Sau khi nộp hồ sơ tại bộ phận 1 cửa của UBND xã Z, cán bộ yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh quan hệ anh em ruột nhưng anh em ông A không có giấy khai sinh. Vậy ông A có thể đến UBND xã X xin xác nhận quan hệ anh em với ông B được không ? Nếu được thì UBND xã X phải xác nhận như thế nào cho đúng khi 2 anh em ông B ở hai nơi khác nhau ? Nếu UBND xã Z yêu cầu thêm sơ yếu lý lịch của 2 ông có được không ?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Đ.T.N
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật đất đai của Công ty luật Minh Khuê,
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Trả lời:
Cơ sở pháp lý:
- Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Nội dung phân tích:
-Trong trường hợp này, ông A và ông B muốn xác nhận quan hệ anh em mà cả hai người đều không có giấy khai sinh thì việc đầu tiên họ phải xin cấp lại giấy khai sinh. Hai anh em ông A, ông B thuộc trường hợp được đăng ký lại việc sinh theo quy định tại Điều 45 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Theo đó, tại Điều 48 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định thủ tục như sau:
1. Người có yêu cầu đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).
Trong trường hợp đăng ký lại tại Ủy ban nhân dân cấp xã, không phải nơi đương sự đã đăng ký hộ tịch trước đây, thì Tờ khai phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký hộ tịch về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây.
2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch theo từng loại việc và bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng tử, Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính giấy tờ hộ tịch theo từng loại việc. Các giấy tờ hộ tịch cũ liên quan đến sự kiện hộ tịch đăng ký lại (nếu có) được thu hồi và lưu hồ sơ. Trong cột ghi chú của sổ hộ tịch và dưới tiêu đề của bản chính giấy tờ hộ tịch phải ghi rõ “Đăng ký lại”.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
3. Khi đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi, nếu người đi đăng ký lại xuất trình bản sao giấy tờ đã cấp hợp lệ trước đây, thì nội dung khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi được ghi theo nội dung của bản sao giấy tờ hộ tịch đó.
Trường hợp đăng ký lại việc sinh cho người không có bản sao Giấy khai sinh đã cấp trước đây, nhưng đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.
Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký lại việc sinh. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.
- Tiếp theo, muốn xác nhận qua hệ huyết thống phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin xác nhận quan hệ thân nhân (Bản chính).
- Xuất trình: Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (nếu có)(bản chính hoặc bản sao hợp lệ).
- Giấy khai sinh. (bản chính hoặc bản sao hợp lệ).
Sau đó nộp hồ sơ tại ủy ban nhân dân xã, phường.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Hy vọng chúng tôi đã giúp bạn giải quyết vấn đề!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự.