Mục lục bài viết
- 1. Khung hình phạt cơ bản đối với tội giả mạo trong công tác
- 2. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất với tội giả mạo trong công tác
- 3. Khung hình phạt tăng nặng thứ hai đối với tội giả mạo trong công tác
- 4. Khung hình phạt cao nhất với tội giả mạo trong công tác
- 5. Hình phạt bổ sung đối với Tội giả mạo trong công tác
Trả lời:
Trước đây, tội giả mạo trong công tác được quy định tại điều 284 Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:
"1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng
đến ba mươi triệu đồng".
Hiện nay tội giả mạo trong công tác được quy định tại điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với nội dung cụ thể như sau:
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
HÌnh phạt tội giả mạo trong công tác, hiện nay được quy định như sau:
1. Khung hình phạt cơ bản đối với tội giả mạo trong công tác
Đường lối xử lý hành vi phạm tội giả mạo trong công tác theo cấu thành tội phạm cơ bản (khoản 1 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Khoản 1 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 là cấu thành cơ bản của tội giả mạo trong công tác, có khung hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khi quyết định hình phạt đổi với người phạm tội giả mạo trong công tác theo khoản 1 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, Toà án cần căn cú vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).
Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2O15[9], không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (dưới 01 năm tù) hoặc
chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn là hình phạt cải tạo không giam giữ. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người phạm tội giả mạo trong công tác được hưởng án treo.
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 05 năm tù.
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật này; người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn; người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn; người phạm tội trả lại tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà họ đã nhận được hoặc bồi thường được càng nhiều thiệt hại mà họ đã gây ra thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội không trả lại tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà họ đã nhận được hoặc không bồi thường thiệt hại mà họ đã gây ra hoặc chỉ trả lại không đáng kể tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà họ đã nhận được hoặc chỉ bồi thường không đáng kể thiệt hại mà họ đã gây ra.
2. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất với tội giả mạo trong công tác
Đường lối xử lý hành vi phạm tội giả mạo trong công tác theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ nhất (khoản 2 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Người phạm tội giả mạo trong công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, giả mạo trong công tác có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm này, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án giả mạo trong công tác có tổ chức nào cũng có đủ những người đồng phạm trên.
Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015.
+ Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu
Trường hợp phạm tội này là trường hợp đối với người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu thật đúng với quy định của Nhà nước, nhưng lại lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu có nội dung sai lệch với nội dung thật.
Người có trách nhiệm lập các giấy tờ, tài liệu là người được giao lập các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nội dung thật của các giấy tờ tài liệu. Ví dụ: Trịnh Kim A là cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T, được phân công viết Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Trịnh Kim A đã thông đồng với một số người khác làm 50 bằng tốt nghiệp giả để trục lợi.
Người có trách nhiệm cấp các giấy tờ, tài liệu là người được giao cấp các giấy tờ, tài liệu nhung đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nội dung thật của các giấy tờ tài liệu và cấp cho người khác. Ví dụ: Trần Văn K là cán bộ của Toà án huyện Q, được giao cấp trích lục bản án. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, K đã làm giả trích lục bản án ly hôn rồi cấp cho Trần Xuân p là anh họ của K đang làm ăn ở nước ngoài, để Trần Xuân p dùng trích lục bản án ly hôn giả này kết hôn với người khác ở nước ngoài.
+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả
Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
Người phạm tội giả mạo trong công tác thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội giả mạo trong công tác theo khoản 2 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).
Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp
nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 01 năm đến 05 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 01 năm tù).
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 10 năm tù.
3. Khung hình phạt tăng nặng thứ hai đối với tội giả mạo trong công tác
Đường lối xử lý hành vi phạm tội giả mạo trong công tác theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ hai (khoản 3 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Người phạm tội giả mạo trong công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả.
- Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù.
Ví dụ: A làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo, vay tiền của ngân hàng và chiếm đoạt được 100.000.000 đồng.
Người phạm tội giả mạo trong công tác thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội giả mạo trong công tác theo khoản 3 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).
Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 03 năm tù đến dưới 07 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 03 năm tù).
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 15 năm tù.
4. Khung hình phạt cao nhất với tội giả mạo trong công tác
Đường lối xử lý hành vi phạm tội giả mạo trong công tác theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ ba (khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Người phạm tội giả mạo trong công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên.
- Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình[19].
Ví dụ: A làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo, vay tiền của ngân hàng và chiếm đoạt được 500.000.000 đồng[20].
Người phạm tội giả mạo trong công tác thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội giả mạo trong công tác theo khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).
Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 07 năm tù đến dưới 12 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 07 năm tù).
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 20 năm tù.
5. Hình phạt bổ sung đối với Tội giả mạo trong công tác
Đường lối xử lý hành vi phạm tội giả mạo trong công tác theo quy định về hình phạt bổ sung (khoản 5 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Ngoài những hình phạt chính như đã nêu trên, người phạm tội giả mạo trong công tác còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội giả mạo trong công tác có tác dụng hỗ trợ hình phạt chính, tăng khả năng trừng trị người phạm tội, giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!