Sau đây là một số câu hỏi bên công ty chúng tôi nhờ luật sư tư vấn và hỗ trợ: Chính phủ Việt Nam đã cấp bằng và giấy phép thành lập công ty tài chính (giao dịch forex- ngoại hối) được chưa và bao lâu rồi? Nếu được có thể cung cấp cho chúng tôi thấy được bản chấp nhận của Chính Phủ Việt Nam không? Thời gian thành lập công ty là bao lâu? Và chi phí bao nhiêu để hoàn thành tất cà các thủ tục giấy tờ để thành lập công ty? Nếu thành lập Công ty mới tại Việt Nam người chủ là người nước ngoài thì thủ tục như thế nào? Nếu đã có Công ty ngoại hối ở nước ngoài thì việc thành lập Công ty mới hay là Công ty con sẽ dễ dàng hơn? Từng bước thành lập và thủ tục phải cần khi thành lập Công ty như thế nào và cần những gì? Mong nhận được hồi âm của luật sư càng sớm càng tốt để tiện lợi cho việc công tác của chúng tôi và luật sư.

Xin cám ơn.

Người gửi: Phạm

Câu hỏi được biên tập từchuyên mục hỏi đáp pháp luậtcủa Công ty Luật Minh Khuê.

công ty tài chính

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật các tổ chức tín dụng 2012

Quyết định 40/2007/QĐ-NHNN

Nội dung phân tích:

Quyêt định số 40/2007/QĐ-NHNN ban hành Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần.

Theo đó, doanh nghiệp là cổ đông sáng lập công ty tài chính cổ phần phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản có 500 tỷ đồng…

Cụ thể, về cổ đông sáng lập, đối với cá nhân phải là người am hiểu về hoạt động ngân hàng, có đạo đức nghề nghiệp, không vi phạm các quy định pháp luật, đồng thời phải có đủ khả năng tài chính để góp vốn và cam kết hỗ trợ tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần trong trường hợp khó khăn về vốn hoặc thiếu khả năng chi trả…

Cổ đông sáng lập là tổ chức phải chứng minh có đủ khả năng tài chính và có cam kết hỗ trợ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần trong trường hợp khó khăn về vốn hoặc thiếu khả năng chi trả, thiếu khả năng thanh khoản…

Cổ đông sáng lập tổ chức là doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản có 500 tỷ đồng; kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm xin thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần…

Trường hợp là tổ chức tín dụng phải đảm bảo tổng tài sản có tối thiểu 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3% tổng dư nợ tại thời điểm xin góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần; không vi phạm các qui định về an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm xin thành lập…

Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính gồm:

1. Đơn xin cấp Giấy phép (theo mẫu).

2. Dự thảo Điều lệ

3. Phương án hoạt động: nêu rõ nội dung, phương thức hoạt động, địa bàn hoạt động, lợi ích đối với nền kinh tế; trong đó, xác định kế hoạch hoạt động cụ thể 3 năm đầu.

4. Danh sách, lý lịch (theo mẫu) các văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) Công ty tài chính;

5. Phương án góp vốn điều lệ, danh sách và cam kết về mức góp vốn điều lệ của các bên góp vốn;

6. Tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về các cổ đông lớn. Đối với các cổ đông lớn là doanh nghiệp, các tài liệu phải nộp gồm:

a) Quyết định thành lập;

b) Điều lệ hiện hành ;

c) Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về số vốn điều lệ và số vốn thực có năm hiện hành;

d) Văn bản cử người đại diện pháp nhân của Doanh nghiệp;

e) Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất.

7. Văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nơi đặt trụ sở của Công ty tài chính.

Lưu ý:

1. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước, hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước còn gồm các tài liệu sau đây:

1.1. Văn bản của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nguyên tắc cho phép thành lập Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước.

1.2. Văn bản chấp thuận cho phép thành lập Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật ký.

1.3. Văn bản chấp thuận của Tổng công ty Nhà nước về nguồn và mức vốn điều lệ được cấp cho Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước.

2. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính trực thuộc Tổ chức tín dụng, hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng còn gồm các tài liệu sau đây:

2.1. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng hoặc người được Chủ tịch Hội đồng quản trị uỷ quyền ký về nguồn và mức vốn điều lệ được cấp cho Công ty tài chính.

2.2. Các tài liệu liên quan đến tổ chức tín dụng là chủ sở hữu, bao gồm:

a) Quyết định thành lập hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Điều lệ hiện hành;

c) Quyết định chuẩn y vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước;

d) Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất.

3. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính liên doanh, Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài còn gồm các tài liệu sau đây:

3.1. Điều lệ của các bên góp vốn;

3.2. Giấy phép của các bên góp vốn;

3.3. Văn bản của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cho phép bên nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức Công ty tài chính liên doanh hoặc Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài. Trường hợp quy định của luật pháp nước nguyên xứ không yêu cầu có văn bản này thì phải có bằng chứng xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

3.4. Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất của các bên góp vốn;

3.5. Hợp đồng liên doanh đối với Công ty tài chính liên doanh.

Số bộ hồ sơ xin cấp Giấy phép:

1. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước, Công ty tài chính cổ phần, Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng:

Hồ sơ được lập thành 2 bộ bằng tiếng Việt. Các tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính, trường hợp là các bản sao trong hồ sơ phải có xác nhận của cơ quan đã cấp bản chính hoặc chứng nhận của Công chứng Nhà nước;

2. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài:

a) Hồ sơ được lập thành 2 bộ, một bộ bằng tiếng Việt và một bộ bằng tiếng Anh. Hồ sơ được lập tại nước ngoài phải là bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

b) Các văn bản phải được hợp pháp hoá lãnh sự gồm: Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng hoặc hoạt động của Công ty tài chính và văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép bên nước ngoài hoạt động tại Việt nam dưới hình thức Công ty tài chính liên doanh hoặc Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài.

c) Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận;

3. Sau khi được cấp phép, Công ty Tài chính phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh như thông thường.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT