Mục lục bài viết
- 1. Thỏa ước lao động tập thể là gì ? Các loại thỏa ước lao động tập thể ?
- 2. Lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp
- 3. Trình tự, thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp
- 4. Hiệu lực của bản thỏa ước lao động tập thể
- 5. Thỏa ước lao động tập thể hết hạn
- 6. Xử phạt vi phạm quy định về thỏa ước lao động tập thể
- 7. Mẫu thỏa ước lao động mới theo quy định Bộ luật lao động năm 2021
Chào công ty Luật Minh Khuê, Công ty tôi mới thành lập và đang nghiên cứu xây dựng thỏa ước lao động. Vì vậy, xin luật sư tư vấn giúp tôi những lưu ý về thỏa ước lao động tập thể theo quy định pháp luật hiện hành. Và nếu có thể luật sư cho tôi một mẫu thỏa ước lao động tập thể đúng pháp luật để tham khảo ạ ?
Rất mong được giải đáp. Cảm ơn luật sư.
>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật lao động năm 2019
1. Thỏa ước lao động tập thể là gì ? Các loại thỏa ước lao động tập thể ?
Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.
Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.
Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Theo như thông tin bạn cung cấp chúng tôi hiểu rằng bạn đang muốn thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể được quy định tại mục 3 Chương V Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể được quy định từ Điều 89. Theo đó, doanh nghiệp bạn khi xây dựng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp cần nắm vững những nội dung sau đây:
2. Lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp
Điều 76 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp tại khoản 1 như sau:
Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp
(Điều 77 Bộ luật lao động năm 2019)
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở
Hồ sơ gồm có:
+ Văn bản đăng ký thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp;
+ Biên bản lấy ý kiến của tập thể lao động;
+ Bản thỏa ước lao động tập thể;
+ Giấy phép đăng ký kinh doanh (bản sao);
+ Giấy ủy quyền.
Nơi nộp hồ sơ: Sở lao động thương binh và xã hội (Tỉnh/Thành phố)
Thời hạn nộp: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết.
Cách thức nộp: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
So với quy định tại Bộ luật lao động trước đây về thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp thì pháp luật hiện hành không còn quy định về thời hạn Sở lao động – Thương binh và xã hội gửi thông báo về việc xác nhận thỏa ước lao động tập thể hoặc thông báo về việc có nội dung trái pháp luật. Điều này có lẽ cần có thêm sự hướng dẫn từ cơ quan nhà nước trong thời gian sớm nhất.
4. Hiệu lực của bản thỏa ước lao động tập thể
Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết. Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện.
Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp
Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.
5. Thỏa ước lao động tập thể hết hạn
Trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới. Trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải lấy ý kiến theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật Lao động năm 2019.
Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà các bên vẫn tiếp tục thương lượng thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
6. Xử phạt vi phạm quy định về thỏa ước lao động tập thể
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể sẽ bị xử phạt như sau:
i) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+Không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;
+ Không trả chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể;
+Không công bố nội dung của thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết cho người lao động biết.
ii) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Không cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tập thể lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể;
+ Không tiến hành thương lượng tập thể để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể khi nhận được yêu cầu của bên yêu cầu thương lượng.
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể đã bị tuyên bố vô hiệu.
7. Mẫu thỏa ước lao động mới theo quy định Bộ luật lao động năm 2021
CÔNG TY .......
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày ... tháng .... năm 2021 |
THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ
Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Công đoàn năm 2012
Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật Lao động.
Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của hai trong mối quan hệ lao động chúng tôi gồm có:
ĐẠI DIỆN NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG:
Ông: ........................................................ Chức vụ: ...........................
ĐẠI DIỆN TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG:
Bà:………………………………… Chức vụ: Chủ tịch công đoàn
Hai bên thương lượng, thỏa thuận và ký Thỏa ước lao động tập thể (gọi tắt là Thỏa ước) với các điều khoản sau:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thoả ước lao động tập thể này quy định mối quan hệ lao động giữa tập thể lao động và NSDLĐ về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong thời hạn Thỏa ước có hiệu lực. Mọi trường hợp khác trong mối quan hệ lao động không quy định trong bản Thỏa ước lao động tập thể này, sẽ được giải quyết theo Bộ luật Lao động (BLLĐ) và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng thi hành.
1. Đối tượng thi hành bản Thỏa ước này gồm Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (BCH CĐCS) và toàn thể người lao động (NLĐ) đang làm việc tại Công ty ....................................................... kể cả NLĐ trong thời gian học nghề, tập nghề, thử việc, NLĐ vào làm việc sau ngày Thỏa ước có hiệu lực đều có trách nhiệm thực hiện những nội dung thoả thuận trong Thỏa ước này;
2. Thỏa ước này là cơ sở để giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của 2 bên và là cơ sở giải quyết tranh chấp lao động tại Công ty.
Điều 3. Thể thức ký kết.
1. Thỏa ước này đã được lấy ý kiến của toàn thể NLĐ, được BCH CĐCS cùng với Ban Giám đốc Công ty thương lượng, thỏa thuận thông qua và ký kết.
2. Bản Thỏa ước này được lập thành 04 bản bằng Tiếng Việt và gửi cho:
- Ban Giám đốc Công ty giữ 01 bản;
- Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở giữ 01 bản;
- Gửi Liên đoàn Lao động quận ..................... giữ 01 bản
- Gửi Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố Hà Nội giữ 01 bản.
CHƯƠNG II
NHỮNG NỘI DUNG HAI BÊN THỐNG NHẤT THỰC HIỆN
Điều 4. Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương
1.NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng định mức lao động, Thang lương, bảng lương theo quy định. Quy chế trả lương, trả thưởng được tập thể lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở góp ý và công khai cho NLĐ tại doanh nghiệp biết.
2.Chế độ nâng lương: Doanh nghiệp sẽ tổ chức đánh giá thành tích nhân viên và xem xét lại mức lương 01 năm/1lần cho NLĐ đã làm việc từ 01 năm trở lên. Ngoài ra, Doanh nghiệp sẽ xét nâng lương trước thời hạn cho NLĐ có năng lực và thành tích làm việc xuất sắc hoặc NLĐ bổ sung bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến ngành.
3.Tiền thưởng: Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng Quy chế thưởng quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn xét thưởng cho NLĐ. Tiền thưởng gồm:
- Thưởng lương tháng 13 vào dịp tết: Tùy theo tình hình kinh doanh, Doanh nghiệp sẽ xét thưởng lương tháng 13 cho NLĐ làm việc đủ 12 tháng với mức thưởng ít nhất 01 tháng lương theo HĐLĐ (hoặc lương thực lãnh). NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng sẽ tính tỷ lệ tương ứng theo số tháng thực tế làm việc tính từ ngày ký hợp đồng chính thức.
- Thưởng đột xuất cho cá nhân, tập thể NLĐ đạt những thành tích trong các trường hợp sau: Phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ việc tiêu cực như trộm cắp, lãng phí, tham ô tài sản doanh nghiệp, và các nguy cơ khác giúp doanh nghiệp tránh được những tổn thất rủi ro.
c. Trong thời gian thử việc tại doanh nghiệp, người lao động được hưởng 85% lương của công việc đó. Sau thời gian thử việc nếu người lao động được chính thức ký hợp đồng tuyển dụng thì sẽ được hưởng 100% lương theo cấp bậc công việc.
Điều 5. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
1. Thời gian làm việc: 08giờ/ngày và 48 giờ/tuần
2. Thời gian nghỉ hàng năm: Doanh nghiệp thực hiện thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01).
- Tết Âm lịch: 05 ngày (30 Tết, mồng 01, 02, 03, 04 Tết).
- Ngày Giỗ tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10/03 âm lịch).
- Ngày Thống nhất đất nước: 01 ngày (ngày 30/04 dương lịch).
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01/05 dương lịch).
- Ngày Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02/09 dương lịch và 01 ngày liên kề trước hoặc sau đó).
- Bản thân kết hôn: 03 ngày.
- Con kết hôn: 01 ngày.
- Bố, mẹ (cả bên vợ và bên chồng) mất, vợ hoặc chồng mất, con mất: 03 ngày.
- Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột mất; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
- Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Điều 6. Bảo đảm việc làm đối với người lao động
1. NSDLĐ cam kết ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định tại Điều 21 BLLĐ và đảm bảo việc làm cho NLĐ trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng; NSDLĐ và NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đảm bảo đúng quy định tại Điều 35 và Điều 36 BLLĐ; Trường hợp NLĐ và NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì nghĩa vụ của hai bên thực hiện theo quy định của Điều 40, 41 BLLĐ.
2. Mọi trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cần tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn công ty.
3. Khi có nhu cầu đào tạo cho NLĐ Công ty sẽ hỗ trợ 100% học phí cho NLĐ. Các điều khoản về đào tạo, được ghi trong hợp đồng đào tạo nghề đảm bảo đúng quy định của BLLĐ hiện hành.
4. NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị xử lý kỷ luật lao động sẽ được tái ký HĐLĐ khi hết hạn hợp đồng.
Điều 7. Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
1. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
- Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, Công ty phải lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động;
- Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng;
- Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
-Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy định, vệ sinh lao động đối với người lao động;
- Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động theo tiêu chuẩn, chế độ quy định;
- Trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động với mức: …….đồng/người/năm.
2. Người lao động có nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao;
- Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc;
- Người lao động phải tham gia các lớp tập huấn, chấp hành các nội quy, quy trình quy phạm về an toàn lao động liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao. Có trách nhiệm giữ gìn dụng cụ, thiết bị an toàn. Khi cá nhân được trang bị các phương tiện bảo vệ thì bắt buộc phải sử dụng theo đúng quy định trong khi làm việc.
Điều 8. Các phúc lợi cho người lao động:
- Hỗ trợ tiền ăn giữa ca: : ….000 đồng/người/tháng
- Quà sinh nhật : ….000 đồng/người
- Tết Dương lịch : ….000 đồng/người
- Lễ Giỗ tổ Hùng Vương : ….000 đồng/người
- Lễ 30/4 và 01/5 : ….000 đồng/người
- Lễ Quốc khánh 2/9 : ….000 đồng/người
- Tham quan nghỉ mát, hoạt động vui chơi giải trí : …..000 đồng/người/năm
- Quà mừng NLĐ kết hôn : ….000 đồng/lần
- Quà mừng nhân viên sinh con : …..000 đồng/con
- Trợ cấp tang chế NLĐ :…...000 đồng/người
- Trợ cấp tang chế tứ thân phụ mẫu, vợ, chồng, con NLĐ : ….000 đồng/người
- Thăm bệnh : …...000 đồng/người
- Trợ cấp khó khăn đột xuất (xét theo từng trường hợp trên cơ sở mức thu nhập, thâm niên công tác, hoàn cảnh gia đình) : …..000 đồng/người
- Hỗ trợ NLĐ bị phẫu thuật nội và ngoại khoa : …..000 đồng /người
Đây là mức thưởng tối thiểu NSDLĐ áp dụng đối với NLĐ. Trên thực tế, NSDLĐ sẽ quyết định về việc mức thưởng có thể tăng lên so với mức quy định trên tùy theo tình hình kinh doanh của Doanh nghiệp.
Điều 9. Về Bảo hiểm xã hội và các bảo hiểm khác
1. NSDLĐ có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp đối với NLĐ. NSDLĐ có trách nhiệm chốt sổ và trả sổ BHXH cho NLĐ chậm nhất 30 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
2. Ngoài BHXH, NSDLĐ sẽ căn cứ vào điều kiện sản xuất kinh doanh công ty để mua các loại bảo hiểm khác cho NLĐ đã ký HĐLĐ đang làm việc tại công ty theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi xảy ra tai nạn lao động và những rủi ro khác, NLĐ được hưởng các chế độ do công ty bảo hiểm chi trả.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thực hiện.
1. Thỏa ước này gồm 03 chương 11 điều và có thời hạn là 03 năm. Thỏa ước có hiệu lực sau 30 ngày làm việc kể từ ngày ký.
2. Các quy định của Công ty trái với điều khoản tại bản Thỏa ước này đều bị bãi bỏ và được áp dụng theo TƯLĐTT này. Những vấn đề không được nêu trong Thoả ước này sẽ được giải quyết theo quy định của BLLĐ, Nội quy lao động và các văn bản pháp luật khác liên quan.
Điều 11. Sửa đổi, bổ sung và hết hạn TƯLĐTT
1. Sau 6 tháng thực hiện TƯLĐTT, hai bên có quyền yêu cầu thương lượng để sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT. Việc sửa đổi, bổ sung Thỏa ước được tiến hành theo trình tự như khi ký kết.
2. Khi quy định của pháp luật thay đổi mà dẫn đến TƯLĐTT không còn phù hợp với quy định của pháp luật, thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT trong vòng 15 ngày kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực. Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thì quyền lợi của NLĐ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới. Trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải lấy ý kiến theo quy định tại Điều 76 của BLLĐ.
Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà các bên vẫn tiếp tục thương lượng thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thỏa ước lao động tập thể này ký tại Công ty ……… ngày …. tháng ….năm 20….
TM. BAN CHẤP HÀNH CĐCS CHỦ TỊCH | TM. CÔNG TY TỔNG GIÁM ĐỐC/GIÁM ĐỐC |
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay tới số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động - Công ty luật Minh Khuê