1.Trường hợp khá phổ biến khi một người đồng thời ký với hai tư cách

Trường hợp khá phổ biến khi một người đồng thời ký với hai tư cách, bên bảo đảm và bên vay vốn trong một hợp đồng bảo đảm gồm có ba bên: bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và bên được bảo đảm.

Ví dụ: Giám đốc một công ty, là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mang tài sản cá nhân của mình để thế chấp bảo đảm cho khoản vay của công ty tại ngân hàng là một việc làm hoàn toàn hợp pháp, chính đáng và bình thường.

Cách thứ nhất là, hợp đồng bảo đảm được ký giữa hai bên, chủ sở hữu tài sản là cá nhân với ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay của công ty. Cách thứ hai là, hợp đồng bảo đảm được ký giữa ba bên, tức là đưa thêm công ty với tư cách là bên vay vốn vào, thì càng đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và chắc chắn hơn. Tuy nhiên, nó lại có nguy cơ dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề, vì bị nhiều ngưòi coi là vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự “một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Đây là quy định cần thiết và hợp lý trong các giao dịch để tránh tình trạng lợi dụng trục lợi hoặc ảnh hưỏng đến quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia quan hệ dân sự nói chung. Tuy nhiên, lại không phù hợp với dạng giao dịch bảo đảm đang đề cập. Và do chưa rõ “quy định khác” là thế nào, nên điều cấm này đã bị hiểu một cách quá máy móc đối với giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng, dẫn đến đã có bản án tuyên vô hiệu giao dịch bảo đảm trong trường hợp này, và rất nhiều hợp đồng bảo đảm khác đã ký giữa ba bên kiểu trên luôn trong tình trạng “nơm nốp” trước nguy cơ bị tuyên vô hiệu.

Vì vậy, thực tế những năm gần đây, các tổ chức tín dụng đành chỉ để hai bên ký hợp đồng bảo đảm ba bên. Hoặc lại phải lách luật bằng cách ngưòi đại diện theo pháp luật như giám đốc buộc phải ủy quyền cho phó giám đốc công ty ký hoặc chủ sở hữu tài sản đành phải ủy quyền cho người khác ký hộ mình. Bản chất thì vẫn không có gì thay đổi, nhưng lại được các tổ chức hành nghề công chứng và cơ quan liên quan dễ dàng chấp nhận.

2.Hợp đồng là gì? Những quy định liên quan đến hợp đồng?

Theo nội dung quy định tại Điều 385, Bộ luật dân sự 2015: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” 

Cũng theo nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 401, BLDS: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”.

Về nguyên tắc, thời điểm hợp đồng hình thành và thời điểm hợp đồng có hiệu lực có sự khác nhau nhất định, tùy thuộc vào quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên. Cụ thể: “hợp đồng được xem là có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết” (ký kết, điểm chỉ, lăn tay, …) nhưng “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”.

Để xem xét hiệu lực của một hợp đồng, chúng ta cần căn cứ theo quy định của luật và theo thỏa thuận của các bên. Nếu Luật không quy định gì khác và các bên không có thỏa thuận gì thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết.

3. Quy định về hợp đồng bằng miệng

Hợp đồng bằng lời nói hay hợp đồng miệng là hợp đồng được giao kết dưới hình thức ngôn ngữ nói. Các bên giao kết hợp đồng sẽ trao đổi các nội dung thỏa thuận với nhau bằng lời nói trực tiếp hoặc thông qua âm thanh trên điện thoại, điện đàm, thông điệp điện tử…để diễn đạt tư tưởng, mong muốn của mình trong việc xác lập giao kết hợp đồng. Trừ những loại trường hợp pháp luật quy định hình thức hợp đồng bắt buộc, các loại hợp đồng đều có thể được xác lập bằng lời nói.

Do việc giao kết hợp đồng bằng lời nói có ưu điểm là cách thức giao kết khá đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém nên được sử dụng phổ biến trong giao dịch dân sự nhưng hình thức hợp đồng này ít được sử dụng trong giao dịch thương mại.

Do sự tiện lợi của cách giao kết này mà trên thực tế, có nhiều hợp đồng đáng lẽ cần phải được lập bằng văn bản hoặc bằng văn bản có công chứng, chứng thực như hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng thuê bất động sản..., nhưng do các bên muốn đơn giản các thủ tục nên thường lập giao kết hợp đồng đồng dưới hình thức lời nói, vì thế dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp rất khó giải quyết.

Theo Khoản 3, Điều 400, Bộ luật dân sự 2015 quy định: Thời điểm hình thành hợp đồng miệng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật không nói rõ đó là thời điểm cụ thể nào nên trên thực tế, nếu các bên giao kết hợp đồng bằng lời nói cần chú ý thời điểm giao kết là thời điểm mà các bên đã hiểu rõ về nội dung cơ bản của hợp đồng và chấp thuận thực hiện nó trong điều kiện hiểu biết đó.

Ví dụ: Bên mua mua hàng là thực phẩm ngoài chợ, hai bên đã thống nhất về giá cả, số lượng, khối lượng, thời gian, địa điểm giao dịch cụ thể không có sự hiểu nhầm nào cả. Các bên đồng ý thực hiện và chuyển giao (tiền và hàng hoá) thì thời điểm giao kết là thời điểm vào liền trước thời điểm các bên đồng ý chuyển giao và thực hiện các nghĩa vụ liên quan (tiền và hàng hoá).

4.Quy định về hợp đồng giao kết bằng hành vi cụ thể

Hình thức hợp đồng giao kết bằng hành vi cụ thể được thể hiện rất đa dạng. Những hành vi này thường được sử dụng để xác lập các hợp đồng thông dụng, được thực hiện ngay và trở thành thói quen phổ biến trong các hoạt động, lĩnh vực liên quan. Tại nơi giao dịch được xác lập, hoặc hành vi cụ thể cũng được sử dụng phổ biến trong các hoạt động dịch vụ dành cho số đông đại chúng mà bên cung cấp dịch vụ đã có quy chế hoạt động rõ ràng đã được công bố.

Ví dụ: Hành vi mua báo/ vé số của người bán “dạo” hay mua hàng của người bán hàng “rong”, hành vi mua hàng trong các quán ăn tự phục vụ với món ăn tự chọn được làm sẵn một cách thường xuyên, các bên đã biết rõ mặt hàng, giá cả và không cần trao đổi bằng lời trước khi kết lập hợp đồng),…

- Trong nhiều trường hợp, khi một bên biết rõ về nội dung lời đề nghị giao kết hợp đồng từ phía bên kia, họ thể hiện việc đồng ý xác lập hợp đồng bằng một hành vi cụ thể và đã chuyển tín hiệu đồng ý đến cho bên kia biết thì hành vi cụ thể đó cũng được coi như hình thức biểu hiện của hợp đồng.

Ví dụ: Anh A hỏi mượn xe của anh B, mặc dù anh B không trả lời đồng ý bằng lời nói hay văn bản, nhưng anh B đã tự mang xe đến giao cho anh A thì hành vi của anh B giao xe cho anh A là hành vi xác lập hợp đồng.

5. Quy định về hợp đồng bằng văn bản 

Hợp đồng bằng văn bản đảm bảo sự thể hiện rõ ràng ý chí các bên cũng như nội dung của từng điều khoản hợp đồng mà các bên muốn cam kết. Trong văn bản đó, các bên phải ghi đầy đủ những nội dung cơ bản của hợp đồng và 2 bên cùng ký tên xác nhận vào văn bản. Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lý chắc chắn hơn so với hình thức hợp đồng miệng. Căn cứ vào nội dung của hợp đồng, các bên dễ dàng thực hiện quyền yêu cầu của mình đối với bên kia. 

Đối với những hợp đồng mà thời gian thực hiện hợp đồng không cùng lúc với thời gian giao kết thì các bên thường chọn hình thức này. Thông thường hợp đồng được lập thành nhiều bản và mỗi bên giữ một bản. Bản hợp đồng đó coi như là một bằng chứng, chứng minh quyền dân sự của mình.

Theo quy định hình thức giao dịch dân sự, trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì các bên phải tuân theo quy định đó (khoản 2, Điều 119, BLDS 2015).

Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản (khoản 4, điều 400, BLDS 2015).

Trong hình thức văn bản bao gồm 2 loại là: điện tử và văn bản truyền thống.

+ Hợp đồng truyền thống (văn bản giấy)

Đây là hình thức hợp đồng thể hiện bằng ngôn ngữ viết, được trình bày trên một chất liệu hữu hình nhằm thể hiện một nội dung xác định mà các bên có thể đọc, lưu giữ và bảo bảo đảm được sự toàn vẹn nội dung đó. Trong hợp đồng truyền thống bao gồm:

+ “Giấy tay”, văn bản thường không có công chứng bao gồm văn khế, văn bản dưới dạng chứng nhận hợp đồng…và phiếu giữ xe, biên nhận…

+ Văn bản có công chứng, chứng thực.

+ Văn bản phải đăng ký, xin phép như: đăng ký hợp đồng, đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng…

+ Hợp đồng điện tử: 

Theo nội dung quy định tại Điều 33, 34 Luật Giao dịch điện tử 2005:

Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Trong đó thông điệp điện tử là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. 

Bên cạnh đó Điều 14 Luật này cũng quy định: Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Trong giao kết hợp đồng điện tử, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.

Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử:

+ Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.

+ Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng.

+ Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.

.Giao kết hợp đồng điện tử:

+ Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.

+ Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.