1. Tư vấn nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ?

Thưa luật sư, xin cho tôi biết: Điều kiện nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ? Thủ tục, hồ sơ nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ? Thẩm quyền đăng kí nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thuộc về cơ quan nào theo quy định của pháp luật?
Cảm ơn Luật Minh Khuê!

Luật sư tư vấn:

1. Trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

"1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây:

a) Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi;

b) Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

c) Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi;

d) Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;

đ) Là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 01 năm.

3. Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi.

4. Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam."

2. Điều kiện nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:

Đối với người nhận con nuôi cần đáp ứng đủ các điều kiện:

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

- Công dân Việt Nam nhận người nước ngoài làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại điều 14 của Luật Nuôi con nuôi 2010 và pháp luật của nước nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.

"Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt."

3. Hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

Hồ sơ của người nhận con nuôi: Được lập thành 2 bản và gồm những giáy tờ sau:

- Đơn xin nhận con nuôi;

- Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

- Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

- Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

- Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;

- Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

- Phiếu lý lịch tư pháp

- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

- Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Nuôi con nuôi 2010

Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài: Được lập thành 3 bản và gồm những giấy tờ sau:

- Giấy khai sinh;

- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

- Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

- Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;

- Tài liệu chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em theo quy định nhưng không thành.

4. Thủ tục nhận nuôi con có yếu tố nước ngoài:

- Nộp hồ sơ của người nhận con nuôi cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú, trường hợp nhận con nuôi đích danh thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài nộp về Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú.

- Sở Tư pháp kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện được cho làm con nuôi.

- Bộ Tư pháp kiểm tra và chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi

- Sở Tư pháp xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi trên cơ sở đảm bảo hồ sơ hợp lệ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của người nhận con nuôi.

- Sau khi nhận được báo cáo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi, văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước nơi người nhận con nuôi thường trú thông báo về sự đồng ý của người nhận con nuôi đối với trẻ em được giới thiệu, Bộ Tư pháp sẽ ra thông báo quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và tổ chức giao nhận con nuôi.

5. Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

"2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài."

Trên đây là tư vấn của đội ngũ Luật sư Luật Minh Khuê. Nếu còn vấn đề thắc mắc, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6162 để được hỗ trợ tư vấn pháp lý trực tuyến.

2. Tư vấn thủ tục nhận con nuôi để bảo lãnh sang Hoa Kỳ định cư ?

Xin chào luật sư! Tôi có một thắc mắc muốn xin ý kiến tư vấn của luật sư. Hiện tôi có dự định qua định cư bên Hoa Kỳ. Qua một số thông tin tôi được biết. Nếu trước khi qua Hoa Kỳ định cư mà tôi nhận con nuôi thì sau này khi có quốc tịch, Tôi có thể bảo lãnh con nuôi sang định cư.
Vậy xin cho hỏi thời gian tối thiểu về mặt pháp lý giữa tôi và con nuôi là bao nhiêu lâu để sau này tôi có thể bảo lãnh cho con nuôi? Và tôi có thể nhận tối thiểu bao nhiêu người con nuôi được pháp luật cho phép?
Xin cảm ơn.

Tư vấn thủ tục nhận con nuôi để bảo lãnh sang Hoa Kỳ định cư ?

Luật sư tư vấn thủ tục nhận con nuôi, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Điều kiện nhận con nuôi:

Theo quy định tại Điều 8, Luật con nuôi năm 2010 về người được nhận làm con nuôi:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.


Cũng theo quy định tại Điều 13 của Luật con nuôi năm 2010 về các hành vi bị cấm:

1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tại Điều 14 của luật con nuôi năm 2010 quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi:

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì bạn muốn nhận con nuôi phải đấp ứng được các điều kiện như trên. Bạn có thể đối chiếu nếu có đủ các điều kiện quy định mình có thể tiến hành làm thủ tục để nhận con nuôi theo pháp luật Việt Nam

2. Thời gian để có thể bảo lãnh cho con nuôi và số người con nuôi có thể được bảo lãnh:

Theo Luật Di Trú của Hoa Kỳ thì một người được xác định là con nuôi phải có đủ các điều kiện sau:

- Người con nuôi phải được nhận làm con nuôi trước khi trở thành 16 tuổi và sự nhận nuôi phải được hợp pháp dưới luật pháp của nơi con nuôi được nhận.

- Người nuôi con nuôi phải ở chung nhà với cha hoặc mẹ nuôi đủ 2 năm và sự chung nhà có thể xảy ra trước khi hoặc sau khi được nhận làm con nuôi.

- Người con nuôi phải dưới quyền giám hộ của cha hoặc mẹ nuôi đủ 2 năm.

Theo như Luật di trú của hoa kỳ thì anh muốn bảo lãnh con nuôi sang nước ngoài thì người con đó phải được anh nhận làm con nuôi và làm thủ tục nhận nuôi trước năm 16 tuổi; ở chung nhà với anh đủ 2 năm và phải dưới quyền giám hộ của anh đủ 2 năm.

Như vậy, ngoài việc đáp ứng những quy định của pháp luật trong nước thì khi định cư bên Hoa Kỳ mà muốn bảo lãnh cho con nuôi, bạn cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Hoa Kỳ về vấn đề này. Ngoài ra, pháp luật hiện hành không có quy định về giới hạn của việc nhận tối đa bao nhiêu con nuôi nên chỉ cần bạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì có thể làm thủ tục nhận con nuôi và số lượng con nuôi là không giới hạn. Tham khảo thêm bài viết:Điều kiện nhận con nuôi là gì ?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

3. Vướng mắc về đăng ký khai sinh cho con nuôi ?

Dự thảo Luật Nuôi con nuôi đang trong lộ trình hoàn thiện, nhằm đưa ra các quy định pháp lý phù hợp cho việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, Dự Luật vẫn chưa đề cập việc đăng ký khai sinh để bảo đảm quyền lợi cho người con nuôi, trong khi việc thực hiện quy định pháp lý hiện hành về vấn đề này đang còn vướng mắc.

Vướng khi thay đổi phần khai cha, mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi

Theo quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì những người có mối quan hệ gia đình đều có quyền nhận nuôi con nuôi, chẳng hạn mẹ kế có quyền nhận con riêng của chồng, cha dượng có quyền nhận con riêng của vợ làm con nuôi, khi có đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, việc nhận nuôi con nuôi mà làm thay đổi thứ bậc trong gia đình (như trường hợp ông, bà nhận cháu hoặc anh, chị nhận em làm con nuôi) thì không giải quyết. Thực tế cho thấy, vướng mắc nảy sinh khi giải quyết việc thay đổi phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh của người con nuôi. Ví dụ, cháu Trương Văn T đăng ký khai sinh ngoài giá thú (không có tên cha trong giấy khai sinh), mẹ là Trương Thị A. Sau đó, cha dượng của cháu T là ông Huỳnh Văn C đến UBND xã xin nhận cháu T làm con nuôi. Sau khi kiểm tra hồ sơ thủ tục, cán bộ tư pháp xã tiến hành giải quyết việc nuôi con nuôi. Nhưng, khi ông C yêu cầu bổ sung phần khai người cha vào bản chính giấy khai sinh của cháu T thì cán bộ tư pháp “vướng”, vì theo quy định hiện hành, có nhiều ý kiến khác nhau về việc giải quyết vấn đề này.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình gọi số: 1900.6162

Thứ nhất, giải quyết việc bổ sung phần khai người cha nuôi vào bản chính giấy khai sinh của cháu T và ghi chú “cha nuôi” trong sổ đăng ký khai sinh theo quy định bổ sung hộ tịch của Nghị định 158. Tuy nhiên, đây là trường hợp nhận nuôi con nuôi, nên việc thay đổi phần khai về cha, mẹ nuôi và cha, mẹ đẻ phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2, Điều 28 Nghị định 158: trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ – từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi, thì UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh trước đây. Bản chính và bản sao Giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung mới. Giấy khai sinh cũ phải thu hồi. Điều 28, Nghị định 158 không quy định việc bổ sung phần khai về cha, mẹ trong trường hợp nuôi con nuôi.

Thứ hai, không giải quyết việc bổ sung tên người cha nuôi vào bản chính giấy khai sinh của cháu T, vì tại Điểm b, Khoản 3, Thông tư liên tịch số 01 hướng dẫn Nghị định 158 quy định: không giải quyết việc thay đổi phần khai về một bên cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang khai về cha nuôi hoặc mẹ nuôi mà giữ nguyên phần khai về mẹ đẻ hoặc cha đẻ còn lại. Do đó, nếu giải quyết việc bổ sung tên ông C. vào giấy khai sinh của cháu T. thì trái quy định của Thông tư 01, vì giấy khai sinh của cháu T. sẽ có nội dung của cha nuôi (ông C) và mẹ đẻ (bà A). Các ý kiến hiện chưa thống nhất, do pháp luật quy định chưa cụ thể, nên khi giải quyết các giấy tờ hộ tịch của người con nuôi, cán bộ tư pháp cơ sở gặp nhiều khó khăn.

Giấy khai sinh con nuôi không đủ cha, mẹ

Một trường hợp khác cho thấy, giấy tờ hộ tịch khi giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi gặp nhiều bất cập: ông Phan Hữu T (chưa có vợ) yêu cầu UBND xã giải quyết việc nhận nuôi con nuôi đối với cháu Phan Hữu L có cha đẻ là ông Phan Hữu K, mẹ đẻ là bà Võ Thị N. Bản chính giấy khai sinh của cháu Phan Hữu L được đăng ký đầy đủ nội dung về phần khai cha và mẹ, tuy nhiên khi ông T yêu cầu thay đổi phần khai từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi thì giấy khai sinh của người con nuôi, phần khai về cha, mẹ, chỉ có tên người cha nuôi; phần khai người mẹ không có (vì ông T chưa có vợ). Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người con nuôi.
Các trường hợp trên cho thấy, những bất cập từ các quy định pháp lý về đăng ký và quản lý hộ tịch, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợåi ích hợåp pháp cuả người con nuôi – Nếu không được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp sẽ vướng trong việc đăng ký nuôi con nuôi và Luật Nuôi con nuôi được ban hành sẽ khó thực thi.

(MKLAW FIRM: Biên tập.)

4. Có được thay đổi họ, tên con nuôi hay không ?

Thưa Luật sư. Xin cho hỏi :Gia đình em trai vợ tôi không có khả năng sinh con, vợ chồng em tôi muốn xin gia đình tôi một cháu về nuôi, và chúng tôi đã cho và đồng ý cho cháu nhập khẩu về với nhà em tôi. Em tôi muốn đổi họ của cháu sang họ của mình,nhưng tôi không đồng ý.
Xin luật sư cho lời khuyên, và xin hỏi, vợ chồng tôi có phải lo giấy tờ thủ tục gì khi cho con như vậy hay không ?
Xin chân thành cảm ơn Luật sư!

Có được thay đổi họ, tên con nuôi?

Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua tổng đài: 1900.6162

Trả lời:

Về việc nhận nuôi con của vợ chồng bạn:

Em bạn muốn nhận con của vợ chồng bạn làm con nuôi thì con bạn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 6 Luật nuôi con nuôi 2010:

"1. Trẻ em dưới 16 tuổi.

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi."

Như vậy, đứa trẻ này phải dưới 18 tuổi thì mới được nhận làm con nuôi.

Vợ chồng em bạn cũng phải đáp ứng các điều kiện sau đây quy định tại điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010

"1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này."

Thủ tục nhận nuôi con nuôi:

- Ðơn xin nhận con nuôi có xác nhận của cơ quan đơn vị nơi người nhận nuôi công tác (đối với CB-CC, người lao động; lực lượng vũ trang) hoặc UBND Phường nơi cư trú ( đối với nhân dân) của người nhận nuôi.

- Cam kết về việc chăm sóc giáo dục đứa trẻ. Nếu có vợ hoặc chồng phải có chữ ký của cả vợ và chồng.

- Giấy thỏa thuận về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của cha mẹ đẻ, người giám hộ, cơ sở y tế hoặc cơ sở nuôi dưỡng (có xác nhận UBND nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của cơ sở y tế) .

- Giấy khai sinh của người nhận nuôi con nuôi và của người được nhận làm con nuôi (trường hợp trẻ em chưa được khai sinh, thì phải đăng ký khai sinh trước khi đăng ký nhận nuôi con nuôi)

- Chứng minh nhân dân của người nhận nuôi con nuôi.

- Hộ khẩu của người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

- Nếu người được nhận làm con nuôi từ 9 tuổi trở lên, thì phải có sự đồng ý của người đó.

Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ ( điều 19 Luật nuôi con nuôi 2010).

Điều 22 cũng quy định:

"1. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

2. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này. 3. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi."

Về việc vợ chồng em bạn muốn đổi họ, tên con nuôi.

Theo khoản 2, điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 thì:

"Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó."

Như vậy, việc vợ chồng em bạn muốn đổi họ tên con là hoàn toàn được phép mà không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của vợ chồng bạn.

Về các loại giấy tờ bạn cần làm: Giấy thỏa thuận về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi (có xác nhận UBND nơi cư trú ) .

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi.

5. Thủ tục đăng ký khai sinh và nhập khẩu khi nhận con nuôi ?

Cháu chào cô/chú luật sư! Cháu vó chuyện muốn nhờ luật sư giúp đỡ cháu ạ. Cô ruột của cháu vừa mới nhận con nuôi là em bé mới sinh khoảng 1 tuần tuổi. Cô cháu muốn làm giấy khai sinh cho bé và nhập hộ khẩu cho em bé ấy nhưng ở phường người ta lại bắt em bé ấy nhập hộ khẩu với mẹ đẻ của em ấy rồi tách ra sau đó mới nhập về hộ khẩu của gia đình cô cháu ?
Mong luật sư tư vấn giúp cho cháu với ạ. Cháu cảm ơn rất nhiều!
Người hỏi: Kim Mỹ

Thủ tục đăng ký khai sinh và nhập khẩu khi nhận con nuôi ?

Thủ tục đăng ký khai sinh và nhập khẩu cho con nuôi gọi:1900.6162

Trả lời:

Khoản 4 điều 21 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định:

"Điều 21. Sự đồng ý cho làm con nuôi

1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.

3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe doạ hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày."

Theo như bạn trình bày thì cô bạn mới nhận con nuôi là một em bé mới sinh khoảng một tuần tuổi, theo quy định pháp luật thì trường hợp này cha mẹ đẻ của bé không được đồng ý cho con làm con nuôi.

Theo quy định tại điều 13 Luật Cư trú năm 2006 thì em bé này phải nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của cha mẹ đẻ

"Điều 13. Nơi cư trú của người chưa thành niên

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định."

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đè của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân Trọng./.

Bộ phận tư vấn luật hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê