1. Thủ tục tách hộ khẩu khi đã ly hôn?

Kính chào Luật Minh Khuê, Tôi có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Em gái tôi đã ly hôn với chồng hơn 1 năm nay, đã có quyết định của Toà án. Hiện em gái tôi đang công tác xa nhà.

Nay em gái tôi muốn yêu cầu chồng cũ cắt hộ khẩu để chuyển tới nơi ở mới để đăng ký học cho con (3 tuổi) nhưng bị chồng cũ gây khó khăn. Anh ta nói thẳng là không muốn cắt khẩu cho em gái tôi. Vậy em gái tôi phải làm gì để được cắt khẩu? Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Công ty tư vấn luật Minh khuê.

Tôi rất mong nhận được lời tư vấn vào địa chỉ email này.

 

Trả lời:

Trong trường hợp của bạn thì em gái bạn thuộc điểm b, khoản 1, Điều 27 Luật cư trú năm 2006 (Luật cư trú năm 2013) quy định về những trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật cư trú sửa đổi năm 2013 quy định khi đến làm thủ tục tách sổ hộ khẩu phải xuất trình ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp điểm b, khoản 1, Điều 27 Luật cư trú sửa đổi năm 2013 cụ thể:

Điều 27. Tách sổ hộ khẩu

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

* Trình tự, thủ tục tách sổ hộ khẩu:

- Hồ sơ để xin tách sổ hộ : (Theo khoản 2, Điều 27 Luật cư trú sửa đổi năm 2013)

+ Sổ hộ khẩu;

+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

+ Ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật cư trú sửa đổi năm 2013.

Theo đó sự đồng ý của chủ hộ là điều bắt buộc khi em gái bạn muốn tách sổ hộ khẩu. Nhưng trường hợp của em gái bạn thì nhà chồng không đồng ý cho việc tách sổ hộ khẩu này thì em gái bạn có thể làm đơn gửi công an cấp xã, phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của cả hộ gia đình để đề nghị mời chủ hộ đến làm việc về việc xin tách hộ khẩu. Nếu chủ hộ vẫn cố tình không lên hoặc không đồng ý về thì bạn yêu cầu cơ quan công an xã, phường chuyển đơn và biên bản làm việc lên công an cấp huyện. Nếu chủ hộ vẫn tiếp tục không chịu hợp tác và không xuất trình sổ hộ khẩu thì công an cấp huyện ra quyết định xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 1, điều 8, Nghị định 167/2013/NĐ-CPquy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đìnhvà tiến hành các thủ tục tách sổ hộ khẩu cho em gái của bạn, đồng thời nhập khẩu cho con của em gái bạn theo huyết thống, sau đó gửi thông báo cho chủ hộ biết về việc tách, nhập sổ hộ khẩu này.

"Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú (Nghị định 167/2013/NĐ-CP)

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.”

- Nơi nộp hồ sơ:

+ Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.

+ Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

-Thời gian giải quyết : Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do theo Khoản 3, Điều 27 Luật cư trú sửa đổi năm 2013.

- Lệ phí: Miễn thu lệ phí khi tách sổ hộ khẩu.

 

2. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?

Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản;

...nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết được không?

Cảm ơn!

Trả lời:
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
"1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này" (Điều 38).
"Điều 40. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
2. Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba”.
Theo quy định của pháp luật thì chị có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, nếu chị và chồng không thỏa thuận được thì chị có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
 

3. Mua tài sản sau khi ly hôn như thế nào?

Xin chào Luật Minh Khuê, tôi có câu hỏi sau xin được giải đáp: Hiện vợ chồng tôi đã ly hôn (thuận tính ly hôn), trước khi ly hôn vợ chồng tôi có một ngôi nhà đứng tên cả hai vợ chồng, nhưng chúng tôi không yêu cầu tòa phân chia tài sản đó và trong quyết định ly hôn của tòa án cũng ghi không yêu cầu phân chia tài sản chung. Nay tôi muốn mua một miếng đất, tôi xin hỏi khi mua mảnh đất mới này tôi muốn đứng tên một mình có được không? Thủ tục cần có những giấy tờ gì?


Rất mong nhận được sự hồi đáp sớm của luật sư. Xin chân thành cảm ơn !

 

Tư vấn việc mua tài sản sau khi ly hôn ?

Pháp luật hiện hành chỉ quy định về việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung vợ chồng, cụ thể Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

"1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này".

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì "quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật". Có nghĩa rằng, sau khi bản án của Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn của vợ chồng bạn có hiệu lực thì hai bạn không còn mối quan hệ ràng buộc trong các quan hệ dân sự. Bạn hoàn toàn có quyền làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đăng ký quyền sử dụng đất đứng tên bạn.

 

4. Thỏa thuận phân chia tài sản chung của 2 vợ chồng khi ly hôn?

Kính chào Luật Minh Khuê, Tôi có một vấn đề mong luật sư giải đáp: Tôi muốn hỏi có thủ tục nào có thể thực hiện việc sau khi li hôn tài sản lập tức chuyển sang tên con với sự đồng ý của cả 2 vợ chồng không?

Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Công ty tư vấn Luật Minh Khuê

Tôi rất mong nhận được lời tư vấn vào địa chỉ email này.

Kính thư

 

 

Tham khảo mẫu đơn xin ly hôn liên quan:

1. Mẫu đơn xin ly hôn;

2. Mẫu đơn thuận tình ly hôn;

3. Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương;

4. Mẫu giấy xác nhận mâu thuẫn vợ chồng;

.Tư vấn về thỏa thuận phân chia tài sản chung

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162

 

Trả lời:
Khi ly hôn, tài sản của vợ chồng được phân chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình có nghĩa: việc phân chia tài sản do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó, nếu hai vợ chồng thỏa thuận không phân chia và để lại số tài sản chung này cho con thì có thể tiến hành các thủ tục tặng cho một cách bình thường nhằm chuyển quyền sở hữu số tài sản này từ vợ chồng anh chị sang con trong hợp đồng tặng cho tài sản tại Bộ luật dân sự năm 2015

Trong trường hợp con đã thành niên, đủ tuổi chịu trách nhiệm dân sự thì anh chị có thể tiến hành các thủ tục tặng cho giữa hai vợ chồng với người con. Trong trường hợp con chưa thành niên, hai vợ chồng có thể lập văn bản thỏa thuận về việc tặng cho số tài sản này cho con khi người đó đủ tuổi chịu trách nhiệm dân sự đồng thời có quy định rõ về việc quản lý số tài sản này cho đến khi con đủ tuổi chịu trách nhiệm dân sự.

Trường hợp 1: Nếu con bạn chưa đủ 15 tuổi

Làm thủ tục tặng cho tài sản nhưng thông qua người giám hộ của con.

Theo quy định về việc giám hộ thì trong trường hợp cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì cha, mẹ có quyền yêu cầu người giám hộ cho con. Người giám hộ đương nhiên trong trường hợp này là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (khoản 2 Điều 61 Bộ luật Dân sự). Theo quy định tại Khoản 3 Điều 68 Bộ luật Dân sự thì người giám hộ sẽ có quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Khi đó, người giám hộ của hai con bạn sẽ có quyền đại diện cho con bạn ký hợp đồng tặng cho tài sản để nhận tặng cho tài sản từ hai vợ chồng bạn. Chủ thể của Hợp đồng tặng cho sẽ là:

- Bên tặng cho: Hai vợ chồng bạn (với tư cách là chủ sở hữu/sử dụng tài sản);

- Bên nhận tặng cho: Con của bạn, nhưng người giám hộ sẽ là người đại diện để ký Hợp đồng.

Nếu thực hiện theo cách trên thì hai vợ chồng bạn có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản cho con theo quy định của pháp luật mà vẫn tránh được vi phạm quy định về phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự như nêu trên. Nhưng việc này lại có những hạn chế như:

- Về việc yêu cầu người giám hộ: Theo quy định về giám hộ thì trường hợp giám hộ con chưa thành niên chỉ đặt ra khi cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con.

- Về việc quản lý tài sản của con sau khi nhận tặng cho từ hai vợ chồng bạn: Ðiều 69 Bộ luật Dân sự quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:

+ Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.

+ Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

+ Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.

Trường hợp 2: Nếu con bạn đủ 15 tuổi. Con bạn tự giao kết hợp đồng dân sự tặng cho tài sản đó.

 

5. Chia tài sản chung của vợ chồng?

Xin chào Công ty Luật Minh Khuê, tôi đã kết hôn, sau khi kết hôn bên nhà vợ cho cho vợ tôi mãnh đất trị giá 150 triệu, và tôi đã đi làm ăn kiếm được khoảng 600 triệu để xây nhà. Bố mẹ vợ cho vợ tôi đứng tên mãnh đất đó, như vậy vợ tôi cứ đòi đuổi tôi ra khỏi nhà vì lý do vợ làm chủ mãnh đât đó. Tôi nên làm gì để lấy lại công bằng? Trong lúc đó vợ tôi làm thu nhập thấp khoảng 2,5 triệu chỉ đủ chỉ tiêu.

Xin chân thành cảm ơn!

tư vấn về tài sản chung của vợ chồng

Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình gọi:1900.6162

Trả lời:

Căn cứ Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

Do vậy, nếu mảnh đất mà nhà vợ bạn cho có căn cứ xác định đây là tài sản được tặng cho chung mặc dù là vợ bạn đứng tên, thì đây là tài sản chung của vợ chồng bạn. Nếu không có căn cứ để xác định mảnh đất đó là gia đình nhà vợ tặng cho chung hai vợ chồng bạn thì đó là tài sản riêng của vợ bạn. Tuy nhiên bạn lại là người đi làm kiếm tiền để xây dựng ngôi nhà trên mảnh đất đó, trong khi đó thu nhập của vợ của bạn là 2,5 triệu chỉ đủ cho chi tiêu, nên căn nhà được xây dựng trên mảnh đất đó là tài sản chung của vợ chồng bạn. Để chứng minh là tài sản chung bạn cần cung cấp những giấy tờ, tài liệu chứng minh theo quy định tại Điều 33 trên đây.

 

6. Hướng dẫn quy trình khởi kiện ly hôn?

Tôi đơn phương ly hôn vì lý do sống không hợp nhau, tôi lấy cô ta đã 4 năm mà cô ta không cho tôi đụng đến người cô ta, lúc đầu tôi nghĩ từ từ rồi sẽ hòa hợp được. Nhưng cô ta vẫn như vậy không cho tôi đụng đến cô ta. Cô ta và tôi cùng sống chung với ba mẹ tôi. Mà cô ta chỉ biết đi làm rồi đi chơi với bạn bè có khi đi tơi 3 hay 4 ngày mới chịu về mà không cho tôi hay tôi thấy không về điện hỏi thì nói đi chơi rồi, nhiều lần điện kêu cô ta về sớm để nói chuyện thì cô ta nói lát nữa về mà lúc nào cũng tới 1 hay 2 giờ khuya mới về, về tới là chửi tôi không biết điều cô đang đi với bạn cô mà cứ điện hoài.
Tôi tức lấm nhưng khuya quá không muốn cải nhau để ba mẹ tôi ngủ. Tôi thấy cô ta cứ không lo cho gia đình, không phụ giúp được gì cho mẹ tôi. Tôi đã nhiều lần nhấc nhở nhưng vẩn không được. Mà còn chửi tôi và xúc phạm ba mẹ tôi chỉ vì mẹ tôi điện thoại thông báo cho ba mẹ cô ta biết là tôi muốn ly hôn. Nên tôi quyết định ly hôn. Và cô ta cũng đã dọn ra ngoài sóng và tiền nhà là do ba mẹ tôi trả. Khi toà án mời lần đầu thì cô ta không đi. Nói là đi công tác nhưng tôi cũng không biết có phải không. Lần sao mời thì lên và nói không đồng ý ly hôn và nói tôi có người khác nên mới muốn ly hôn với cô ta. Nhưng cô ta không đưa ra được bằng chứng gì để chứng minh tôi ngoại tình nên im lặng không nói gì. Lần hoà giải ở xã thì cô ta cũng không đồng ý ly hôn. Lần hoà giải ở phường thì cô ta không nói chỉ nói như vậy không công bằng với cô ta. Tôi hỏi cô ta muốn gì thì nói ra nhưng cô ta nói để cô ta suy nghỉ. Tới lần hoà giải ở toà là thứ 5 cô ta không đi vì bệnh phải mổ. Toà phải dời ngày hoà giải lại thứ 3 tuần sao, tôi có vô thâm nhưng mẹ cô ta đuổi rồi chửi tôi không cho tôi gặp mặt cô ta. Tới thứ 3 lên toà cô ta vẫn còn ở bệnh viện nên toà nói sẽ cho người đi tìm hiểu và sẽ cho ly thân. Tôi đem giấy đến cho cô ta ký để ly hôn nhưng bị mẹ cô ta xé bỏ. Tôi có thể làm gì để có thể giải quyết nhanh để được ly hôn không.
Vì cứ kéo dày như vậy tôi rất là mệt mỏi. Tôi có nên nói với toà là vợ chồng mà cô ta không cho quan hệ không?
Cảm ơn và mong nhận sự tư vấn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân trực tuyến: 1900 6162

 

Trả lời:

Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

"Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được".

Theo quy định này, pháp luật cho phép vợ hoặc chồng đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, nếu như thuận tình ly hôn thì Tòa án xem xét sự thuận tình, tự nguyện của các bên, còn đơn phương ly hôn thì Tòa án lại xem xét chủ yếu căn cứ mà bên đơn phương ly hôn đưa ra. Điều luật quy định rằng: "hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được".

Giải thích cho căn cứ này, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định như sau:

"a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt".

Như vậy, khi nộp đơn ly hôn tại Tòa án bạn phải chứng minh về việc cuộc hôn nhân của vợ chồng bạn không hạnh phúc và không thể kéo dài được nữa.

Bạn đã nộp hồ sơ này tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ bạn đang cư trú, làm việc và đã được thụ lý và tiến hành xét xử.

Thời gian giải quyết:Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ việc đơn phương ly hôn là không quá 04 tháng. Nếu vụ việc có tính chất phức tạp thì có thể gia hạn thêm, nhưng không quá 02 tháng

Như vậy: thời hạn để bạn có thể ly hôn là không quá 06 tháng. Bạn có thể nói với tòa về vấn đề việc bạn và vợ bạn lấy nhau mà không quan hệ.