Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

I. Cơ sở pháp lý

Bộ Luật Lao động năm 2012

Luật Việc làm 2013

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

II. Nội dung tư vấn

Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có quyền được biết trước ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.

Một số quyền lợi mà người lao động được hưởng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động:

Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật:

- Người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động được trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và được nhận tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường trên, còn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động trả trợ cấp thôi việc.

- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước

Trợ cấp thôi việc:

Người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lênđược hưởng trợ cấp thôi việc trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động sau: 

- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

.- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

* Mức hưởng: mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Trợ cấp mất việc làm:

Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

* Mức hưởng: mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm: là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó: 
- Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội; 
- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; 
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc. 

Chào luật sư Luật sư cho tôi hỏi tôi làm viec tại công ty 28/10 từ tháng 4 năm 2001 cho đến tháng 1/2004 thì công ty tôi sáp nhập vào công ty AIC và tôi đã làm việc ở công ty AIC cho đến tháng 5/2016 thì công ty quyết định cho thôi việc vì hết việc làm. Và công ty đã thanh toán tiền trơ cấp thôi việc cho tôi theo thời điểm từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2008 và tính theo mức lương ở thời điểm 2008 chư không phải tính theo mức lương làm việc của 6 tháng liền kề của năm 2016. Như vậy có đúng không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi, tôi cảm ơn nhiều!

 Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 BLLĐ: "Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc". Đối với trường hợp của bạn, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc phải là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi bạn thôi việc là tháng 05 năm 2016. Như vậy, việc công ty dùng mức lương ở thời điểm 2008 để tính tiền trợ cấp thôi việc cho bạn là trái với quy định pháp luật.

Tôi có thời gian công tác trong ngành công an, công tác tại CATPHCM từ năm 1977 đến năm 1990, tôi bị kỷ luật buộc thôi việc (nên không được hưởng trợ cấp một lần hay trợ cấp thôi việc). Tôi xin hỏi thời gian làm việc đó có được tính cộng nối thời gian tôi đã đóng BHXH bắt buộc sau này không? Tôi đã liên hệ sở LĐ-TB&XH được trả lời bị kỷ luật buộc thôi việc không được tính như vậy có đúng không và văn bản PL nào quy định việc này? Xin trân trọng cảm ơn.

Việc cộng nối thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội chỉ được thực hiện nếu trong thời gian làm việc trước đó người lao động tham gia bảo hiểm xã hội hoặc được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật BHXH 2014: "Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội." Do đó, trong trường hợp này, do bạn không đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc (bị kỷ luật buộc thôi việc) do thời gian công tác từ năm 1977 đến 1990 không được tính là thời gian bạn đã đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, Sở LĐ_TB&XH trả lời không thể cộng nối được là đúng theo quy định pháp luật.

Kính thưa luật sư! Tôi có làm Việc trong Cty ở TP.HCM được 3 năm , nay có viết đơn xin nghỉ việc và Có quyết định nghỉ việc của Cty kèm theo sổ BHXH , nay tôi về quê ở Thanh Hoá nhận Bảo Hiểm Thất nghiệp thì phải cần những thủ tục cơ bản nào và liệu tôi có thể thụ lý hồ sơ ở cấp tuyến Huyện đổ lại được không? Hay là vẫn phải lên cấp tỉnh .Thành phố? Xin luật sư tư vấn dùm và xin chân thành cảm ơn! Bruce Ho (บรูซ โฮ)何飛卿 Thanks & Best regards!

 Cơ quan giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật việc làm là Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thất nghiệp bao gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu, quyết định thôi việc, sổ BHXH. Trong trường của bạn, bạn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa hoặc gửi qua đường bưu điện.

Kính chào trung tâm luật sư Minh Khuê. Em có một vấn đề xin được trung tâm tư vấn. Hiện em đang công tác trong một trường đại học (dạng biên chế) nay muốn chuyển công tác sang dạy tại một trường phổ thông. Nhưng cơ quan đang công tác không cho. Tối muốn viết đơn xin nghỉ việc để chuyển sang trường khác thì liệu các chế độ như Lương có được tính tiếp tục như đang công tác trong trường Đại học không? Trân trọng cảm ơn.

 Việc bạn chuyển công tác không phải là nhu cầu của đơn vị, do đó không thuộc trường hợp biệt phái. Căn cứ theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư 15/2012/TT_BNV, để chuyển đến cơ quan mới thì bạn phải chấm dứt hợp đồng làm việc với cơ quan cũ và ký kết hợp đồng với cơ quan mới. Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 15/2012/TT_BNV, cơ quan tuyển dụng bạn sẽ có nghĩa vụ thực hiện chế độ tiền lương với bạn phù hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn. Như vậy, nếu bạn chuyển sang trường khác, tiền lương của bạn sẽ được đơn vị mới chi trả và mức lương sẽ có thay đổi so với thời gian công tác trước đó phụ thuộc vào đơn vị mới và có căn cứ vào mức lương bạn đang được hưởng.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư lao động - Công ty Luật Minh Khuê.