Đầu tiên tôi gửi đơn xin nghỉ việc, và xin bồi hoàn kinh phí đào tạo. Hiệu trưởng phê vào đơn nghỉ việc là: "không giải quyết nguyện vọng theo đơn" Tôi tiếp tục gửi 1 thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo luật Viên chức 2010 với lý do gia đình khó khăn (sau 45 ngày tôi sẽ nghỉ việc). Trong thời gian chờ đợi tôi đã hoàn thành các công việc được giao, nhưng sau 45 ngày nhà trường trả lời nếu tôi nghỉ sẽ triệu tập, nếu triệu tập không quay lại sẽ ra quyết định kỷ luật. Và vẫn không giải quyết cho nghỉ việc. Khi tôi làm việc trực tiếp với lãnh đạo, được trả lời rằng: - Phải chứng minh được gia đình khó khăn thì mới được nghỉ. - Nhà trường không có kinh phí hỗ trợ cho nhân viên sau khi thôi việc. - Nếu tối muốn thôi việc thì phải làm đơn xin nghỉ kem theo cam kết không yêu cầu trợ cấp từ phía nhà trường. Tôi xin hỏi luât sư 3 vấn đề, kính mong luật sư trợ giúp:
1. Tôi có cần phải chứng minh hoàn cảnh thực sự khó khăn mới được nghỉ hay không, và phải chứng minh như thế nào?
2. Nếu tôi nghỉ đơn phương thì có phạm luật gì không và có được hỗ trợ nghỉ việc theo chế độ hay không?
3. Cơ quan bảo tôi muốn nghỉ việc phải làm đơn xin nghỉ và cam kết không yêu cầu nhà trường trợ cấp thôi việc theo chế độ thì mới cho nghỉ, như vậy có đúng luật không? Và xin hỏi thêm nếu phía lãnh đạo sai, tôi phải khiếu nại lên cơ quan nào ạ? Xin chân thành cám ơn luật sư!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụcTư vấn luật lao động của Công ty Luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn luật lao động gọi số:1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
1) Khoản 4 Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định:
"4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày."
Như vậy, nếu hợp đồng làm việc của bạn là hợp đồng không xác định thời hạn thì bạn không cần phải chứng minh gia đình có hoàn cảnh khó khăn mới được nghỉ việc mà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với điều kiện phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị trước 45 ngày. Vì bạn đã gửi đơn xin nghỉ việc cho hiệu trưởng trước 45 ngày nên việc nghỉ đơn phương của bạn không phạm luật.
2) Điều 45 Luật viên chức 2010 quy định:
"Điều 45. Chế độ thôi việc
1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này."
Trường hợp của bạn không thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 45 Luật này nên khi đơn phương nghỉ việc vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
3) Bạn đã có đủ các điều kiện để đơn phương chấm dứt hợp đồng nên việc cơ quan bảo bạn muốn nghỉ việc phải làm đơn xin nghỉ và cam kết không yêu cầu nhà trường trợ cấp thôi việc theo chế độ thì mới cho nghỉ là trái pháp luật. Khi đó, bạn có thể khiếu nại theo quy định tại Điều 47 và khoản 1, 2 Điều 51 Luật khiếu nại 2011:
"Điều 47. Khiếu nại quyết định kỷ luật
Khiếu nại quyết định kỷ luật là việc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình."
" Điều 51. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp còn khiếu nại tiếp."
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn Pháp luật Lao động