1. Khái niệm tiếp công dân

Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013 định nghĩa như sau:

Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Các tổ chức, cơ quan thực hiện việc tiếp công dân bao gồm:

– Chính phủ;

– Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục;

– Ủy ban nhân dân các cấp;

– Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

– Các cơ quan của Quốc hội;

– Hội đồng nhân dân các cấp;

– Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước

 

2. Phân loại hoạt động tiếp công dân

Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

- Tiếp công dân định kỳ

Tiếp công dân định kỳ là việc tiếp công dân theo thời gian đã định trước theo quy định của pháp luật.

Luật Tiếp công dân quy định về việc tiếp công dân định kỳ như sau:

  • Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất 01 ngày trong 01 tháng
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng
  • Trưởng ban tiếp công dân phân công công chức thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân. (Thông thường trong các cơ quan thường có phòng tiếp công dân, có người trực để tiếp công dân)
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần
  • Người đứng đầu cơ quan trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.

Như vậy, việc tiếp công dân được thực hiện bởi các công chức, cán bộ trong các cơ quan và người đứng đầu, lãnh đạo của các cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra, trực tiếp tiếp công dân theo quy định như trên

- Tiếp công dân thường xuyên

Tiếp công dân thường xuyên là việc tiếp công dân hàng tuần của cán bộ được phân công theo quy định pháp luật tại trụ sở tiếp công dân hoặc phòng tiếp công dân.

Ví dụ: TANDCC tại Hà Nội có phòng tiếp công dân và luôn có người trực theo giờ hành chính để tiếp nhận đơn, khiếu nại, giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn công dân có vấn đề có liên quan.

Tùy thuộc vào tình hình thực tế, mà chủ thể có thẩm quyền lựa chọn 01 ngày trong tháng, niêm yết công khai và phân công cán bộ phù hợp để thực hiện tiếp công dân và giải đáp thắc mắc trong ngày tiếp công dân định kỳ.

 

3. Vai trò của tiếp công dân

Tiếp công dân có vai trò hướng dẫn và giải đáp cho các vấn đề của nhân dân:

Tiếp công dân hướng dẫn công dân thực hiện các quyền của mình: quyền khiếu tại, tố cáo, khởi kiện... theo quy định của pháp luật

Không phải người dân nào cũng nắm rõ các thủ tục, quy định của pháp luật trong các vấn đề trên cho nên việc tiếp công dân như đóng vai trò giải thích, đưa ra các quy định pháp luật và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục, quy trình theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp công dân lắng nghe các phản ánh, khiếu nại của người dân để kịp thời bảo vệ quyền lợi của họ. Ví dụ: Một người bị cơ quan nhà nước xử phạt sai (sai thẩm quyền, sai hình phạt, sai thủ tục...) thì có thể đến cơ quan đó để khiếu nại hành vi của người đã xử phạt sai, từ đó mới bảo vệ được quyền lợi của mình qua đó cũng giúp các cơ quan này chỉnh đốn hành vi của các cán bộ, công chức trong cơ quan.

 

4. Nguyên tắc tiếp công dân

– Địa điểm thực hiện tiếp công dân: Phòng hoặc trụ sở nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

– Thực hiện tiếp công dân một cách công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; nhưng phải đảm bảo giữ bí mật và an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

Đối với người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo trừ khi người đó đồng ý công khai; và không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo. Nếu xét thấy cần phải đảm bảo an toàn cho người tố cáo và người thân thích của họ, người tiếp công dân có trách nhiệm trực tiếp áp dụng những biện pháp cần thiết hoặc kiến nghị áp dụng những biện pháp cần thiết một cách nhanh chóng và kịp thời.

– Có thái độ tôn trọng và tạo điều kiện để công dân thuận lợi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

 

5. Các hành vi bị nghiêm cấm

Trong hoạt động tiếp công dân, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm thực hiện:

– Sách nhiễu, sinh chuyện đòi tiền hoặc các hành động khác nhằm gây phiền hà, cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

– Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.

– Có hành vi phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

– Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng hoặc nhằm xuyên tạc thông tin, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

– Có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.

– Thực hiện kích động, cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân nhằm mục đích xấu.

– Các hành vi khác vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân.

 

6. Trách nhiệm của người tiếp công dân khi thực hiện hoạt động tiếp công dân

– Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải thực hiện đúng quy định về tác phong, trang phục theo quy định tại cơ quan làm việc như: trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu (nếu có),…..

– Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ thông tin nhân thân gồm: họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có). Đồng thời chỉ tiếp nhận giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản; và hướng dẫn công dân cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

– Giữ thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

– Hướng dẫn và giải thích cho công dân thực hiện chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không đúng với thẩm quyền giải quyết của cơ quan thì phải hướng dẫn họ đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

– Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền để xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; sau khi có kết quả thì thực hiện thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.

– Khi công dân có hành vi vi phạm nội quy nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân có trách nhiệm yêu cầu người đó chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu xét thấy cần thiết thì lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

 

7. Thủ tục tiếp công dân

Bước 1: Công dân có nhu cầu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mang theo các giấy tờ nhân thân và hồ sơ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (nếu có) đến nơi tiếp công dân.

Bước 2: Người tiếp công dân đón tiếp, xác định nhân thân của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền theo quy định của pháp luật (Điều 5 - Điều 8, Điều 17, Điều 28 Thông tư 06/2014/TT-TTCP); người tiếp công dân tiếp nhận thông tin, tài liệu do công dân trình bày, cung cấp và phải viết, giao giấy biên nhận các tài liệu đã tiếp nhận cho công dân.

- Khi người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân cần xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của công dân để xử lý cho phù hợp.

- Nếu nội dung đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị công dân viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu.

- Trường hợp không có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn theo quy định của pháp luật…

Bước 3: Phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân:

- Người tiếp công dân thực hiện việc phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo; phân loại, chuyển nội dung phản ánh, kiến nghị đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.

Bước 4: Thông báo kết quả xử lý:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây:

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết;

- Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý;

Ngoài ra, nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6162 để được giải đáp thêm. Trân trọng./