Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hành chính của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hành chính, gọi:  1900 6162

Cơ sở pháp lý: 

- Luật tiếp công dân năm 2013

- Thông tri số 36/TT-MTTW-BTT

1. Trách nhiệm tiếp công dân của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

- Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương; cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân chung tại địa phương.

Trường hợp công dân trực tiếp đến cơ quan Mặt trận Tổ quốc thì cử người tiếp công dân lắng nghe trình bày của người dân, giải thích, hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết hoặc đến nơi tiếp công dân chung của địa phương để trình bày, gửi đơn.

- Tổ chức việc tiếp nhận, phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tập trung về một đầu mối và phải tuân theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính khoa học, khách quan, chính xác, kịp thời.

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc phân công lãnh đạo tham gia tiếp công dân; chỉ đạo theo dõi, nắm bắt tình hình tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp, xây dựng chương trình hoặc quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan cùng cấp về công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bố trí người tiếp công dân phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ pháp lý nhất định.

2Yêu cầu đối với người tiếp công dân, người xử lý đơn

Người tiếp công dân của Ủy ban mật trận tổ quốc các cấp phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, người tiếp công dân là người có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 34, Luật tiếp công dân. Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức hoặc phù hiệu theo quy định; có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe ý kiến trình bày của công dân.

- Đối với nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật thì người tiếp công dân giải thích, vận động để công dân chấp hành nghiêm chỉnh kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, chấm dứt việc khiếu nại, tố cáo.

- Người tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân khi công dân vi phạm Điều 9, Luật tiếp công dân nhưng phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp. Khi cần thiết, lập biên bản từ chối tiếp công dân và báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, người tiếp công dân và người xử lý đơn có trách nhiệm giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo theo quy định của pháp luật; hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết; theo dõi việc giải quyết đơn; kịp thời tham mưu xử lý, đề xuất giám sát việc giải quyết đơn; báo cáo công tác tiếp công dân, xử lý đơn.

3. Quy trình tiếp công dân của Ủy ban mặt trận tổ quốc các cấp

3.1. Xác định tính hợp pháp của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Khi tiếp công dân, người tiếp công dân yêu cầu người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có) và cung cấp thông tin, bản sao tài liệu cần thiết cho việc thụ lý giải quyết.

Khi có từ 05 người trở lên cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng nội dung thì yêu cầu cử đại diện để trình bày. Trường hợp có từ 05 đến 10 người thì cử 01 hoặc 02 người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm, nhưng tối đa không quá 05 người. Người đại diện phải là người có cùng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với những người cử đại diện. Việc cử người đại diện được lập thành văn bản theo mẫu số 01 (phụ lục Thông tri).

3.2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Khi tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân xem xét nội dung, yêu cầu, nguyện vọng của công dân; hướng dẫn công dân đến cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để được giải quyết.

Nếu công dân gửi hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân tiếp nhận đơn hoặc bản ghi nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và bản sao tài liệu có liên quan; làm văn bản ghi chép việc giao, nhận giữa 2 bên theo mẫu số 02 (phụ lục Thông tri).

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản kết quả xử lý vụ việc theo một trong những nội dung quy định tại khoản 1, Điều 28 Luật tiếp công dân. Văn bản thông báo thực hiện theo mẫu số 03 (phụ lục Thông tri).

3.3. Xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Người tiếp công dân, người xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân gửi đến được tiếp nhận từ các nguồn sau:

- Qua bộ phận tiếp công dân;

- Qua dịch vụ bưu chính;

- Qua bộ phận tiếp nhận đơn, thư của cơ quan; qua hộp thư góp ý của cơ quan;

- Theo quy định của pháp luật.

Phân loại đơn

1.1. Phân loại theo nội dung

a. Đơn khiếu nại;

b. Đơn tố cáo;

c. Đơn kiến nghị;

d. Đơn phản ánh;

e. Đơn có nhiều nội dung khác nhau.

Phân loại theo điều kiện xử lý

Trường hợp đủ điều kiện xử lý

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được trình bày bằng ngôn ngữ tiếng Việt thể hiện rõ nội dung vụ việc; yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; có đủ những thông tin, chứng cứ cần thiết cho việc thụ lý giải quyết; chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân nào xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Khiếu nại, tố cáo đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng người khiếu nại, tố cáo, cung cấp được tình tiết, chứng cứ mới có đủ cơ sở làm thay đổi nội dung đã giải quyết.

- Khiếu nại khi chưa hết thời hiệu khiếu nại theo quy định của pháp luật; khiếu nại không thuộc trường hợp quy định tại Điều 11, Luật khiếu nại (các khiếu nại không được thụ lý giải quyết) và trường hợp khiếu nại không thành, chuyển sang tố cáo cá nhân, tổ chức ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhưng có căn cứ chứng minh việc giải quyết khiếu nại trái pháp luật; khiếu nại chưa được chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

- Tố cáo đáp ứng yêu cầu về hình thức tố cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 23, Luật tố cáo; có đủ điều kiện để thụ lý tố cáo quy định tại Điều 29, Luật tố cáo; có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo trái pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; không thuộc trường hợp tố cáo mạo danh, giấu tên người tố cáo.

- Kiến nghị, phản ánh có đầy đủ những thông tin về nội dung kiến nghị, phản ánh quy định tại khoản 2, Điều 2 Luật tiếp công dân.

Nếu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bằng đơn thì nội dung đơn phải có đủ thông tin: ngày, tháng, năm gửi đơn; họ tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc người đại diện; họ tên, địa chỉ, chức vụ của cá nhân, tổ chức bị khiếu nại, tố cáo. Đơn tố cáo phải có chữ ký trực tiếp hoặc điểm chỉ trực tiếp của người tố cáo.

Trường hợp không đủ điều kiện xử lý

- Đơn không đáp ứng được các yêu cầu tại tiết a, điểm 1.2, mục 1, phần III của Thông tri này; đơn được gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người trong đó đã gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; đơn khiếu nại đã có quyết định giải quyết cuối cùng mà người gửi đơn không cung cấp được tình tiết, tài liệu, chứng cứ mới có đủ cơ sở làm thay đổi nội dung đã giải quyết;

- Đơn khiếu nại thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật khiếu nại;

- Đơn tố cáo giấu tên, mạo danh, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký; đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, công dân chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố cáo của mình;

- Đơn đã được hướng dẫn một lần về cùng nội dung.

Tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Căn cứ từng trường hợp cụ thể, người tiếp công dân, người xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh lựa chọn tham mưu xử lý vụ việc như sau:

Hướng dẫn cho công dân

- Nếu đơn chưa được cơ quan, tổ chức nào hướng dẫn hoặc chuyển đến cơ quan chức năng, người có thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để được giải quyết theo mẫu số 04 (phụ lục Thông tri).

- Nếu trong cùng một đơn trình bày tất cả nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau thì hướng dẫn công dân viết thành đơn riêng để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo mẫu số 05 (phụ lục Thông tri).

Thông báo cho công dân hoặc cơ quan, tổ chức

- Trong trường hợp công dân gửi đơn kèm theo tài liệu gốc thì thông báo để công dân biết về thời gian trả lại tài liệu gốc tại nơi tiếp công dân theo mẫu số 06 (phụ lục Thông tri).

- Trong trường hợp cơ quan, tổ chức chuyển đơn không đúng thẩm quyền thì trả lại đơn và thông báo cho cơ quan, tổ chức đó biết rõ lý do trả lại đơn theo mẫu số 07 (phụ lục Thông tri).

Chuyển tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến người có thẩm quyền giải quyết

Đối với tố cáo, kiến nghị, phản ánh đủ điều kiện xử lý thì chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết. Thời hạn chuyển đơn tố cáo là 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn. Văn bản chuyển tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo mẫu số 08 (phụ lục Thông tri).

Không chuyển đơn tố cáo nhận từ nơi tiếp công dân.

Đôn đốc giải quyết tố cáo

Đôn đốc giải quyết tố cáo được thực hiện khi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuyển tố cáo nhưng quá thời hạn quy định của pháp luật mà cơ quan chức năng, người có thẩm quyền không gửi văn bản thông báo kết quả giải quyết tố cáo đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuyển tố cáo theo mẫu số 09 (phụ lục Thông tri).

Đề xuất Ban Thường trực, lãnh đạo cơ quan

Khi nội dung vụ việc là lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân có dấu hiệu bị xâm hại, vụ việc đã được cơ quan chức năng, người có thẩm quyền giải quyết nhưng công dân không chấp thuận kết quả giải quyết và nhiều cơ quan, tổ chức còn có ý kiến không thống nhất thì đề xuất Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát theo mẫu số 10 (phụ lục Thông tri).

Ban hành văn bản kiến nghị

Khi vụ việc tố cáo đã được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức giám sát, qua giám sát thấy cần bảo vệ người tố cáo; ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục sai phạm của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền trong việc áp dụng chính sách, pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật thì căn cứ mục đích cần kiến nghị để tham mưu cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành công văn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, người có thẩm quyền.

Xếp lưu đơn

Trường hợp công dân gửi đơn không có nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không đủ điều kiện xử lý thì cần đánh dấu số hồ sơ, tài liệu và xếp lưu đảm bảo khoa học.

Thời hạn lưu tài liệu, hồ sơ là 01 năm, việc tiêu hủy tài liệu, hồ sơ do người đứng đầu cơ quan quyết định.

4. Trách nhiệm giám sát trong xử lý khiếu nại, tố cáo

Trong quá trình xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân, người xử lý khiếu nại, tố cáo nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; những vụ việc đã có kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, có nguy cơ phát sinh “điểm nóng” thì có thể tham mưu với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thành lập đoàn công tác trực tiếp làm việc với cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê