Mục lục bài viết
- 1. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng
- 2. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng
- 3. Phân tích quy định “ Hòa giải tại công đồng” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
- 4. Điều kiện, thẩm quyền, thủ tục áp dụng cũng như nghĩa vụ của người được ADBP hòa giải tại cộng đồng.
- 5. Tiến hành hòa giải cơ sở
1. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Nội dung của bộ luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định thể hiện điểm tiến bộ hơn so với quy định tại Bộ luật tố tụng cũ. Một trong những quy định được bổ sung tại bộ luật này đó là đề ra thủ tục tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 428 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
1. Khi xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của Bộ luật hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
2. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;
đ) Họ tên Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
e) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
>> Xem thêm: Phòng ngừa tội phạm là gì ? Khái niệm về biện pháp phòng ngừa tội phạm ?
g) Họ tên người bị hại;
h) Họ tên những người khác tham gia hòa giải;
i) Thời gian, địa điểm, tiến hành hòa giải.
3. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của người bị hại và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng chậm nhất là 03 ngày trước ngày tiến hành hòa giải.
4. Khi tiến hành hòa giải, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải và phải lập biên bản hòa giải.
5. Biên bản hòa giải có các nội dung chính:
a) Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành hòa giải, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc;
b) Họ tên Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
c) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị hại;
đ) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của những người khác tham gia hòa giải;
e) Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày của những người tham gia hòa giải;
g) Kết quả hòa giải; người dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người đại diện của người dưới 18 tuổi xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có); người bị hại, người đại diện của người bị hại đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (nếu có);
>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế tại Hoa Kỳ ?
h) Chữ ký của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hòa giải.
6. Ngay sau khi kết thúc hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc lại biên bản cho những người tham gia hòa giải nghe. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã lập biên bản phải ghi những sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.
Nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phạm tội và chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, Bộ luật hình sự 2015 quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Thay vào đó, việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng nói riêng, các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nói chung là một trong những điểm mới nổi bật của Bộ luật hình sự 2015, thể hiện rõ chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người dưới 18 tuổi. Đối với mỗi biện pháp giám sát, giáo dục, pháp luật hiện hành đề ra trình tự, thủ tục áp dụng riêng, quyết định áp dụng từng biện pháp cũng thể hiện các nội dung khác nhau.
2. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng
Khi xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Hình sự (BLHS) thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trường Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Phân tích quy định “ Hòa giải tại công đồng” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Để áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng thì đầu tiên người được áp dụng phải thỏa mãn điều kiện tại Điều 92 Bộ luật Hình sự khi: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này” và biện pháp giám sát, giáo dục tại Điều 94 Bộ luật Hình sự “biện pháp hòa giải tại cộng đồng” sẽ được áp dụng trong trường hợp:
>> Xem thêm: Che giấu tội phạm là gì ? Khái niệm về che giấu tội phạm
“Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a - khoản 2 - Điều 91 của Bộ luật này; hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b - khoản 2 - Điều 91 của Bộ luật này”
Nếu người dưới 18 tuổi đáp ứng được các điều kiện vừa nêu thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ khác gồm: Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ quy định tại khoản 3 - Điều 93 của Bộ luật này”.
Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a - khoản 3 - Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c - khoản 3 - Điều 93 của Bộ luật Hình sự từ 03 tháng đến 01 năm.
Về trình tự thủ tục thực hiện quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự được quy định tại Điều 428 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, Điều 428 đã quy định tương đối cụ thể các bước cần thực hiện việc hòa giải tại cộng đồng như: ban hành quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng; trình tự, thủ tục và thành phần tham gia hòa giải tại cộng đồng; người được phân công tiến hành hòa giải, lập biên bản hòa giải
>> Xem thêm: Hội đồng hòa giải lao động cơ sở là gì ?
Có thể thấy việc hòa giải tại cộng đồng là một quy định mới của pháp luật hình sự nước ta, quy định này phù hợp với các điều ước quốc tế cũng như thể hiện sự tiến bộ, nhân văn, mang tính giáo dục trong nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của pháp luật hình sự nước ta.
Tuy nhiên, do quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự và Điều 428 Bộ luật Tố tụng Hình sự là quy định mới nên về mặt thực tiễn áp dụng sẽ phát sinh một số vấn đề có thể gây ra những khó khăn nhất định cho Cơ quan tiến hành tố tụng.
Đầu tiên là về quy định địa điểm tổ chức hòa giải. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ có nhiệm vụ phối hợp để tổ chức việc hòa giải nhưng điều luật chưa nói rõ là việc tổ chức sẽ diễn ra tại một địa điểm cụ thể nào? Nơi sẽ diễn ra hòa giải trong trường hợp này có thể suy luận ra là một trong những địa điểm gồm: Nơi cư trú của người dưới 18 tuổi phạm tội, nơi cư trú của bị hại hoặc nơi vụ án hình sự xảy ra.. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên đặt vấn đề đặt ra là Ủy ban nhân dân xã nào sẽ là xã nhận được quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng và phối hợp tổ chức hòa giải. Bởi vì việc Ủy ban nhân dân phối hợp tổ chức hòa giải có thể sẽ liên quan đến việc theo dõi, giám sát việc người dưới 18 tuổi phạm tội chấp hành các nghĩa vụ theo khoản 3 - Điều 94 Bộ luật Hình sự trong đó có việc người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải tuân thủ pháp luật, quy chế, nội quy của nơi cư trú, học tập, làm việc, tham gia học tập, học nghề, lao động …do địa phương tổ chức.
Thứ hai đó là khi áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người phạm tội dưới 18 tuổi phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo khoản 3 - Điều 94 Bộ luật Hình sự trong khoảng thời gian từ 03 tháng đến 01 năm. Tuy nhiên nếu người này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ này thì có biện pháp nào có thể áp dụng để bắt buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ và có thể xử lý họ hay không? Vì nghĩa vụ này nếu không được bảo đảm thực hiện sẽ làm giảm tính hiệu quả của quy định này.
>> Xem thêm: Hòa giải là gì ? Đặc điểm của hòa giải trong tranh chấp thương mại
Thứ ba đó là trong quá trình họ đã chấp hành các nghĩa vụ tại khoản 3 - Điều 94 Bộ luật Hình sự này thì cơ quan hoặc cá nhân nào sẽ là người có nhiệm vụ giám sát, giáo dục họ cũng như thực hiện việc đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện nghĩa vụ và xem họ đã có sự tiến bộ, chuyển biến tích cực hay không? Đối với một số các quốc gia khác thì những biện pháp giám sát, giáo dục của họ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được thực hiện rất có hiệu quả, do các quốc gia này có một hệ thống cơ sở và đội ngũ cán bộ chuyên trách, hiểu rõ về tâm sinh lý và những kỹ năng cần thiết thực hiện công việc giám sát và giáo dục đối với người phạm tội. Trong trường hợp này pháp luật nước ta cần có một quy định hướng dẫn một cách cụ thể hơn nữa về cơ quan có trách nhiệm giám sát, giáo dục và đánh giá kết quả chấp hành pháp luật, học tập, nhằm đảm bảo việc bắt buộc người được áp dụng biện pháp hòa giải phải tuyệt đối chấp hành đầy đủ nghĩa vụ, đảm bảo biện pháp giám sát, giáo dục này có hiệu lực thi hành trên thực tế.
Thứ tư đó là đặt trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì sau khi đã thực hiện thủ tục hòa giải xong thì cơ quan tiến hành tố tụng còn có trách nhiệm tiếp tục kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ và quá trình sinh sống, học tập sau đó của người được áp dụng hay không? Hay là đó là công việc của cơ quan giám sát, giáo dục? Và cũng đặt ra thêm một vấn đề là như vậy Viện kiểm sát có quyền kiểm sát các hoạt động áp dụng biện pháp giáo dục nói chung cũng như kiểm sát việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng hay không? Do vấn đề này có liên quan đến hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật đã được quy định trong tố tụng hình sự và áp dụng biện pháp “hòa giải tại cộng đồng” cũng là một hoạt động tố tụng được quy định trong bộ luật này.
Từ những phân tích trên cho thấy quy định về áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng là một quy định mới, có lợi, phù hợp với thực tiễn về xử lý và miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội dưới 18 tuổi ở Việt Nam và để quy định này được thực hiện một cách khả thi, hiệu lực, hiệu quả thì rất cần một hệ thống quy định chi tiết hơn nữa để tạo sự thuận lợi cho Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thực hiện trong thời gian tới.
4. Điều kiện, thẩm quyền, thủ tục áp dụng cũng như nghĩa vụ của người được ADBP hòa giải tại cộng đồng.
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng: Hòa giải chỉ áp dụng đối với: (1)người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS; (2) người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của BLHS.
>> Xem thêm: Đơn khiếu nại, tố cáo là gì ? Khái niệm, cách hiểu về đơn khiếu nại, tố cáo
Thứ hai, về thẩm quyền, thủ tục áp dụng: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đang tiến hành tố tụng đối với vụ án có thẩm quyền quyết định áp dụng và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, về nghĩa vụ của người dược áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng:Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau: xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Như vậy, biện pháp hòa giải tại cộng đồng là một biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
5. Tiến hành hòa giải cơ sở
– Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.
– Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.
– Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
>> Xem thêm: Thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án
– Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định.
Lưu ý: Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.
Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê. Nếu còn vấn đề vướng mắc, vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn 1900.6162 để được hỗ trợ pháp lí trực tuyến.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty Luật Minh Khuê