1. Trách nhiệm xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em được nhận chăm sóc thay thế

Người có trách nhiệm xây dựng kế hoạch: Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương hoặc Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội phân công người đại diện phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế đối với trẻ em sống trong cơ sở trợ giúp xã hội: 

Căn cứ xây dựng kế hoạch: Căn cứ vào kết quả đánh giá tình trạng của trẻ em việc xác định nhu cầu hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em tại địa phương.

Nội dung kế hoạch gồm:

- Mục tiêu kế hoạch cần đạt được là nhằm hỗ trợ trẻ em được nhận chăm sóc thay thế phù hợp với trẻ em và tuân thủ các quy định của pháp luật; các dịch vụ đối với trẻ em được hỗ trợ đúng theo các nhu cầu của trẻ em;

- Các hoạt động cụ thể cần thực hiện gồm: Hoạt động hỗ trợ trẻ em được nhận chăm sóc thay thế theo quy định pháp luật về trẻ em ; hỗ trợ các dịch vụ theo các nhu cầu của trẻ em về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, tâm lý, phúc lợi xã hội, bảo vệ trẻ em và trợ giúp pháp lý;

- Thời gian thực hiện cụ thể đối với từng hoạt động.

- Phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, tổ chức, gia đình và các cá nhân thực hiện từng hoạt động;

- Danh sách các đơn vị cung cấp dịch vụ tham gia thực hiện kế hoạch;

- Dự toán chi phí từng hoạt động và kinh phí thực hiện kế hoạch;

- Nội dung liên quan đến giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.

Trình Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt kế hoạch:

Sau khi lập kế hoạch, trình Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt kế hoạch và phân công người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em được nhận chăm sóc thay thế.

Đối với trẻ em đang sống tại cơ sở trợ giúp xã hội, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thống nhất với người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội về duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trước khi phê duyệt.

2. Trách nhiệm thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em được nhận chăm sóc thay thế tại cộng đồng

Trách nhiệm thực hiện chính: Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; 

Trách nhiệm phối hợp: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương và các cơ quan, tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Nội dung thực hiện kế hoạch:

Người phụ trách công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm:

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ trẻ em các dịch vụ theo nhu cầu của trẻ em về chăm sóc sức khỏe, giáo dục; hỗ trợ tâm lý, phúc lợi xã hội, bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý theo quy định và triển khai các thủ tục thông báo tìm gia đình cho trẻ em bị bỏ rơi; làm khai sinh cho trẻ em và tìm gia đình chăm sóc thay thế tạm thời cho trẻ em;

- Lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em bảo đảm thứ tự ưu tiên sau:

Thứ nhất là chăm sóc thay thế bởi người thân thích khi trẻ em bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 5 Thông tư này và có người thân thích đủ điều kiện nhận chăm sóc thay thế.

Thứ hai là chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải người thân thích khi trẻ em bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và không có người thân thích hoặc người thân thích không đủ điều kiện chăm sóc hoặc không nhận chăm sóc trẻ em.

Thứ ba là chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội khi trẻ em thuộc các trường hợp sau: Trẻ em bảo đảm đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH; Trẻ em không có người thân thích hoặc người thân thích không đủ điều kiện chăm sóc hoặc không nhận chăm sóc; Không tìm được cá nhân, gia đình không phải là người thân thích nhận chăm sóc thay thế trẻ em; Trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP và chưa tìm được gia đình chăm sóc thay thế;

- Lập danh sách người thân thích của trẻ em hoặc người chăm sóc thay thế khác, đánh giá tình trạng của người thân thích của trẻ em hoặc người chăm sóc thay thế khác và lựa chọn người thân thích/ người chăm sóc thay thế bảo đảm đủ điều kiện nhận chăm sóc thay thế trẻ em theo quy định của pháp luật.

- Thông báo thông tin của trẻ em về tình trạng sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, tình hình học tập, tình hình gia đình của trẻ em và thông tin khác (nếu có) cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, hỗ trợ trẻ được  tiếp xúc, làm quen với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trẻ em ít nhất 02 lần trước khi được nhận chăm sóc thay thế.

- Thực hiện các công việc khác trong quy trình giải quyết việc đăng ký chăm sóc thay thế.

 Hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục để trẻ em và cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế được nhận các chế độ chính sách hỗ trợ theo quy định

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận các yêu cầu kết nối, chuyển tuyến dịch vụ cho trẻ em của cấp xã và điều phối, kết nối trợ giúp trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ theo kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đưa trẻ em vào chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội khi không thực hiện được các hình thức chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình là người thân thích hoặc cá nhân, gia đình không phải người thân thích

3. Thực hiện kế hoạch với trẻ em được nhận chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chuyển đổi hình thức chăm sóc 

Trách nhiệm thực hiện: Người đại diện cơ sở trợ giúp xã hội phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã triển khai việc chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em trên cơ sở danh sách hồ sơ của trẻ em đang sống tại cơ sở trợ giúp xã hội có nhu cầu chăm sóc thay thế.

Nội dung thực hiện:

- Đánh giá sự phù hợp của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế về hoàn cảnh, tình trạng và nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em cần chăm sóc thay thế;

- Báo cáo xác minh điều kiện của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP .

- Thông báo cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế thông tin của trẻ em về tình trạng sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, giáo dục, tình hình gia đình, thông tin khác (nếu có) của trẻ em.

-  Tổ chức cho trẻ em được tiếp xúc, làm quen với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trẻ em ít nhất 02 lần trước khi được nhận chăm sóc thay thế.

- Hỗ trợ trẻ em tiếp cận các dịch vụ theo nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, phúc lợi xã hội; bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã hỗ trợ cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em.

Ủy ban nhân dân cấp xã thống nhất bằng văn bản với người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trẻ em và ban hành quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trên cơ sở thống nhất bằng văn bản với người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội. Quyết định được gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ sở trợ giúp xã hội để chấm dứt chăm sóc thay thế cho trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội.

4. Trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình trạng trẻ em được nhận chăm sóc thay thế

Trách nhiệm thực hiện: Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

Nội dung thực hiện:

- Tham mưu với Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng tác viên bảo vệ trẻ em, người đại diện của cơ sở trợ giúp xã hội theo dõi, đánh giá tình trạng của trẻ em về điều kiện sống, tình trạng sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế để kịp thời đề nghị với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan các biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với người đại diện của cơ sở trợ giúp xã hội theo dõi, đánh giá tình trạng của trẻ em được chuyển từ cơ sở trợ giúp xã hội về chăm sóc thay thế tại địa phương.

- Đề xuất chuyển hình thức chăm sóc thay thế phù hợp.

- Đánh giá tình trạng của trẻ em được chăm sóc thay thế dài hạn bởi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế đủ 16 tuổi, trình Ủy ban nhân dân cấp xã để phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ phù hợp theo quy định của pháp luật.

- Báo cáo UBND cấp xã về tình trạng trẻ em và cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trẻ em, lựa chọn, đề xuất các giải pháp sau để hỗ trợ trẻ em, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế phù hợp.

5. Trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình trạng của trẻ em được nhận chăm sóc thay thế trong trường hợp khẩn cấp

Trách nhiệm thực hiện: Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã 

Nội dung thực hiện

- Đánh giá tình trạng của trẻ em theo quy định đối với trẻ em tạm thời cách ly khỏi cha, mẹ và chuyển đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế tạm thời.

- Phối hợp với người đại diện cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá tình trạng của trẻ em theo quy định đối với trẻ em tạm thời cách ly khỏi cha, mẹ được chuyển đến cơ sở trợ giúp xã hội.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đánh giá tình trạng của trẻ em sau 15 ngày tạm thời cách ly và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn các hỗ trợ, can thiệp phù hợp gồm: Chuyển trẻ em về gia đình khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được đánh giá đã đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em hoặc Thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định tiếp tục cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chưa đảm bảo an toàn hoặc vẫn còn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và thực hiện việc chăm sóc thay thế cho trẻ em.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Minh Khuê