Mục lục bài viết
>> Luật sư tư vấn pháp luật thuế gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
1. Trông giữ xe có cần phải đăng ký kinh doanh không?
Căn cứ vào Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 03 năm 2007 về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh bao gồm:
+ Buôn bán rong: thực hiện hoạt động mua bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong và vừa mua rong vừa bán rong)
+ Buôn bán vặt: thực hiện hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định
+ Bán quà vặt: thực hiện hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định
+ Buôn chuyến: hoạt động mua bán hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn và người bán lẻ
+ Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm điểm cố định.
+ Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác
+ Kinh doanh dịch vụ lưu động
Cá nhân tiến hành trông giữ xe thuộc trường hợp kinh doanh độc lập, thường xuyên và không cần phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Nhưng tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại khu vực: Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, cá nhân không được tự mở bãi giữ xe tại khu vực các trường học nên nếu cá nhân muốn kinh doanh dịch vụ trông giữ xe ở khu vực trường học thì cần đăng ký kinh doanh với hình thức: hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
2. Trường học có được cho thuê mặt bằng không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý tài sản công năm 2017 và Điều 43 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; những yêu cầu khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết:
+ Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao: Đơn vị phải hoàn thành các kế hoạch, nhiệm vụ, đơn đặt hàng do cơ quan, người có thẩm quyền giao, đặt hàng hoặc trúng thầu cung cấp dịch vụ công.
+ Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị: Sử dụng đúng công năng của tài sản khi được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản; Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, gồm cả các hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
+ Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản công: Sử dụng tài sản công trong thời gian không phải thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao; Thời gian, cường độ sử dụng tài sản phải cao hơn khi chưa thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; Cung cấp được nhiều dịch vụ công hơn cho xã hội.
+ Thực hiện cơ chế thị trường khi: Xác định giá cho thuê tài sản công phù hợp với giá cho thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ; Xác định giá trị tài sản khi liên doanh, liên kết phải phù hợp với giá trị thực tế của tài sản trên thị trường; Tài sản sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được trích khấu hao.
Cho thuê tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo các hình thức sau:
(1) Đấu giá áp dụng đối với gói cho thuê tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp. Giá trúng đấu giá trong trường hợp cho thuê theo hình thức đấu giá.
(2) Cho thuê trực tiếp áp dụng trong các trường hợp sau: Tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; Cho thuê từng hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp (hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm, phòng điều trị,..) trong thời gian dưới 15 ngày hoặc 15 ngày trở lên nhưng không liên tục.
Giá cho thuê được niêm yết, thông báo công khai trong trường hợp cho thuê trực tiếp. Khi cho thuê tài sản phải được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Số tiền thu được từ việc cho thuê tài sản thì sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và phần còn lại do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý và sử dụng theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, nhà trường có thể tiến hành đấu giá cho thuê mặt bằng nhằm mục đích kinh doanh.
3. Các đối tượng phải nộp lệ phí môn bài
Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và không thuộc trường hợp được miễn lệ phí môn bài, có:
+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp
+ Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã
+ Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật
+ Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
4. Mức lệ phí môn bài
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 quy định về lệ phí môn bài, mức lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:
+ Tổ chức có vốn đều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/ năm
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/ năm
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vi sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/ năm
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500.000.000 đồng/ năm: 1.000.000 đồng/ năm.
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng/ năm: 500.000 đồng/ năm.
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng/ năm: 300.000 đồng/ năm.
Như vậy, hộ kinh doanh kinh doanh dịch vụ trông giữ xe, dạy võ thuật, cung ứng dịch vụ trong nhà trường sẽ nộp lệ phí môn bài dựa trên tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh của các địa điểm kinh doanh.
Ngoài ra, khi hộ kinh doanh kinh doanh dịch vụ trông giữ xe cho học sinh, dạy võ thuật, cung ứng dịch ăn uống trong nhà trường thì hộ kinh doanh không chỉ nộp lệ phí môn bài mà còn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC:
(1) dịch vụ trông giữ phương tiện có thuế giá trị gia tăng là 5% còn thuế thu nhập cá nhân là 2%;
(2) dạy võ thuật là hoạt động kinh doanh khác và chưa được liệt kê thì chịu thuế giá trị gia tăng là 2% và thuế thu nhập cá nhân là 1%;
(3) dịch vụ ăn uống sẽ chịu thuế giá trị gia tăng là 3% và thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
Còn đối với tổ chức kinh doanh nộp lệ phí môn bài dựa trên vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ.
5. Các trường hợp được miễn lệ phí trước bạ
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, các trường hợp được miễn lệ phí môn bài gồm:
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100.000.000 đồng trở xuống.
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định.
+ Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
+ Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử)
+ Hợp tác xã, liên hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
+ Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi.
+ Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với: tổ chức thành lập mới; hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
+ Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Trong thời gian được miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
+ Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Từ đó, Luật Minh Khuê xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Đối với hợp đồng thuê mặt bằng để trông giữ xe học sinh, mặt bằng dạy võ thuật, bán căng tin trong trường học: trường học có phát sinh hoạt động kinh doanh cho nên bên cho thuê sẽ phải nộp lệ phí môn bài theo quy định của pháp luật đối với tổ chức.
Trường hợp tổ chức, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ như: trông giữ xe, sử dụng mặt bằng đi thuê để dạy võ thuật, bán căng tin tại khu vực trường học thì thuộc trường hợp đóng lệ phí môn bài (theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP.) Tham khảo bài viết liên quan: Hộ kinh doanh nhỏ ở chợ nộp thuế giá trị gia tăng thế nào? và Xác định thuế môn bài của hộ kinh doanh nhỏ có thu nhập thấp ?
Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật Minh Khuê qua số 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!