, mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi có liên  quan tới hai hay nhiều nước và khu vực khác nhau. Dựa vào định nghĩa của kinh doanh, ta có  thể định nghĩa Kinh doanh quốc tế là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công  đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến thương mại hàng hóa và dịch vụ trên các thị trường  vượt qua biên giới của hai hay nhiều quốc gia vì mục đích sinh lợi. Kinh doanh quốc tế cũng  có thể những hoạt động đơn thuần liên quan tới việc xuất khẩu hay nhập khẩu hàng hóa và  dịch vụ của một công ty. Nhưng cũng có thể kinh doanh quốc tế là những mạng lưới kinh  doanh đa quốc gia, hoặc xuyên quốc gia hoặc trên phạm vi toàn cầu. Những mạng lưới này có  hệ thống quản trị và kiểm soát rất phức tạp mà hoạt động đầu tư vào sản xuất được quyết định  ở một nơi, hệ thống phân phối và tiêu dùng lại được phát triển ở một khu vực khác trên thế  giới.  

 

1.2. Phạm vi, đặc điểm của hoạt động kinh doanh quốc tế 

Kinh doanh quốc tế liên quan tới hoạt động kinh doanh trên phạm vi quốc tế, có thể là  từ hai nước trở lên có thể liên quan tới một số hay nhiều nước trên phạm vi toàn cầu. Kinh  doanh quốc tế bị tác động và ảnh hưởng lớn bởi các tiêu chí và các biến số có tính môi trường  quốc tế, chẳng hạn như hệ thống luật pháp của các nước, thị trường hối đoái, sự khác biệt  trong văn hóa hay các mức lạm phát khác nhau giữa các nước. Đôi khi những tiêu chí hay biến  số này gần như không ảnh hưởng hay có tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh nội địa của  một doanh nghiệp. Chúng ta cũng có thể nói rằng kinh doanh nội địa là một trường hợp đặc  biệt hạn chế của kinh doanh quốc tế

Một đặc điểm nổi bật khác của kinh doanh quốc tế đó là các hãng quốc tế hoạt động  trong một môi trường có nhiều biến động và luật chơi đôi khi có thể rất khó hiểu, có thể đối  lập với nhau khi so sánh với kinh doanh nội địa. Trên thực tế, việc thực hiện các hoạt động  kinh doanh quốc tế thực sự không giống như chơi một trò bóng mới mà giống như chơi nhiều  trò bóng khác nhau mà trong đó nhà quản trị quốc tế phải học được các yếu tố đặc thù trên sân  chơi. Các nhà quản trị rất nhanh nhạy trong việc tìm ra những hình thức kinh doanh mới đáp  ứng được sự thay đổi của chính phủ nước ngoài về các lĩnh vực ưu tiên, và từ đó tạo lập được  các lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ cạnh tranh kém nhanh nhạy hơn.  

Các nguyên tắc chủ đạo đối với một doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động kinh  doanh quốc tế luôn phải có cách tiếp cận toàn cầu. Các nguyên tắc chủ đạo của một doanh  nghiệp có thể được định nghĩa liên quan tới ba mảng chính, đó là sản phẩm cung cấp trong  mối quan hệ với phục vụ thị trường nào, các năng lực chủ chốt và các kết quả. Khi xây dựng  các kế hoạch kinh doanh quốc tế, các hãng phải ra các quyết định liên quan tới việc trả lời câu  hỏi: Hãng sẽ bán sản phẩm gì cho ai? Và hãng có thể có được nguồn cung ứng từ đâu và cung  ứng như thế nào? Đó là hai câu hỏi liên quan tới Marketing và Sourcing (thị trường sản phẩm  đầu ra và thị trường sản phẩm đầu vào). Sau khi ra được các quyết định trên, hãng cần phải cụ  thể hóa các vấn đề liên quan tới nguồn nhân lực, quản trị, tính sở hữu và tài chính để trả lời  câu hỏi: Với nguồn lực nào hãng sẽ triển khai các chiến lược trên? Nói một cách khác, hãng  sẽ phải tìm ra nguồn nhân lực phù hợp, khả năng chịu rủi ro và nguồn lực tài chính cần thiết.  Tiếp đến là vấn đề liên quan tới làm thế nào để có thể kiểm soát và xây dựng được cơ cấu tổ  chức phù hợp để triển khai thực hiện những vấn đề trên. Và cuối cùng một nội dung liên quan  tới quan hệ công chúng, cộng đồng cũng cần hãng phải quan tâm khi triển khai kế hoạch kinh  doanh quốc tế của mình.  

 

2. Môi trường kinh doanh quốc tế 

2.1. Môi trường kinh doanh quốc tế 

Kinh doanh quốc tế khác biệt so với kinh doanh nội địa do môi trường thay đổi khi một  doanh nghiệp mở rộng hoạt động của mình vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Thông thường,  một doanh nghiệp hiểu rất rõ về môi trường trong nước nhưng lại kém hiểu biết về môi trường  ở các nước khác và do vậy doanh nghiệp phải đầu tư thời gian và nguồn lực để hiểu về môi  trường kinh doanh mới. Môi trường kinh doanh quốc tế là môi trường kinh doanh ở nhiều  quốc gia khác nhau. Môi trường này có nhiều đặc điểm khác biệt so với môi trường trong nước  của doanh nghiệp, có ảnh hưởng quan trọng tới các quyết định của doanh nghiệp về sử dụng  nguồn lực và năng lực. Vì các doanh nghiệp không có khả năng kiểm soát được môi trường  bên ngoài nên sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào việc các doanh nghiệp thích  ứng như thế nào với môi trường này. Năng lực của một doanh nghiệp trong việc thiết kế và  điều chỉnh nội lực để khai thác được các cơ hội của môi trường bên ngoài và khả năng kiểm  soát các thách thức đặt ra của môi trường sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.  

 

2.2. Nội dung của môi trường kinh doanh quốc tế 

Môi trường kinh doanh quốc tế thường bao gồm môi trường chính trị, pháp luật, môi  trường kinh tế, môi trường văn hóa. Môi trường chính trị là đề cập tới chính phủ, mối quan hệ giữa chính phủ với doanh  nghiệp, và mức độ rủi ro chính trị ở một nước. Kinh doanh quốc tế có nghĩa là phải làm việc  với các mô hình chính phủ khác nhau, các mối quan hệ và mức độ rủi ro chính trị ở một nước. Kinh doanh quốc tế có nghĩa là phải làm việc  với các mô hình chính phủ khác nhau, các mối quan hệ và mức độ rủi ro khác nhau.  

Trên thế giới, tồn tại nhiều hệ thống chính trị khác nhau, ví dụ các nước dân chủ đa  đảng, các nước một đảng, nước quân chủ lập hiến, nước quân chủ chuyên chế hoặc nước độc  tài chuyên chế. Ngoài ra, chính phủ còn thường thay đổi bởi các lý do khác nhau như theo các  cuộc tổng tuyển cử thông thường, hay bầu cử bất thường, chết, đảo chính, chiến tranh. Mối  quan hệ giữa doanh nghiệp và chính phủ ở các nước khác nhau cũng khác nhau. Có thể ở một  nước, doanh nghiệp được đánh giá cao, là nguồn tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế.  Nhưng cũng có thể ở một quốc gia khác, doanh nghiệp bị đánh giá tiêu cực như những tổ chức  bóc lột sức lao động của người công nhân. Hoặc ở một quốc gia khác, vai trò của doanh  nghiệp có thể đánh giá mang lại cả lợi ích và hạn chế. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và  chính phủ có thể khác nhau, thay đổi từ mối quan hệ tích cực tới tiêu cực phụ thuộc vào loại  hình doanh nghiệp hoạt động, vào mối quan hệ với người dân ở nước sở tại và người dân ở  nước đầu tư. Để hoạt động kinh doanh quốc tế hiệu quả, một doanh nghiệp quốc tế phụ thuộc  vào quan điểm, nhất trí của chính phủ nước ngoài và cần phải hiểu biết về mọi khía cạnh liên  quan tới môi trường chính trị.  

Một mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế là mức độ rủi ro  chính trị tại một quốc gia cụ thể. Rủi ro chính trị là khả năng các hoạt động của chính phủ  mang lại những kết quả không mong muốn cho doanh nghiệp ví dụ như quốc hữu hóa tài sản  đầu tư, hay các quy định hay chính sách quy định hạn chế các hoạt động của doanh nghiệp.  Thông thường, rủi ro gắn liền với tính bất ổn và một nước được coi là bất ổn, hay có mức độ  rủi ro chính trị cao nếu như chính phủ dễ bị thay đổi, có bất ổn xã hội, có bạo loạn, cách mạng  nổi dậy hay chiến tranh, khủng bố, vân vân... Các doanh nghiệp thường ưu tiên các quốc gia  ổn định và có ít rủi ro chính trị, thu nhập của doanh nghiệp cần được tính toán trên cơ sở của  các rủi ro. Đôi khi các doanh nghiệp thường kinh doanh tại các quốc gia khi các rủi ro tương  đối cao. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp sẽ quản trị và kiểm soát rủi ro thông qua bảo  hiểm, quyền sở hữu và quản trị doanh nghiệp, kiểm soát cung ứng và thị trường,chương trình  hỗ trợ tài chính...  

Môi trường kinh tế giữa các nước khác nhau cũng khác nhau. Các nước về mặt kinh tế  thường được chia ra làm ba loại chính – nước phát triển hoặc nước công nghiệp phát triển,  nước đang phát triển và nhóm các nước chậm phát triển. Tại mỗi một nhóm nước, các chỉ số về kinh tế khác nhau nhiều nhưng chủ yếu có thể cho rằng các nước phát triển là nước giầu,  nước đang phát triển là nước đang chuyển đổi từ nghèo sang giầu hơn và các nước nghèo. Sự  phân biệt về môi trường kinh tế giữa các quốc gia này chủ yếu dựa trên chỉ số thu nhập quốc  dân trên đầu người (GDP/người). Mức độ phát triển kinh tế của mỗi nước cũng quyết định về  nền giáo dục, cơ sở hạ tầng, công nghệ, chăm sóc y tế và các lĩnh vực khác. Nước có mức độ  phát triển kinh tế cao sẽ có chất lượng cuộc sống cao hơn các nước có mức độ phát triển kinh  tế thấp. 

Ngoài việc phân nhóm nước dựa trên mức độ phát triển kinh tế, các nước còn được  phân loại dựa trên thể chế thị trường – có thể là nước có nền thị trường tự do, hoặc nền kinh tế  kế hoạch tập trung hoặc nền kinh tế hỗn hợp. Nền kinh tế thị trường tự do là  những nền kinh tế  mà chính phủ ít tác động vào các hoạt động kinh doanh, các quy luật thị trường như quy luật  cung cầu, quy luật giá trị được vận hành để ra các quyết định về khâu sản xuất và giá cả. Nền  kinh tế kế hoạch tập trung là nền kinh tế tại đó chính phủ quyết định việc sản xuất và giá cả  dựa trên những dự báo về cầu và khả năng cung theo mong muốn. Nền kinh tế hỗn hợp là nền  kinh tế tại đó một số hoạt động được điều tiết bởi cung cầu thị trường và một số hoạt động  khác, có thể là vì lợi ích quốc gia hoặc cá nhân mà chính phủ đứng ra trực tiếp điều tiết. Cuối  thế kỷ XX đã chứng kiến sự dịch chuyển đáng kể của các quốc gia sang việc theo đuổi nền  kinh tế thị trường tự do và nền kinh tế hỗn hợp. Rõ ràng trình độ kinh tế cùng với giáo dục, cơ  sở hạ tầng... cũng như mức độ kiểm soát nền kinh tế của chính phủ sẽ ảnh hưởng mọi khía  cạnh, mọi mặt của hoạt động kinh doanh và một doanh nghiệp cần am hiểu về môi trường này  nếu như doanh nghiệp muốn kinh doanh quốc tế thành công. 

Môi trường văn hóa là một trong những cấu phần quan trọng của môi trường kinh  doanh quốc tế và là nội dung có tính thách thức nhất đối với kinh doanh quốc tế. Điều này bởi  vì môi trường văn hóa thường khó nhận biết, môi trường văn hóa được hiểu là các giá trị và  niềm tin được chia sẻ và được cho là đúng bởi một nhóm, một cộng đồng. Văn hóa quốc gia  được hiểu là những niềm tin và giá trị được chia sẻ bởi cả một quốc gia. Niềm tin và giá trị  thường được hình thành bởi các yếu tố như lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo, vị trí địa lý, chính phủ  và đào tạo; vì vậy các doanh nghiệp cần phải phân tích văn hóa để hiểu về các yếu tố này.  

Các doanh nghiệp cần hiểu về niềm tin và những giá trị của quốc gia mà doanh nghiệp  đang thực hiện kinh doanh và một số các giá trị văn hóa do các học giả nghiên cứu đề xuất.  Một trong số đó phải kể đến là hệ thống giá trị do Hofstede đề xuất vào năm 1980. Mô hình có  bốn tham số đo lường về các giá trị văn hóa, đó là tính cá nhân, mức độ né tránh rủi ro, khoảng  cách quyền lực và định hướng về giới. Tính cá nhân là mức độ một nước coi trọng và khuyến  khích việc một cá nhân hành động và ra quyết định. Mức độ né tránh rủi ro là mức độ một nước chấp nhận và nhìn nhận rủi ro. Khoảng cách quyền lực là mức độ một nước chấp nhận và  sự khác biệt về quyền lực. Định hướng về giới là mức độ một nước chấp nhận các giá trị  truyền thống về nam giới và nữ giới. Mô hình các giá trị văn hóa này được sử dụng thường  xuyên bởi các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư kinh doanh quốc tế. Ví dụ, một quốc gia có  tính cá nhân cao thì doanh nghiệp đó cho rằng các hệ thống hướng đến mục tiêu cá nhân,  nhiệm vụ cá nhân và chế độ thưởng csẽ phát huy được hiệu quả, trong khi đó chưa chắc hệ  thống này sẽ có tác dụng tương tự ở một nước có tính cá nhân thấp. 

 

3. Toàn cầu hóa (Globalization) 

Theo nghĩa rộng, toàn cầu hoá là một hiện tượng, một quá trình, một xu thế liên kết  trong quan hệ quốc tế làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt của đời sống xã hội (từ kinh tế, chính trị, an ninh, văn hoá đến môi trường, v.v…) giữa các quốc gia. Nói một cách  khác,“Toàn cầu hoá là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, ảnh hưởng, tác động lẫn  nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các  dân tộc trên thế giới, làm  nổi bật hàng loạt biến đổi có quan hệ lẫn nhau mà từ đó chúng có thể phát sinh một loạt điều  kiện mới.”.  

Theo nghĩa hẹp, toàn cầu hoá là một khái niệm kinh tế chỉ quá trình hình thành thị  trường toàn cầu làm tăng sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế quốc gia.  Biểu hiện của toàn cầu hoá có thể dưới dạng khu vực hoá – việc liên kết khu vực và các định  chế, các tổ chức khu vực, hay cụ thể, toàn cầu hoá là “quá trình hình thành và phát triển các thị  trường toàn cầu và khu vực, làm tăng sự tương tác và tuỳ thuộc lẫn nhau, trước hết về kinh tế,  giữa các nước thông qua sự gia tăng các luồng giao lưu hàng hoá và nguồn lực (resources) qua  biên giới giữa các quốc gia cùng với sự hình thành các định chế, tổ chức quốc tế nhằm quản lý  các hoạt động và giao dịch kinh tế quốc tế.” 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!